Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Cầu Nguyện Bằng Chuỗi Mân Côi

Trong lịch phụng vụ, tháng 10 có tên là tháng Mân côi. Suốt tháng này, Hội Thánh khắp nơi hướng về Đức Mẹ một cách đặc biệt. Lòng sùng kính của dân Chúa đối với Đức Mẹ trong thời gian này mang một đặc điểm riêng. Đó là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi.
Mân côi chính là hoa hồng. Như thể, bằng chuỗi Mân côi, Hội Thánh trở thành một vườn hồng mênh mông, hương thơm sắc đẹp, dâng lên Mẹ hiền.
Lịch sử chuỗi Mân côi là một hành trình dài. Hành trình đó mang nhiều gợi ý. Những gợi ý này có thể giúp chúng ta cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi một cách sốt sắng, vừa hợp với truyền thống, vừa sát với thời sự.
Chuỗi Mân côi đốt lên lửa mến.
Lịch sử cho thấy kinh Mân côi được thành hình do động lực sùng kính Đức Mẹ. Người được nhắc tới nhiều trong lịch sử kinh Mân côi là thánh Đaminh, đấng sáng lập Dòng Giảng thuyết. Ngài qua đời năm 1221. Một số tài liệu quả quyết rằng chính Đức Mẹ đã trao cho thánh Đaminh chuỗi Mân côi. Xung quanh thánh Đaminh còn một số tu sĩ nhiệt thành, như tu sĩ Dominique dòng Chartreux thành Trèves, tu sĩ Alain de la Roche dòng Đaminh thành Lille.
Các vị này đã có những đóng góp quan trọng. Tất cả các ngài đều là những tông đồ của Đức Mẹ. Với lòng xác tín, hăng hái, nhiệt thành, các ngài rao giảng, truyền bá kinh Mân côi. Trước hết là trong các cơ sở Dòng, sau là tại các giáo xứ của nhiều giáo phận Âu Châu.
Phong trào đọc kinh Mân côi sau đó được tổ chức thành các hiệp hội. Các người trong hiệp hội liên đới với nhau bằng chia sẻ đời sống thiêng liêng. Nhận thấy phong trào kinh Mân côi đem lại nhiều kết quả lớn lao và mau lẹ cho đời sống đức tin, Toà Thánh đã công nhận, khuyến khích và ban nhiều ân xá.
Năm 1475, tại Cologne, chính hoàng đế nước Đức là Fredéric III, hoàng hậu và hoàng tử đã xin ghi tên vào hội kinh Mân côi. Nhờ vậy, chuỗi Mân côi có thêm uy tín.
Uy tín đó không phải là lý do để phong trào kinh Mân côi lan rộng. Lý do lan rộng chính là tính cách Kinh Thánh và bình dân của chuỗi Mân côi.
Các lời kinh của chuỗi Mân côi đều được đúc kết từ Kinh Thánh. Các mầu nhiệm suy gẫm trong chuỗi Mân côi cũng được rút ra từ Kinh Thánh. Số 150 kinh Kính Mừng cũng là để nhớ lại số 150 thánh vịnh của Cựu Ước.
Tuy nền tảng là Kinh Thánh, nhưng chuỗi Mân côi được sắp xếp một cách bình dị, dễ đọc, dễ hiểu, hợp với bình dân. Miệng đọc kinh, lòng suy gẫm, tay lần chuỗi hạt, đó là một hình thức đạo đức bình dân thấy có ở nhiều tôn giáo truyền thống như Phật giáo, Hồi giáo.
Với hình thức đạo đức này, kinh Mân côi đã đốt lên lửa mến trong các tâm hồn. Nhiều tâm hồn trước kia nguội lạnh đã được ơn trở về.
Chuỗi Mân côi thắp sáng niềm hy vọng cứu độ.
Lịch sử cho thấy: Khi khấn cầu ơn nọ ơn kia, nhiều người đã dựa vào chuỗi Mân côi như một nguồn để tìm sức mạnh cậy trông.
Năm 1571, trước cơn đe doạ đạo Chúa bị tàn phá, Đức Thánh Cha Piô V, đã truyền cho Hội Thánh cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi, với hy vọng Chúa sẽ cứu. Khấn cầu đó đã được Chúa chấp nhận. Chiến thắng ở vịnh Lepante ngày 7 tháng 10 năm 1571 đã là cơ sở để Đức Thánh Cha thiết lập lễ Đức Mẹ Mân côi. Hằng năm cứ đến ngày 7 tháng 10, Hội Thánh đề cao chuỗi Mân côi như một nguồn hy vọng.
Năm 1629, trước cơn dịch tả nguy hiểm lan rộng trên nước Ý, tu sĩ Timoteo Ricci đã lập ra chuỗi Mân côi liên tiếp. Thầy tính rằng: Mỗi năm có 8.760 giờ. Căn cứ vào đó, thầy làm ra 8.760 tấm vé. Mỗi vé ghi tháng, ngày, giờ. Rồi cho rút thăm. Ai được vé nào thì cam kết đọc chuỗi Mân côi tháng ngày giờ đó. Mục đích có ý xin ơn chết lành cho những người hấp hối, xin ơn trở lại cho những người tội lỗi, xin ơn bình an cho các dân tộc.
Từ sáng kiến đó, phong trào kinh Mân côi liên tiếp được thành lập và lan rộng. Năm 1657, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII chấp nhận phong trào đạo đức này, và ban cho nhiều ân xá.
Năm 1826, trước nhu cầu truyền giáo cho các vùng xa xôi, bà Pauline Jaricot, thành Lyon, đã có sáng kiến lập ra phong trào “Kinh Mân côi sống”. Cứ 10 nguời thì thành một nhóm nhỏ. Mỗi người trong nhóm cam kết đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày. Hơn nữa, mỗi người trong nhóm sẽ tìm thêm 5 người. Năm người này cũng hứa đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày. Và cứ thế nhân lên số người đọc kinh Kính Mừng.
Mỗi tháng, bà Pauline phổ biến cho các nhóm một bản suy gẫm Lời Chúa, hướng về truyền giáo.
Đầu thế kỷ XX, trước tình hình suy giảm đức tin tại Pháp, cha Joseph Eyquem lập ra những hội Mân côi. Sinh hoạt của những người theo hội này cũng là đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày. Ngoài ra, họ họp nhau mỗi tháng một lần. Cuộc họp không tổ chức ở nhà thờ, nhưng ở nhà tư, lúc ở nhà này, khi ở nhà khác. Cuộc họp gồm đủ mọi thành phần. Những tín hữu bình thường, những người ly dị, những người rối vợ rối chồng, những người xa tránh các bí tích. Họ cầu nguyện, trao đổi, chia sẻ và giúp đỡ nhau vượt qua các thử thách.
Nói chung, khi gặp những khó khăn nguy hiểm, cả trong đạo lẫn ngoài đời, người ta đã chạy lại với Đức Mẹ. Họ khẩn cầu Mẹ bằng chuỗi Mân côi. Và thực sự chuỗi Mân côi đã đem lại cho các tâm hồn những hy vọng lành thánh.
Chuỗi Mân côi mở kho tàng trái Tim Đức Mẹ.
Trước đây, chuỗi Mân côi được truyền bá bởi các thánh, và Hội Thánh. Nay, chính Đức Mẹ lên tiếng.
Tại Fatima, khi hiện ra với ba trẻ, Phanxicô, Giacinta và Lucia, Đức Mẹ đã mang chuỗi Mân côi. Đức Mẹ cũng đã khuyên người ta hãy năng cầu nguyện kinh Mân côi.
Tại Fatima, Lộ Đức và những nơi hành hương, chuỗi Mân côi ví như những chuỗi hoa hồng của các trái tim không ngừng dâng lên Đức Mẹ. Còn Đức Mẹ, thì luôn mưa những hoa hồng thiêng xuống cho các người chân thành cầu khấn. Hoa hồng nói đây là những ơn phúc phần hồn phần xác. Ơn phúc đủ loại, nhất là ơn sám hối, ơn trở về với Chúa, ơn đổi mới cuộc đời, ơn đi sâu vào Phúc Âm, ơn biết đón nhận thánh ý Chúa để trở thành cộng tác viên đắc lực của Đức Mẹ đồng công cứu chuộc.
Các ơn Đức Mẹ ban qua chuỗi Mân côi phát xuất từ trái tim Đức Mẹ. Trái tim ấy đầy tình thương và cũng đã chịu nhiều đau đớn, để cùng với Chúa Giêsu cứu chuộc nhân loại bằng hy sinh trên thánh giá. Vì thế có thể nói, các ơn đó đến từ trên, và chảy vào trong nội tâm mỗi người. Với nhận thức đó, chúng ta hiểu ý nghĩa lời Đức Mẹ nói với Bernadette ở Lộ Đức: “Mẹ không hứa cho con hạnh phúc đời này, nhưng hạnh phúc đời sau”. Tuy nhiên, ngay ở đời này, những ai lần chuỗi Mân côi, cũng sẽ được Đức Mẹ thương ban ơn, cách này hay cách khác.
Hiện nay, cuộc sống đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải. Kinh Mân côi sẽ giúp chúng ta tìm được lối thoát. Lối thoát sẽ từ trên trái tim Đức Mẹ mà xuống và từ trong nội tâm ta mà ra. Nội tâm ta cầu nguyện sám hối. Trái tim Đức Mẹ sẽ làm chứng một cách sống động lời thiên thần đã nói với Đức Mẹ xưa: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).
+ ĐGM. Bùi Tuần

