Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Mẹ Là Sao Biển

Cuộc đời này được sánh ví như đại dương bao la. Mỗi ngày sống là một ngày vượt trùng khơi, vật lộn với sóng cả ba đào để tới bến bờ. Có những hành trình êm ả thuận lợi, nhưng cũng có những hành trình vất vả gian nan. Trong hành trình vượt đại dương cuộc đời, người tín hữu Công giáo có Đức Mẹ là “Đấng chỉ bảo đàng lành”. Như ngôi sao sáng dẫn chỉ lối giữa đại dương bao la, Mẹ Maria cũng được tôn vinh là “Ngôi Sao Biển – Maris Stella”.
Ai đã từng vượt biển mới cảm nghiệm nỗi kinh hoàng khi đại dương rùng mình dậy sóng. Khi chuẩn bị bước sang thế kỷ 21, một số nhà nghiên cứu đã tổng hợp các sự kiện đáng ghi nhớ của dân tộc Việt Nam. Biến cố vài trăm ngàn người Việt bỏ lại đàng sau quê hương xứ sở, vượt biển ra nước ngoài được coi như một sự kiện “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử dân tộc Việt Nam của thế kỷ 20. Người vượt biển phải đối diện với biết bao nguy hiểm, lằn ranh giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Không ai thống kê được con số người đã bỏ mạng trên biển, vì đói khát, vì bão tố phong ba và vì hải tặc. Nhiều người may mắn thoát chết đã bị ám ảnh suốt đời vì những gian nan đã trải qua. Trong hành trình vượt biển này, có nhiều người đã được ơn lạ của Đức Mẹ. Người viết bài này có dịp tiếp xúc với một số người quen biết hiện sinh sống tại Hoa Kỳ, nghe họ kể về những trường hợp lâm nguy, trên những con thuyền mong manh như chiếc lá giữa đại dương. Trong giờ phút nguy khốn ấy, họ đã kêu cầu Đức Mẹ. Trong số đó có những anh chị em ngoài Công giáo. Có người hứa với Đức Mẹ, nếu thoát mạng, sẽ xin nhập Đạo. Sau này, khi đến đất nước thứ ba, họ đã giữ lời hứa ấy và trong số đó có người đã làm linh mục. Họ là chứng từ sống động về tình thương Thiên Chúa và về lời cầu bầu hiền mẫu của Đức Mẹ. Đức Trinh nữ Maria quả thực đã là ngôi sao biển dẫn đưa những người có niềm cậy trông về bến an toàn.
Khi tôn vinh Đức Mẹ là ngôi Sao Biển, chúng ta thể hiện lòng cậy trông của chúng ta đối với Đức Mẹ. Bên chân thập giá, Chúa Giêsu đã trối Đức Mẹ cho thánh Gioan, đồng thời Người cũng trao phó Thánh Gioan cho Đức Mẹ. Cử chỉ ấy muốn nói lên rằng, trong đời sống của người môn đệ Chúa Giêsu, từ nay có Đức Mẹ đồng hành. Thánh Gioan ghi chú thêm: “Kể từ giờ đó, người môn đệ đón Đức Mẹ về nhà mình” (Ga 19,27). Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong Thư Chung công bố đầu tháng 10-2016 vừa qua, cũng mời gọi các tín hữu Việt Nam hãy “đón Mẹ về nhà” và yêu mến Đức Mẹ với trọn tình con thảo. Quả thật, có Đức Mẹ hiện diện, chắc chắn đời chúng ta khôngcòn cô đơn. Trên hành trình vượt biển cuộc đời, Đức Mẹ hiện diện ở đó để hướng dẫn chúng ta biết sống sao cho đẹp lòng Chúa. Nhờ Đức Mẹ chỉ bảo, con thuyền cuộc đời của chúng ta biết “bát, cạy”, tức là biết lái sang bên phải hoặc bên trái, với mục đích đem lại cho chúng ta hạnh phúc niềm vui trong cuộc sống và ân sủng từ trời.
Trong buổi lễ kết thúc kỳ họp thứ ba của Công đồng Vatican II vào ngày 21-11-1964, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã chính thức tuyên bố Đức Maria là Mẹ Giáo Hội. Sau khi tuyên bố Đức Maria là một “thành viên trổi vượt”, là “kiểu mẫu” và “gương sáng” của Giáo Hội, Công đồng viết: “Giáo hội Công giáo, được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, dâng lên Người tình con thảo, như đối với người Mẹ rất đáng mến yêu” (LG 53). Mẹ là Mẹ của Giáo Hội lữ hành đang vượt biển trần gian. Giáo Hội vẫn được trình bày như con thuyền căng buồm lướt sóng ra khơi, giữa biết bao sóng cả ba đào. Cờ hiệu của con thuyền Giáo Hội là cây thập giá, dấu chỉ của chiến thắng và hy vọng. Trên con thuyền Giáo Hội, có Mẹ ở đó, hiện diện âm thầm, để dõi theo từng bước đi của Giáo Hội, như Mẹ đã âm thầm