Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

CẦU NGUYỆN VỚI CON CÁI

Bạn có cầu nguyện chung với con cái? Có thường xuyên? Tại sao có, tại sao không? Cầu nguyện còn hơn là một hoạt động ngoại khóa. Thực phẩm dinh dưỡng, ngủ nghỉ và không khí trong lành cần thiết cho sự phát triển thể lý của con cái, cầu nguyện cần thiết cho sự phát triển của linh hồn lành mạnh.

Có nhiều cách để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện của con cái. Đây là 7 gợi ý:

Nói Về Thiên Chúa Bằng Cách Tích Cực. Mary Wurster, người mẹ có 4 con ở Vịnh Granite, California, cho rằng nên đưa Chúa Giêsu vào những câu chuyện hàng ngày. Chẳng hạn, cha/mẹ có thể hỏi con cái: “Con có biết Chúa Giêsu cũng có cha mẹ như con?”. Theo chị, hầu hết trẻ em dễ hiểu nhất về Chúa Giêsu so với khái niệm về Thiên Chúa.
Khởi Đầu Đơn Giản. Anh Bart Tesoriero ở Phoenix, cha của 4 đứa con từ 9 tới 16 tuổi, đưa ra lời khuyên: “Đừng cố gắng đọc hết cả chuỗi Mân Côi chung với trẻ hoặc bắt chúng chầu Thánh Thể cả giờ. Tùy theo độ tuổi và hãy cầu nguyện đơn giản”. Cứ dần dần cho chúng làm quen từ một kinh Kính Mừng tới một chục kinh Mân Côi mỗi tối. Vô tri bất mộ. Chưa quen biết nên không thể bắt chúng như người lớn.
Sử Dụng Ngũ Quan. Người Công giáo thích cầu nguyện bằng cách dùng các “đồ nhà đạo” (sacramentals) – như nến, nước phép, hình ảnh Chúa hoặc Đức Mẹ hoặc các thánh, và thánh ca. Chị Lita Friesen ở Minneapolis, mẹ của 2 đứa con, nói rằng dùng phương pháp thực hành (hands-on approach) rất quan trọng. Chị và chồng, anh Mickey, có nhiều hoạt động cầu nguyện theo mùa trong gia đình. Mỗi tối mùa Vọng, khi các con đã thay đồ ngủ, họ thắp nến rồi ngồi bên nhau cùng nghe bài “Đêm Thánh Vô Cùng”. Thật lòng mà nói, cha mẹ đôi khi cũng ngại đọc kinh chứ nói chi trẻ em! Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, họ rửa chân cho nhau, rửa chân cho chó luôn. Mùa Thu, họ viết những mơ ước cho tương lai trên lá cây, rồi chôn xuống đất, và trồng những loại cây sẽ nở hoa vào mùa xuân.
Tạo Thói Quen Cầu Nguyện. Giờ ăn và giờ đi ngủ có vẻ là thời gian tốt nhất để gia đình cùng cầu nguyện với nhau. Chị Wurster kể rằng chị hát một bài thánh ca quen thuộc cho con nghe trước khi đặt con vào nôi. Điều này làm cho giờ ngủ trở thành thời gian tự nhiên để cầu nguyện khi các con lớn khôn.
Cứ Để Con Cái Ngọ Nguậy. Dù bạn dạy con cái có thái độ đúng đắn khi cầu nguyện, nhưng cũng nên nhớ rằng chúng còn nhỏ và đang học hỏi. Theo anh Tesoriero, cứ để chúng ngọ nguậy, thậm chí chúng có thể nằm xuống và cầu nguyện, chúng sẽ khó chịu khi phải quỳ gối hoặc ngồi nghiêm trang khi cầu nguyện – nhất là khi chúng còn tuổi nhi đồng.
Cứ để trẻ ngọ nguậy còn giúp trẻ tăng tính sáng tạo. Một hôm, anh Mickey Friesen bước vào phòng và thấy con gái Chloe đang múa. Anh hỏi sao lại múa, nó vui vẻ trả lời rất vô tư: “Đó là cách con cầu nguyện!”. Đúng vậy, Chloe vừa múa vừa hát cho Chúa thưởng thức mà!

Tận Dụng Mọi Khoảnh Khắc Để Cầu Nguyện. Các bậc cha mẹ khuyến khích con cái cầu nguyện bất kỳ lúc nào đó trong ngày. Chị Wurster nói đến việc cầu nguyện ngắn gọn cùng nhau khi gia đình nghe thấy tiếng xe cứu thương, hoặc cầu nguyện cho một đứa bé hoảng sợ, như vậy trẻ sẽ nhận ra rằng Chúa Giêsu ở với chúng khi cha mẹ vắng mặt. Đi đường, thấy có đám tang hoặc tai nạn, hãy dạy trẻ biết cầu nguyện cho những người gặp chuyện không may đó.
Anh Mickey Friesen nói rằng cha mẹ có thể nói lớn tiếng để con cái nghe khi cùng con cái ở ngoài trời: “Hôm nay trời đẹp quá! Tạ ơn Chúa!”. Khi buồn cũng cầu nguyện, chẳng hạn khi viếng mộ hoặc viếng hài cốt, khi xem cảnh thiên tai hoặc tai nạn trên ti-vi, thậm chí khi phát hiện một con thỏ chết phía sau nhà. Điều này giúp trẻ nhận ra Thiên Chúa ở với chúng ngay cả lúc khó khăn hoặc buồn chán nhất.

Tập Sống Im Lặng và Cô Tịch. Cha Mẹ đồng ý rằng con cái cần một chút im lặng và cô tịch để khả dĩ phát triển tâm linh. Điều này không dễ để nuôi dưỡng trong một nền văn hóa coi trọng các hoạt động ồn ào và cấp thời. Ngoài ra còn có mối quan ngại rằng con cái có thể lẫn lộn giữa sự im lặng lành mạnh với cách thỏa hiệp im lặng hoặc bị phạt phải im lặng.
Cha Mẹ nói tắt ti-vi, thắp nến, nghe nhạc nhẹ, hoặc đọc sách đạo đức (gọi là đọc sách thiêng liêng) cùng nhau là cách phát triển kỹ năng sống cô tịch. Chị Wurster nói rằng giữ một không gian im lặng trong nhà dành cho việc cầu nguyện là một cách để phân biệt hai nơi tách biệt.

Hãy cầu nguyện riêng. Anh Tesoriero nói: “Cũng như các thánh tông đồ thấy Chúa Giêsu cầu nguyện, con cái chúng ta cũng noi gương chúng ta. Hãy cầu nguyện thật lòng chứ đừng cầu nguyện để được chú ý”. Khi con cái thấy cha mẹ đi lễ, đọc Kinh thánh, hoặc xin Chúa tha thứ, tự nhiên chúng cũng sẽ bị thu hút và thích cầu nguyện riêng.

BÀN TAY CẦU NGUYỆN:

Ngón Cái gần bạn nhất. Hãy cầu xin những điều gần gũi nhất với bạn. Đó là những điều dễ nhớ nhất. Hãy cầu nguyện cho những người thân yêu, như C. S. Lewis gọi đó là “nhiệm vụ ngọt ngào”.
Kế đó là Ngón Trỏ. Hãy cầu nguyện cho những người dạy dỗ mình, hướng dẫn mình, và chữa lành mình (cả thể lý và tinh thần). Đó là các thầy cô giáo, các giáo lý viên, các bác sĩ, các ca trưởng, các huynh trưởng, các vị hướng dẫn tinh thần,… Họ cần sự hỗ trợ và khôn ngoan để “chỉ” cho người khác đi đúng hướng. Hãy nhớ cầu nguyện cho họ.
Ngón Giữa là ngón cao nhất. Nó nhắc chúng ta nhớ đến các nhà lãnh đạo. Hãy cầu nguyện cho tổng thống, giám đốc, nhà quản lý,… Những người này hình thành quốc gia và hướng dẫn nhân dân. Họ rất cần được Chúa hướng dẫn.
Ngón kế tiếp là Ngón Đeo Nhẫn. Rất lạ vì đây là ngón yếu nhất. Giáo viên dương cầm luôn kiểm tra cách đánh đàn của ngón này. Nó nhắc chúng ta phải cầu nguyện cho những người yếu đuối, gặp khốn khó, hoặc bệnh tật. Họ cần chúng ta cầu nguyện cả ngày lẫn đêm.
Cuối cùng là Ngón Ut, ngón nhỏ nhất trong các ngón. Đây là nơi chúng ta cần đặt mình vào mối quan hệ với Thiên Chúa và tha nhân. Kinh thánh nói: “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót” (Mt 20:16). Ngón út nhắc chúng ta cầu nguyện cho chính mình. Khi đã cầu nguyện cho 4 nhóm người khác, lời cầu dành cho mình sẽ hiệu lực hơn.
Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu nói: “Dù nhặt một cây kim cũng có thể cứu một linh hồn”. Nghĩa là dù làm gì, ngay cả những việc nhỏ mọn nhất, nếu vì yêu mến Chúa và cứu các linh hồn thì việc làm ấy trở nên công trạng trước mặt Chúa vậy. Quả thật, lời cầu nguyện là sự yếu đuối của Thiên Chúa nhưng là sức mạnh của chúng ta, do chúng ta thành tâm cầu nguyện mà Thiên Chúa “mềm lòng”, vì Ngài luôn hết lòng yêu thương chúng ta!

JULIE MCCARTY
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicDigest.com)

RELATED POSTS

Chay Tịnh

THẾ NÀO LÀ CHAY TỊNH?

Ngôn ngữ thông thường gọi là ăn chay, có nghĩa là kiêng ăn, bớt ăn hoặc nhịn ăn theo như chủ trương của tín ngưỡng, giáo thuyết, tôn giáo hay cá nhân đề ra theo một mẫu mực nào đó. Tuy cách thức khác nhau, nhưng ăn chay là điều tất yếu của bất cứ một tôn giáo nào, và ngay cả những lý thuyết về tu thân cũng rất đề cao việc ăn chay, không kể những trào lưu ngày nay người ta ăn chay là vì sắc đẹp, vì sức khỏe.

Đạo Phật ăn chay là để tránh sát sinh, cũng là để tỏ lòng từ bi đại lượng với mọi sinh vật. Đạo Công Giáo ăn chay bằng cách tiết thực để nhắc nhở sự sám hối, sự hy sinh bác ái và hãm dẹp những dục vọng nơi con người. Cũng có nhiều tín ngưỡng và tôn giáo xưa nay có những mục đích tốt lành như vậy. Ăn chay đã có từ ngàn xưa, nhưng nó có nguy cơ trở thành một ý niệm cố hữu và xơ cứng nơi con người ngày nay. Dường như người ta  giữ chay hoàn toàn theo một hình thức nào đó thật máy móc, nó không còn ý nghĩa, mang đến một giá trị tốt lành, không giúp ích thực sự cho việc thực hành tâm linh nữa. Vì vậy việc ăn chay đã trở nên một hình thức nô lệ, như một chuyện “làm dáng” trong việc giữ đạo, đôi khi nó như một chuyện “xa sỉ” của thời đại..