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Đời ta đang theo đuổi điều gì?

Xưa có một câu chuyện như thế này:
Ở một làng chài bên bờ biển có hai người đàn ông làm nghề đánh cá. Một người rất chăm chỉ, khôn khéo và lanh lợi, người còn lại thì dường như không tập trung vào công việc. Hàng ngày, người chăm chỉ đều đi đánh cá từ sáng sớm và đến tối muộn mới trở về nhà, quanh năm không có ngày nghỉ ngơi. Còn người “lười biếng” kia chỉ đánh đủ số cá để bán lấy tiền mua gạo trong ngày. Sau đó anh ta nằm dài trên bờ biển nghỉ ngơi hoặc trở về vui chơi bên gia đình.
Một ngày, người đánh cá “lười biếng” hỏi người đánh cá chăm chỉ kia rằng:
“Vì sao mà ngày nào anh cũng bận rộn từ sáng đến đêm như vậy?”
“Tôi muốn đánh được nhiều cá, bán lấy tiền để tích góp mua thuyền”
“Vậy mua thuyền xong thì anh sẽ làm gì?”
Người chăm chỉ nhìn xa xa ra biển rồi trả lời:
“Tôi sẽ đánh nhiều cá hơn, kiếm được nhiều tiền để mua chiếc thuyền lớn hơn nữa”
“Có thuyền lớn hơn rồi thì anh sẽ làm gì tiếp?”
“Tôi sẽ mua thuyền lớn hơn nữa! Sau đó tôi sẽ nghỉ ngơi không đi đánh bắt cá nữa, mỗi ngày nằm dài trên bãi biển phơi nắng, nghỉ ngơi, nghe tiếng sóng biển!” – Người chăm chỉ vừa nghĩ về tương lai tươi sáng vừa tự đắc trả lời.
Người “lười biếng” nói: “Anh xem! Tôi hiện tại mỗi ngày chẳng phải vẫn nằm phơi nắng và nghe tiếng sóng biển đó sao!”
Người chăm chỉ nghe xong, trầm ngâm suy nghĩ mà không nói thêm lời nào…
Đời người đang theo đuổi điều gì? Đây là một câu hỏi mà tôi và bạn đều muốn tự hỏi với bản thân. 
Trong xã hội nhân văn của chúng ta, con người theo đuổi nhiều mục đích, họ suy nghĩ sẽ tìm thấy ý nghĩa. Những mục tiêu họ theo đuổi gồm có: Sự thành công trên thương trường, sự giàu có, nhiều mối liên hệ tốt, giải trí, làm điều lành cho người khác.v.v… Người ta đã chứng nhận rằng trong lúc họ thành đạt những mục tiêu của sự giàu có, vui chơi, và hài lòng vẫn có những khoảng sâu trống vắng trong tâm hồn – một cảm giác trống trải mà dường như không thể lấp đầy được.
Cuộc sống bây giờ muốn nhàn cũng không được. Nhàn ngày nào… đói ngày đó. Người ta nói lao động là vinh quang, thật không sai. Con người khi lao động sẽ thấy trong đó sự trưởng thành bản thân, thấy thu gặt được thành quả của mình, thấy mình có ích,… Những ai trốn tránh lao động, lười nhác sẽ chẳng bao giờ có hạnh phúc vì họ môt lúc nào đó cảm thấy mình thừa thải, vô dụng, bất lực. Hạnh phúc như ai đó nói, đó là cả một quá trình. Nó không có đích đến, bởi bản thân hạnh phúc là một cuộc trải nghiệm không ngừng.

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Never Give Up


Không phải lúc nào cuộc sống cũng trải hoa hồng dưới chân bạn. Vậy làm thế nào để vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc sống là câu hỏi sẽ được giải đáp trong bài tri thức mới hôm nay. Đã bao lần cuộc sống lấy đi của bạn những hạnh phúc ngọt ngào và ném trả lại cho bạn những cay đắng, tủi hờn? Đã bao nhiêu lần bạn muốn từ bỏ tất cả để mặc cho cuộc sống cuốn mình trôi về nơi vô định? Nhưng cũng đã bao nhiêu lần, bạn muốn dừng chân nhưng rồi lại quyết định mình phải đứng lên đi tiếp. “Never give up” (không bao giờ từ bỏ) là đức tính quý giá của con người, nó giúp ta vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để ta trưởng thành hơn.

Trong cuộc sống, ai cũng có lúc khó khăn chỉ có điều chúng ta nhìn nhận nó dưới những góc độ khác nhau mà thôi. Nếu chúng ta đón nhận nó với ánh mắt bi quan, ta sẽ thấy chán nản và muốn từ bỏ. Nếu ta nhìn nó với con mắt lạc quan, ta sẽ thấy đó là thử thách giúp ta lớn lên. Chính vì vậy nên mới có câu: "Some people complain because God put thorns on roses, while others praise Him for putting roses among thorns." (Một số người phàn nàn vì Chúa đã đặt gai vào hoa hồng, trong khi những người khác lại cảm ơn Chúa vì đã để hoa hồng vào giữa đám gai). Vì không bao giờ từ bỏ nên Lans Amstrong đã lập kỷ lục 7 lần vô địch Tour de France mặc dù mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác.

Cũng giống như vậy, chàng trai mang tên Terry Fox người Canada đã chạy khắp đất nước (mặc dù anh đã bị cắt một chân vì bệnh ung thư khi 18 tuổi) để gây quỹ vì bệnh nhân ung thư. Cho đến nay, phong trào chạy bộ Terry Fox vẫn đang được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới. Đó là những tấm gương cho tinh thần “never give up”.

