Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Tình Yêu Nhập Thể

"Ngôi Lời trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta". Giáo Hội dùng từ "Nhập Thể" để nói lên sự kiện Con Thiên Chúa đã mặc lấy bản tính loài người, để thực hiện ơn cứu độ ngay trong bản tính đó. "Nơi Chúa Kitô, chân lý của Thiên Chúa đã được bày tỏ cách trọn vẹn". "Với sự Nhập Thể của Người, một cách nào đó Con Thiên Chúa đã nên một với mọi người". Đó là cách biểu lộ tuyệt hảo tình yêu Thiên Chúa đối với con người.

          Đến Bêlem, chúng ta bắt gặp một Tình Yêu khiêm tốn. Thiên Chúa đã cúi xuống để tặng trao cho con người. Con Thiên Chúa làm người sinh nơi hang súc vật, không một chút hào quang: Ngài sinh ra trong đêm tối; không một chút quyền lực: Ngài là trẻ thơ khóc oe oe. Đấng siêu việt nay chịu giới hạn bởi thời gian. Đấng Tuyệt Đối lại mang một thân xác hữu hạn.
Đêm nay, Chúa Giêsu đến ở luôn nơi chúng ta. Ngài tự mời để trở nên thành phần cuộc sống của tôi và Ngài chờ mong nhận được những sự chăm sóc, quan tâm, tình thương. Ngài cũng chờ mong ta để Ngài lớn lên, phát triển. Các bạn thấy không, xúc động khi tiếp đón "bé Giêsu" có ích gì nếu ta không để chỗ cho Ngài lớn lên, phát triển đến nỗi chiếm cả cuộc đời của chúng ta, tới độ Ngài trở thành Chủ của chúng ta như một bài ca cổ xưa đã nói: "Thầy chí thánh của chúng ta vừa mới sinh ra cho chúng ta".
Máng cỏ luôn làm cho chúng ta rúng động, vì đứng trước máng cỏ là đối diện với một Tình Yêu, một Tình Yêu mở ra bao la bát ngát. Cha đã mở ra bằng cách sai Con xuống thế làm người. Con đã mở ra bằng cách vâng phục ý Cha. Thánh Thần đã mở ra bằng cách tác động nơi lòng Đức Trinh Nữ.
Vì yêu thương nhân loại, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Vì yêu thương nhân loại, Ngài tự nguyện trở nên một trẻ thơ yếu ớt. Vì yêu thương nhân loại, Ngài tự nguyện làm con của loài người, sinh ra bởi một người phụ nữ. Vì yêu thương nhân loại, Ngài đã muốn trở nên một thành viên trong gia đình nhân loại, có một gia đình như những người khác.
Bêlem là một lời mời gọi tha thiết và cấp thiết cho tương lai nhân loại. Thiên Chúa hóa thân làm một trẻ sơ sinh để mời gọi ta hãy biết tôn trọng sự sống. Thiên Chúa sinh ra làm một trẻ thơ yếu ớt để mời gọi ta hãy biết yêu thương những người bé nhỏ, yếu hèn. Thiên Chúa sinh ra trong cảnh nghèo nàn để mời gọi ta hãy biết nâng đỡ những người nghèo khổ. Thiên Chúa sinh làm con Đức Mẹ Maria để mời gọi ta hãy biết kính trọng phụ nữ. Thiên Chúa sinh ra trong một gia đình để mời gọi ta hãy biết bảo vệ những truyền thống tốt đẹp đem lại hạnh phúc cho gia đình.
Chúa Giêsu đã giáng sinh tại Bêlem trong thành cảu Đavít, như Tin Mừng đã nhấn mạnh điều đó. Chính nơi đây, Đavít khi còn là mục đồng, được gọi về hiến Thánh, thì giờ đây, cũng chính ở đây, người con đích thực của Đavít lại sinh ra, Đấng chăn chiên thực sẽ chăn dẫn bầy chiên Thiên Chúa, Ngài là Đấng được ưu tuyển ngay trong bản chất thâm sâu của Ngài và như Đấng Messia, Đấng Thiên tử, Đấng được xức dầu.
Hài nhi Giêsu là kết tinh tình yêu của Thiên chúa dành cho nhân loại. Tình yêu đã đi đến tận cùng vì đã trao ban cho nhân loại món quà cao quí nhất không gì có thể so sánh được. Trao ban Đức Giêsu là cho tất cả, không còn có thể cho thêm gì nữa. Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên chúa đi tìm con người.
Thiên chúa đã hạ mình thẳm sâu để xuống gặp con người. Thiên chúa đã tìm thấy con người trong những khốn cùng tột độ của nó. Thật lạ lùng, Thiên chúa quá yêu thương đến độ kết hợp với sự khốn cùng của nhân loại. Thiên chúa đã cưới lấy bản tính nhân loại. Bóng đêm nhân loại nhận được ánh sáng của Thiên chúa. Bóng đêm khổ đau nhận được ánh sáng yêu thương. Anh sáng Thiên chúa soi sáng kiếp người tăm tối. Ánh sáng Thiên chúa sưởi ấm cho nhân loại lạnh lẽo.
Con Một Thiên Chúa chính là Lời của Chúa ngỏ với nhân loại. Vì thế ta hãy vào hang đá Bêlem để lắng nghe được Lời Chúa nói với ta. Chúa Giêsu bé thơ không nói bằng âm thanh vật lý, nhưng Ngài nói bằng âm thanh của trái tim. Lời của Ngài là lời của tình yêu. Qua bản thân Ngài, qua ánh mắt Ngài, qua khung cảnh hang đá, ta sẽ nghe được tiếng thì thầm của Thiên Chúa. Tiếng thì thầm đó là tiếng nói của tình yêu dưới nhiều sắc mầu khác nhau.
Hài nhi Giêsu là hạt giống bé bỏng Thiên Chúa gieo vào thế giới. Những tâm hồn thiện chí là mảnh đất phì nhiêu. Những người nghèo của Thiên chúa âm thầm kiên trì chờ đợi. Những tâm hồn thiện chí như Ba Vua ngước mắt lên trời tìm kiếm. Niềm khao khát đã được đáp ứng. Đã đến mùa Thiên chúa gieo hạt. Hạt mầm thần linh gieo vào xác phàm sẽ thần hoá cả nhân loại. Hạt giống Giêsu sẽ triển nở thành cây cao bóng cả cho muôn loài trú ngụ. Mặt trời bé nhỏ Giêsu sẽ trở thành mặt trời chính ngọ soi chiếu đêm tối nhân gian. Anh bình minh Giêsu hứa hẹn một ngày mới chan hoà ánh sáng. Với Hài nhi Giêsu, một thời đại mới khởi đầu: những người bé nhỏ được nâng lên, những người nghèo hèn được kính trọng. Giêsu chính là hạt mầm hy vọng Thiên chúa gieo vào thế giới.
Thiên Chúa đã tự hạ gần gũi như vậy, tầm thường như vậy, thì không có gì xảy ra trong đời thường của chúng ta lại ở ngoài ánh sáng thần linh của Thiên Chúa, "ánh sáng cho nhân loại, ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và ánh sáng ấy là sự sống". Khi đất này đã được sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa trong Đức Giêsu bao trùm, thì đất này đã là túp lều của Con Thiên Chúa nhập thể.
Trước máng cỏ Bêlem, bằng cặp mắt đức tin hẳn chúng ta sẽ phải ngạc nhiên vì tình yêu Thiên Chúa đã dành cho chúng ta, để rồi từ sự ngạc nhiên ấy, chúng ta sẽ tin tưởng và phó thác cho tình yêu của Ngài. Khi gặp những sự may mắn, chúng ta dâng lên Ngài lời cảm tạ đã đành, mà ngay cả lúc khổ đau và đắng cay, chúng ta vẫn có thể nhận ra dấu ấn tình yêu của Ngài. Trong mọi sự, người biết ngạc nhiên sẽ luôn luôn nhận ra tình yêu của Thiên Chúa, bởi vì tất cả đều là hồng ân.
Chúa vì thương con người đã làm một cuộc đổi đời kỳ lạ từ trời xuống đất, từ Chúa thành người để cứu vớt và đưa con người lên hàng thần thánh. Còn con người muốn được hóa thần phải biết đổi đời từ tối thành ánh sáng, từ hư hèn thành bất diệt.
Ta không cử hành lễ Giáng sinh như để kỷ niệm một biến cố đã qua mà ta không muốn quên, nhưng đây là lễ đón mừng một hồng ân hiện đang được ban cho loài người. Đôi khi người ta nói về một người mà sự nghiệp đặc biệt lừng lẫy nên người ấy vẫn tiếp tục sống ở giữa chúng ta do ảnh hưởng công việc của họ. Nhưng đó chỉ là một cách biết ơn nhân vật quá cố thôi. Vì người ấy cũng như sự nghiệp của họ không tồn tại mãi mãi được.