Ngày nay dùng từ chay tịnh là có ý nghĩa hơn cả, vì nó diễn tả được hết cái đặc tính của việc giữ chay. Trong khi ăn chay điều cốt yếu không thể thiếu là phải có cái Tâm Tịnh, nếu tâm không tịnh thì mới chỉ có xác chứ chưa có hồn, có hình thức mà không có nội dung, nghĩa là việc ăn chay trở thành khấp khểnh, vô hiệu. Đây là một vấn nạn tạo nên sự vấp ngã cho nhiều người, do con người ngày nay hầu như bất lực trước cái Tâm luôn bị động, khó có thể tìm cho mình được những giây phút tĩnh lặng trong tâm hồn. Từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ, con người hầu như hoàn toàn bị cuốn hút vào mọi công việc, mọi lo toan,  mọi áp lực, và mọi cám dỗ trong cuộc sống (Tâm viên ý mã). Vì vậy việc chay tịnh là cực kỳ khó khăn cho con người ngày nay. Bản tính con người dễ thiên về hai khuynh hướng, qúa câu nệ vào hình thức hoặc chỉ chú trọng đến nội dung, như trong việc ăn chay cũng vậy, hình thức và nội dung thường không tương đồng với nhau, cho nên thường chẳng gặt hái được kết quả gì sau những lần ăn chay.

Thực tâm mà nhìn nhận thì bản thân việc chay tịnh là rất khó, vì nó trái với bản tính tự nhiên của con người, nó đòi hỏi một sự từ bỏ khá triệt để. Chay tịnh chống lại sự đòi hỏi theo như bản năng của con người, nhất là bản năng hướng hạ. Một mặt nó không cho phép con người hưởng thụ theo như nhu cầu tự nhiên đòi hỏi, mà việc ăn uống là cơ bản, mạnh mẽ và điển hình nhất ; mặt khác nó bắt người chay tịnh phải biết hãm dẹp mọi dục vọng nơi bản thân, là nguồn của mọi xáo trộn, để tạo trong tâm hồn một sự tĩnh lặng cần thiết. Chính vì vậy, ai biết ăn chay và quen chay tịnh, người đó sẽ có một tinh thần mạnh mẽ, họ dễ dàng chiến thắng bản thân, có một nội lực mạnh mẽ, tạo nơi con người một thế quân bình cả về tâm lẫn thể lý.

Chay tịnh không thể thiếu trên con đường tu đức, nhất là muốn tiến tới sự trọn lành. Nó cũng là phương cách tích cực và hữu hiệu nhất để triệt hạ thói hư tật xấu, triệt tiêu những xu hướng và bản năng hướng hạ nơi con người. Nhờ vậy nó tạo trong tâm hồn con người một sự bằng an, một sự quân bình, một cái Tâm sáng mà chân lý có thể soi rọi vào dễ dàng. Nhưng ngày nay người ta rất coi thuờng việc chay tịnh, họ coi nó như một thứ “xa sỉ phẩm”, nếu có chỉ để trang trí mà thôi, thậm chí có những người đạo đức cũng coi thường nó, họ biện minh rằng: tinh thần là quan trọng, ý hướng là quan trọng, sức khoẻ là quan trọng, ngày nay dùng phương pháp tu đức khác v.v… Vì vậy thân xác và linh hồn họ luôn bị chao động, mỗi ngày lại yếu đuối và nặng nề thêm, ngay cả những điều nhỏ mọn họ cũng không thể tự chế hay tự chủ được, nói gì đến những việc bác ái hy sinh đòi sự can đảm kiên cường.

TẠI SAO PHẢI CHAY TỊNH ?

Các vị “đạo cao đức trọng”, nhất là các thánh nhân, việc chay tịnh là điều tất nhiên chẳng cần phải bàn luận. Cuộc đời của các vị được gắn liền với việc ăn chay như là thuốc uống chữa bệnh tinh thần, như là nước uống tạo chất sống cho cơ thể, như thánh Gioan Viannây xứ Ars là tiêu biểu nhất, mỗi ngày ngài chỉ ăn một củ khoai để giữ chay tịnh.

Theo như Đức Tin Kitô giáo, từ khi con người sa ngã, tâm trí con người trở nên hèn yếu, mê muội, lầm lạc. Sự sa ngã đó khiến tâm hồn con người bị đắm chìm trong những dục vọng thấp hèn, cho nên bất cứ tư tưởng, ý hướng và hành động nào của con người cũng bị dục vọng chi phối, thậm chí cả những ý hướng tốt, nhiều khi bề ngoài có vẻ rất cao đẹp, nhưng lại do động cơ tham vọng, ích kỷ hay do mặc cảm nào đó dẫn dắt. Trong những tổ chức xã hội, trong văn hoá, giáo dục, đều vướng mắc đầy dẫy sự khiếm khuyết và sai lạc, cũng như  trong ý niệm, trong sự nhận thức của mỗi người, đều chất chứa nhiều u mê nhầm lẫn. Cứ thế, lầm lẫn và sai lạc tích lũy và chồng chất lên nhau từ người này đến người kia, từ tổ chức này tới tổ chức khác, từ thế hệ này sang thế hệ nọ. Điều này triết lý nhà Phật gọi là sự “vô minh bẩm sinh” và “vô minh văn hoá” . Như Đức Kitô, Người từ Trời xuống thế để mạc khải chân lý Nước Trời cho nhân loại, nhưng để hiểu và nhất là để sống với chân lý đó thì không phải là khơi khơi mà có được. Điều kiện trong một trật tự của quy luật là phải nhận ra chính mình, đồng thời cũng phải nhận ra Thiên Chúa. Muốn được như thế là phải biết từ bỏ, biết rũ bỏ những dục vọng mà con người đang đắm chìm trong đó. Từ bỏ hay rũ bỏ là gì, đó chính là chay tịnh, là hãm dẹp, là cắt đứt với mọi khuynh hướng, đam mê vật dục, đam mê với cái tôi kiêu ngạo, tham lam, ích kỷ, chia rẽ, hận thù, ghét ghen…

TẠI SAO CHAY TỊNH TÌM ĐƯỢC BÌNH AN VÀ TRỞ NÊN SÁNG SUỐT ?

Mục đích của chay tịnh là hãm dẹp, cắt đứt cái nguồn u mê mà gốc của nó là những dục vọng đê hèn nơi con người. Trước hết là nhịn ăn để “tuyên chiến” với nó, hạ gục hay ít ra làm cho nó yếu đi ngay từ “cơ sở nền tảng” của nó. Cần phải quyết tâm, nhưng nhẹ nhàng, uyển chuyển, đừng thổi phồng nó lên cũng như đừng coi thường thì mới có thể chiến thắng được nó. Như ai cũng biết, nhu cầu ăn uống là nhu cầu manh mẽ, thiết yếu và đầu tiên mà dục vọng con người đòi hỏi, được đáp ứng và thoả mãn nhu cầu này rồi, dục vọng mới tìm tới các nhu cầu khác. Nhưng khi ăn chay, nhu cầu ăn uống bị hạn chế, hoặc bị cắt đứt, thì tất nhiên mọi nhu cầu khác, tức là các dục vọng khác không thể có cơ hội phát triển được, nếu có thì nó rất yếu ớt. Lúc này với ý chí và ý hướng rũ bỏ, người ăn chay sẽ tìm gặp được sự tĩnh lặng trong tâm hồn, khí lực được tích lũy (tự thắng giả cường-thắng mình là mạnh), nên họ rất mạnh mẽ. Và quy trình tất yếu diễn ra là: Dục vọng không còn làm chủ được thân xác và linh hồn nữa, nên người chay tịnh sẽ tìm được sự bằng an bất tận, tâm và trí không bị dục vọng che mờ nên sẽ nhìn được chính mình (tự tri giả minh-biết mình là sáng), thấy mình hèn kém, yếu đuối, nhưng lại có một nội lực chiến thắng được những cơn cám dỗ mà bình thường con người không thắng vượt được. Đồng thời người chay tịnh cũng nhận ra chân lý rất sáng tỏ, nhìn thấy những lẽ huyền vi của Thiên Chúa và mọi quy luật trong đời sống . Mặt khác cũng hiểu đời, hiểu người nhiều hơn, nên tâm hồn phẳng lồng lộng và rất quảng bác.

Dục vọng như chiếc rọ, là sợi dây trói buộc con người làm nô lệ cho những cảm xúc thú tính của phần hạ, được mệnh danh là sự khoái lạc nhưng dẫn đến sự dữ, sự xáo trộn và hủy diệt. Để gặp được chính mình, gặp được chân lý, gặp được chính Đức Kitô thì chỉ có con đường duy nhất là sự từ bỏ, là chiến thắng dục vọng, mà chay tịnh là phương cách cần thiết và hiệu qủa nhất mà ngày nay người ta lại muốn quên nó, đến nỗi Đức Mẹ Mễ Du phải kêu gọi con cái Mẹ cứu thế giới bằng cách ăn chay vào thứ tư và thứ sáu hàng tuần bằng bánh mì với nước lã, để thánh hoá bản thân và cầu cho hoà bình thế giới.

CHÚA GIÊSU ĂN CHAY NHƯ THẾ NÀO ?

Ngài vào hang núi để cầu nguyện, nhịn ăn hoàn toàn bốn mươi ngày đêm, nghĩa là Ngài tuyệt thực cho tới khi cảm thấy đói – “Thánh Thần dẫn Ngài vào sa mạc bốn mươi ngày, chịu ma quỉ cám dỗ… Ngài không ăn gì cả.” (Luca 4,1-2). Đây là phương pháp nhịn ăn triệt để và tích cực nhất mà nhiều người trên thế giới đã áp dụng xưa nay, như Phật Thích Ca, Ohsawa, Gandhi… Chúa Giêsu không phải chỉ làm gương cho con người, mà đối với bản thân vị Chúa-Người, Ngài cũng cần được cảm nghiệm sự cám dỗ và chay tịnh đúng mức thì mới được tiếp nạp sức mạnh Cứu Chuộc theo như trật tự trong quy luật tự nhiên và siêu nhiên của Thiên Chúa.

Trước đây trong xã hội truyền thống, con người sống gần thiên nhiên, tự cung tự cấp, nhu cầu chưa nhiều, đời sống thanh bạch, giản dị được ưa chuộng và đề cao, nên con người gần với đạo lý hơn, việc ăn chay (tiết dục) cũng là việc bình thường và nhẹ nhàng. Nhưng trong xã hội công nghiệp ngày nay, con người hướng đến sự hưởng thụ tối đa, ham chuộng thực phẩm công nghiệp, ưa ăn thịt động vật, tìm những mùi vị kích thích trong ăn uống, từ đó tính khí trở nên hung hăng, nên bị nô lệ và yếu đuối, dục vọng được phát triển tối đa, cho nên việc chay tịnh là cực kỳ khó khăn, hậu qủa là bệnh tật và tha hoá về tinh thần rất trầm trọng. Nhưng dường như con người lại hãnh diện về điều đó.

Tiếc rằng ngày nay không có ai bắt chước ăn chay (tuyệt thực) như Chúa Giêsu, nếu có người nhịn ăn chẳng qua là để chữa bệnh, hoặc tuyệt thực là để lấy tiếng – háo danh. Chay tịnh như Chúa Giêsu cũng không được ai biết đến, mà ngay cả ý nghĩa và mục đích của ăn chay người ta cũng hiểu sai đi. Chay tịnh đã lỗi thời rồi sao?! Hay ngày nay con người qúa yếu đuối ?!