Trong tình yêu, đôi khi cũng có những khó khăn khiến bạn muốn từ bỏ nhưng hạnh phúc chỉ đến với những ai thực sự kiên trì. Trước khi định từ bỏ, bạn hãy thử nghĩ đến câu nói này xem sao, nó sẽ giúp bạn đưa ra quyết định một cách chính xác hơn: “Never say goodbye if you still want to try - never give up if you still feel you can go on - never say you don’t love a person anymore if you can’t let go.” (Đừng bao giờ nói lời tạm biệt nếu bạn vẫn muốn cố gắng, đừng bao giờ bỏ cuộc nếu bạn vẫn cảm thấy có thể tiếp tục - Đừng bao giờ nói bạn không còn yêu ai nếu ánh mắt của ai đó vẫn còn có thể giữ chân bạn). Và cho dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, bạn cũng nên kiên trì, nỗ lực hết mình. Kết quả có là gì đi nữa thì bạn cũng sẽ không bao giờ phải ân hận và phải băn khoăn tự hỏi mình rằng nếu khi đó mình cố thêm chút nữa thì việc gì sẽ xảy ra.

Thông điệp cuối cùng mà Global Education muốn gửi đến các bạn và cũng là câu nói nổi tiếng của tổng thống Anh Winston Churchill là “Never, never, never give up”.

Chúc các bạn thành công!

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2016

Con viết về Mẹ


Con đã viết rất nhiều, viết rất rất nhiều, nhưng chưa một lần viết về mẹ, dù mẹ là người ở bên con nhiều nhất, lâu nhất và là người thật sự yêu thương con. Hôm nay con bỗng thấy rằng...

Ánh mắt mẹ đem bình an đến cho con. Những lúc vô tình con nhìn thấy mẹ đang lặng lẽ ngắm ba bố con, con bỗng cảm thấy được ở nhà thật an toàn và ấm áp. Những khi con đi đâu về hoặc bắt đầu đi, mẹ luôn ra đến tận cửa nhìn con. Những nẻo đường con đi qua luôn cõng trên lưng một đôi mắt, như một mảnh bùa bình an.

Đôi tay mẹ trói tâm hồn con. Những món ăn, những góc nhà, những công việc thường nhật linh tinh... gắn vào từng rãnh nhỏ trong khối óc của con. Con phát hiện ra mình có một thói quen so sánh rất hay là 'Xời ơi mẹ tao nấu món này ngon hơn nhiều', 'Tao chỉ thích ăn món abc của mẹ tao thôi, tao ghiền món đó' hoặc là 'kệ tao mẹ tao dạy tao làm zậy đó, cho nó sạch nó gọn' hoặc 'ở nhà mẹ con cũng hay làm zậy cho chị em con lắm', 'mẹ con làm khác hơn, mẹ con...'

Con phát hiện rằng bất kì người phụ nữ nào con gặp con đều liên tưởng đến mẹ, bất kì sống ở nơi đâu thì nếp sống ở đó đều làm con nhớ mẹ.

Bước chân mẹ khiến con an tâm. Đôi bàn chân mẹ bằng không có vết lõm, khi bước đi trên sàn gạch bông luôn phát ra những tiếng 'chách chách', hôm nào cả buổi không nghe được âm thanh đó là thể nào con cũng phải đi ra hỏi bố một tiếng 'mẹ đi đâu mất rồi', hoặc là ở nhà ngoại chỉ cần nghe âm thanh đó vang lên con biết ngay là mẹ. Âm thanh thuộc bản quyền của mẹ, rất bình thường nhưng khiến 3 bố con an tâm. Đôi khi lúc 11h trưa và 5h chiều thỉnh thoảng con rất nhớ âm thanh đó, vì giờ đó mẹ đi khắp nhà để dọn dẹp. Con nằm và nghe.

Tiếng nói mẹ đem sự trưởng thành đến cho con. Những lần mẹ dạy, những lần roi vụt lên kèm theo một câu 'từ nay chừa nghe', những trận tranh cãi nảy lửa kèm theo những cái tôi, sự bức tức kéo dài, cả những lần mẹ kể hoài hoặc nói hoài một chuyện nào đó từ sáng đến chiều (thỉnh thoảng vài tháng sau còn đem ra nói lại)... Tất cả như mưa dầm thấm đất, con chẳng bao giờ hiểu được tại sao mẹ lại nói nhiều như vậy cho đến khi con gặp phải những rắc rối từ bên ngoài. Mẹ không dạy con cách xử lý tất cả các tình huống, nhưng mẹ dạy được con chọn cách mà tất cả mọi người ít phải tổn thương lẫn nhau.

Nước mắt mẹ làm mềm tim con, nơi mà con nghĩ mẹ chẳng bao giờ hiểu nổi. Ừ thì mẹ chẳng bao giờ hiểu được tại sao con lại làm thế này, tại sao con lại làm thế kia. Bao nổ lực của mẹ cố gắng để thay đổi con đều vô ích, nhưng nước mắt mẹ làm con đau lòng, đau hơn tất cả trăm ngàn roi vọt và khiến con phải tự điều chỉnh hành vi lối sống của mình.

Và mẹ, chỉ một từ giản đơn, người phụ nữ bình thường với những việc làm cũng rất bình thường, khiến con phải rơi nước mắt giữa biết bao người khi ngồi viết những dòng này trong một quán cafe. Khiến con thấy rằng con vừa hạnh phúc lại vừa thật tầm thường so với tình yêu của mẹ.

Từ lâu lắm con đã quên những cái hôn, những cái ôm ấm áp, những lời nói yêu thương của mẹ và con. Con nghĩ những điều đó dường như không cần thiết (hay là con không đủ can đảm để làm?), vì khi con nhớ mẹ con chẳng hề nhớ đến những lần mẹ nói thương con, con chẳng nhớ đến những lần mẹ mua sắm cho con những vật dụng đắt tiền. Khi con nhớ mẹ, con nhớ trước nhất là dáng người mẹ, những việc lặt vặt mẹ hay làm, rồi đến những lần mẹ vụt roi lên, nhớ những lần bị tổng sỉ vả.

Nhưng con chẳng nhớ đến vì thù dai, mà là con bỗng thấy con thương mẹ ở những lúc đó hơn hết (vì sao thì con cũng chẳng biết). Con không viết những dòng này vào ngày lễ Vu Lan, ngày 8-3 hay ngày gì gì khác. Con chỉ viết những dòng này vào ngày hôm nay, một ngày bình thường con cảm thấy thật sự nhớ mẹ, nghĩ về tình yêu của mẹ. Viết bằng tình cảm thật sự trong con.

Lần đầu tiên con viết về mẹ, con tốn quá chừng là nước mắt (và mất luôn phong độ của một cá nhân giữa đám đông nữa). Điều tất nhiên là con sẽ giấu nhẹm cái bài viết này như bao đứa con khác, mãi mãi mẹ chẳng bao giờ xem được. Vì mẹ yêu con rất thầm lặng, nên con cũng sẽ lặng lẽ yêu mẹ. Và mẹ, và con, sẽ luôn tự hỏi tại sao chẳng bao giờ hiểu được nhau.

Tại sao bày tỏ tình yêu với người xa lạ rất dễ dàng, nhưng lại quá khó khăn khi nói rằng con yêu mẹ?....