dõi theo từng bước đường truyền giảng Tin Mừng của Đức Giêsu, Con của Mẹ. Hình ảnh Đức Mẹ hiện diện giữa các tông đồ, chìm sâu trong lời cầu nguyện, được Thánh Luca kể lại trong sách Công vụ Tông đồ, cho thấy, Giáo Hội của Đức Giêsu không cô đơn, vì có Đức Mẹ đồng hành (x. Cv 1,12-14). Lịch sử Giáo Hội đã chứng minh điều ấy. Trên thế giới, có nhiều địa điểm được Đức Mẹ thăm viếng, và nhanh chóng trở thành những linh địa, những điểm hành hương nổi tiếng. Tuy vậy, người tín hữu luôn tin rằng, dù không được đến những địa điểm hành hương nơi Đức Mẹ đã hiện ra, ở bất cứ nơi nào, nếu họ tin tưởng phó thác và kêu cầu sự bảo trợ của Đức Trinh nữ, thì Đức Mẹ vẫn hiện diện trong cuộc đời của họ. Đó là sự hiện diện thân thương mà đầy quyền năng, đem lại cho tâm hồn người tín hữu ấm áp và an bình.
Một câu chuyện rất cảm động kể về lòng can đảm của một phụ nữ xóm chài: Trong lúc mọi ngư dân đang đánh cá ngoài khơi, thì bỗng một cơn bão lớn nổi lên. Chiều đã tới và màn đêm buông xuống mà bão tố vẫn chưa tan. Những người phụ nữ và trẻ em đều nóng lòng sốt ruột ngóng trông ra biển, vì hầu hết những người đàn ông và thanh niên trai tráng đều ở ngoài khơi, và giờ đây họ đang chống chọi với bão tố để tìm đường về. Bà con làng chài đốt những bó đuốc lớn với hy vọng những người thân ngoài khơi nhận ra hướng đất liền để trở về. Một người phụ nữ nhanh trí đã phóng lửa đốt cả ngôi nhà mình, mong tạo lên mội khối lửa khổng lồ, vượt xuyên màn đêm tối. Nhờ khối lửa khổng lồ này, những ngư dân đã trở về đất liền an toàn. Người phụ nữ đã hy sinh tất cả, với ước nguyện cứu sống những người thân.
Hình ảnh người phụ nữ xóm chài gợi lại cho chúng ta người mẹ đứng dưới chân thập giá trên đồi Canvê năm xưa, đó là Đức Trinh nữ Maria. Mẹ đã hy sinh tất cả, đã âm thầm cầu nguyện trong đau đớn, để cùng với Con của mình dâng hy tế cứu độ trần gian. Nhờ cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, nhân loại được hưởng niềm vui và hạnh phúc. Đức Giêsu là tất cả của Mẹ. Người là sự sống, là niềm vui, là niềm an ủi, là trọn niềm yêu thương. Đức Maria đã can đảm hiến dâng người con ấy, để cho trần gian được cứu rỗi.
Ý thức được mình đang được ngôi Sao Biển có tên là Maria hướng dẫn, chúng ta không sợ lạc đường, nhưng an tâm bước đi trong cuộc sống mỗi ngày. Như người lữ hành vượt trùng khơi, chúng ta phải luôn ngước mắt nhìn ánh sao biển để nhận biết phương hướng cho cuộc hành trình. Cũng vậy, tôn vinh Đức Mẹ là Sao Biển không phải là một khẩu hiệu rỗng tuếch, nhưng đó phải là tâm tình yêu mến cậy trông. Ngày hôm nay, Mẹ vẫn đang hiện diện giữa chúng ta để dặn dò chúng ta như Mẹ đã dặn dò những người giúp việc trong tiệc cưới ở Cana: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo!” (Ga 2,5). Đúng vậy, khi chuyên tâm thực thi ý Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ tìm được hướng đi cho đời mình. Đức Mẹ soi sáng cho chúng ta hiểu Lời Chúa, như Mẹ đã chiêm niệm, suy tư và ghi nhớ Lời Chúa trong lòng.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong Thông điệp “Chúng ta được cứu rỗi trong hy vọng – Spe Salvi” đã tôn vinh Đức Mẹ với tước hiệu “Ngôi Sao Hy Vọng”. Ngài viết: “Còn ai hơn được Mẹ Maria, là ngôi sao của hy vọng cho chúng ta? Khi Mẹ “Xin Vâng” Mẹ đã mở cửa thế giới của chúng ta cho chính Thiên Chúa; Mẹ trở nên Hòm Bia Thiên Chúa sống động, trong đó Thiên Chúa nhập thể, trở nên một con người như chúng ta, và dựng lều ở giữa chúng ta (x. Ga 1,14)” (Số 49).
Hành trình vượt biển là một hành trình dài, đầy những sóng xô nghiệt ngã và thử thách gian nan. Mẹ Maria là ngôi Sao Biển rạng ngời hướng dẫn chúng ta. Có Mẹ đồng hành, chúng ta không còn sợ nguy biến. Nghe Mẹ chỉ bảo, chúng ta sẽ cập bến.
Tháng Mân Côi 2016
Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