                                                                                                                                Hàn Cư Sĩ

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Để trẻ em được Thiên Chúa chúc lành!

Trong khi rước lễ, chúng ta bắt gặp đây đó nhiều trẻ em cũng xếp hàng với cha mẹ để được cha chủ tế đặt tay chúc lành. Chúng ta nhận thấy niềm vui của các em vì chúng nhận được ơn lành của Chúa. Thiết tưởng cử chỉ đặt tay của cha chủ tế là khoảnh khắc thật đẹp dành cho thời ấu thơ của các em. Ý thức được tầm quan trọng của nghi thức này, nhiều cha xứ và cha mẹ khuyết khích các em cùng lên đón nhận niềm vui chúc phúc của Chúa ngang qua bàn tay vị linh mục.

Chúng ta tin rằng chính khi các em tham dự thánh lễ cũng là môi trường tốt để đức tin của con em chúng ta được lớn lên. Đặc biệt khi các em được tham dự nghi thức đặt tay chúc lành của cha xứ, chúng cảm nhận được ơn lành của Chúa. Qua đó, chúng ta hy vọng các em có cơ hội cảm nhận sự dịu hiền ân cần của cha xứ, của một Thiên Chúa thật gần gũi sống động biết bao.

Hơn nữa, khi trẻ em được tham dự thánh lễ, được đặt tay chúc lành, chúng từ từ nhận thấy mình đang thuộc về Cộng đoàn. Chúa cũng dành thời gian đặc biệt để các em cảm nhận sự hiện diện của Chúa trong cử chỉ đặt tay của cha chủ tế. Đó là thời gian ý nghĩa và quý báu dành cho các em. Rồi từng ngày, chúng ta tin rằng các em cảm nhận được Thiên Chúa luôn chăm sóc yêu chúng với nhiều ơn lành.

 Là trẻ nhỏ, có khi chúng gây ồn ào chia trí, nhưng điều ấy không quá quan trọng nếu mỗi người nhận ra Thiên Chúa luôn chào đón trẻ em. Chúa thích nhìn chúng hồn nhiên vui đùa nơi khuôn viên nhà thờ; Ngài thích chúng tập tành thờ phượng Thiên Chúa trong thánh lễ. Thi thoảng chúng khóc lóc, nghịch ngợm, chúng ta nhẫn nại chỉnh sửa bảo ban. Chính Thiên Chúa không trách chúng, chẳng lẽ chúng ta lại càm ràm chúng sao!? Bằng những chỉ dạy nhẹ nhàng, với nhiều quan tâm của cha xứ, cộng đoàn và cha mẹ dành cho trẻ nhỏ, hẳn là Thiên Chúa vui mừng được thấy thật nhiều trẻ thơ hiện diện trong thánh đường.

"Hãy để trẻ em đến với Thầy”. Đó là lời mời gọi dành cho cha xứ, cho cộng đoàn và cho cha mẹ của các em. Ước sao nhiều cha xứ, cộng đoàn và cha mẹ khuyết khích, đưa các em đến nhà thờ, dự thánh lễ và để chúng được chúc lành. Bởi trẻ nhỏ luôn là niềm vui cho cộng đoàn, là tương lai của hội thánh và là hạnh phúc của những bậc làm cha mẹ. Hạnh phúc hơn, khi chính Thiên Chúa muốn đặt tay chúc lành cho chúng. Bởi thế không thể vì lý do nào đó lại không cho các em cơ hội nhận ơn lành của Chúa trong cử chỉ đặt tay.

Tiếc là nhiều nhà thờ do thiếu nhi quá đông, nên nhiều em nhỏ không được lên nhận sự chúc lành của cha chủ tế. Hoặc chúng ta chưa quen đưa trẻ em lên để nhận phép lành trong nghi thức đặt tay. Hay vì lý do nào đó mà trẻ thơ không được phép lên nhận sự chúc lành của linh mục trong khi rước lễ. Nếu vậy, sau thánh lễ cha chủ tế cũng có thể đặt tay chúc lành cho các em mà. Khi đặt tay, vị linh mục thay mặt Chúa chúc phúc cho các em. Ngài mong cho các em được nhiều hồng ân trong cuộc sống. Và dĩ nhiên các em cần thật nhiều ơn đó. Bởi thế, mong sao nhiều giáo xứ nhân rộng nghi thức này để tất cả các em nhận được niềm vui trong cử chỉ đặt tay chúc lành.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

Nhìn chiếc Nhẫn, nghĩ về chữ Nhẫn, thấy sức mạnh của Kiên Nhẫn

Đau khổ tựa cái gai trong mắt nhiều người. Có người quay quắt với nó mà không có đường thoát. Có người phủ nhận nó bằng những lớp vỏ bọc. Có người bỏ lơ và mặc kệ để bị cuốn theo chiều gió. Có người thấy mất công sức và thời giờ để nghĩ về nó. Cứ thế, cái khổ kéo dài và dai tùy mỗi người. Tạm gác lại những gì người ta nói, tôi trở về thực tế nơi bản thân mình, nơi những người thân quen xung quanh, để thấy khổ đau nằm ở đâu và xâu xé tôi cách nào?

Khổ đau có tên gọi cụ thể

Ví như, khi bị buốt răng, tôi cảm thấy đau đớn. Cái đau này thậm chí còn đau hơn nỗi đau khi nghe tin một người trong làng qua đời. Bạn thấy so sánh của tôi quá vụng về và có phần thiếu tình người, nhưng đó là những gì thực tế đang diễn ra. Bạn đã từng nghe và có thể thấy tận mắt một số học sinh sinh viên có thể tự tử hoặc bán thân, chỉ vì những lý do nào đó liên quan đến điểm số học tập hoặc vài kỳ thi. Bạn cũng từng biết người ta bỏ ra bao nhiêu tiền bạc và dùng mọi mánh khóe để lo lót có được một chức vị mà sự thực chẳng là cái quái gì!!!

Thế đấy! Nỗi khổ của bản thân thường được thổi phồng quá đáng và bản thân thường quá tập trung vào bản thân. Bản thân tìm mọi cách để giải quyết cho được cái khổ của mình mà nhiều khi bất chấp giá trị và tình người. Nói thế thì mạnh quá và hơi thô lỗ, nhưng thực tế chua chát là vậy.

Điểm yếu ấy, ai cũng có, chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn lớn nhỏ. Nhưng! Chẳng lẽ cứ thích vạch áo cho người xem lưng. Không hẳn thế! Cần nhìn nhận những gì thực tế đang diễn ra nơi bản thân và nơi tha nhân. Chấp nhận mà không chối quanh, thừa nhận mà không biện minh. Đây là bước cần thiết và quan trọng. Để thấy rằng, không chỉ mình khổ, mà còn có người khác khổ. Để thấy rằng, bản thân mình nhiều khi cũng là nguyên nhân gây đau khổ cho người và cho đời.

Đời không chỉ là khổ

Khi nhận thấy và thừa nhận nỗi khổ, người ta lại dễ cho rằng, tất cả chỉ toàn là khổ đau. Có người nhìn thực tế theo cách ấy. Đó là lối nhìn chính xác, nhưng chỉ chính xác theo một lối tiếp cận. Vẫn còn đó niềm vui, niềm hy vọng, tình yêu mến, sự sẻ chia, niềm tin, tình người và bao điều tốt đẹp. Có lẽ những điều này quá bé nhỏ! Nhỏ bé nhưng luôn có, luôn hiện diện và đầy sức sống.

Một ánh mắt đơn sơ và nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ trên đường phố. Vài tia nắng ban mai khẽ lách qua làn sương sớm. Một tiếng chào thì thầm và đôn hậu của cụ già. Một làn gió mát thoảng qua trước mặt. Một cái nháy mắt của đứa bạn thân. Một điệu cười sảng khoái của người anh. Một tô canh mới nấu của người mẹ. Bàn cái bắt tay thô rám chắc nịch của cha…

Nét đẹp của đợi chờ

Có một nét đẹp mà người ta ngày càng quên lãng. Nét đẹp của đợi chờ, của kiên nhẫn, của thời gian. Ngày xưa, những lá thư phương xa, có thể mất đến mấy tháng trời mới có thể đến nơi. Người ta có đủ giờ để suy đi nghĩ lại, để vun đắp tâm tư tình cảm, để diễn tả tâm hồn. Dần dần, thời gian đợi chờ rút ngắn lại vài tuần, rồi vài ngày, vài giờ. Cho đến bây giờ, với internet, sự đợi chờ thường chỉ trong giây lát. Con người sáng tạo ra công nghệ để phục vụ con người, và ngược lại, con người ngày càng để cho những công nghệ ấy mã hóa và khóa lấy con người.

Độ nhanh nhạy và chính xác là điều đáng mừng. Nhưng đừng quên một điều rất căn bản. Chiếc xe đua càng nhanh càng mạnh thì lại cần bộ phanh bộ thắng phải càng tốt. Nếu không, hậu quả mọi người đã rõ. Nếu thế, càng trong thời đại kỹ thuật số và nhanh nhạy, người ta càng cần sự kiên nhẫn hơn bao giờ hết. Người mẫu càng đẹp thì lại càng phải kiêng khem đủ điều. Vận động viên càng xuất sắc thì lại càng cần khổ công luyện tập. Người tu hành cũng thế, chẳng phải cứ sống thoải mái theo sở thích, rồi tự nhiên thành bậc chân tu.

Sức mạnh của kiên nhẫn

Với lòng kiên nhẫn đợi chờ, người mẹ đã sinh cho đời người con. Thời gian dường như dài vô tận với những người chỉ biết quy đổi thời gian thành tiền bạc. Nào là 9 tháng cưu mang, nào là 3 năm chăm bẵm từng li từng tí, nào là cả 5 năm 6 năm bé cứ lẽo đẽo theo mẹ. Rồi cả một quãng đường mười mấy hai chục ba chục năm nuôi con lớn khôn. Người cha cũng vun đắp cho con nhiều như thế với tình cha. Ngày nay hình ảnh đẹp của cha mẹ dần phai mờ, hình ảnh đẹp của vợ chồng dần mờ phai, hình ảnh đẹp của anh chị em trong cùng một mái nhà dần trở thành xa lạ. Người ta thích nhanh, nhưng nhanh một hồi, người ta không còn phương hướng, không biết về đâu, không thấy ý nghĩa.

Lời thề ước của đời hôn nhân dần dần giống như kiểu một hợp đồng làm ăn giữa lợi ích của các bên. Đời tu cũng được nhiều người nhìn dưới lăng kính của một nghề nghiệp nào đấy để thăng tiến bản thân, chứ không còn nét đẹp của ơn Chúa gọi, của đời tận hiến. Nghề nghiệp dần dần cũng mất đi hai chữ yêu nghề, mà chỉ còn là bước đệm để đạt được các mục tiêu tài chính hoặc danh tiếng.

Tập luyện…!