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

Nỗi Lòng Mẹ Maria

Vào một buổi sáng sớm, trời còn sương mù thoang thoảng khắp triền đồi miền núi, Maria vừa thức dậy, nàng cầu nguyện thật sốt sắng. Tiếng chim hót sau hiên nhà làm nàng cảm thấy như một điệu nhạc thiên nhiên, nhè nhẹ len vào tâm hồn đạo đức của nàng. Hôm nay một nghi thức hôn ước với Giuse sẽ được bà con xếp đặt. Nàng phó thác mọi chuyện cho Chúa, nàng dâng cả cuộc đời, tuổi thanh xuân cho Chúa, nàng chỉ ao ước được trở thành Tân nương trong một tiệc cưới mà Tân lang là Thiên Chúa mà thôi.

Bà con họ hàng ai cũng biết đến đức độ của Maria, họ hãnh diện đã có một người bà con như thế. Với độ tuổi trăng tròn, Maria có một nét đẹp khả ái, đầy thánh thiện trong giọng nói nụ cười. Nàng rất khiêm nhường luôn coi mình là thua kém, chỉ đáng tôi tớ cho Thiên Chúa và cho cả mọi người . Biết đươc ý định của nàng là dâng mình cho Thiên Chúa, bà con đã dạm ý nàng cho Giuse, một thanh niên đứng tuổi, cũng có lòng đạo đức sâu xa chẳng thua kém Maria. Họ kết hôn trong giao ước của sự trong sạch và thánh thiện qua sự chứng giám của họ hàng trước Thiên Chúa Tối Cao.

Maria cảm thấy vui trong lòng với cuộc đời mới, chẳng phải niềm vui như bao cô gái xuân thì khác, khi đến tuổi lấy chồng tạo dựng được một gia đình riêng cho mình. Nàng vui vì từ đây ý định thực sự dâng mình cho Thiên Chúa đã trọn vẹn. Nàng cũng cảm thấy vui vì người chồng của nàng, Giuse cũng đã có cùng ước nguyện. Ý hiệp tâm đầu trong đôi vợ chồng Giuse-Maria thực là cao siêu thánh thiện vượt trên các cuộc hôn nhân trần thế này.

Quả đúng là cây tốt được vun tưới bằng hồng ân, sẽ sinh hoa quả tốt.

Trước ngày cưới, Maria được Thiên sứ báo tin một trọng trách mà Thiên Chúa đã lựa chọn nàng để giao phó, và Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trong lòng nàng. Thoạt tiên, nàng đã quyết liệt từ chối trọng trách đó, vì cho rằng không đủ tư cách, nhưng Thiên Chúa đã hứa sẽ ở bên nàng để giúp nàng chu toàn tất cả sứ mạng mà Ngài giao phó. Nàng đã vâng theo ý Chúa, và cũng từ giờ phút đó, nàng luôn cầu nguyện không ngừng để đón nhận những gì Thiên Chúa gởi đến. Nàng biết, Thiên Chúa sẽ không đưa mật ngọt cho nàng, vì đó chính là liều thuốc phá hỏng sự thánh thiện, làm biến tan sự sốt mến cầu nguyện. Ngay cả việc vâng theo ý Chúa cũng đã là một điều làm cho nàng băn khoăn, xung đột nội tâm giữa sự mặc cảm không xứng đáng và hồng ân cao trọng.

Thế rồi, hai người chung sống trong một gia đình. Chuyện phải đến đã đến, nàng biết Giuse đứng ngồi không yên, khi thấy nàng bụng mang dạ chửa.

“Lời nói không mất tiền mua,
“Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”(ca-dao)

Nàng cũng không biết phải nói như thế nào, phải lựa lời nào nữa trong trường hợp này. Lời giao ước khiết tịnh giữa hai người hầu như chưa ráo mực! Giuse im lặng, có vẻ như chàng sẽ khăn gói ra đi. Maria rất đau khổ, nàng van xin Thiên Chúa hãy thanh minh cho nàng, Maria chỉ biết cầu nguyện, phó thác để Chúa sắp đặt mọi chuyện, vì điều này ngoài sức tưởng tượng của nàng.

Giuse chắc chắn được Thiên Chúa hướng ý cho biết về thai nhi, vì chỉ sau đó vài ngày, chàng lại vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra, vẫn tiếp tục công việc hàng ngày một cách hăng hái, chàng lo lắng cho Maria hết lòng. Maria vui mừng cảm tạ Chúa, vì trút được nỗi lo buồn bị hiểu lầm, chưa kể nếu Giuse không cao thượng nàng có thể bị xử theo luật nữa. Tất cả mọi chuyện, Maria đều tin chắc Thiên Chúa sẽ ra tay giải quyết, nàng không mảy may nghi ngờ, nhưng với sự khôn ngoan nàng vẫn lo lắng nghĩ đến những hậu quả nếu Thiên Chúa không can thiệp.

Qua khỏi được bước đầu, đến giai đoạn sinh nở, nàng cũng biết sẽ được Thiên Chúa quan phòng, tuy vậy nàng vẫn lo sợ những điều ngoài dự đoán.

“Đàn ông đi biển có đôi,
“Đàn bà đi biển mồ côi một mình”.(ca-dao)

Cái lo lắng của nàng thật không ngờ lại đúng. Chính đang lúc gần ngày sinh nở lại phải chiếu theo lệnh nhà vua để về nguyên quán khai sổ bộ. Và cuộc sinh nở của nàng đã xảy ra một nơi mà nàng cũng không ngờ được trước. Ôm con vào lòng, Maria cảm thấy diễm phúc làm Mẹ của một người nữ thật cao vời.

Ngày sinh con nơi hang lừa
Mẹ biết con là Đức Vua
Dù đêm đông có giá lạnh
Mẹ ấm lòng hát ầu ơ!

Như những người Mẹ khác, Maria nuôi con khôn lớn trong muôn ngàn khó khăn của một gia đình nghèo. Chín tháng cưu mang rồi nuôi con khôn lớn, chỉ mong con hay ăn chóng lớn, vui chơi khoẻ mạnh là cha mẹ vui rồi. Từ những ngày còn bú mớm, nằm trong nôi được Mẹ ru ngủ bằng câu hò điệu hát dân quê, đến lúc biết đi biết chạy vui đùa cùng chúng bạn, quả là một chuỗi tháng ngày dài bao thao thức đêm trường.

Giêsu con hãy ngủ đi!
Mẹ ru con ngủ, ướt mi lệ đời
Sinh con ra, con Chúa Trời
Cơ hàn khốn khổ làm người dương gian
Dẫu bao sóng gió chẳng màng
Chỉ mong con lớn sáng danh Chúa Trời.

Maria biết thời điểm của Thiên Chúa khởi sự một giai đoạn mới đã gần kề. Nàng cũng không còn thanh xuân, trẻ trung như ngày xưa nữa, nhưng trong tâm lòng nàng thì mọi chuyện như mới xảy ra hôm qua, từ chuyện gặp Thiên sứ đến chuyện dâng con trên đền thờ. Nàng ôm ấp những điều được nghe biết và suy nghĩ trong lòng ngày này qua ngày khác. Đối với nàng là một sự chờ đợi trong ân sủng, nhưng cũng đầy giá buốt của đêm đông ngày nào.