Huyền Nhiệm Giáng Sinh



Lễ Giáng Sinh luôn mang bầu khí hân hoan tưng bừng. Người tin Chúa thì đi dự thánh lễ để mừng ngày Chúa giáng trần và cầu xin ơn phúc; người lương dân lại đổ ra đường để tham dự một ngày hội vui. Cách nay hơn hai ngàn năm, Con Thiên Chúa đã sinh hạ tại hang đá Belem. Là Thiên Chúa vô thủy vô chung, Người đã đi vào lịch sử nhân loại. Người có một quê hương là đất nước Do Thái, có một gia đình ở Nagiarét. Giáng sinh là một huyền nhiệm. Đây là huyền nhiệm của tình yêu và của lòng thương xót. Người tín hữu thấy nơi lễ Giáng sinh sứ điệp hòa bình, yêu thương; người lương dân lại cảm nhận một khung cảnh thư thái, an bình.
Lễ Giáng sinh là huyền nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Trước hang đá Giáng sinh, ta thường thấy dòng chữ: Ngôi Lời đã làm người. Dòng chữ này đơn sơ ngắn gọn nhưng diễn tả một sự kiện vĩ đại Thiên Chúa đã làm trong lịch sử, đó là sai Con của Ngài xuống trần gian. Thánh Gioan nói với chúng ta: Ngôi Lời có từ ban đầu. Ngôi Lời là Con Thiên Chúa và Ngôi Lời là chính Thiên Chúa (x. Ga, 1,1). Vì yêu thương nhân loại, Chúa Cha đã sai Con của Ngài xuống trần gian và Ngôi Lời đã làm người, có tên gọi là Giêsu. Chúa Giêsu nhập thể không giống như các câu chuyện cổ tích nói về các vị thần đầu thai làm người. Các Kitô hữu khẳng định: Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Điều đó có nghĩa, Thiên Chúa cao cả đã trở nên người phàm. Cùng với các nhà thần học, chúng ta tuyên xưng: Chúa Giêsu đồng bản thể với Đức Chúa Cha (Kinh Tin kính). Hài nhi nơi máng cỏ chính là Thiên Chúa làm người. Chúa Giêsu đã đến trần gian để đem cho con người sự ủi an và niềm hy vọng. Người khẳng định, những người nghèo khó, bị bỏ rơi và bị gạt ra bên lề cuộc sống là những người được Chúa yêu thương đặc biệt. Họ không bị Thiên Chúa lãng quên. Hơn nữa, Con Thiên Chúa còn đồng hóa với họ, để rồi ai xúc phạm họ là xúc phạm đến Chúa; ai giúp đỡ họ là giúp đỡ Chúa.
Lễ Giáng sinh là huyền nhiệm của tình yêu. Thánh Gioan đã khẳng định với chúng ta: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin vào Người, thì không bị hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Trải qua dòng lịch sử, Thiên Chúa yêu thương con người và Ngài đã thực hiện những điều lạ lùng kỳ diệu, đem cho con người hạnh phúc. Hài Nhi nơi máng cỏ Belem là bằng chứng hùng hồn cho tình yêu của Thiên Chúa. Nhập thể là sáng kiến của tình yêu. Nhập thể cũng là điều diễn tả tình yêu ở mức hoàn hảo nhất. Ở đời, dù quý mến nhau thế nào, người ta cũng chỉ tặng cho nhau những quà tặng vật chất. Thiên Chúa ban cho con người chính Con Một của Ngài. Việc trao ban này là đỉnh cao của tình yêu. Trong suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu khẳng định Thiên Chúa yêu thương con người. Chúa Giêsu đã khởi đầu cuộc đời dương thế tại máng cỏ, trong cảnh cơ hàn, và kết thúc cuộc đời trên thập giá, trong cô đơn thê thảm. Người gánh trên vai tội lỗi của muôn dân để cho con người được hạnh phúc và bình an. Qua sự khó nghèo và nhất là qua cái chết trên thập giá, Người dạy chúng ta hãy sống vì người khác, hãy hy sinh cho tha nhân. Sự hy sinh ấy, dù nhỏ bé đơn sơ, cũng không rơi vào quên lãng và sẽ được đáp đền.
Lễ Giáng sinh là huyền nhiệm của ơn cứu độ. Trong lịch sử, có biết bao vĩ nhân đã sinh ra rồi cũng đã chết đi. Có thể họ để lại cho nhân loại những di sản tinh thần quý giá, những triết lý sống, những tác phẩm nghệ thuật hay văn chương. Đức Giêsu không giống như những vĩ nhân của lịch sử. Người là Đấng Cứu độ trần gian. Người đến trần gian để giải phóng con người khỏi tội lỗi. Ơn cứu độ là sự phục hồi phẩm giá con người, giúp họ thoát khỏi tội lỗi, được ơn thần linh hóa, để rồi, ngay khi sống ở đời này, họ được bình an hạnh phúc, và sau khi chết, họ được hưởng vinh quang bất diệt với Thiên Chúa. Vì Đức Giêsu là Đấng Cứu nhân độ thế, cho nên ngày giáng sinh của Người mới là một biến cố quan trọng đối với nhân loại, nhất là đối với những ai tin vào Người. Giáo huấn của Người vẫn còn giá trị và ý nghĩa đối với nhân loại mọi nơi mọi thời. Chính Người đã sống và thực hiện những điều Người giảng dạy. Người đã hy sinh mạng sống để chứng minh một tình yêu hy sinh đến cùng, và Người mời gọi mọi người hãy noi gương Người để sống vì tha nhân, luôn quan tâm đến lợi ích của người khác.
Lễ Giáng sinh là huyền nhiệm của ánh sáng. Ngày 25-12 xưa kia vốn là ngày lễ kính thần mặt trời, đã trở nên ngày sinh nhật của Chúa Giêsu, Đấng là Mặt Trời Công Chính. Chúa Giêsu hạ sinh như ánh sáng bừng lên trong đêm tối, dẫn lối soi đường cho những người sống trong lầm lạc. Người là “Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”. Ánh sáng có tên là Giêsu vừa đưa con người thoát khỏi tối tăm, vừa dẫn đưa họ tới bến bờ của hạnh phúc. Ánh sáng ấy giúp khai quang những nơi ẩn khuất trong lòng con người, giúp họ sống theo sự thật. Ánh sáng này còn đẩy lui quyền lực của ma quỷ, là “cha sự dối trá”, xây dựng một vương quốc an bình. Những người tin Chúa được gọi là “con cái sự sáng”. Chúa Giêsu kêu mời họ trở nên ánh sáng cho đời, tức là tiếp nhận ánh sáng của Người, để rồi đến lượt mình tỏa sáng trong môi trường sống.
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Đó là lời hát của các thiên thần tại cánh đồng quê Belem vào đêm Chúa sinh hạ. Đó cũng là lời cầu chúc từ trời gửi đến cho nhân loại. Vinh danh Thiên Chúa và bình an cho nhân loại, đó cũng là lý tưởng mà chúng ta đang đạt tới. Hãy đến suy tư cầu nguyện bên hang đá máng cỏ, để thấy Chúa yêu thương chúng ta dường nào. Hãy đón nhận Chúa vào cuộc đời chúng ta, để Người soi sáng những góc khuất của tâm hồn, làm bừng lên ánh sáng của tình yêu thương và lòng nhân hậu. Như thế, ngày lễ Giáng sinh sẽ đem lại những hiệu quả thiết thực cho cuộc sống chúng ta.  
+Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

Xin ơn Bình An trong mùa Giáng Sinh

"Vinh danh Thiên Chúa trên trời.
Bình an dưới thế cho người thiện tâm.”

Đấy là những gì mà các thiên sứ cất lên vào đêm Con Thiên Chúa sinh ra làm người nơi hang cỏ nhỏ bé. Cứ mỗi khi ta nghe một bài hát giáng sinh, trong lòng ta thường cảm thấy một sự bình an nhè nhẹ nhưng sâu thẳm lạ kỳ. Những bài hát ấy làm sống lại trong ta bầu không khí rộn ràng và hân hoan của cả triều thần Thiên Quốc. Chỉ cần tưởng tượng ra những cây thông được trang trí, hay máng cỏ với những ánh đèn lung linh là ta đã cảm thấy có chút gì đó khang khác trong người rồi. Chẳng hiểu vì sao và từ khi nào, việc Con Thiên Chúa hạ giới làm người trong đêm Noel lại gợi nhắc chúng ta về sự bình an, lại mang đến cho chúng ta một sự ấm cúng. Bình an, dường như đó là một mong ước cố tri và sâu thẳm của con người mà đến độ dường như chúng cứ tự nhiên bộc phát ra mà không cần ý thức. Trong đêm giáng sinh, ta cầu mong cho nhau được bình an, ta cảm nghiệm được sự bình an. Bình an, chứ không phải là một điều gì khác!