Tập kiên nhẫn, tập chịu đựng, tập sống thiện, không phải vì sợ hãi cũng không phải kiểu cơ hội. Nếu bạn chưa muốn, điều ấy cũng dễ hiểu, vì tôi cũng chưa muốn. Nhưng bạn có dám nghĩ tới một điều, đó là dám ước làm điều mình không thích và cố gắng làm, chỉ biết chắc một điều, điều ấy là tốt đẹp và cần thiết. Càng giỏi kiên nhẫn, càng thành công! Thử nghĩ mà xem, một vì Thiên Chúa mà kiên nhẫn tới mức nào khi chấp nhận lớn lên từng ngày trong phận làm người, từ tuổi ấu thơ cho tới lớn khôn. Và Thầy Giêsu kiên nhẫn với các môn đệ tới cỡ nào. Từ những người rất đỗi bình thường, vậy mà Thầy huấn luyện họ thành những môn đệ trung thành và những tông đồ tuyệt vời.

Tứ Quyết SJ

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Đức Giáo hoàng xin các người trẻ buông điện thoại cầm tay khi vào bàn ăn

Trong chuyến đi thăm Đại học Rôma III, một đại học công ở Rôma, Đức Phanxicô đã khuyên các bạn trẻ ngừng nói chuyện điện thoại cầm tay khi vào bàn ăn, ngài giải thích đối thoại là thuốc giải độc cho bạo lực.
Trong bài diễn văn ứng khẩu 45 phút trước các sinh viên nhiệt thành và  chăm chú nghe ngài ở Đại học “Roma Tre”, Đức Phanxicô nói: “Khi mình ngồi vào bàn mà mình vẫn tiếp tục nói chuyện với một người khác trên điện thoại, thì đó là khởi đầu chiến tranh, vì không có đối thoại!”.
Ngài lấy làm tiếc, “bao nhiêu lần chúng ta quên chào cho đàng hoàng ở nhà, chỉ nói những lời chào bâng quơ “ciao ciao”, còn ngoài đường thì không còn lễ độ, xem “lăng nhục” với người không quen ngoài đường như một chuyện thường.
Đức Phanxicô khuyên: “Chúng ta nên hạ giọng xuống, ít nói hơn và lắng nghe nhiều hơn; đối thoại làm các tâm hồn gần nhau hơn, và đối thoại là phương thuốc để chống bạo lực”.
Ngài phát biểu tiếp: “Chúng ta cũng thấy hiện tượng này trong các kỳ tranh cử, trước khi người kia nói xong thì câu trả lời đã có!”.
Ngài nhấn mạnh: “Khi tôi không mở lòng ra với người khác, không tôn trọng người khác, không đối thoại với người khác thì chiến tranh bắt đầu”.
Theo Đức Phanxicô, đại học là nơi tiêu biểu nhất để đối thoại, “các bạn cùng đi một con đường chung, không la hét, không lăng nhục, các bạn luôn đi tìm chân, thiện, mỹ”.
Trước các sinh viên, Đức Phanxicô chỉ trích “kinh tế tuền mặt”, dựa nhiều trên các chuyển khoản mạng hơn là với các nhân viên thật. Ngài ghi nhận: “Người trẻ không thể làm việc, họ không biết làm gì, các hệ quả khủng khiếp của nạn thất nghiệp: sự tùy thuộc, tự tử, thậm chí xem hành động khủng bố là “để làm một cái gì mang ý nghĩa đến cho đời mình”.
Đức Phanxicô được các sinh viên vỗ tay và đón tiếp nồng hậu. Tháng 1 năm 2008, Đức Bênêđictô XVI đã phải hủy chuyến thăm Đại học La Sapienza ở Rôma vì có sự tranh cãi của 67 giáo sư và các nhóm nhỏ sinh viên bài giáo quyền. Sự tranh cải phát sinh từ các giáo sư phân khoa vật lý, họ cho rằng quyết định mời Giáo hoàng là “không đúng phép”  nhân danh tính cách thế tục. Gần như hầu hết tầng lớp chính trị Ý ủng hộ Đức Giáo hoàng và lên án sự “không khoan dung” của các người chống đối.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
Nguồn: Phanxico.vn

Vượt qua quá khứ, nhìn về tương lai

Đây là một câu chuyện có thật trong lịch sử. Tại một trường trung học ở Mỹ, có một lớp học nọ với 26 em học sinh cá biệt. Những em học sinh trong lớp học này đều có tiểu sử không mấy hay ho: em từng tiêm chích ma túy, em từng vào trại cải tạo, thậm chí có một học sinh nữ mà trong một năm đã phá thai tới 3 lần.
Gia đình đều chán nản và đã buông bỏ chúng, các thầy cô giáo trong trường thậm chí cũng coi chúng là đồ bỏ đi. Tưởng chừng cuộc sống đã hết hi vọng thì một ngày kia, Phila, một cô giáo mới về trường đã tình nguyện làm chủ nhiệm của những đứa trẻ hư hỏng này.
Khác với suy đoán của bọn trẻ, trong ngày đầu tiên nhận lớp, Phila đã không hề quát nạt hay ra oai với chúng. Trong chiếc đầm lụa màu xanh nhạt, mái tóc màu nâu hạt dẻ búi cao, Phila bước nhẹ lên bục giảng. Cô dịu dàng nhìn xuống lũ trẻ một lượt rồi cất tiếng với vẻ trầm ngâm:
Cô sẽ kể cho các em nghe về quá khứ của 3 người đàn ông khác nhau:
Người thứ nhất đã từng có những vụ bê bối về chính trị, rất tin vào y thuật của thầy cúng, ông ta từng có tới 2 tình nhân, hút thuốc nhiều và uống 8-10 ly rượu mạnh mỗi ngày.
Người thứ hai đã 2 lần bị đuổi việc, hôm nào cũng ngủ tới trưa mới dậy và tối nào cũng uống 1 lít rượu brandy. Ông ta từng hít thuốc phiện khi còn là sinh viên…
Người thứ ba là anh hùng chiến tranh của một đất nước. Ông ta ăn chay trường, không bao giờ hút thuốc và thỉnh thoảng mới uống rượu, có uống bia nhưng uống không nhiều. Thời thanh niên chưa từng làm gì phạm pháp và chưa từng có một vụ bê bối tình ái nào.
Cô hỏi cả lớp, trong 3 người, ai sau này sẽ có cống hiến nhiều nhất cho nhân loại?”
Những đứa trẻ đồng thanh chọn người thứ ba sau khi nghe xong câu chuyện, nhưng câu trả lời của Phila đã khiến lũ trẻ chết lặng.
“Các em thân mến! Cô biết chắc là các em sẽ chọn người thứ 3 và cho rằng chỉ ông ta mới có thể cống hiến được nhiều cho nhân loại. Nhưng các em đã sai rồi đấy. Ba người này đều là những nhân vật nổi tiếng trong thế chiến thứ II.
Người thứ nhất là Franklin Roosevelt, tuy tàn tật nhưng ý chí kiên cường. Ông ta đã đảm nhận chức vụ Tổng thống Mỹ trong bốn nhiệm kỳ liên tiếp.
Người thứ hai là Winston Churchill, vị Thủ tướng nổi tiếng và tài ba nhất trong lịch sử nước Anh.
Còn người thứ ba là Adolf Hitler, con ác quỷ phát xít Đức đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người dân vô tội”.
Những đứa trẻ như ngây người trước câu trả lời của Phila và dường như không thể tin nổi vào những gì chúng vừa nghe thấy.
“Các em có biết không, những điều mà cô vừa nói là quá khứ của họ, còn sự nghiệp sau này của họ, là những việc mà họ đã làm sau khi đã thoát ra khỏi cái quá khứ đó. Các em ạ, cuộc sống của các em chỉ mới bắt đầu. Vinh quang và tủi nhục trong quá khứ chỉ đại diện cho quá khứ, còn cái thực sự đại diện cho cuộc đời một con người chính là những việc làm ở hiện tại và tương lai. Hãy bước ra từ bóng tối của quá khứ, bắt đầu làm lại từ hôm nay, cố gắng làm những việc mà các em muốn làm, và cô tin các em sẽ trở thành những người xuất chúng…” – Phila vừa nói vừa nhìn chúng với ánh mắt đầy hi vọng.
Và bạn biết không, sau này khi trưởng thành, rất nhiều học sinh trong số họ đã trở thành những người thành đạt trong cuộc sống. Có người trở thành bác sĩ tâm lý, có người trở thành quan tòa, có người lại trở thành nhà du hành vũ trụ. Và trong số đó phải kể đến Robert Harrison, cậu học sinh thấp nhất và quậy phá nhất lớp, nay đã trở thành Giám đốc tài chính của phố Wall.
Robert Harrison – Giám đốc tài chính phố Wall. (Ảnh: internet)
Robert Harrison – Giám đốc tài chính phố Wall. (Ảnh: internet)
Suy ngẫm:
Ý nghĩa của câu chuyện ở đây là bạn hãy đừng bao giờ ngừng hi vọng, ngừng yêu thương, ngừng cố gắng bởi hôm qua chỉ là quá khứ, ngày mai là một điều bí mật, còn ngày hôm nay là một món quà. Và đó là lý do vì sao nó được gọi là “The Present” (hiện tại/món quà).
Trong cuộc đời của con người, mỗi ngày đều có thể là một sự bắt đầu mới mẻ còn những vinh quang và tủi nhục của ngày hôm qua đều chỉ là dĩ vãng. Những việc trong quá khứ nói cho người khác biết bạn đã từng là người như thế nào, nhưng chính những việc làm ở hiện tại và tương lai mới nói lên bạn là ai.
tuong-lai
Thế nên:
Đừng bao giờ hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh với người khác.
Đừng bao giờ đặt mục tiêu của mình dựa vào những gì mà người khác cho là quan trọng. Chỉ bạn mới biết được những gì tốt nhất đối với chính mình.
Đừng bao giờ để cuộc sống vuột khỏi tầm tay bằng cách sống khép mình vào trong quá khứ, hay uốn mình vào trong tương lai. Hãy sống cho hiện tại, lúc này và ở đây.
Hãy hướng về phía mặt trời và bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy bóng tối.
Và cuối cùng, hãy nhớ rằng, dù người khác có nói với bạn điều gì đi nữa, hãy tin rằng cuộc sống này là kỳ diệu và đẹp đẽ.
Phong Vân