Ngày con ra đời lớn khôn
Rao lời Chúa cho muôn dân
Mẹ cầu cho con an mạnh
Trong ân sủng Chúa Thánh Thần

Lúc này con của Mẹ đã ba mươi tuổi đời. “Tam thập nhi lập”, Mẹ vừa sung sướng vừa lo lắng, khi thấy con mình bắt đầu thi hành sứ mạng trọng đại, mà chính Mẹ là người đã thực hiện được một phần. Mẹ luôn trông mong con mình khoẻ mạnh, đầy ân thánh để giữa muôn người lành kẻ dữ, có thể giữ vững được chân lý, chịu đựng được bao khổ nhục. Mẹ nghĩ đến thuở con còn nhỏ trong nhà, Mẹ luôn lo cho con cơm ăn áo mặc, bây giờ trong cảnh rày đây mai đó, biết ai là người sẽ lo cơm nước cho con đây. Mẹ nhớ câu hò ngày xưa ru cho con ngủ, mong con sớm tối được an lành.

Giêsu lòng Mẹ hân hoan!
Con đang thực hiện chu toàn ý Cha
Dù con đây đó bôn ba
Mẹ luôn dõi bước con ra chợ đời
Mẹ biết con, con Chúa Trời
Sinh ra xuống thế cứu người lầm than!

Mỗi lần có người báo tin con mình bị người ta chửi rủa, bị chế giễu, thậm chí có lần suýt bị ném đá nữa, những lúc đó Mẹ lo buồn biết bao nhiêu. Mẹ luôn lo lắng thấp thỏm trong lòng, chẳng biết ngày giờ nào lời tiên tri ngày xưa trên đền Thánh sẽ xảy ra. Mẹ luôn cầu nguyện phó thác để chấp nhận, chịu đựng được tất cả nghịch cảnh, nhưng có lẽ sự chờ đợi còn làm cho Mẹ khổ tâm nhiều hơn nữa. Rồi cũng đến ngày có người tất tả chạy đến báo hung tin cho Mẹ, con Mẹ bị phản bội, đã bị bắt đem ra trước toà. Tay chân Mẹ rụng rời, nước mắt Mẹ trào ra.

Ngày tin con bị bắt giam
Mẹ bàng hoàng trong tâm can
Nhớ ngày xưa lên đền Thánh
Dâng con, lòng Mẹ, lưỡi gươm…

Theo chân các môn đệ, Mẹ đến toà nhìn con tan nát cả thân mình. Mẹ buồn sầu biết bao nhiêu khi thấy mọi người chẳng được mấy ai hô hào để thanh minh cho con mình vô tội. Lòng Mẹ đau như cắt khi hiểu được tại sao con Mẹ phải gánh lấy từng ấy oan khiên, nghiệt ngã. Mẹ cầu xin cho con mình đủ sức chiụ đựng tất cả những gì sẽ xảy ra. Nhìn cây Thập giá trên vai con mà lưng Mẹ như cong oằn xuống. Nhìn con lê lết với cây Thập giá, hơi thở dồn dập hết cả sức lực, Mẹ như nghẹt thở. Còn nhớ ngày nào con cảm nóng, Mẹ sắc thuốc cho con uống, con đau đớn rên rỉ Mẹ xoa bóp cho con. Lời ru ngày nào, bên giường con nằm im thiêm thiếp vẫn vang lên trong tâm trí, Mẹ chỉ muốn làm sao cho con đỡ đau một chút!

Giêsu con Mẹ yêu thương!
Con đang đi đến đoạn đường khổ đau
Con đau lòng Mẹ cũng đau
Gặp con, con Mẹ nhìn nhau quặn lòng
Ai mang Thánh giá cho con?
Con ơi! Chịu khó cho tròn ý Cha!

Không có cực hình nào đau đớn hơn cho một bà Mẹ là phải chứng kiến con mình bị hành hạ, giết chết một cách oan ức, Mẹ đã can đảm chịu đựng. Mẹ là một bà Mẹ Macabê mới, dù đau lòng mấy cũng chấp nhận hy sinh để con mình chịu chết.

Ngày Mẹ vừa sinh con ra
Ẵm con, lòng Mẹ thiết tha
Giờ Mẹ ẵm con lần cuối
Xác con! Lòng Mẹ xót xa!

Hơn ba mươi năm trước, nơi một cánh đồng hoang vu, quạnh quẽ, với cái giá lạnh của mùa đông rét mướt cũng không làm Mẹ cảm thấy cô đơn lạnh lẽo. Mẹ ôm con trong lòng mà thấy cả đất trời ấm áp, con đã là niềm vui sướng vô cùng của Mẹ. Hai bàn tay của Mẹ đã ôm trọn cả Vua Đất Trời trong tiếng ru à ơi con hãy ngủ đi!

Rồi ba mươi năm sau, trên đỉnh đồi Gôn-gô-tha cũng hai bàn tay này, Mẹ ôm con vào lòng, nhưng đau lòng Mẹ quá con ơi! Mẹ muốn ru con thêm một lần nữa! Một lần cho con ngủ mãi mãi trong lòng Mẹ!

Giêsu! Con biết chăng là
Lưỡi gươm ngày ấy thâu qua tâm lòng
Con thì sứ mạng đã xong
Chỉ riêng Mẹ vẫn đau lòng con ơi!
Dù con, con Đức Chúa Trời
Mẹ đây cũng vẫn đời đời Mẹ con
Mẹ đang đau cả xác hồn
Ước chi Mẹ được thay con một lần
Con ơi! Hãy ngủ đi con!
Mẹ ru con ngủ cho lòng Mẹ yên
Giêsu ơi! Mẹ hôn con
Suốt đời Mẹ vẫn đau lòng con ơi!