Lời Kinh Mân Côi - Lời kinh cuộc đời

Trình thuật về cuộc gặp gỡ giữa Sứ thần Gabrien với Trinh nữ Maria trong Tin Mừng Thánh Luca đã trở thành điểm khởi đầu cho một chuỗi 20 mầu nhiệm Mân Côi, được chia ra bốn phần: Mùa Vui, Mùa Sáng, Mùa Thương và Mùa Mừng. Với lời thưa “Xin vâng” của Trinh nữ Maria, Ngôi Lời đã nhập thể làm người và ở giữa nhân loại. Đây là khởi đầu của một cuộc sáng tạo mới. Cuộc sáng tạo thứ nhất đã bị hoen màu tội lỗi do sự bất tuân của Ađam và mọi thế hệ kế tiếp. Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa sẽ canh tân mọi vật mọi loài. Khởi đi từ mầu nhiệm Truyền tin, Kinh Mân Côi dẫn chúng ta từng bước theo Đấng Cứu thế, chiêm ngưỡng và suy tư từng biến cố của cuộc đời Người. Từ thời thơ ấu của Chúa ở làng quê Nagiarét, đến tuổi trưởng thành, lên đường thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng. Từ lời giảng dạy đơn sơ mà đầy khôn ngoan đến những phép lạ kỳ diệu chứng minh quyền năng Thiên Chúa. Từ cuộc khổ hình thập giá đến sự phục sinh và lên trời vinh quang. Mỗi mầu nhiệm đều mời gọi chúng ta đón nhận những thông điệp Chúa muốn truyền đạt. Qua Kinh Mân Côi, dung nhan Chúa Giêsu được phác họa, giáo huấn của Người được chuyển tải và tình thương của Thiên Chúa được thể hiện.
Một nhân vật luôn hiện diện trong suốt hai mươi mầu nhiệm Mân Côi, đó là Trinh nữ Maria thành Nagiarét. Qua lời Sứ thần truyền tin, Đức Maria được Chúa mời gọi cộng tác với Ngài trong chương trình nhập thể và cứu độ con người. Trong mọi biến cố của cuộc đời Chúa Giêsu, Mẹ luôn diện hiện một cách âm thầm, khiêm tốn. Đó không phải là sự hiện diện thụ động, cam chịu, nhưng là sự đồng hành, cảm thông, cộng tác với Chúa Giêsu. Nếu mọi hành động của Chúa Giêsu đều có giá trị cứu rỗi nhân loại, thì Đức Mẹ là người cộng tác thiết thân gần gũi vào những hành động ấy. Vì vậy, Đức Mẹ được tuyên xưng là Đấng hiệp công cứu chuộc. Từ mầu nhiệm thứ nhất là Truyền tin, cho đến mầu nhiệm cuối cùng là việc Đức Mẹ được Chúa thưởng triều thiên vinh quang, chúng ta thấy chân dung và cuộc đời Đức Mẹ được phác họa một cách đầy đủ và sâu sắc. Đức Mẹ từng bước chiêm ngắm những giai đoạn khác nhau của cuộc đời Đấng Cứu thế, cũng là con của Mẹ. Mẹ gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, đến nỗi ta có thể gọi Mẹ là người môn đệ đầu tiên và môn đệ trọn lành của Người. Thánh Luca đã viết: “Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51). Đức Mẹ vui niềm vui của Chúa Giêsu, khi Người được người ta lắng nghe và ca ngợi tôn vinh. Đức Mẹ chia sẻ sự đau khổ của con mình, khi Người bị xúc phạm, sỉ nhục và nhất là khi Người chịu đóng đinh trên thập giá. Bốn giai đoạn Vui, Sáng, Thương, Mừng trong kinh Mân Côi, vừa phác họa cuộc đời Đấng Cứu thế, vừa diễn tả hành trình đức tin của Đức Mẹ. Hai mầu nhiệm cuối cùng, tức là sự chết lành của Đức Mẹ và việc Người được tôn vinh trên hết các triều thần thánh, là phần thưởng cho một đời trung kiên, đồng thời cộng tác với Chúa Giêsu để mang lại ơn cứu độ cho trần gian. Suy niệm mỗi mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta đọc mười kinh “Kính Mừng”. Khi đọc kinh này, chúng ta cùng với Đức Mẹ chiêm ngưỡng và suy tư những biến cố được diễn tả trong Tin Mừng, đồng thời cầu xin cho chúng ta được những ơn cần thiết trong đời sống, để trở nên môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.
