Thứ Ba, 5 tháng 7, 2016

Khiêm nhường là sống thật với chính mình

Có lẽ điều khó nhất trên trần gian này không phải vượt trùng dương xa tít hay bay lên những nơi xa xôi trên bầu trời, càng không phải là thực hiện việc phi thường, mà là sống thật với chính mình. Sống khiêm nhường và sống thật với con người của mình trước những khuyết điểm, những thách đố của cuộc sống hẳn là điều không dễ. Nó như là một hành trình dài, đầy những cam go và nghịch lý, nó đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi người.
  1. Khiêm nhường để nhận biết chính mình
Trong xã hội công nghệ thông tin, khoa học phát triển, chúng ta biết rất nhiều, từ những gì to nhất như là dải ngân hà hay là vũ trụ, rồi đến những gì là nhỏ nhất như những vi khẩn, vi rút. Nhưng trong thực tế, có cái chúng ta chẳng biết được hay nói thoáng hơn là biết rất ít đó chính là biết về chính mình. Có thể nói mỗi người như là những ẩn số, là tảng băng ngầm, là bức tranh tối – sáng … Thật chẳng dễ chút nào để nhận ra mình ra sao và mình như thế nào.
Như đã nói, biết mình là một hành trình dài vô tận, nó chỉ dừng lại khi chúng ta tắt hơi thở cuối cùng. Và điều đau đớn hơn là, nhiều khi, hành trình đã tới giây phút cuối cùng mà chưa chắc chúng ta đã biết được sự thật về chính mình.
Thật vậy, chẳng ai dám tự hào nói mình đã biết hết về mình. Đối với người có tâm hướng thiện thì cách sống bé mọn, đơn sơ, dễ dàng hơn những người có tâm tự mãn, tự cao. Chính lớp màng kiêu ngạo đã che lấp cái tôi chân thật của bản thân chúng ta, lúc đó chúng ta chỉ nhìn thấy trước mắt những chiếc mặt lạ được trang bị rất tinh xảo và tinh vi. Khi đó, chúng ta chỉ sống với sự mặc định là tự đánh lừa chính mình cũng như đánh lừa người khác.
Có thể trong cuộc đời ít nhiều “những mặt nạ chúng ta mang thường không phản ảnh đúng con người thực của chúng ta. Nhưng vì chúng ta sợ sự thực về chính mình nên chúng ta sử dụng để che dấu” (Earnest L. Tan, Sống hết mình , tr. 57). Điều tất yếu là khi các lớp mặt lạ bị bóc ra, lúc đó ta phải đối diện với sự thật, với cuộc sống mới. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có sức mạnh và sự dũng cảm để có thể đối diện với nó và phải biết chấp nhân nó cách lạc quan. Vị vậy, để sống thật với chính mình, để thanh thản sống cuộc sống bình an hạnh phúc, chúng ta phải biết trở về với tinh thần của trẻ thơ, sống hết mình với thực tại, không che dấu sự đơn sơ và chân thành của mình cùng với những cảm xúc mình có.
Có thể nói cuộc sống này có muôn vàn sự kỳ diệu và đầy dẫy hạnh phúc, tội gì chúng ta lại đem những sự tốt đẹp của mình nhốt vào trong một cái khuôn của sự đau khổ và bất an. Hãy khiêm nhường một chút chúng ta sẽ thấy được rằng: nơi chân trời mới có sự tự do và trưởng thành.
  1. Khiêm nhường là sống dễ thương với những khuyết điểm của mình
Nếu con biết rõ con, con sẽ tức cười khi nghe tung hô con” (Đường Hy Vọng, tr. 507). Để biết thật về mình và để sống dễ thương với  những khuyết điểm của mình thì điều kiện trên hết và trước hết là chúng ta phải biết khiêm nhường thật sự, khiêm nhường để biết rằng mọi sự chúng ta có đều là do Thiên Chúa ban, để rồi chúng ta dâng tất cả lên cho Ngài.
Tuy nhiên, “thử thách cay đắng nhất là chấp nhận giới hạn của mình” (ĐHV 520). Nhưng với người sống khiêm nhường thì đó lại trở thành niềm vui và là động lực để họ vươn lên. Vì “khiêm nhường như hạ mình sát đất, không còn ngã xúng đâu nữa.” (ĐHV 517). Khi đó, chúng ta dễ dàng đón nhận chính mình, không nề hà, thoái thác trách nhiệm, dám đối diện với các biến cố cách bình tĩnh và tự do. Khiêm nhường không có nghĩa là chúng ta nhu nhược, yếu đuối ủy mị, sống dựa dẫm, nhưng là can đảm đón nhận mọi nghịch cảnh.
Mặt khác, khiêm nhường còn là dấu chỉ đánh giá chính xác sự cao thượng của tâm hồn, sự trưởng thành của đời sống nhân bản lẫn đời sống tâm linh. Nơi người có lòng khiêm nhường thì luôn toát ra một hương thơm dịu ngọt, đầy quyễn rũ của sự thánh thiện và tình thương của Đức Kitô. Họ không tìm tư lợi cho riêng mình, không lo che dấu những giời hạn của mình, nhưng lại làm cho những khuyết điểm đó trở nên thánh thiện, hiền hòa và mặc cho nó một giá trị thiêng liêng hơn.
Vì vậy, trong đời sống, nhất là đời sống dâng hiến, thì tâm hồn khiêm nhường là điều rất cần thiết và chính yếu. Khiêm nhường như chiếc khăn lau, lau đi những lớp nhơ của mặt lạ, của sự tự cao tự đại. Mặt khác, khiêm nhường còn là sợi chỉ liên kết, là chất keo dính nối kết các thành viên lại với nhau. Chính Chúa Giêsu cũng không ngừng mời gọi con người, nhất là những môn đệ theo Chúa, rằng: “Hãy học cùng ta vì ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường trong lòng” (Mt11,24).
Maria Đinh Thị Ngọc (HVTM)

Không có nhận xét nào:

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...