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

Chiêm ngắm tình yêu

Đối với người đời, hình ảnh thập giá là một điều gì đó đau đớn tột cùng và một sự thất bại thê thảm. Tuy nhiên, với người Công giáo thì khác, thập giá là biểu tượng của hy sinh, của tình yêu và vinh quang.
Hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta cùng nhau suy tôn Thánh giá, tức là chiêm tình yêu tự hủy của Thiên Chúa dành trọn cho con người. Chính nơi thập giá ấy, ơn cứu chuộc đã đến với con người và cánh cửa trong thân phận làm con Thiên Chúa được rộng mở.
Chúa Giêsu đã không chỉ tự hạ mình để đến với nhân loại trong thân phận con người. Nhưng hơn thế nữa, Ngài đã tự hiến thân mình trên cây thập giá để tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa được tuôn đổ trên con người.
Thay vì thập giá là biểu tượng của sự ô nhục và thất bại thì ngang qua cái chết của Đức Giêsu, thập giá đã trở nên biểu tượng của sự chiến thắng tội lỗi và đem lại vinh quang cho con người bằng một tình yêu vô vị lợi.
Thay vì thập giá là biểu tượng của sự đau khổ và vô cảm, thì ngang qua sự hiến thân của Đức Giêsu, thập giá đã trở nên biểu tượng của sự hòa giải và tình liên đới với Thiên Chúa bằng một tình yêu khiêm hạ.
Thay vì thập giá là biểu tượng của sự hận thù và chết chóc, thì ngang qua việc hy sinh mạng sống của Đức Giêsu, thập giá đã trở nên biểu tượng của một Đức tin tinh tuyền và một tình yêu son sắt mà Thiên Chúa dành tặng cho nhân loại.
Thật thế, mỗi một người Công giáo luôn xác tín rằng, thập giá không phải là một kết thúc, nhưng là một sự bắt đầu. Thập giá không phải là sự yếu đuối nhưng là sức mạnh của tình yêu đến nỗi thí mạng sống cho người mình yêu. Và thập giá không phải là sự chết, nhưng hơn thế đó chính là sự sống mới của con người trong tư cách làm con Thiên Chúa.
Suy tôn Thánh giá là cơ hội để chúng ta chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa – Người là cội nguồn của tình yêu. Đây cũng là giây phút thiết thực để mỗi chúng ta nhìn lại hành trình sống chứng nhân tình yêu của mình đối với Chúa và tha nhân.
Trong một thế giới đang mải mê tìm kiếm vật chất như hôm nay, tình yêu dường như đang trở nên khan hiếm và rẻ mạt. Khi mà mọi thứ xung quanh đang được cung cấp một cách đầy đủ và tiện nghi hơn, thì xem ra tình yêu lại đang bị thiếu hụt và xem thường một cách trầm trọng.
Tình người đang được cân đong đo đếm bằng những lợi lộc vật chất và địa vị. Tình yêu nam nữ đang được xây dựng trên trên những quy chuẩn của tiền tài và dục vọng. Do đó, sự khủng hoảng đời sống gia đình đang trở nên báo động hơn bao giờ hết. Sự thờ ơ vô cảm trở nên lối sống chung của con người thời hiện đại. Và xã hội trở nên như một chiến trường của sự tranh giành, đấu đá và chỉ biết nghĩ cho riêng mình.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến những đỗ vỡ đó chính là sự thiếu vắng tình yêu. Và cốt lõi của đó chính là sự đánh mất niềm tin vào một Thiên Chúa – Đấng đầy tình yêu thương.
Lễ Suy tôn Thánh giá mời gọi chúng ta chiêm ngắm tình yêu vô tận của Thiên Chúa. Một tình yêu tự hạ để đến và sẻ chia với thân phận con người. Một tình yêu tự nguyện để đồng hành và thấu hiểu nỗi thống khổ của phận người. Một tình yêu tự hiến để hàn gắn tình nghĩa phụ tử của Thiên Chúa với con người.
Suy tôn Thánh giá không chỉ dừng lại ở việc nhận ra tình yêu hải hà của Thiên Chúa trên cuộc đời mình, mà còn mời gọi mỗi người chúng ta sống tình yêu đó một cách triệt để và cụ thể nơi cuộc sống hằng ngày. Để ngang qua đời sống chứng nhân đó, hình ảnh một Thiên Chúa đầy tình yêu thương và giàu lòng thương xót đến được với nhân loại đang quặn mình trong đau khổ và tội lỗi.
Dẫu biết rằng dòng đời vẫn còn đó lắm vất vả gian truân, nhưng sẽ đẹp biết mấy nếu mỗi chúng ta biết dành tình thương cho nhau. Xã hội sẽ trở nên giá trị và bình yên hơn nếu mỗi chúng ta biết tôn trọng phẩm giá con người bằng tình liên đới và sẻ chia trong cuộc sống. Và tất cả điều đó sẽ được bắt đầu khi mỗi chúng ta biết nhìn lên Thập giá Đức Kitô, chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa và thực hành tình yêu đó mỗi ngày trong đời.
J.B Lê Đình Nam
nguồn:dongten.net

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Xin Lỗi

Một trong những ngôn từ đẹp và uy lực nhất trong cuộc sống, đó là lời ‘xin lỗi’. Chúng ta biết rằng ai cũng có lỗi lầm và sai phạm ít hay nhiều, vì vô tình hoặc hữu ý. Là người công giáo, mỗi khi tham dự thánh lễ, trong phần sám hối, chúng ta đọc Kinh Cáo Mình xưng thú tội lỗi: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Lỗi tại tôi, nên tôi xin Thiên Chúa Toàn Năng và anh chị em tha lỗi. Lời Kinh rất đẹp và ấn tượng, nhưng điều quan trọng là tâm hồn của chúng ta có thật sự hối lỗi hay không?
Lời ‘xin lỗi’ trong mọi hoàn cảnh đều rất quan trọng. Xin lỗi là bước đầu của sự hòa giải, là cầu nối của sự cảm thông và là nền tảng của sự bình an trong tâm hồn. Xin lỗi là khải mở một chân trời mới trong tình người. Làm lỗi thi hãy mau xin lỗi. Lời ‘xin lỗi’, xem ra rất đơn giản, nhưng rất khó thực hiện. Nó đòi hỏi một thái độ khiêm nhu, hạ mình, thành thật và chạnh lòng. Người ta thường nói: “Đánh kẻ chạy đi, chứ không ai đánh kẻ chạy lại”.
Thiên Chúa thưởng phạt công minh. Dân Do-thái, dọc theo lịch sử Ơn Cứu Độ, đã nhiều lần dân chúng phạm tội bất tuân và phản nghịch, nhưng khi họ biết hối lỗi quay về, Thiên Chúa đã thứ tha. Như câu truyện của Vua Đavid đã phạm tội ngoại tình và giết người, sau khi được cảnh tỉnh, Đavid đã cúi mình nhận tội hối lỗi và xin lỗi Chúa. Chúa đã thứ tha. Có rất nhiều gương sám hối của các vị thánh nhân như Phêrô, Phaolô, Augustinô….các ngài đã tỉnh thức nhận lỗi, sửa lỗi và xin lỗi. Các ngài đã trở nên những vị thánh vĩ đại.
Nhiều khi chúng ta đã làm điều sai trái và phạm lỗi lầm, nhưng nếu bị người khác hạch hỏi hay chất vấn, chúng ta thường giận dữ, biện hộ, chối quanh, đổ lỗi hoặc tránh né. Chối tội như kiểu ông bà nguyên tổ Ađam và Evà. Sau khi phạm tội trái lệnh Thiên Chúa, Chúa hỏi tội: Ông Ađam đã đổ lỗi cho bà Evà và Evà đổ lỗi cho con rắn. Để tìm sự công bằng thưởng phạt, các tổ chức xã hội đã lập ra các nhà giam, nhà tù, nhà cải huấn, rồi có các luật sư và trạng sư…. để điều tra phân xử. Có nhiều người đã phạm tội, nhưng vì sợ, đã không đủ can đảm để khai báo sự thật. Họ tìm cách giấu diếm phi tang lỗi phạm. Tâm hồn họ chưa tìm sự bình an đích thực. Họ chưa thể thắng vượt mình. Thật vậy, thắng mình không luôn dễ.
Sống chung với nhau trong gia đình hay ngoài xã hội, qua cách ứng xử hằng ngày, chúng ta không thể tránh khỏi mọi sự va chạm, hiểu lầm và gây gỗ. Dù sống bên nhau và gần nhau lâu, nhưng chưa hẳn đã cảm thông và hiểu nhau. Có nhiều điều rất nhỏ như một câu nói gắt gỏng, một lời diễu cợt, một câu viết mơ hồ hoặc một thái độ hờ hững có thể làm phật lòng nhau. Cách chữa lành hiệu qủa và nhanh nhất, đó là lời ‘xin lỗi’. Vậy thì: Ai là người phải xin lỗi trước? Ai là người phải làm hòa trước? Vấn đề căn cốt là cái ‘tôi’. Tự vấn: Tôi không làm gì sai. Tôi không phải xin lỗi ai cả. Cái ‘tôi’ tự ái thổi phồng. Thánh Luca nhắc nhở: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” (Lc 6, 41).
Các bạn ạ, ai trong chúng ta cũng có lầm lỗi. Điều quan trọng là chúng ta có dám nhận lỗi và xin lỗi hay không. Thánh Gioan khẳng định: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1Jn. 1, 8). Biết mình là đầu mối sự khôn ngoan. Ai biết nhận lỗi và xin lỗi là người khôn và cao thượng. Lời ‘xin lỗi’ sẽ giúp phá vỡ tất cả các bức tường ngăn cách, ghen ghét, thù hận và hiểu lầm. Người dám nói lời xin lỗi là người thắng cuộc. Thắng mình và thắng người. Lời ‘Xin Lỗi’ cần có đối với tất cả mọi người trong mọi hoàn cảnh, không phân biệt cấp bậc và vị thế, từ các nhà lãnh đạo cao nhất của xã hội, cũng như giáo hội, tới mọi thành phần dân chúng.
Đẹp biết bao khi bề trên biết xin lỗi kẻ dưới, thầy xin lỗi trò, trò xin lỗi thầy, chồng xin lỗi vợ, vợ xin lỗi chồng, con cái xin lỗi cha mẹ, cha mẹ xin lỗi con cái, anh chị em xin lỗi nhau và bạn bè xin lỗi lẫn nhau. Gia đình sẽ sống trong bầu khí an vui, cộng đoàn sẽ lạc an và thế giới sẽ hòa bình. Nhận lỗi về mình là một cung cách cao đẹp. Biết rằng đôi khi sự gây lỗi có thể do hiểu lầm, thiếu hiểu biết, nông cạn, tự ái hay thiển cận trong vấn đề. Gây lỗi, chúng ta hãy xin lỗi. Chiếc bóng đầy hơi sẽ xẹp. Giây cung căng sẽ chùn. Cơn nóng giận sẽ nguôi. Sự háo thắng sẽ hạ. Cầu thông cảm sẽ nối và tình người sẽ hòa.
Biết xin lỗi, chúng ta sẽ được lợi nhiều điều. Chúng ta sẽ tránh được biết bao đổ vỡ và nghi kỵ. Chúng ta sẽ thắng mình và thắng bạn. Cuộc sống sẽ an vui. Tâm hồn được thanh thản và an lạc. Quan trọng nhất là chúng ta được giao hòa cùng Thiên Chúa: “Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1Jn. 1, 9).
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