Bốn mùa Vui-Sáng-Thương-Mừng của cuộc đời Chúa Cứu thế cũng phác họa những giai đoạn khác nhau của cuộc sống chúng ta. Lúc sinh ra khỏi lòng mẹ là ta khởi đầu cuộc sống trần gian. Thế rồi, từng bước ta lớn lên trưởng thành vào đời. Cuộc đời dạy ta những bài học sâu sắc. Có những lúc thành công, có những khi thất bại. Mỗi lần thất bại làm ta già dặn kinh nghiệm hơn. Chắng có ai sống trên đời này mà không gặp gian nan thử thách. Từ bậc quân vương vua chúa cho tới thảo dân nô lệ, ai ai cũng phải trải qua những thử thách đau thương để từng bước trưởng thành. Kinh Mân Côi giúp ta nhìn thấy chính hình ảnh mình qua cuộc đời Chúa Cứu thế. Kinh Mân Côi cũng khẳng định với chúng ta, Chúa Giêsu đang hiện diện trong cuộc đời này. Người chia vui sẻ buồn với chúng ta. Người nâng đỡ chúng ta trên mọi bước đường trần gian. Người lau khô giọt lệ nơi đôi mắt chúng ta và khích lệ chúng ta trỗi dậy kiên cường trước phong ba bão táp của cuộc đời. Nếu ngày xưa, Chúa đã chịu khổ hình để dạy chúng ta bài học khiêm nhường và để bày tỏ tình thương của Thiên Chúa, thì hôm nay, Người lại đang đau khổ nơi những mảnh đời bất hạnh. Người đồng hoá với những người bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề cuộc sống. Vì thế, khi giúp đỡ người nghèo là chúng ta giúp đỡ Chúa (x. Mt 25, 31-46).
Cỗ tràng hạt rất gần gũi thân thuộc với người tín hữu chúng ta. Tràng hạt không phải là một đơn vị đong đếm, nhưng là mối dây liên kết chúng ta với Đức Mẹ với anh chị em mình. Tràng hạt cũng là chuỗi hoa hồng thiêng liêng, kết lại để dâng kính Mẹ Thiên Chúa. Mỗi kinh Kính Mừng là một đoá hồng huyền nhiệm, thể hiện lòng yêu mến hiếu thảo và cậy trông của chúng ta. Truyền thống Giáo hội công nhận Thánh Đaminh là người đã cổ võ lần hạt Mân Côi theo lệnh truyền của Đức Mẹ để đem lại bình an hiệp nhất cho Giáo hội, trong bối cảnh có nhiều rạn nứt, chia rẽ. Thánh Đaminh cũng là người đầu tiên kết những bông hoa hồng làm thành tràng hạt dâng kính Đức Mẹ, vì thế, chuỗt hạt ngày nay chúng ta sử dụng, dù được làm bằng chất liệu gì, cũng được gọi là “Chuỗi Mân Côi”, có nghĩa là tràng hoa hồng.
Miệng đọc, trí suy, tay lần tràng hạt, Kinh Mân Côi đơn giản mà huyền diệu. Mỗi kinh Kính mừng, ta lần một hạt, như tiến một bước trên đường đời, giúp ta đến gần Chúa Giêsu hơn. Qua Kinh Mân Côi, chúng ta gửi gắm nơi Đức Mẹ niềm vui nỗi buồn của cuộc đời nhân thế. Những chuỗi hạt thiêng liêng nhân lên mãi trong cuộc đời chúng ta, kéo ơn từ trời xuống, giúp ta nên thánh. Ước chi mỗi người tín hữu cảm nhận dồi dào ân sủng Chúa ban qua Kinh Mân Côi, để cuộc đời chúng ta được biến đổi và nên hoàn thiện.
Lễ Mân Côi 2016
Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2016