Sở dĩ ta mong ước cho mình được bình an, là bởi vì cuộc sống của ta đã mang đến cho ta bao nỗi bất an không thể tả. Cảm giác bất an được thể hiện dưới dạng những nỗi lo lắng phập phồng của kiếp mưu sinh. Vòng xoay của nhân thế cứ lôi kéo ta vào hết chuyện này đến chuyện khác, khiến ta cứ phải chạy theo, một cách điên cuồng và bất chấp. Ít có khi nào ta thấy lòng mình lắng xuống như mặt hồ phẳng lặng, để nghe được bóng liễu lướt qua. Ta bất an là vì trong đầu ta có quá nhiều thứ, những toan tính, những hoạch định, những ước vọng xa xăm, chứ chưa lúc nào ta khoét rỗng tất cả để sống giây phút thực tại trong sự trọn vẹn của nó. Ta luôn phải vận động, luôn hối hả như một guồng máy, như không thanh bình như cảnh tượng hang đá mà ta đang chiêm ngưỡng đây.

Đêm Noel, một đêm bình thường như bao đêm khác, nhưng lại trở nên đặc biệt vì có sự hiện diện của Hài Nhi Giêsu. Một sự sống mới vừa chào đời xua tan đi hết tất cả những mệt mỏi của dặm trường xa xôi, của cơn đau sinh nở. Mẹ và Giuse chỉ ngồi đó chiêm ngắm Ngôi Lời giáng sinh. Nhìn Hài Nhi, họ cảm thấy hạnh phúc vô vàn vì biết mình vẫn còn nằm trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa. Họ biết là mình đang được yêu, và vì thế, họ hạnh phúc. Họ gạt đi hết tất cả những khó khăn đang hiển lộ trước mắt. Lạnh lẽo của mùa đông ư, hôi hám của chuồng bò ư… tất cả bây giờ chẳng còn là điều gì to tát nữa. Nhìn Hài Nhi đang cựa quậy trong chiếc khăn, họ thấy đất trời như kết nối với nhau, họ thấy cả vũ trụ như đang cười sung sướng, họ thấy từng cọng cỏ cũng hân hoan, từng giọt sương cũng bồi hồi hạnh phúc. Hang đá đơn sơ, máng cỏ hôi tanh… chẳng còn là vấn đề nghiêm trọng nữa. Chúng đã hóa Thiên Đường.

Trong đêm Noel, các thiên sứ ca bài ca an bình, là bởi vì những ai có tâm hồn ngay chính nhìn về Hài Nhi sẽ thấy lóe lên một niềm hy vọng khôn tả. Họ thấy nơi đó một Thiên Chúa giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo khó vì họ. Thế nên, những khó khăn về vật chất có còn là điều gì ghê gớm nữa đâu. Thiên Chúa đã vì họ là bỏ đi tất cả, lẽ nào Người chẳng thể lo cho họ bữa cơm no đủ hay sao? Họ thấy Thiên Chúa đã tước bỏ đi vinh quang, thì vì lẽ gì mà mình cứ mãi đắm chìm trong vinh quang? Họ thấy Thiên Chúa đã đến trong đời họ, thì tại sao mình còn phải lo lắng? Có Chúa là có tất cả rồi còn gì? Hơn nữa, họ thấy Thiên Chúa đã đến trong cuộc đời này, cứu họ trong thân phận của một con người, y hệt như họ, chứ không phải là một vị thần xa xôi khuất dạng nào đấy. Vậy nếu Chúa mang trong mình thân phận con người, họ còn lo ngại gì chuyện Chúa không hiểu những nỗi niềm, những khó khăn, những căng thẳng trong đời sống của kiếp con người. Những ai có thiện tâm thì sẽ cảm nghiệm được một niềm hy vọng lớn lao từ trời gửi xuống, rằng dù họ có ở đâu, làm gì, ra sao thì hồng ân của Chúa vẫn che phủ lấy họ, bao bọc họ, giúp họ sống trọn vẹn ơn gọi làm người của bình. Nhờ đó, bao nỗi bất an bị xua tan, và hơi ấm Thiên Đường lan tỏa khắp con người họ.

Mùa giáng sinh năm nay, chúng ta hãy tiếp tục cầu chúc cho nhau được bình an. Không phải là bình an theo kiểu sung túc hay an phận thủ thường, nhưng là bình an của một người hoàn toàn tự do, với niềm hy vọng luôn bừng cháy, vì biết được rằng mình luôn luôn được yêu bởi một Thiên Chúa Tối Cao. Chính tình yêu mới làm cho lòng ta được ấm áp. Chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới đảm bảo cho ta một sự an tâm thực thụ và vẹn toàn. Bình an của Thiên Chúa không thể có được bằng tính toán hay mưu toan, càng không đặt trên nền tảng tiền tài danh vọng. Bình an của Thiên Chúa chỉ có thể đến với những ai hoàn toàn đặt hết mọi tín thác vào Chúa, để cho Ngài yêu mình, để cho tình yêu của Ngài đốt cháy con tim mình.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

Chúc Các Bạn Mừng Lễ Chúa Giáng Sinh Trong An Bình - Thánh Đức

Giáng sinh ân phúc nghìn trùng
Giáng sinh Thiên Chúa ở cùng chúng ta
Giáng sinh kính chúc an hoà
Bình an hạnh phúc đậm đà niềm vui

Giáng sinh Con Chúa vào đời
Cho tình thắp sáng cho người gần nhau
Tân niên phúc lộc tuôn trào
An khang thịnh vượng dạt dào ơn thiêng.

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2016

80 lý do để yêu Đức Giáo hoàng Phanxicô


Ngày 17 tháng 12 Đức Phanxicô 80 tuổi, ngài sẽ thổi nến sinh nhật và Dòng Tên mừng những năm cống hiến của ngài cho nhân loại.
«Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Xin anh chị em đừng quên!» Đó là câu Đức Phanxicô lặp đi lặp không biết bao nhiêu lần, tại Rôma cũng như bất cứ nơi nào ngài đến trong vòng bốn năm qua, từ khi ngài được bầu chọn.

Vậy, với kỷ niệm sinh nhật 80 năm sắp đến, bạn sẽ nói gì với Đức Phanxicô dù ngài luôn xin bạn cầu nguyện cho ngài, đây là 80 chuyện mà các tu sĩ Dòng Tên yêu nơi Đức Phanxicô.