Đổi mới

Cuộc sống của chúng ta biến hóa không ngừng, như dòng sông âm thầm tuôn chảy. Nhờ dòng chảy mà sông luôn tự làm mới mình. Cũng nhờ dòng chảy mà sông cung cấp phù sa màu mỡ, làm phong nhiêu cho lưu vực đôi bờ. Ngay trong cơ thể chúng ta, các tế bào cũng thay đổi mỗi ngày. Một nghiên cứu chuyên ngành đã đưa ra kết luận, mỗi người chúng ta rụng đi 30 ngàn đến 40 ngàn tế bào da chết mỗi giờ, vị chi là khoảng 960 ngàn tế bào da chết mỗi ngày, và một năm mỗi người thải ra tới 4kg da chết. Một thân xác thay đổi, cũng cần đến một tâm hồn canh tân để trở nên mới mẻ, tiếp thêm nghị lực và sức sống. Nếu không chấp nhận thay đổi, tâm hồn chúng ta sẽ trở nên cằn cỗi lỗi thời. Trong cuộc sống trần gian, mỗi người trong chúng ta phải cố gắng để thăng tiến và hoàn thiện. Thăng tiến là một lộ trình lâu dài, cần kiên nhẫn bền bỉ suốt đời. Hoàn thiện là con đường khắt khe nghiệt ngã, đòi hỏi nhiều cố gắng hy sinh. Ai muốn thành đạt, đều phải chấp nhận học hỏi và thay đổi chính mình.
Mỗi chúng ta chỉ là một cá nhân trong cộng đồng nhân loại mênh mông, giống một hạt cát trong sa mạc, như một giọt nước giữa đại dương. Để sống hài hòa với môi trường xung quanh, mỗi người phải chấp nhận từ bỏ cái tôi ích kỷ. Những ý kiến chủ quan, có thể là tốt, nhưng chỉ là tốt cho cá nhân mà phương hại cho tập thể. Muốn thay đổi, mỗi người phải chấp nhận bước ra khỏi vỏ bọc của chính mình để hòa nhập với môi trường xung quanh, chân thành rộng mở tấm lòng đón nhận anh chị em, tôn trọng những khác biệt. Không thể cứ lý luận cùn: “Tính của tôi là như thế” để khư khư bảo thủ trong lối sống khép kín chủ quan của mình. Trong thực tế, có nhiều người vì lợi ích riêng tư, mà làm thiệt hại công ích và tạo nguy hiểm cho xã hội. Cách nay khoảng chục năm, có những người sống cạnh đường xe lửa đi qua, ngang nhiên xúc trộm đá hai bên đường ray về đổ bê tông nhà mình. Đường xe lửa vì mất đá, nên dần dần sụp xuống, gây tai nạn chết người và thiệt hại nghiêm trọng về tiền bạc để tu sửa. Có những công ty vô trách nhiệm và vô đạo đức, thải chất độc ra dòng sông, làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, gây tổn hại đến đời sống của người dân. Có thể liệt kê nhiều ví dụ tương tự cho thấy trong xã hội chúng ta có nhiều người chưa ý thức bảo vệ công ích, chỉ biết tranh thủ làm lợi cá nhân. Trước khi bàn đến những dự tính lớn lao cao vời, hãy khởi đi bằng việc đào tạo ý thức con người. Không có con người ý thức về ích lợi của cộng đồng, sẽ chẳng bao giờ có được xã hội văn minh, nhân ái và an bình. Biết tôn trọng công ích, sống vì tha nhân, đó là một thay đổi căn bản và cần thiết nơi cá nhân mỗi người chúng ta.
Vào giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước, chính sách đổi mới đã đưa xã hội Việt Nam thoát khỏi chế độ bao cấp nghèo nàn. Một hạn từ được sử dụng rất phổ biến, đó là “đổi mới tư duy”. Trước đó ở nông thôn, hợp tác xã nông nghiệp là một mô hình lạc hậu, tạo nên những người lao động vô trách nhiệm, thờ ơ với công ích. Người nông dân làm việc giống như những tù nhân trong trại cải tạo, chỉ biết nghe kẻng báo là vác cuốc ra đồng làm việc, không quan tâm đến năng suất và hiệu quả lao động. Đổi mới tư duy giúp con người thoát ra khỏi những nếp nghĩ và hành động cứng nhắc máy móc, quá nặng tới ý thức hệ qua những công thức học thuộc lòng. Tiếc rằng, phong trào đổi mới không được thực hiện triệt để và thấu đáo, nên những tiêu cực vẫn còn tồn tại trong xã hội hôm nay. Trong thực tế, người ta vẫn chú trọng đến dây nhợ, con ông cháu cha hơn là tài năng; chú trọng đến lý lịch hơn đạo đức con người. Những tổ chức từ thiện và tôn giáo vẫn bị săm soi theo lăng kính chính trị. Những hoạt động từ thiện vẫn bị đổ đồng với những “diễn biến hòa bình”. Những hoạt động tôn giáo vẫn bị nghi ngờ và kiểm soát khắt khe. Bao lâu những quan điểm và hoạt động nêu trên chưa được định giá đúng mức, thì nền văn minh, dân chủ và tiến bộ vẫn còn bị hạn chế, thậm chí bị bóp nghẹt. Xã hội hôm nay rất cần có những nhận định công bằng về những hoạt động của các tổ chức tôn giáo trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, cũng như của những người thao thức với vận mệnh của dân tộc, nhằm mục đích góp phần xây dựng một xã hội văn minh, dân chủ, nhân ái và đậm tình người.
Thế giới hôm nay ngày càng rộng mở, không còn khép kín như trước đây. Ánh sáng của khoa học kỹ thuật cũng đã chiếu tỏa đến mọi hang cùng ngõ hẻm của cuộc sống. Chính vì vậy, những quan niệm cổ hủ lỗi thời cũng cần được canh tân thay đổi. Những năm gần đây, viện lý do “phục hồi những giá trị truyền thống”, nhiều hủ tục thời xa xưa mượn dịp bùng phát theo kiểu trăm hoa đua nở. Trong số đó, có nhiều lễ hội đình đám phản văn hóa, mê tín dị đoan, đưa con người trở lại thời mông muội. Một nghịch lý của xã hội chúng ta hôm nay, đó là càng ngày con người càng văn minh, thì càng ngày càng có nhiều hoạt động mê tín, ngay cả nơi một số cán bộ và công chức nhà nước là những người tự nhận là vô thần. Họ còn ngang nhiên sử dụng xe công để đi lễ ở các đền, các phủ để cầu may. Không ít người đã khuynh gia bại sản, thậm chí mất mạng, vì cả tin vào những lời phù thủy bói toán. Đổi mới não trạng để có một cuộc sống lành mạnh, dựa vào nỗ nực phấn đấu của bản thân, là một điều cần thiết để có một cuộc sống quân bình giữa niềm tin và cuộc sống.
Trong cuộc sống được mệnh danh là “hiện đại”, người ta có nguy cơ mất kiên nhẫn. Vì thiếu kiên nhẫn, nên vợ chồng dễ dàng bỏ nhau, bạn bè dễ dàng ly tán. Biết bao hậu quả tang thương do thiếu kiên nhẫn gây nên. Người ta yêu vội vàng, chia tay cũng vội vàng. Thực ra, trên đời này chẳng bao giờ có một tình yêu lý tưởng trong nhung lụa, hay một gia đình êm xuôi trọn vẹn đầy ánh hào quang như trong tiểu thuyết. Nếu chúng ta thấy có những gia đình hạnh phúc, những cặp vợ chồng sống với nhau chung thủy đến đầu bạc răng long, là vì họ biết kiên nhẫn, bao dung và vượt lên những khó khăn thử thách của cuộc sống gia đình. Hạnh phúc ngọt ngào của gia đình là kết quả của biết bao hy sinh cố gắng. Trước những khó khăn hôm nay, nhiều cặp vợ chồng trẻ đã dễ dàng chấp nhận đổ vỡ, ly tán. Để biện minh cho lý do chia tay, họ viện cớ không thể hòa hợp. Thực tế là họ ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân và đã đánh mất lòng kiên nhẫn. Một triết gia người Pháp, ông Jean Jacques Rousseau, đã viết: “Sự kiên nhẫn đắng chát, nhưng quả của nó lại rất ngọt ngào”. Vâng, kiên nhẫn đòi hỏi những mất mát hy sinh và nhiều khi bị người ta coi là hèn hạ, nhưng nhờ đó, chúng ta sẽ gặt hái được những hoa thơm trái ngọt và hạnh phúc lâu dài. Thay đổi suy nghĩ để kiên nhẫn và nhận ra những khiếm khuyết của bản thân, đó là một trong những bí quyết quan trọng để duy trì hạnh phúc.
“Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp cho”. Câu khẳng định này muốn nhắc nhở chúng ta hãy sống bằng những nỗ lực cố gắng riêng mình, cộng với niềm cậy trông vào ơn trên. Trong cuộc sống hôm nay, có nhiều người sống dựa dẫm vào người khác, hoặc không có định hướng cho tương lai. Khá nhiều bạn trẻ buông xuôi đời mình như những con thuyền giạt trôi vào cõi vô định giữa đại dương cuộc đời mênh mông. Nhiều người khác lại ôm ấp quá nhiều tham vọng, thiếu khôn ngoan sáng suốt để chọn cho mình một hướng đi, một nghề nghiệp hay một bạn đời. Thay đổi não trạng ù lì, dựa dẫm vào người khác, đó là một điều kiện quan trọng để gây dựng cho mình một tương lai, giúp mình có một hướng đi vững chắc trong cuộc đời và hướng tới tương lại xán lạn.
Chúa Giêsu đã khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng lời kêu gọi “Hãy sám hối!”. Sám hối là đoạn tuyệt với tội lỗi, chấp nhận thay đổi cuộc đời để bước sang một ngã rẽ mới. Khi chấp nhận sống theo tinh thần của Tin Mừng, mỗi người phải đổi mới và đón nhận giáo huấn của Chúa Giêsu. Sống theo Tin Mừng cũng là một chuỗi những hy sinh, bởi lẽ rượu mới cần phải đựng trong bầu da mới. Lối suy nghĩ và hành động ích kỷ hẹp hòi không còn phù hợp với giáo huấn của Chúa là Đấng kêu gọi hãy “yêu tha nhân như chính mình”. Các tác giả Tin Mừng kể lại với chúng ta, rất nhiều người đã gặp gỡ Chúa Giêsu, đã được Người tác động, nhờ đó cuộc đời của họ đã thay đổi. Trong số đó, có những người học hành uyên thâm và là thành viên Công nghị Do Thái như ông Nicôđêmô; có những người bị kỳ thị vì nghề nghiệp như ông Matthêu, nhân viên thu thuế; có những người tội lỗi như cô Mađalêna. Còn biết bao người, trong suốt bề dày của lịch sử, đã để cho lòng thương xót của Chúa chạm tới, để rồi ơn Chúa biến đổi, cảm hóa nên con người mới. Sự thay đổi này vừa đến từ ơn Chúa, vừa đến từ nỗ lực của con người, như thánh Augustinô đã nói: “Chúa dựng nên con không cần có con nhưng để cứu chuộc con, Chúa cần sự cộng tác của con”. Con người có quyền tự do để chọn lựa theo Chúa hoặc từ chối không chấp nhận Ngài. Những ai chấp nhận Ngài, sẽ tìm thấy lý tưởng cho đời mình, nhờ đó họ tìm thấy hạnh phúc và bình an. Những ai tin vào Chúa cần nỗ lực thay đổi cuộc đời để phù hợp với giáo huấn của Chúa, nhờ đó mà họ nên hoàn thiện.
Hành trình nên hoàn thiện chính là hành trình của những biến đổi để nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Vâng, mỗi chúng ta, hãy tâm niệm điều đó. Không chỉ tâm niệm, nhưng hãy cố gắng để cuộc sống của chúng ta hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, và ngày mai tốt hơn hôm nay. Bởi lẽ, cuộc sống là sự biến đổi không ngừng, như dòng sông nhẹ nhàng êm trôi, để tự làm mới chính mình và cung cấp phù sa, mang lại phì nhiêu màu mỡ cho những miền đất nó đi qua. Sống Tin Mừng và góp phần làm cho sứ điệp yêu thương lan tỏa trong cuộc đời, đó chính là sứ mạng của mỗi người tín hữu chúng ta.