Ý Nghĩa Hoa Mân Côi

"Mân Côi" có nghĩa là “hoa hồng” (Rosary). Đức Mẹ đã lấy những đóa hoa hồng trên miệng của một tu sĩ đang đọc kinh Kính Mừng kính Đức Mẹ để kết thành tràng hoa hay triều thiên đội trên đầu.

Chữ “Mân Côi” có nghĩa là “Triều Thiên Hoa Hồng”, tức là mỗi lần chúng ta đọc Kinh Mân Côi sốt sắng là chúng ta đội triều thiên cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria, triều thiên 150, trong đó có 3 bông hồng đỏ và 16 bông hồng trắng, là những bông hoa thiên đường, chúng sẽ không bao giờ tàn phai hương sắc tuyệt vời của chúng.

Đức Mẹ tỏ ra hoàn toàn ưng ý với cái tên “Mân Côi” này. Người đã cho một số người biết rằng, mỗi lần họ đọc một kinh Kính Mừng là họ dâng cho Người một bông hồng đẹp, và mỗi khi họ đọc xong một tràng Mân Côi là họ làm cho Người một vòng vương miện hoa hồng.

Bởi thế, một tràng Kinh Mân Côi là triều thiên hoa hồng lớn và một chuỗi Kinh Mân Côi là một chùm hoa hay một triều thiên hoa hồng nhỏ mà chúng ta đội lên đầu của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Bông hồng là nữ vương của loài hoa, Kinh Mân Côi là hoa hồng của mọi việc tôn sùng. Do đó, việc tôn sùng là quan trong nhất.

Các bạn thân mến,

Chúng ta đang bước vào Tháng Mười, Tháng Mân Côi Đức Mẹ, Giáo Hội kêu mời toàn thể con cái khắp hoàn cầu đọc Kinh Mân Côi dâng kính Đức Mẹ. Giáo Hội cũng nhắc lại cho chúng ta về sự linh nghiệm của Chuỗi Mân Côi trong đời sống Đức Tin. Chỉ những ai siêng năng lần Chuỗi Mân Côi hằng ngày mới cảm nhận được ơn ích thiêng liêng mà Thiên Chúa đã ban cho con người qua lời kinh đơn sơ này. Chính nhờ Chuỗi Mân Côi các tín hữu dâng kính Mẹ theo lời kêu gọi của Đức Thánh Cha mà Giáo Hội đã thoát khỏi biết bao cơn nguy biến như lịch sử đã minh chứng. Cũng nhờ Chuỗi Mân Côi mà bao tội nhân được giải thoát khỏi ách tội lỗi và quyền lực của ác thần hỏa ngục, bao người lầm lạc được ơn trở về với Chúa và Giáo Hội, bao người vô tín ngưỡng được tiếp nhận ánh sáng Đức Tin Công Giáo, bao người thành tâm thiện chí nhờ siêng năng lần Chuỗi Mân Côi, suy ngắm và sống theo mẫu gương đời sống thánh thiện của Chúa Kitô và Mẹ Thánh Chúa chứa đựng trong các Mầu Nhiệm Kinh Mân Côi mà đạt tới đích thánh thiện theo ơn Chúa kêu gọi.