PopeFrancis-21.jpg

1.Là giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên, Đức Phanxicô được đào tạo trong đức tin là nền tảng công chính và trong linh đạo tìm Chúa trong mọi sự.
2.Khi Đức Phanxicô lần đầu tiên xuất hiện ở ban công sau khi được bầu chọn, câu đầu tiên của ngài là câu khiêm tốn «Chào buổi tối!».
3.Ngài về nhà trên xe buýt cùng với các hồng y chứ không đi xe riêng của giáo hoàng.

PopeFrancis-01.jpg
4.Ngài đến khách sạn lấy hành lý và tự trả tiền phòng.
5.Ngài ở Nhà Mácta thay vì ở các căn hộ dành riêng cho giáo hoàng.
6.Rolling Stone nghĩ ngài là một siêu sao nhạc rock.
7.Ngài được báo Esquire bầu là «Người ăn mặc đẹp nhất» năm 2013.
8.Nhưng ngài tự cho mình là «người có tội».
9.Ngài không ngại mở rộng sứ vụ của mình trong thế giới kỹ thuật số và ngài cho Internet là «ơn của Chúa».
10.Ngài là giáo hoàng đầu tiên có tài khoản Instagram, trong 12 giờ đầu tiên mở tài khoản, ngài có 1 triệu người theo.
11.Tài khoản Twitter @Pontifex có 31 triệu người theo với 8 ngôn ngữ khác nhau.

PopeFrancis-02.jpg

12.Ngài vui vẻ chụp selfie với giáo dân.
13.Ngài tự nhiên khi trẻ con ngưng bài diễn văn của ngài.

PopeFrancis-03.jpg

14.Trong quyển sách dành cho trẻ con ‘Giáo hoàng Phanxicô yêu mến’, các em hỏi ngài: «Nếu làm được phép lạ, ngài sẽ làm phép lạ nào?» Ngài trả lời: «Cha sẽ chữa lành cho các em bé.»

PopeFrancis-04.jpg

15.Ngài quá dễ thương với các em bé.
16.“Xin chào, đây là Giáo hoàng Phanxicô.” Ngài thích gây ngạc nhiên khi gọi cho những người viết thư cho ngài.
17.Ngài gọi điện thoại về Buenos Aires để cắt giao báo khi ngài được bầu chọn.
18.Ngài gọi để an ủi một phụ nữ bị hiếp.
19.Ngài thăm Cộng đoàn Arche, một cộng đoàn lo cho người khuyết tật tinh thần.
20.Ngài mời 1500 người vô gia cư ở Vatican ăn pizza.

PopeFrancis-05.jpg

21.Ngài nói chuyện với từng em bé khi ngài đi thăm phòng bệnh của các em mới sinh.
22.Ngài không ngại ngùng ôm hôn người có khuôn mặt bị biến dạng mà ai cũng sợ.
23.Có vẻ như ngài đã đi ra khỏi Vatican ban đêm để phục vụ người vô gia cư.
24.90% người công giáo yêu mến ngài.

PopeFrancis-06.jpg

25.Thỉnh thoảng ngài cho các em bé lên xe giáo hoàng đi một vòng với ngài.
26.Ngài mở các Viện bảo tàng Vatican và Nhà nguyện Sixtine cho người vô gia cư xem riêng.

PopeFrancis-07.jpg

27.Sinh nhật 77 tuổi, ngài mời một nhóm người vô gia cư đến ăn sinh nhật với ngài.
28.Ngài phong thánh cho một trong các Linh mục Dòng Tên yêu thích của ngài, Linh mục Peter Faber, Linh mục Faber là người có «khả năng có những quyết định lớn và mạnh nhưng cũng là người rất dịu dàng, yêu thương».
29.Sinh nhật 78 tuổi, ngài tặng 400 túi ngủ cho những người thiếu thốn ở Rôma.
30.Sinh nhật 79 tuổi, ngài mừng với các thanh niên công giáo làm việc trong lãnh vực tiếp nhận người tị nạn.
31.Ngài đến Lesbos, Hy Lạp và mang về Vatican với mình ba gia đình tị nạn.

PopeFrancis-08.jpg

32.Ngài cho xây phòng ngủ cho người vô gia cư ở gần Vatican.

PopeFrancis-09.jpg

33.Ngài không ngại vi phạm nghi thức, khi ngài mời các người tị nạn Phi châu lên bục với ngài trong một buổi tiếp kiến chung.
34.Ngài thúc những người mafia cầu nguyện để họ được hoán cải và «ăn năn».
35.Ngài tuyên bố một câu nổi tiếng: «Nếu một người đồng tính đi tìm Chúa và có thiện tâm, tôi là ai mà phán xét họ?».
36.Nói với người hồi giáo, ngài kêu gọi sự tôn trọng hỗ tương giữa hai tôn giáo.
37.Ngài dâng thánh lễ ở biên giới Mỹ và Mêhicô.

PopeFrancis-10.jpg

38.Ngài xin Thượng phụ đại kết Báctôlômêô I ban phép lành cho ngài và cho «Giáo hội Rôma».

PopeFrancis-11.jpg

39.Ngài phá vỡ truyền thống khi rửa chân cho phụ nữ ngày Thứ Năm Tuần Thánh.
40.Khi viếng thăm Washington D.C, thay vì ăn tiệc với Quốc Hội, ngài ăn trưa người vô gia cư.
41.Ngài đóng một vai trò quan trọng trong việc Mỹ và Cuba xích lại gần nhau.