Trọn Vẹn Chữ Yêu

“Yêu vì cái gì?” là câu hỏi mà chúng ta thường hay trao đổi với nhau khi đề cập đến tình yêu. Con cái yêu cha mẹ vì lòng thảo hiếu, cha mẹ yêu con cái vì trách nhiệm. Chồng yêu vợ vì vợ ngoan hiền, vợ yêu chồng vì chồng tài đức. Anh yêu em vì em xinh đẹp, em yêu anh vì anh giỏi giang… Thiên Chúa yêu chúng ta chẳng phải vì chúng ta có tất cả những điều đó, Ngài yêu chúng ta vì chúng ta là những con người được Ngài xót thương. Thế nên, chúng ta hãy biết tập yêu tha nhân như Ngài đã yêu!
Ngày nay, chủ nghĩa thực dụng lan tràn trong xã hội; con người đến với nhau bằng sự đổi chác, mua bán; tình nghĩa dần dần phôi phai vì mọi thứ đều được quy ra những giá trị vật chất. Thật khó để chúng ta sống chân thật trong tình yêu! Càng khó hơn khi chúng ta thực thi đức ái như Thiên Chúa hằng mong muốn: “Yêu tha nhân như chính mình”. Nhưng sẽ không khó nếu chúng ta bắt đầu từ việc thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với Thiên Chúa. Một lần nữa, chúng ta hãy tự đặt lại câu hỏi: Chúng ta yêu Chúa vì điều gì? Có thể, bạn sẽ có rất nhiều câu trả lời: Vì Ngài có quyền ban cho tôi mọi sự, vì Ngài là kho ân thiêng, vì Ngài luôn cứu giúp tôi, vì Ngài đã chữa cho tôi, vì Ngài… Và rồi chúng ta hãy để cho câu trả lời ấy được trở nên như một lời tạ ơn Ngài mãi mãi; để qua những lời tạ ơn ấy, chúng ta dần khám phá ra rằng: Cuộc đời của chúng ta không dừng lại ở việc chỉ đón nhận những ơn ấy mà thôi, Thiên Chúa sẽ làm cho nó được trổ hoa, kết trái khi cho chúng ta nhận ra Ngài yêu chúng ta như thế nào. Tình yêu của Ngài dành cho chúng ta không vì một lý do nào cả, mà tất cả chỉ vì bản chất của Ngài là Tình Yêu. Chính tình yêu đó sẽ dẫn dắt chúng ta và giúp chúng ta sống yêu Ngài một cách nhưng không. Chỉ khi nào chúng ta nhận ra mình yêu Chúa bằng một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu không tính toán so đo, một tình yêu thật trọn vẹn; chúng ta mới thật sự yêu Ngài!
Khi đã yêu Ngài như thế, chúng ta cũng sẽ nhìn anh em mình bằng cái nhìn chân thật của tình yêu. Tôi sẽ không xem thường những người thấp bé hơn mình khi họ không có đầy đủ điều kiện vật chất, tôi cũng không khinh chê những người không được học thức như mình khi họ không có cơ hội. Tôi yêu thương người bạn đời của tôi không phải vì cái đẹp, cái học thức, cái địa vị hay cái giàu sang… nhưng tôi yêu tất cả những gì hiện hữu nơi người bạn đời của tôi. Tôi yêu thương anh chị em trong gia đình tôi không phải chỉ vì tình máu mủ, nhưng còn là tất cả những gì mà Thiên Chúa đã ban tặng cho tôi qua những con người ấy. Tôi yêu thương cha mẹ tôi không phải để cho tròn chữ hiếu, mà từ nơi sâu thẳm trong tâm hồn tôi là mối dây tình yêu, mối dây gắn kết phụ mẫu tử cách bền chặt. Tôi yêu thương những người xung quanh tôi chẳng phải vì những lúc khó khăn cần đến nhau hay những lúc sung túc san sẻ cho nhau; tôi yêu thương họ cũng chẳng phải để thể hiện lòng tốt của mình, càng không phải để nhận lại sự nhớ ơn của họ; tôi yêu thương họ như Chúa đã dạy tôi và mong muốn tôi như thế! Chỉ khi nào chúng ta yêu cách trọn vẹn như Thiên Chúa đã yêu chúng ta thì tình yêu của chúng ta mới là tình yêu chân thật, tình yêu xuất phát từ Thiên Chúa.
Yêu là việc phải học suốt đời. Học từ trong suy nghĩ cho đến lời nói và hành động. Suy nghĩ trong tình yêu sẽ làm cho tâm hồn chúng ta trở nên khoan dung và nhân hậu. Lời nói đầy yêu thương sẽ giúp chúng ta xây dựng bác ái và đoàn kết. Hành động yêu thương sẽ khiến chúng ta trở nên những chứng nhân và là những người con yêu của Thiên Chúa. Thế nên, chúng ta hãy biết dõi theo Thầy Giêsu là Đấng đã yêu như thế nào để bắt chước gương của Ngài. Thế giới sẽ không còn hận thù, chia rẽ; con người sẽ luôn biết quảng đại, thứ tha khi mỗi người chúng ta biết góp phần nhỏ bé bằng một tình yêu trọn vẹn của mình.
Therese Trần Thị Kim Thoa

Nụ Hôn Nồng Nàn Tình Thương Xót

 
 
   
 