Chúng ta hãy nhớ lại lời nhắn nhủ của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II:“Chuỗi Mân Côi là lời cầu nguyện ưu việt của tôi.” Đây là lời kinh kỳ diệu, kỳ diệu trong sự đơn giản lẫn chiều kích và ý nghĩa thâm sâu. Có thể nói một cách nào đó thì Chuỗi Mân Côi là một lời kinh và chú giải về chương cuối cùng trong hiến chế Mầu Nhiệm Giáo Hội của Công Đồng Vaticanô II. Chương này bàn về sự hiện diện của Mẹ Thiên Chúa trước Mầu Nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội. Với kinh Kính Mừng làm nền tảng của giai đoạn chính trong cuộc đời Chúa Giêsu hiện ra trước mắt linh hồn chúng ta, và đưa chúng ta vào sự thông hiệp sống động với Chúa Giêsu qua Trái Tim Vẹn Sạch của Mẹ Ngài. Đồng thời, trái tim của chúng ta cũng có thể lồng vào những chục kinh Kính Mừng với tất cả những biến cố làm nên cuộc sống cá nhân, gia đình và quốc gia, Giáo Hội và nhân loại, cách riêng những người thân của chúng ta. Như vậy, lời kinh đơn sơ của Chuỗi Mân Côi rung lên những nhịp điệu của cuộc sống con người.

Người ta kể rằng: Thánh Anphôngsô là vị tông đồ rất nhiệt thành truyền bá lòng sùng kính Mẹ Maria, ngài đặc biệt yêu mến và siêng năng lần hạt Mân Côi hằng ngày, cả những lúc tuổi già sức yếu, nằm liệt trên giường bệnh gần chết, dù lúc còn tỉnh hay lúc mê sảng, ngài vốn không ngừng lần hạt Mân Côi. Có lúc ngài hỏi Thầy giúp bệnh nhân rằng: “Cha đã lần hạt Mân Côi chưa Thầy?” Thầy giúp bệnh nhân trả lời: “Cha đừng sợ, vì Cha đã lần hạt nhiều rồi, Đức Mẹ không bao giờ bỏ Cha đâu!” Nghe thấy câu nói đơn sơ ngây ngô như thế, ngài đã nhấn mạnh khi nói với Thầy: “Con không biết rằng, phần rỗi đời đời của Cha hệ tại việc lần hạt Mân Côi sao?”

Cũng được cảm hứng bởi Thánh Linh và được hướng dẫn bởi Mẹ Đồng Trinh, cộng với kinh nghiệm bản thân, Thánh Đa Minh đã rao giảng Kinh Mân Côi cho đến hơi thở cuối cùng của ngài. Từ khi nhận cuốn sách mà Đức Mẹ trao cho ngài, ngài đọc cẩn thận và bắt đầu giảng về Kinh Mân Côi và cắt nghĩa từng chữ kinh Kính Mừng như thể giảng dạy cho một đám trẻ con, và dùng những ví dụ rất đơn sơ được chứa đựng trong cuốn sách mà Đức Mẹ đã trao cho ngài. Ngài rao giảng Kinh Mân Côi bằng gương sáng cũng như bằng lời giảng, trong các phố xá cũng như ở các thôn làng, cho cả kẻ sang cũng như người hèn, trước các học giả và cả thành phần thất học, cho người Công Giáo lẫn người lạc đạo. Kinh Mân Côi mà Thánh Đa Minh lần hằng ngày là để dọn từng bài giảng một, và cũng là để nghỉ ngơi tâm sự với Đức Mẹ ngay sau bài giảng.

Ước gì lời tuyên xưng trên đây của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, niềm tin tưởng vào phần rỗi đời đời của Thánh Anphôngsô và lời rao giảng Kinh Mân Côi bằng gương sáng của Thánh Đa Minh, củng cố niềm xác tín của chúng ta vào ý nghĩa cao cả và sự linh nghiệm của Chuỗi Mân Côi trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi, Mẹ yêu dấu của chúng con, xin Mẹ ban cho chúng con biết siêng năng đọc Kinh Mân Côi hằng ngày, với lòng tin tưởng phó thác nơi Mẹ như những người con ngoan thảo, để trong cuộc hành trình Đức Tin, chúng con thắng vượt được mọi khó khăn thử thách hầu đạt tới đích thánh thiện và ơn cứu độ muôn đời. Amen.