PopeFrancis-12.jpg

42.Ngài uống trà maté giáo dân mời ở quảng trường Thánh Phêrô.
43.Ngài nói với các giám mục nên có lòng thương xót với các cặp vợ chồng bị gãy đổ.
44.Ngài kêu gọi các giới chức trong Giáo hội sống khiêm tốn.
45.Thay vì thưởng tiền cho nhân viên làm việc ở Vatican, ngài dùng tiền đó xung vào quỹ cho người nghèo.
46.Tháng 12-2015, ngài mở Năm Thánh Lòng thương xót.
47.Ngài cho kiểm tra các công việc ở Vatican.
48.Ngài nói Giáo hội phải như một «bệnh viện làng quê».
49.Ngài gặp một cựu sinh viên đồng tính và người bạn lâu dài của người này trong chuyến viếng thăm nước Mỹ.
50.Nếu có người ở Sao Hỏa ở đây thì ngài cũng rửa tội cho họ nếu họ xin.
51.Trong một buổi hòa nhạc, ngài để người nghèo và người vô gia cư ngồi ghế danh dự.
52.Khi trả lời một câu hỏi về ông Donald Trump, ngài nói: «Nếu một người chỉ nghĩ đến xây tường mà không xây cầu thì dù họ như thế nào, họ không phải là kitô hữu. Đó không phải là tinh thần Phúc Âm».
53.Ngài phong thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan-Phaolô II trong một thánh lễ.
54.Ngài chọn tên mình là Phanxicô, theo gương Thánh Phanxicô Axixi, «người nghèo khó, người hòa bình, người yêu và bảo vệ công trình tạo dựng».
55.Ngài tổ chức ngày thế giới cầu nguyện cho việc bảo vệ công trình tạo dựng.
56.Ngài viết Thông điệp Chúc tụng Chúa.

PopeFrancis-13.jpg

57.Ngài yêu đàn chiên và không sợ «mùi chiên».

PopeFrancis-14.jpg

58.Trong Ngày Thế giới Trẻ ở Ba Lan, ngài đi xe điện môi sinh.
59.Ngài thích đi xe cũ, giày cũ.
60.Ngài dùng xe Fiat thay vì dùng xe giáo hoàng.
61.Ngài cần lời cầu nguyện và không ngại ngùng xin giáo dân cầu nguyện cho mình.
62.Ngài gặp gia đình đã đi xe 13.000 dặm đường từ Buenos Aires đến Philadelphia để gặp ngài.

PopeFrancis-15.jpg

63.Ngài thích hưởng giây phút hiện tại, ngài mang mũi hài với một cặp vợ chồng mới cưới.
64.Ngài viết thư tay rất nhiều.
65.Ngài gởi thư cho các tù nhân bị tù chung thân không được giảm án vì các tội họ đã phạm lúc còn vị thành niên.
66.Ngài đến thăm bất ngờ một bệnh viện và một nhà hưu dưỡng ở Rôma.
67.Ngày xưa ngài từng làm người giữ an ninh cho một tiệm nhảy ở Buenos Aires.

PopeFrancis-16.jpg

68.Ngài bán chiếc xe Harley Davidson ngài được tặng để làm việc từ thiện.

PopeFrancis-17.jpg

69.Ngài thích điệu nhảy tango.
70.Ngài chỉ có một lá phổi nhưng lá phổi này làm việc bằng hai.
71.Khi còn là Tổng Giám mục Buenos Aires, ngài không dùng xe riêng có tài xế, ngài đi làm bằng xe buýt.

PopeFrancis-18.jpg

72.Là giáo hoàng, ngài đi tĩnh tâm ở Lenten cũng bằng xe buýt.

PopeFrancis-19.jpg

73.Ngài mê môn thể thao bóng đá. Ngài là fan của đội San Lorenzo de Almagro.
74.Ngài mong được tự do đi ăn pizza.

PopeFrancis-20.jpg

75.Là giáo hoàng, ngài bất ngờ đi đến tiệm kiếng để thay mắt kiếng.
76.Tác dụng của «hiệu ứng Phanxicô», người công giáo cầu nguyện nhiều hơn.
77.Bây giờ giáo hoàng không những chỉ cho người công giáo mà cả cho các tín hữu của các tôn giáo khác.
78.Là giáo hoàng của «những chuyện đầu tiên» kể cả giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh đầu tiên!
79.Ngài là giáo hoàng đầu tiên nói chuyện ở Lưỡng viện Mỹ.
80.Ngài yêu thương chúng ta nhiều, cũng như chúng ta cũng yêu thương ngài rất nhiều.

(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 17.12.2016/jesuitsmidwest.org, 2016-12-15)

Thư gửi Đức Giáo Hoàng nhân ngày sinh nhật thứ 80!

Đức Thánh Cha Phanxicô kính yêu,
Hôm nay chúng con hạnh phúc chia vui với cha trong ngày kỷ niệm cha mở mắt chào đời. 80 năm về trước, gia đình cha tràn ngập niềm vui đón chào Jorge Mario Bergoglio bước vào đời. Từ đó đến nay, cuộc đời cha là chuỗi ngày của ân sủng và tình thương. Ân sủng vì cha là người con tuyệt vời của Thiên Chúa; tình thương vì cha đã dành trọn một đời cho sứ mạng Nước Trời. Với tâm tình của người con nơi phương trời Đất Việt, chúng con cầu chúc cha sinh nhật luôn đong đầy tình yêu và lòng thương xót của Chúa Giêsu.

Cha biết không, từ ngày cha trong cương vị Giáo Hoàng, cả thế giới mong ngóng hòa bình và niềm vui mà cha có thể tiếp tục mang đến cho nhân loại. Những năm tháng qua, đặc biệt trong năm lòng Chúa Thương xót, chúng con cảm nhận phong phú về điều ấy ngang qua rất nhiều nỗ lực của cha. Tuy tuổi cao sức yếu nhưng cha không hề ngại va chạm với thách đố của thời đại. Vì nhiệt tâm lo việc Nước Trời, cha cố gắng nhận ra dấu chỉ thời đại và lên đường rảo bước khắp nơi để gợi hứng và gieo rắc bình an và Niềm vui Tin mừng.

Đặc biệt những năm vừa qua cha luôn để tâm đến người nghèo, người đau khổ và người bị gặt ra bên lề xã hội. Ai cũng cảm nhận được cha là vị mục tử luôn đón tiếp, tìm kiếm và tôn trọng con người trong những cử chỉ và ngôn từ xót thương. Vì thế, cha có một lối tiếp cận dễ dàng đến trái tim của nhiều dân tộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh, và cả Châu Âu. Đó là vì cha luôn tin tưởng vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần nơi Giáo hội của Thiên Chúa: Một Giáo hội chuyển động, một Giáo hội đi ra với thế giới. Mỗi bước chân của cha là dấu ấn quan trọng của Chúa Thánh Thần, mỗi thông điệp của cha là lời ngọt ngào của Thiên Chúa. Chúng con thấy mỗi hành động của cha luôn đong đầy yêu thương. Điều ấy giúp chúng con nhiều lắm trong đời sống đức tin và đón lấy lòng xót thương của Chúa.