ĐGM Giuse Vũ Văn Thiên

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Hãy sống thanh cao

Tất cả chúng ta là những con người tội lỗi. Môi trường tội lỗi cứ vây bám chúng ta, khiến chúng ta có những lối hành xử vốn dĩ là không tốt, nhưng cứ ngỡ là điều hiển nhiên. Chúng ta thấy đầy dẫy chung quanh mình những điều xấu, chúng ta không thích như thế, nhưng chúng ta vẫn cứ buông mình theo những điều ấy, như thể đó là một nền văn hóa của nhân loại chúng ta.

Thế gian có những khôn ngoan của nó. Cái khôn ngoan của thế gian dạy những ai thuộc về nó những chiêu trò, những thái độ, những lối hành xử để giúp mình được sở hữu nhiều hơn, có được nhiều quyền lực hơn. Dần dần, người ta thích vun vén hơn là cho đi, thích được trở nên nổi trội, chứ không thích bị xem thường, hay bị coi không ra gì, thích khác người một chút để được chú ý, chứ không thích bị lãng quên.

Con người thích dạy hơn là thích học, thích ra lệnh hơn là phục quyền, thích nói hơn thích nghe, bởi khi dạy, khi ra lệnh, khi nói, người ta thấy mình uy phong và có thế giá hơn.

Con người thích an nhàn hơn là buông mình vào những thách đố, thích những gì đảm bảo hơn là những điều không chắc chắn, vì họ sợ khi phải đối diện với những bất toàn và bất lực của mình.

Con người luôn muốn mình hơn người khác, chứ chẳng chịu thua ai bao giờ, vì thua là thất bại, là bị hạ thấp, bị người ta khinh rẽ khiến mình bị mất thanh danh.

Con người thích được khen hơn là khen người khác với trọn chân tình, vì tiếng khen làm cho họ như được nhấc bổng lên trời cao, còn khen người khác thì chẳng khác nào thừa nhận sự cao cả của người ấy.

Con người thích xỉa xói người khác hơn là nhìn lại mình, thích nói xấu hơn là đề cao người khác, thích kết án hơn là thứ tha, và cứ mỗi khi làm điều đó, họ như có một khả năng vô biên để thực hiện, họ cũng chẳng ngại kéo thêm “đồng bọn” để cùng nói xấu người khác. Họ dễ làm sứt mẻ tương quan hơn là nỗ lực kiến tạo sự hiệp nhất.

Con người dễ thấy cái lợi trước mắt hơn là phúc đức lâu dài, nên làm gì họ cũng muốn có kết quả ngay. Họ không kiên nhẫn được, họ cho rằng nhịn là nhục, nên họ giải quyết những bốc đồng bằng bạo lực cho nhanh và cho hả dạ. Họ hành xử mà chẳng mấy khi nghĩ đến hậu quả gây ra.

Con người thích buông lỏng mình hơn là cố gắng kiềm chế bản thân, vì họ ảo tưởng cho rằng mình có tự do tuyệt đối. Họ luôn khắt khe với người khác, đòi hỏi người khác nhưng lại dễ dãi với chính mình. Họ đánh giá người ta thế này thế nọ, trong khi bản thân mình cũng vướng vào những điều ấy thì họ coi là chẳng có gì to tát.

Con người thích hướng ra bên ngoài, tìm kiếm giá trị ở nơi xa, chứ không chịu hướng vô, tìm chân lý nơi thẳm sâu tâm hồn. Bởi thế, họ thường tìm giải pháp cho những bất an nơi những quán nước, vũ trường, chứ không bình tâm lại để suy nghĩ và tìm cách giải quyết.

Con người thích hưởng thụ hơn là khổ nhọc lao tác vì lao tác thì lao lực hơn là hưởng thụ và hưởng thụ thì chẳng chịu áp lực gì cả, ngoài niềm vui sướng và cảm giác lạc hoan.

Con người muốn thể hiện mình chứ không thích ẩn mình vì ẩn mình thì có gì hay, trong khi được nhiều người biết đến và nể trọng làm họ thích thú vô cùng.

Bao giờ con người cũng tỏ ra là mình đúng chứ chẳng chịu nhận mình sai. Bởi thế, họ luôn có xu hướng thoái thác trách nhiệm hơn là can đảm nhận lãnh và hứng chịu những gì mình đã gây ra vì cơ bản, họ luôn cho là mình đúng, còn cái sai họ mắc phải thì hoặc do người khác không hiểu, hoặc do có nhân tố nào đấy bên ngoài tác động vào.

Khi gặp một khó khăn, con người thích kêu ca hơn là cố gắng đón nhận để từ từ tìm ra giải pháp, vì kêu ca thì dễ mà tìm giải pháp cho một khó khăn cũng chính là một khó khăn khác. Nhưng họ không biết rằng để có ánh sáng thì phải tìm cách thắp lên ngọn đèn, chứ không phải khóc lóc là xong.

Làm việc gì, họ cũng muốn sòng phẳng, chứ chẳng thích chịu thiệt thòi. Bao giờ, họ cũng đòi đền bù, chứ chẳng muốn cho không. Họ thấy tiếc cho những giọt mồ hôi nước mắt đã đổ ra. Cả khi làm việc từ thiện, họ cũng thầm ao ước được người ta nhìn nhận và ca khen họ.

Con người muốn người khác nhìn nhận mình chứ không thích bị thương hại vì đón nhận giúp đỡ của người khác làm cho họ có cảm giác mình ở vị thế dưới thấp. Bị thương hại cũng giống như “ăn đồ thừa” của người khác, và điều này đụng chạm đến lòng tự ái của họ. Bởi thế, có nhiều khi họ muốn tự sức làm một mình chứ không thích cậy nhờ đến ai. Họ muốn mình là ân nhân của người khác, chứ ít bao giờ mong muốn trở thành kẻ thụ ơn.

Con người luôn muốn mình được tôn trọng, chứ chẳng thích nghe lời chê bai hay coi thường, bởi khi mình được tôn trọng, sự hiện hữu của mình cũng trở nên có giá trị và những đóng góp của mình cũng được người khác nâng niu. Con người nỗ lực để làm cho danh mình được tỏa sáng, chứ không thích bị lu mờ trước người ta.

Khi có ai lầm lỗi, họ thường khiển trách hơn là cảm thông và ra tay nâng đỡ bởi họ luôn có xu hướng cho rằng mình hơn người ta, mình ở trên người ta. Hơn nữa, khiển trách làm cho họ “hưng phấn” hơn là giúp đỡ, vì khi giúp đỡ, họ phải chịu chút thiệt thòi nào đấy, mà đây cơ bản không phải là điều họ muốn.

Con người thích bè phái hơn là chính kiến cá vị, vì bè phái làm cho họ yên tâm hơn, có động lực hơn, có thế hơn, còn chính kiến lập trường có khi khiến họ phải chịu nhiều thiệt thòi, chịu cô thế cô thân một chút.

Trong mọi việc, họ luôn muốn mình độc quyền chiếm giữ, chứ không muốn người khác tham dự vào. Họ có thể là một con người rất tài năng, nhưng chẳng ai có thể làm việc chung được với họ vì họ chẳng chịu nghe ý kiến của ai. Lý do là vì, họ luôn cho rằng mình là người tài nhất, và ý kiến của mình là đúng, là tuyệt với nhất.

Hậu quả của cái khôn ngoan ấy là gì? Phải chăng là một sự bình an, một sự sung mãn, một sự triển nở nhân cách của mình? Khôn ngoan của nhân loại lấy chính cái tôi ích kỷ của mình làm trọng tâm, để thổi phồng mình lên, xây dựng chung quanh mình một mớ những ảo tưởng, rồi tự mình vui vẻ trong những tòa lâu đài bong bóng ấy như thể mình đang ở chốn Thiên Cung.

Mọi sự sẽ qua đi hết. Thời gian sẽ xóa nhòa tất cả. Được cái gì khi người khác tung hô? Có bền vững mãi không những quyền lực ta đang đó? Hôm nay, ta có thể đang ở trên đỉnh cao của danh vọng, nhưng ngày mai, biết đâu ta đã nằm sâu ở một nơi không ai biết.

Có một sự khôn ngoan khác, tuy ít được chú ý hơn, nhưng đích thực là con đường đưa về cõi hạnh phúc. Khôn ngoan này có khi bị người ta cho là ngu dại, là khùng điên. Nhưng để có thể sống được sự khôn ngoan ấy, người ta phải đưa đời sống của mình lên một mức độ thanh cao hơn. Khôn ngoan ấy là:

Không đặt mình vào vị trí trọng tâm của vụ trụ. Đừng cho rằng mình ở trên người khác. Đừng nỗ lực quy tóm về cho mình mọi danh dự và vinh quang. Nhưng hãy luôn có một thái độ biết ơn Tạo Hóa vì biết rằng tất cả những gì mình có đây đều là do Ngài ban tặng.

Đồng thời, hãy tập để biến mình nhỏ lại, đặt mình ở vị trí rốt cùng hết, lấy phục vụ làm niềm vui, lấy tình thương xoa dịu gian ác, lấy thứ tha đối đãi hận thù.

Đừng bao giờ tìm cách nắm giữ, nhưng hãy luôn mở ra, cho đi với tất cả lòng quảng đại và chân thành, bởi khi trao ban, chính là lúc ta được nhận lãnh lại gấp trăm ngàn lần. Cho đi mới giúp mang đến cho ta một nguồn vui thanh thoát, chứ không phải nắm giữ.

Không nên cố công và bất chấp mọi sự để đi tìm niềm vui nơi của cải bạc tiền, nơi danh vọng cao sang, nơi quyền lực trần thế, nhưng chỉ một lòng tìm về nguồn cội của cuộc đời là Chân-Thiện-Mỹ, biết sử dụng mọi thứ hữu hình này như phương tiện để tìm về Ngài, chứ không xem Ngài là phương tiện để tìm kiếm những điều hão huyền ấy.

Khôn ngoan nào bạn đang sống theo?