Mary. Mai Le

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

Lời chào huyền diệu

Chào hỏi là cử chỉ đầu tiên khi hai người gặp gỡ nhau. Tùy theo cách thức chào hỏi mà người ta nhận ra mối tương quan giữa hai người, cũng như địa vị của họ. “Ave Maria – Kính chào Bà Maria” là lời chào của Sứ thần Gabrien trong ngày truyền tin. Lời chào ấy, vừa thể hiện sự kính trọng, vừa là lời tôn vinh các nhân đức của Đức Trinh nữ. Lời chào thân thương ấy đã trở thành lời kinh quen thuộc của người Công giáo chúng ta.
Thánh Luca là tác giả duy nhất ghi lại cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Sứ thần Gabrien và Đức Trinh nữ thành Nagiarét. Sự kiện này được chính Đức Maria kể lại cho tác giả như một dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời mình. Gabrien là vị sứ thần được Chúa sai từ trời xuống chào kính Đức Trinh nữ và loan báo mầu nhiệm Nhập Thể. Đây thật là lời chào huyền diệu, hàm chứa những ý nghĩa sâu xa. Lời chào này không chỉ khởi đầu cho cuộc gặp gỡ giữa cá nhân, mà còn là khởi đầu của công cuộc Nhập thể cứu độ trần gian.
Trong Cựu ước, nhiều cuộc gặp gỡ giữa các thiên sứ (hay người của Thiên Chúa) với người phàm được ghi lại, như trường hợp của ông Abraham hay các ngôn sứ. Tuy vậy, không có một cuộc gặp gỡ nào được diễn tả với thể thức chào hỏi kính trọng, như lời chào của Sứ thần Gabrien. Lời chào của Sứ thần là lời chào của chính Thiên Chúa, Đấng sai Sứ thần đến gặp Đức Trinh nữ Maria. Sứ thần có sứ mạng chuyển tải một thông điệp, với nội dung như Đấng sai mình đã truyền dạy.
“Ave Maria”, đây là lời chào của Đấng sáng tạo ngỏ với thụ tạo của mình. Lời chào diễn tả sự khiêm nhường của Thiên Chúa. Vào thời ban đầu của lịch sử, Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ, trời đất và muôn vật muôn loài. Trong các loài thụ tạo, Chúa dựng nên con người và trao cho họ thay mặt Ngài làm chủ đất đai, canh tác vũ trụ. Một tác giả đã viết: “Khi sáng tạo, Thiên Chúa giống như nước thủy triều, khiêm nhường thu mình lại để nhường chỗ đất khô cho con người và các loài thụ tạo”. Nay, Ngài lại có sáng kiến cứu độ con người. Để thực hiện chương trình ấy, Thiên Chúa mời gọi sự cộng tác của một người phụ nữ đơn sơ khiêm hạ. Dường như Ngài chờ đợi sự đồng ý của Trinh nữ. Nếu Thiên Chúa hạ mình chào một thụ tạo, thì Trinh nữ thành Nagiarét cũng diễn tả sự khiêm nhường qua câu trả lời: “Này tôi là tôi tớ Chúa”. Đức Maria khiêm tốn ý thức mình chỉ là tôi tớ thấp hèn trước sự cao cả thánh thiện của Chúa. Nếu Mẹ nhận được những đặc ân cao cả, là do lòng thương xót của Chúa. Mẹ đã phó thác hoàn toàn theo ý Chúa, vì Mẹ xác tín rằng, những gì Chúa muốn đều tốt cho nhân loại và tốt cho những ai có liên quan. Khi suy ngắm mầu nhiệm thứ nhất của Mùa Vui, chúng ta xin cho được sự khiêm nhường, như sự khiêm nhường của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ trần gian. Chúng ta cũng cầu xin cho được noi gương Đức Trinh nữ, khiêm hạ trước mặt Chúa và sẵn sàng cộng tác với Ngài.