Tuy xa cách cha về địa lý, nhưng lòng chúng con luôn hướng gần về cha với lòng cảm mến tri ân. Trong tư thế là Vị đại diện của Chúa Kitô nơi gian trần, lòng cha mở ra với từng con chiên, cha hăng say ra đi để ôm ấp nhân loại và mang lấy mùi của chiên. Chúng con hạnh phúc vì cha mãi là dấu chỉ của Thiên Chúa luôn ở gần với dân, hết lòng chăm lo cho dân được sống và sống dồi dào!

Mừng sinh nhật cha! Chúng con cầu mong cho cha luôn dồi dào sức khỏe. Mong cha khỏe mạnh để tiếp tục rảo bước đến tứ phương thiên hạ. Rồi một ngày rất gần, hy vọng cha sẽ đến thăm Việt Nam. Ngày ấy chắc hẳn sẽ là biến cố lịch sử cho mảnh đất con rồng cháu tiên. Con dân Nước Việt sẽ ngập tràn hạnh phúc, và cả Đông Nam Á sẽ nức lòng vì Thiên Chúa thật sống động nơi cha. Đó là ước mong của chúng con, mong nhiều và ước nhiều lắm, thưa cha!

Món quà sinh nhật mà chúng con gửi đến cha là những lời cầu nguyện thốt lên trong tâm tình con thảo. Cầu ước cha luôn được nhiều ơn Chúa Thánh Thần, ơn khôn ngoan, ơn thánh thiện và hạnh phúc dồi dào. Để trong Chúa và cùng với Chúa, những kế hoạch và chương trình mục vụ của cha được thành công như lòng Chúa ước mong. Cha yên tâm, chúng con luôn ở với cha trong lời nguyện cầu, luôn hướng về cha trong mọi nẻo đường và luôn trung thành với Giêsu.

Xin cha chúc lành cho chúng con, cho Giáo Hội Việt Nam và cho Đất Việt dấu yêu. Chúng con ngóng đợi cha đến thăm Việt Nam vào một ngày rất gần!

Mừng ngày sinh nhật thứ 80 của cha! Chúng con mừng ngày đó cha sinh ra đời và cha là quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho nhân loại!

Việt Nam, 17-12-2016

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
(dongten.net 17.12.2016)