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Kinh Truyền tin với Đức Thánh Cha- Ngày 19. 02. 2017


VATICAN. ĐTC mời gọi các tín hữu hãy sống tinh thần tha thứ, cho cả các địch thù và ngài kêu gọi hòa bình cho nhân dân tại Cộng hòa dân chủ Congo, Pakistan và nhiều nơi khác trên thế giới.
 Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa nhật 19-2-2017, với 30 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô.
 Huấn dụ của ĐTC
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng theo thánh Mathêu (5,38-48) trong đó Chúa Giêsu dạy phải yêu thương cả địch thù. Ngài nói:
“Trong Tin Mừng chúa nhật hôm nay (Mt 5,38-48), – một trong những trang diễn tả rõ nhất ”cuộc cách mạng” Kitô giáo – Chúa Giêsu chỉ cho thấy con đường công chính đích thực nhờ luật tình thương vượt lên trên luật ‘ăn miếng trả miếng’, ”tức là mắt đền mắt, răng đền răng”. Qui luật cổ xưa đòi phải áp dụng cho những người vi phạm những hình phạt tương đương với những thiệt hại đã gây ra: kẻ nào giết người thì sẽ bị giết, chặt tay chân kẻ nào đã làm cho người khác bị thương, v.v. Chúa Giêsu không yêu cầu các môn đệ của Ngài phải chịu sự ác, trái lại, Ngài dạy họ hãy phản ứng, không phải bằng cách gây ra một điều ác khác, nhưng bằng điều thiện. Chỉ như thế mới có thể phá vỡ xiềng xích sự ác, và thực sự thay đổi tình cảnh. Thực vậy, sự ác là ”trống rỗng” sự thiện, và không thể làm đầy bằng một sự trống rỗng khác, và chỉ có thể bằng một sự đầy tràn, nghĩa là bằng sự thiện. Sự trả thù sẽ không bao giờ đưa tới giải quyết các xung đột.
Đối với Chúa Giêsu, sự từ khước bạo lực cũng có thể bao gồm sự từ bỏ một quyền lợi hợp pháp.. Ngài nêu vài ví dụ: giơ má bên kia, nhường áo của mình hoặc tiền bạc, chấp nhận những hy sinh khác (Xc vv.39-42). Nhưng sự từ bỏ này không có nghĩa là những đòi hỏi của công lý bị làm ngơ không biết đến hoặc bị phản đối; trái lại, tình thương Kitô, được biểu lộ đặc biệt trong sự thương xót, chính là một sự thực hiện công lý ở mức cao độ hơn. Điều mà Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta là cần phải phân biệt rõ ràng giữa công lý và báo thù. Chúng ta được phép đòi hỏi công lý, đó là bổn phận của chúng ta phải thực thi công lý. Nhưng chúng ta không được phép báo thù hoặc thúc giục trả thù một cách nào đó, vì nó biểu lộ oán ghét và thù hận.
Chúa Giêsu không muốn đề nghị một trật tự mới về dân sự, nhưng đúng hơn Ngài đề nghị giới răn yêu thương tha nhân, bao gồm cả sự yêu thương địch thù: ”Các con hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người bách hại các con” (v.44). Lời này không có nghĩa là chấp thuận sự ác mà kẻ thù đã làm, nhưng như một lời mời gọi hãy hướng tới một viễn tượng cao hơn, đại đảm, giống như viễn tượng của Chúa Cha trên trời, Đấng ”làm cho mặt trời mọc lên soi cho người xấu và người tốt, và làm cho mưa rơi xuống người công chính và người bất chính” (v.45). Thực vậy, cả kẻ thù cũng là một người, được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, mặc dù lúc này đây hình ảnh ấy bị lu mờ vì lối cư xử bất xứng.
ĐTC nói thêm rằng: “Khi nói về “những kẻ thù”, chúng ta không được nghĩ đến người nào đó khác biệt và xa lạ chúng ta; chúng ta hãy nói về chính mình nữa, chúng ta có thể xung đột với tha nhân, nhiều khi với cả những người thân trong gia đình. Kẻ thù là những người nói xấu chúng ta, vu khống và gây hại cho chúng ta. Với tất cả những người ấy chúng ta được kêu gọi đáp lại bằng sự thiện, sự thiện cũng có chiến lược riêng, được tình thương gợi lên.
Xin Đức Mẹ Maria giúp chúng ta theo Chúa Giêsu trên con đường có nhiều yêu sách này, con đường thực sự đề cao nhân phẩm và làm cho chúng ta sống như con của Cha chúng ta ở trên trời. Xin Mẹ giúp chúng ta thực hành sự kiên nhẫn, đối thoại, tha thứ, và như thế chúng ta trở thành những người kiến tạo hiệp thông và huynh đệ trong cuộc sống hằng ngày”.
Viếng thăm giáo xứ
Ban chiều cùng ngày 19-2-2017, ĐTC đã viếng thăm giáo xứ Thánh Maria Josefa Thánh Tâm Chúa Giêsu ở Ponte di Nona ở mạn đông thành Roma. Đây là giáo xứ thứ 13 ĐTC viếng thăm từ khi được bầu làm GM Roma cách đây gần 4 năm.
Khi đến giáo xứ vào lúc 4 giờ chiều, ĐTC đã lần lượt gặp các trẻ em và thiếu niên thuộc các lớp giáo lý, rồi gặp giới trẻ, các bệnh nhân, các gia đình và các nhân viên ở trung tâm Caritas. Sau đó ngài đã giải tội cho 4 giáo dân trước khi chủ sự thánh lễ đồng tế với ĐHY Giám quản Agostino Vallini, Đức Cha phụ tá khu vực và các LM ở trong vùng. Giáo xứ ở Ponte di Nona có thánh đường được xây cất gần đây dâng kính thánh nữ Maria Josefa Sancho de Guerra, sáng lập dòng các nữ tỳ Chúa Giêsu Bác Ái, được ĐTC Gioan Phaolô 2 tôn phong hiển thánh ngày 1 tháng 10 Năm Thánh 2000.
Trong số 6.500 gia đình trong giáo xứ với tổng cộng là 20 ngàn dân cư, phần lớn là các đôi vợ chồng trẻ với con cái còn nhỏ và họ sống trong các nhà bình dân. Có 200 em học giáo lý thường xuyên trong giáo xứ.
Ngoài ra, trung tâm Caritas của giáo xứ có 20 người thiện nguyện; họ thường phân phát các thùng thực phẩm cho hơn 200 gia đình nghèo với tổng cộng 600 người. Tỷ lệ dân nghèo ở đây khá cao và nhiều người không có công ăn việc làm. (SD 19-2-2017)
 G. Trần Đức Anh OP (vietvatian.net)

Tình Yêu Vô Vị Lợi

Câu chuyện sau đây khởi đầu vào năm 1950, tại thành phố Arthur bên Hoa Kỳ.

Edid và Cam lấy nhau đã 23 năm, tuy không có con nhưng tình yêu giữa hai người vẫn luôn nồng thắm, mỗi lần đi công tác, người chồng luôn biên thư, gởi thiệp và quà về cho vợ. Thế rồi tháng 2 năm 1950, Cam được hãng gởi đi công tác vài tháng tại Okynawa, Nhật Bản. Lần này Cam không còn gởi quà về cho vợ nữa. Người vợ nghĩ rằng chồng mình cần dành dụm một số tiền để mua một ngôi nhà mới.

Tháng ngày lặng lẽ trôi qua, cứ mỗi lần người vợ mong chồng về nhà thì bà lại nhận được một lá thư, trong đó người chồng báo tin sẽ ở nán lại vài tuần nữa. Vài tuần rồi một tháng. Thời gian chờ đợi ngày càng dài hơn và những cánh thư cũng bắt đầu thưa thớt.

Bẵng đi một thời gian, người vợ nhận được vỏn vẹn vài chữ, như một hồi chuông báo tử, người chồng cho biết: ông muốn ly dị để cưới một cô gái Nhật Bản tên là Aiko 19 tuổi. Chờ cho những cảm xúc ban đầu lắng dịu, Edid bắt đầu hồi tâm lại. Bà nghĩ rằng chồng bà không vượt qua nỗi cô đơn vì xa vợ qua lâu, nhưng ông đã tỏ ra thành thực và can đảm xin ly dị để cưới cô gái hơn là lợi dụng cô. Bà Edid xây dựng cuộc sống còn lại của bà trên sự cảm thông cao độ ấy. Thế là bà viết thư cho ông và xin ông đừng cắt đứt liên lạc với bà. Không bao lâu, bà nhận được tin chồng cũ cho biết: ông đã có được hai đứa con gái. Bà Edid liền gởi quà cho hai đứa con gái của người chồng cũ. Trong thư trả lời Cam kể đủ mọi chuyện về gia đình của ông: nào là vợ ông đã tiến bộ trong việc học Anh ngữ, ông đã giảm ký và con gái nhỏ của ông đã mọc thêm mấy cái răng. Rồi lá thư khủng khiếp nhất cũng đến tay bà. Cam cho biết ông đang chờ chết vì bệnh ung thư phổi. Những lá thư cuối cùng của ông đầy nước mắt không phải cho ông, mà là cho Aikô và hai đứa con gái nhỏ của ông. Ông đã dành dụm đủ tiền để gởi con sang Mỹ học, nhưng bệnh tật đã ngốn hết số tiền ấy

Sau khi Cam qua đời, Edid viết thư ngỏ ý sẽ bảo lãnh hai đứa con gái của ông sang Mỹ. Edid đón nhận hai đứa con của người chồng cũ như chính con của mình. Bà đã 54 tuổi, nhưng đến nay bà mới biết thế nào là làm mẹ. Giờ đây, sau khi tan sở, bà có đủ lý do để vội về nhà. Trong khi đó, vì thương con, Aikô cũng thường xuyên liên lạc với Edid. Edid chợt hiểu rằng: người mẹ trẻ này hẵn cũng cô đơn vì nhớ con, chính vì thế mà Edid đã quyết định bảo lãnh cho Aikô sang Mỹ.

Tháng 8 năm 1957, Aikô nhận được giấy nhập cảnh. Khi máy bay đáp xuống phi trường quốc tế New York, tự nhiên Edid cảm thấy lo sợ, bà sợ phải thù ghét người đàn bà ngoại quốc đã cướp chồng mình.

Người hành khách cuối cùng ra khỏi máy bay là một cô gái thấp bé và mãnh khảnh đến độ Edid tưởng là một cô bé. Bà gọi tên hai con, và cô gái ngã vào hai cánh tay của bà. Hai người đàn bà ôm ghì lấy nhau thật lâu. Một ý nghĩ phi thường chợt đến với bà: "Tôi đã cầu nguyện cho Cam trở về với tôi. Giờ đây, chồng tôi đang hiện diện trong hai đứa con gái nhỏ và người đàn bà dịu dàng mà chàng đã từng yêu thương: Lạy Chúa, xin giúp con cũng biết yêu thương người đàn bà này".

*
* *
Quí vị và các bạn thân mến,
Tình yêu đích thực là tình yêu có thể cho nhiều nhất mà không chờ đợi được đáp trả. Mẹ Têrêsa Calcutta đã định nghĩa như sau: "Yêu thương thực sự là yêu thương cho đến khi nào cảm thấy bị tổn thương".

Vô vị lợi là thước đo của tình yêu đích thực. Bao lâu chúng ta yêu thương mà không chờ đợi bất cứ một sự đáp trả nào thì đó là dấu hiệu của một tình yêu đích thực.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết sống quảng đại, biết cho đi mà không tính toán, và không chờ đợi một phần thưởng nào khác hơn là biết rằng chúng con thực thi thánh ý Chúa. Amen.

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

Học nơi Đức Maria lời thưa "Xin Vâng”

Cuộc sống con người luôn gắn liền với những lời mời gọi thôi thúc trong lương tâm qua từng biến cố với những cảm nhận khác nhau. Có những lời mời gọi rõ ràng và rất khả quan, nhưng cũng có những lời mời gọi có đầy bất ngờ. Nhưng dù thế nào đi nữa thì việc đáp lại mời gọi của lương tâm con người luôn cần một sự cân nhắc kỹ lưỡng và nhạy bén trong mọi trường hợp để có thể đi đến những quyết định chính xác và đúng hướng.