“Ave Maria”, lời chào đi liền với lời ca tụng nhân đức của Đức Trinh nữ Maria. Sứ thần đã ca tụng Mẹ là “Đấng đầy ơn phúc”. Đây không phải là một lời khen xã giao theo kiểu người đời. Đây cũng không phải là một lời khen tặng mà con người dành cho nhau, nhưng đây chính là lời của Thiên Chúa tôn vinh Đức Mẹ. “Đầy ơn phúc” là cách diễn tả một người toàn vẹn, thánh thiện, hoàn hảo, đầy đủ mọi đức tính tốt đẹp. Đức Mẹ có vẻ đẹp thể xác lẫn tâm hồn, vừa đẹp lòng Thiên Chúa vừa đẹp lòng con người. Vì Đức Mẹ không mắc tội tổ tông, nên Đức Mẹ tinh tuyền, như bà Evà trước khi phạm tội. Tâm hồn và thể xác Đức Mẹ phản ánh sự thánh thiện vẹn toàn của Thiên Chúa, nhờ vậy mà Mẹ được tôn vinh hơn hết mọi phụ nữ trên trần gian. Lời chào của Sứ thần cũng thường được dịch là “Hãy vui lên!”. Một người đầy ơn sủng sẽ luôn hân hoan vui mừng vì cảm nhận sâu sắc sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời. Thiên sứ mời gọi Đức Mẹ hãy vui lên, như tâm tình hân hoan vui mừng của nữ ngôn sứ Sophonia trong Cựu ước, bởi lẽ Thiên Chúa sẽ thực hiện những việc kỳ diệu trong lịch sử, để thể hiện quyền năng và tình thương của Ngài. Niềm vui tràn đầy của Đức Mẹ đã thể hiện qua kinh Magnificat sau đó. Niềm vui của Đức Trinh nữ là niềm vui toàn diện, cả linh hồn và thần trí.
“Ave Maria”, lời chào đánh dấu một giai đoạn mới trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Tác giả thư Do Thái đã viết: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua các Tổ phụ và các ngôn sứ. Đến thời sau hết này, Ngài nói với chúng ta qua người Con” (Dt 1,1). Với lời thưa “Xin vâng” của Đức Trinh nữ, Ngôi Lời đã hóa thành xác thịt và cư ngụ giữa chúng ta. Đấng từ trời cao đã giáng thế. Thiên Chúa với con người đã nên một. Từ nay, Thiên Chúa không còn là Đấng cao xa vời vợi, nhưng Ngài đã mang lấy bản tính nhân loại và chọn trái đất là quê hương. Ngài cũng chọn con người là anh chị em, để cùng chia ngọt sẻ bùi trong cuộc đời dương thế.
Người tín hữu Công giáo lặp lại lời chào “Ave Maria” mỗi khi lần hạt Mân Côi. Lời chào này đã trở thành lời cầu nguyện thân thuộc, đi liền với tình suy niệm những biến cố quan trọng của cuộc đời Chúa Cứu Thế. Kinh Mân Côi giúp chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giêsu và mở lòng đón nhận giáo huấn của Người. Hai mươi mầu nhiệm Mân Côi phác hoạ chân dung Đấng Cứu Thế, đồng thời giúp ta nhận ra chính thân phận và cuộc đời mình giữa những biến cố Vui, Sáng, Thương, Mừng đan xen với nhau.
“Ave Maria”, ước chi lời chào này luôn vang lên nơi môi miệng và tâm hồn chúng ta, lúc vui cũng như lúc buồn, khi hạnh phúc cũng như khi đau khổ, tuổi thanh xuân cũng như khi xế bóng, để xin Đức Mẹ đồng hành với chúng ta mọi giây phút của cuộc đời. Khi đọc kinh “Kính Mừng”, người tín hữu Công giáo thể hiện tâm tình phó thác cậy trông nơi lời cầu bầu của Đức Mẹ và kêu xin: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”. Đây là lời cầu nguyện của Công đồng Êphêsô vào năm 431, sau khi đã tuyên bố tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” như một tín điều.
“Ave Maria”, lời ca tụng hôm nay nơi trần thế, cũng là lời ca tụng giữa triều thần thánh trên thiên đàng, để rồi cùng với Đức Mẹ, chúng ta sẽ được hân hoan ca tụng Chúa muôn đời.
Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...