Happy BirthDay Pope Francis

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2016

Truyền Tin Cho Giuse




Tin Mừng Luca nói đến việc truyền tin cho Đức Mẹ. Tin mừng Matthêu kể câu chuyện truyền tin cho Giuse.
Bà Maria, mẹ của Đức Giêsu, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, là con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”... Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.” (Mt 1,18 – 21.24).
Sứ thần Chúa đến báo tin cho Giuse biết, thai nhi nơi người vợ chưa cùng ông chung sống là do quyền năng Thánh Thần. Sứ thần mời gọi ông cứ đón nhận Maria làm vợ, và chấp nhận thai nhi như con mình.Giuse đã nói tiếng Xin Vâng. Ông đón lấy những mầu nhiệm mà ông không hiểu hết.
Tin mừng giới thiệu về những đóng góp của Thánh Giuse vào công trình Nhập Thể. Với sự quảng đại, Thánh Giuse đã bỏ dự định của mình để thi hành chương trình của Thiên Chúa. Đó là cho Chúa Giêsu một tư cách pháp lý là con cháu Vua Đavit. Đúng như lời Thiên Chúa đã hứa từ thời Cựu Ước. Giuse đặt tên cho Chúa Giêsu, nhận Ngài  là con mình theo pháp lý. Từ nay Giuse bao bọc Đức Maria và Chúa Giêsu. Isaia loan báo: “Này đây Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta" (Is 7,14). Lời ngôn sứ có một tầm quan trọng trong nhiệm cục cứu rỗi. Lời đó khẳng định "chính Thiên Chúa" sẽ ban cho Đavid một người thuộc dòng dõi, như là "dấu chứng" lòng trung tín của Người. Lời hứa này đã thực hiện với sự sinh ra Chúa Giêsu bởi Đức Trinh nữ Maria. Giuse đựơc vinh dự tham gia vào nhiệm cục cứu rỗi đó.
Đức Giêsu Kitô là Emmanuel “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Người là Đấng Cứu Độ, Đấng đến giải thoát và ban bình an cho dân Chúa. Nhưng qua câu chuyện Tin Mừng hôm nay, Thiên Chúa đã gây một cú sốc quá lớn cho Thánh Giuse. Khi biết Maria bỗng dưng có thai, Giuse đau khổ, âm thầm mang lấy nổi đau riêng mình. Là người công chính nên Giuse luôn lắng nghe và mau mắn thi hành thánh ý Chúa. Vì thế mà ngài trở nên Thánh Cả và là mẫu gương cho mọi tín hữu.
1. Mẫu gương đức tin, công chính và cầu nguyện.
Thánh Giuse, con người đức tin, công chính và cầu nguyện. Đức tin liên kết với sự công chính và sự cầu nguyện, đó là thái độ xứng hợp để gặp “Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta".
Tự thâm sâu, tình yêu của Giuse vẫn trổi vượt. Giuse không hề quay lại bản thân mình để cảm thấy bị lừa dối xúc phạm, nhưng chỉ hướng về Maria để tiếp tục tin rằng vị hôn thê của mình vẫn thật sự trong sạch vẹn tuyền. Không hề tra hỏi Maria một lời nào, Giuse chỉ im lặng ôm lấy phiền muộn, một cõi riêng tư.
Vì yêu Maria nên Giuse không muốn làm hại bạn mình. Ngài đã chọn con đường rút lui trong âm thầm, một giải pháp thua thiệt cho bản thân vì sẽ mang tiếng là “sở khanh”. Một quyết định can đảm nói lên tình yêu và tấm lòng quảng đại của Ngài. Giuse đúng thật là người công chính. Nơi Thánh Giuse, "sự công chính nội tâm" trùng với "tình yêu". Tình yêu dâng hiến luôn hướng về người khác, sẵn sàng hy sinh để làm người mình yêu có giá trị hơn và đựơc hạnh phúc hơn. Chấp nhận chịu thiệt thòi để người yêu được thuận lợi, chấp nhận đau khổ để người mình yêu hạnh phúc. Sẵn sàng thông cảm và tha thứ cho người mình yêu khi có lầm lỗi. Giuse đã yêu Maria bằng tình yêu dâng hiến như thế.
Giuse là một người mở lòng đón nghe Lời Chúa trong cầu nguyện. Thiên thần giải thích cho Giuse biết "người sinh bởi Đức Maria là do Chúa Thánh Thần", theo lời ngôn sứ phán xưa: "Này đây: Trinh nữ sẽ thụ thai", và Giuse sẵn sàng tiếp nhận những ý định của Chúa, những ý định vượt quá những giới hạn của loài người.
Giuse như là một con người đích thực sống đức tin. Đức tin liên kết với sự công chính và cầu nguyện, đó là thái độ phù hợp để gặp Đấng Emmanuel. Tin có nghĩa là sống trong lịch sử mở lòng đón nhận sáng kiến của Thiên Chúa, đón nhận sức mạnh sáng tạo của lời Người.