Trong đời sống đức tin cũng vậy! Câu chuyện xảy ra với Đức Maria năm xưa trong lúc Sứ Thần truyền tin. Trước một cô thôn nữ chân quê, một lời mời gọi từ Thiên Chúa được ngỏ lời với con người. Và lời mời gọi đó đến như một câu chuyện cổ tích ly kỳ, hay như một giấc mơ huyền ảo. Ấy vậy mà Đức Maria đã một lòng một ý đáp lại hai tiếng “Xin Vâng” và trao ban trọn vẹn chính mình cho chương trình của Thiên Chúa. Thật là một điều khó hiểu khi Thiên Chúa lại đến với con người bằng cách này. Và càng khó hiểu hơn khi một cô gái làng quê như Maria lại có thể đón nhận lời mời gọi đó bằng một sự tin tưởng và phó thác tuyệt đối.

Đối với Thiên Chúa, Người có thể làm bất cứ điều gì người muốn: Người có thể phán một lời thì Con Một của Người sẽ hiện diện như một vị anh hùng thần thánh giữa muôn dân; hoặc có thể xuống trần gian làm người bằng một cách khác, nhanh chóng và đơn giản hơn.

Nhưng không! Thiên Chúa đã không làm như thế. Ngài muốn Con Một của mình trở nên một con người thực sự, trải nghiệm từng giây từng phút hành trình sống từ lúc thụ thai cho đến khi lìa thế. Thật thế, Con Một của Người đến để mặc lấy thân phận con người, đồng hành với con người để thấu hiểu và sẻ chia những gì xảy đến nơi cuộc sống dương gian.

Hơn thế nữa, Thiên Chúa muốn con người được chung phần vào công trình Cứu Độ ngang qua Mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Thiên Chúa muốn một sự đáp trả nơi con người ngang qua lời mời gọi ấy và chính Người đã chọn Đức Maria, một thiếu nữ miền quê thánh thiện và đạo đức, một cô gái luôn có một đời sống cầu nguyện chuyên chăm. Trước lời mời gọi ngỡ ngàng và kỳ lạ ấy, Đức Maria đã nao núng khi hỏi lại Sứ Thần truyền tin rằng: Việc ấy sẽ xảy đên như thế nào? Khi được Sứ Thần giải thích, Maria đã mau mắn đáp lời xin vâng trong tín thác: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ Thần truyền”.

Thực ra, không phải bỗng nhiên mà Đức Maria đáp lại lời mời gọi một cách nhanh chóng và phó thác như vậy. Đó là quả một quá trình mà Thiên Chúa đã định sẵn cho con người, cách riêng nơi Đức Maria. Đó là cả một hồng ân mà Thiên Chúa đã xuống nơi cô thôn nữ Maria ngày ấy từ những ngày đầu đời. Để từ đó, cuộc sống của cô gái Maria đã lớn lên trong ân nghĩa với Chúa ngay từ buổi đầu. Maria đã cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa cách đặc biệt nơi tâm hồn của mình. Maria đã sống một đời sống đạo đức và cậy trông nơi Thiên Chúa. Đó là kết quả của cả một hành trình dài cho lời thưa xin vâng sau này. Đó là những gì mà Thiên Chúa đã dọn đường cho Con của Người đến trần gian như một người phàm và sống như mọi người.

Thiên Chúa luôn có những chương trình cho mỗi một người chúng ta bước đường của mình. Đó là những kế hoạch Ngài mời chúng ta cộng tác và để chúng ta đến với những điều tốt đẹp và quý giá cho những giá trị mai sau. Điều quan trọng là chúng ta có cảm nghiệm và lắng nghe được lời mời gọi của Ngài trong tâm can mình hay không? Hay chúng ta có lắng nghe được tiếng Chúa mời gọi nhưng không mạnh mẽ và can đảm đáp trả lời mời gọi đó? Làm sao để làm được điều đó?

Để có thể đáp lại tiếng gọi của Chúa thì Đức Maria là một gương mẫu tuyệt vời cho mỗi chúng ta noi theo. Học nơi Mẹ một đời sống nội tâm sâu lắng thực sự để có thể cảm nghiệm và lắng nghe được lời mời gọi của Chúa.Học nơi Mẹ một đời sống đạo đức, thánh thiện để chúng ta có thể đáp lại lời mời đó trong sự tin tưởng và phó thác tuyệt đối. Đó là phương thế để mỗi chúng ta tiếp tục cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa nơi trái đất này và cũng là chìa khóa đưa ta đến với niềm vui và hạnh phúc thực giữa muôn vàn khó khăn nơi trần thế.

J.B Lê Đình Nam

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

Ghét một người

Ghét một người,
Là không thích nhìn mặt,
Là không muốn tiếp xúc,
Là không thèm quan tâm,

Ghét một người là đưa người đó ra khỏi thế giới của mình, là đối với mình, người đó không tồn tại, người đó có sống chết thế nào, ta cũng chẳng bận tâm. Ghét là không dành cho người ta sự đồng điệu, là cho rằng người ta khác với mình và không thể có nét gì giống mình được. Ghét là đẩy người ta ra xa mình, là quay mặt đi – quay lưng lại với người ta, là bĩu môi khi người ta nói, là gạt đi ý kiến của người ta, là có khi chỉ cần nghe nhắc đến cái tên thôi, là ta đã thấy lòng trào tràn những cảm xúc tiêu cực rồi. Có thể vì không ưa, vì không hợp tính cách, vì không chung quan điểm. Cũng có thể vì người đó xấu tính, người đó đã làm chuyện gì sai, hoặc người đó đã gây ra tai hại gì đó cho mình. Hoặc, có đôi khi, ghét chỉ vì không thích, thế thôi!

Nhưng cảm xúc của con người lại rất phức tạp. Ghét một người chưa hẳn là không để ý tới người đó. Phải có sự để ý đến người đó, ta mới thấy người đó có cái gì đó không hợp, không “cùng tông” với mình chứ! Phải có sự để ý đến những gì người ta nói, mình mới “bĩu môi”, mới “gạt đi” được chứ! Tuy không đúng hoàn toàn, nhưng ghét một người có đôi khi lại là vì quá quan tâm, quá yêu mến… rồi vì sự quan tâm và yêu mến của mình không được đền đáp, nên mình đâm ra ghét. Hận một người, đó chẳng phải vì quá yêu người đó mà không được đón nhận đó sao? Thù một người, đó phải chăng là do đã đặt quá nhiều tin tưởng vào người đó, nhưng niềm tin ấy bị phản bội?

Thật chẳng dễ chút nào để hiểu được từng dòng cảm xúc trong con người. Cuộc chiến nội tâm trong con người chưa bao giờ dừng lại. Thế giới cảm xúc lại rất nhạy cảm với hoàn cảnh bên ngoài, mà hoàn cảnh thì có bao giờ đứng yên đâu.Giữa yêu và ghét, giữa thương rồi hận, mến rồi thù… dường như chỉ có một đường ranh rất mỏng. Con người hạnh phúc rồi khổ đau, cười rồi khóc, sung sướng rồi đau khổ, cảm xúc cứ đong đưa như con lắc đồng hồ, hay như con lật đật chao đảo ngã nghiêng. Thậm chí, ta có thể nói rằng chẳng có một sự phân biệt rõ ràng nào giữa yêu và ghét, bởi cái ghét nằm trong cái yêu và cái yêu đã hàm chứa cái ghét. Bởi thế, ghét một người chưa hẳn là loại trừ người ta ra khỏi cuộc sống của mình. Trái lại, càng ghét ai, hình bóng người đó càng xuất hiện nhiều trong ta, chẳng qua chỉ là với một cung bậc khác.

Khi ghét ai, người chịu thiệt thòi đầu tiên và nặng nề nhất là chính ta, bởi vì lòng ta lúc nào cũng ngập tràn những cảm xúc tiêu cực về người ấy. Cảm xúc tiêu cực làm ta khó chịu, bức bối không yên. Rồi nó làm ta mất giờ bởi cứ phải suy nghĩ về người ấy với những tư tưởng không hay, ta còn cầu mong những điều không may xảy ra cho người ấy mà chẳng biết người ấy có gánh chịu những điều tai hại từ sự chúc dữ của ta hay không. Khi cái ghét lên đến đỉnh cao, ta còn bày mưu tính kế để hãm hại họ. Và giả như kế hoạch của ta thành công, cái mà ta có được cũng chỉ là một chút hả hê đắc thắng, chứ không phải là một sự bình an thẳm sâu. Ta vẫn chẳng có thêm được gì nhưng lại chỉ mất thời gian và công sức cho những chuyện không đâu. Ta nghĩ rằng mình đã gỡ bỏ đi được một “kẻ thù” và cuộc sống của ta sẽ thoải mái hơn. Nhưng khi nhìn lại, ta thấy mình vốn dĩ đã bị mất mát nhiều, nay lòng hận thù càng đục khoét, nới rộng thêm những chỗ trống thương đau. Ghét một người, loại trừ một người, chưa bao giờ là phương thế giúp ta có được bình an.

Con người chúng ta được dựng nên là để chia sẻ tình thương. Càng mở ra, càng đón nhận người khác, càng phá bỏ đi những rào cản, ta càng cảm thấy cuộc sống này thật ý nghĩa. Khi ta được một ai đó đón nhận, ta cũng thấy có một niềm hạnh phúc dâng cao trong lòng. Đó chính là huyền nhiệm của tình yêu thương mà Tạo Hoá đã đặt để nơi vũ trụ và nơi từng thụ tạo của Người. Đã đành con người bị đẩy đưa bởi những cảm xúc vui buồn, yêu ghét. Nhưng con người cũng được ban cho sức mạnh giúp hướng về điều gì là tốt đẹp để mưu cầu hạnh phúc cho chính mình. Đừng vì những lý do không đâu mà ghét người ta: ghét vì ganh tỵ, ghét vì người đó giỏi hơn mình, ghét vì người đó ngăn cản thành công của mình… Những điều này chẳng giúp ta được điều gì ngoại trừ chỉ cho ta thấy mình là một con người kém cỏi, nhỏ mọn và hèn nhát ra sao.

Còn nếu cái ghét xuất phát từ một tình yêu quá lớn bị phản bội hay không được đền đáp thoả đáng hoặc không được đón nhận như mong chờ, một sự bình tĩnh là rất cần thiết. Biết rằng khi yêu thì ai cũng mong được yêu lại, và nếu không được như thế thì sẽ rất đau, nhưng một lòng hận thù nảy sinh lúc đó thì giải quyết được gì. Người ta phản bội mình, rồi thế nào người ta cũng gánh chịu hậu quả đã gây ra thôi. Còn nếu ta yêu người đó thật lòng thì hạnh phúc của người đó mới là điều quan trọng nhất, chứ không phải một sự chiếm hữu độc quyền của ta. Đừng vì việc người ta không đón nhận mình mà biến tình yêu cao đẹp thành sự thù oán chua cay. Luật đời có vay có trả. Ai cho đi tình thương thì sẽ nhận lại tình thương, còn ai sống trong thù hận thì chính sự thù hận đó đã là một hình phạt dày xéo tâm can người đó rồi. Nỗi đau khi mất đi một tình yêu đã đủ lớn rồi, đừng làm cho nỗi đau ấy lớn lên thêm chỉ vì sự thù ghét của ta. Thay vào đó, hãy xoa dịu nó bằng sự tha thứ và chân thành. Cuộc sống của ta mới có thể nở hoa được. Bởi thế,

Hãy dám nhìn nhau
Hãy tiếp xúc với nhau
Hãy quan tâm đến nhau để trao nhau và chia sẻ cho nhau tình thương mến!

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...