2. Mẫu gương luôn vâng theo thánh ý Chúa.
Thánh Giuse là người công chính như Kinh Thánh đã khen tặng. Trong suốt cuộc đời Giuse hằng luôn vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa (x. Mt 1,18-25; 2,13-23; Lc 2,1-7.22).
Thánh ý Chúa, được sứ thần truyền đạt đến cho thánh Giuse, vừa xoá tan mọi nghi ngờ đang dằn vặt ngài vừa mạc khải cho ngài về lai lịch và sứ mạng của thai nhi đang được cưu mang. Đó là Đấng Thánh vì được thụ thai do quyền năng của Thiên Chúa. Đó cũng là Đấng sẽ giải phóng dân tộc của ngài khỏi ách đô hộ của ngoại bang. Sứ thần xác nhận Maria mang thai do Chúa Thánh Thần và bảo ông đừng rút lui mà hãy đưa Maria về với mình, bởi Chúa đã giao cho ông một sứ mạng. Giuse sẵn sàng làm bất cứ điều gì Chúa muốn để hoàn tất chương trình của Người. Dự tính muốn ra đi âm thầm không phải chỉ do sự tôn trọng luật pháp hay tôn trọng danh dự Maria thúc đẩy, nhưng còn có cái gì sâu xa hơn nữa. Có thể ví với thái độ của những người đối diện với một mầu nhiệm cao cả: họ thụt lại vì kinh kính sợ, tựa như ông Môsê đã cởi dép khi tiến gần bụi gai đang cháy rực (St 3,5), tựa như Isaia thất kinh khi diện kiến Thiên Chúa cực thánh (Is 6,5), tựa như ông Simon sau khi chứng kiến mẻ cá lạ lùng (Lc 5,8). Giuse được biết là Maria “có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”, vì thế ông không dám chiếm hữu người con không phải là của mình. Vì thế ông toan tính rút lui. Để cũng cố thêm cho sự giải thích vừa rồi, cha Ignace de La Potterie nhận xét rằng, cần phải xét lại các bản dịch cổ truyền. Thay vì “ông Giuse là người công chính không muốn tố giác bà”, cần phải dịch là “ông Giuse là người công chính không muốn tiết lộ {mầu nhiệm}, quyết định rời bỏ bà cách kín đáo. Động từ deigmatisai (ít được sử dụng trong tiếng Hy lạp) tự nó chỉ có nghĩa là thông báo, nói cho biết, đưa ra ánh sáng), và tuỳ theo mạch văn mà thay đổi ý nghĩa: có thể là “tố cáo, tố giác” (điều xấu), “bày tỏ, tiết lộ” (điều tốt). Ông Giuse đựơc bà Maria tâm sự về sự cưu mang do quyền năng Thánh Thần, và ông không dám tiết lộ mầu nhiệm này. (x.Lm Phan tấn Thành, Thánh Giuse trong cuộc đời Chúa Kitô và Hội thánh).
Như một khí cụ ngoan ngoãn trong tay người sử dụng, thánh Giuse đã được Thiên Chúa chọn làm người bảo trợ Đấng Thiên Sai, và Ngài đã cùng bạn mình là Đức Maria, thực hiện mọi quyết định của Thiên Chúa, dầu có phải trải qua biết bao thử thách gian nan, cả về vật chất lẫn tinh thần.
Người Công Chính Giuse suốt cuộc đời luôn luôn thức tỉnh trước thánh ý Thiên Chúa, thức tỉnh ngay cả trong giấc ngủ.
Ở Bêlem: “Sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi !” Ông Giuse liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập.” (Mt 2, 13 – 14) .
Ở Aicập: “Sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Aicập, báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi. ”Ông liền chỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen.” (Mt 2, 19 – 21)
Ở Giuđê: “Vì nghe biết Áckhêlao đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông Giuse sợ, không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê, và đến ở tại một thành kia gọi là Nadarét.” (Mt 2, 22 – 23).
Giuse luôn thao thức lắng nghe tiếng Thiên Chúa, và khi nghe được rồi thì đáp lại không chần chừ, dù cho phải trả giá.
Một câu ngạn ngữ của người Nigêria nói rằng: Hãy lắng nghe và bạn sẽ nghe đựoc những bước chân của các con kiến. Chúng ta được mời gọi để lắng nghe những bước chân âm thầm của Thiên Chúa trong cuộc đời.
Hãy “học trường” Giuse, bài học lắng nghe và thi hành Lời Chúa, trong tinh thần khiêm tốn, vâng phục, tin tưởng và phó thác.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...