--oOo--
Hôm qua có dịp ra phố ghé ngang một sáp báo, tôi tình cờ nghe từ quán cà phê đối diện vẳng ra một giọng hát trong trẻo: “Cao cao bên cửa sổ có hai người hôn nhau”. Bài hát đã nghe dăm lần bảy lượt qua các phương tiện truyền thông, có chăng chỉ là một cảm nhận về mùa xuân hạnh phúc, thế mà chiều nay bỗng thấy nôn nao khác lạ. Đó không phải là thứ nôn nao của kẻ độc thân bất chợt thấy mùa xuân bên cửa sổ, rồi tự nhiên tủi về phận mình như Michel Quoist đã ghi trong cuốn sách của ông; cũng chẳng phải thứ nôn nao của những kẻ trên đường phố đang hối hả về nhà dịp nghỉ cuối tuần. Thứ nôn nao rất lạ mà cũng rất đỗi thân quen.
Đang còn vẩn vơ với cái nôn nao ấy thì cô chủ sạp đã trao cho tôi tờ báo và vui miệng cô hát theo: “Thành phố ơi hãy im lặng cho hai người hôn nhau”.
Tới lúc này, tôi mới vỡ lẽ. Thì ra mình nôn nao là vì cái nụ hôn. Không phải của “anh lính về thăm phố với cô gái vào ca ba” như bài hát kể, mà là cái nụ hôn của một người cha dành cho đứa con hoang đàng trở về của bài Phúc Âm. Giai điệu ấy, nụ hôn ấy quyện lấy nhau và tự nhiêm ngấm vào người tôi trở thành một thứ nôn nao, để hôm nay, xin được trang trải với cộng đoàn như suy nghĩ về trang Tin Mừng. Đó là nụ hôn của lòng thương xót.
1. Nụ hôn ấy vượt trên lý lẽ của sự công bình.
Nếu để ý, người ta thấy nếp nghĩ của những người con trong dụ ngôn Tin Mừng là nếp nghĩ vượt trên lẽ công bình. Làm sao người con thứ dám xin cha mình chia gia tài mà anh gọi là “thuộc về anh” trong khi cha mình sờ sờ còn sống? Làm sao người con cả lại vùng vằng làm mày làm mặt với cha khi cả đời hầu hạ mà chẳng có lương? Sẽ là hỗn nếu dựa trên cái tình, nhưng cũng có thể quan niệm được nếu dựa vào cái lý. Chính nhân danh sự công bình đương nhiên nào đó mà tư cách của hai người con trong dụ ngôn đã được hình thành.
Nhất là việc người con thứ trở về. Sau những ngày phung phá đến bước đường cùng, đến độ khánh kiệt gia tài, cạn kiệt sức khỏe, anh vẫn còn đủ tỉnh táo để hạch toán nẻo lối tìm về. Bởi vì dựa trên công bình, anh đã đốt cháy quyền làm con nên không thể được gọi là con nữa. Bởi vì dựa trên công bình, anh đã tự ý bỏ nhà ra đi ôm theo sản nghiệp nên muốn tìm về phải được cha chấp nhận. Bởi vì dựa trên công bình, anh chỉ dám coi mình như “người cần việc” tìm đến “việc cần người”. Nếu anh có gặp cảnh then cài khóa ổ xua đuổi chối từ có lẽ anh cũng phải công bình mà chấp nhận.
Lẽ công bình khó khăn là như thế nhưng nụ hôn của người cha đã hóa giải tất cả. Nó vượt qua giới hạn của lẽ công bình để rạng rỡ là một nụ hôn của lòng thương xót. Người cha tha thứ hết. Không khóa trái đời sống người con thứ vào quá khứ tội lỗi, không niêm phong nhịp đời của anh vào bước đường phóng đãng, nhưng phục hồi quyền làm con như thuở ban đầu. Người ta không biết ở đâu lẽ công bình dừng lại và ở đâu lòng thương xót khởi đầu, nhưng chỉ biết rằng, bằng nụ hôn ấy sự tha thứ đã vượt lên chiếm lĩnh tiếng nói của lẽ công bình để trở nên nụ hôn của lòng thương xót.
2. Nụ hôn ấy vượt trên khuôn khổ của nền giáo dục.
Vẫn biết rằng khuôn khổ của tình yêu là một tình yêu không theo một khuôn khổ nào, nhất là tình ấy lại là tình cha, lại là lòng mẹ, cùng lắm chỉ dám ví von như núi cao biển rộng, tựa lai láng của dòng sông và mênh mông của đồng lúa. Nhưng trong trọng trách giáo dục, người ta cũng phải mặc nhiên chấp nhận một thứ khuôn khổ nào đó. Chả thế mà ca dao Việt Nam bảo: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Yêu con không phải là nuông chiều theo ý của con, nhưng là biết cách cho con roi giọt giáo hóa, và ghét con đâu phải chỉ là hằn học mắng la mà nhiều khi lại là những ngọt ngào ghẻ lạnh của một tình thương vắng bóng.
Một trong những châm ngôn nổi tiếng trong bổn phận giáo dục con cái là câu: “Nếu hôm nay không muốn con khóc vì được dạy dỗ, thì coi chừng sẽ phải khóc vì con hư đốn mai ngày”. Như trường hợp nóng hổi thời sự tại phiên tòa, khi người cha nghe con mình, một thành viên trong băng cướp “quý tử, bị kết án chung thân đã nhỏ lệ thốt lên: “Tôi đã thiếu trách nhiệm làm cha”. Cũng là tình phụ tử, nhưng quá muộn màng.
Tình phụ tử cũng cần theo một khuôn khổ nào đó. Nhưng tình phụ tử trong dụ ngôn đã vượt lên tất cả. Không có một lời trách móc, không có một lời răn đe, cũng chẳng có hình phạt để mà nhớ đời. Chỉ có nụ hôn như một minh chứng: Với bản lĩnh của lòng thương xót, người ta vẫn có thể đi xa hơn để yêu con đích thực bằng cách cho ngọt cho ngào.
3. Nụ hôn ấy không dừng lại nơi cá nhân mà còn lây lan đến cả cộng đoàn.
Đây chính là đỉnh cao của trang Tin Mừng. Nó mở ra một nhãn giới mới lạ. Nơi nụ hôn ấy là rạng rỡ lên hình ảnh của một Người Cha: chung cho người con cả và người con thứ, chung hco dân Do Thái và Dân Ngoại, chung cho cả người đã biết Chúa hay chưa biết Chúa. Nếu “cha chung không ai khóc” theo lẽ thường tình, thì ở đây lại khác, Cha chung này không cần đến tiếng khóc của ai, nhưng lại sẵn sàng cúi xuống với bất cứ tiếng khóc sám hối nào để ban tặng nụ hôn ntha thứ nồng nàn xót thương. Người Cha chung ấy yêu thương hết mọi người và chẳng bao giờ bỏ quên những trường hợp tội lỗi đáng thưong và bởi đáng thương nên Ngài cũng thương cho đáng với tấm lòng không vơi cạn của mình.
Qua nụ hôn đầu ngõ, Người Cha ấy biến nỗi buồn sám hối trở thành niềm vui tha thứ. Ngài ban ơn rộng rãi cho những kẻ tìm về với Ngài, rồi nhanh chóng gửi họ về lại gia đình cộng đoàn xã hội trong một nhịp sống mới nồng nàn tình xót thương, để những kẻ được ơn tha thứ hiểu rằng, từ nụ hôn ấy, họ phải minh chứng bằng cả cuộc đời biết phát triển ơn tha thứ và cũng biết dìu đưa những kẻ còn sa chìm về với lẽ xót thương. Đó là niềm vui của lòng thương xót, không dừng lại nhưng triển nở sinh sôi, không khép kín cá nhân nhưng mở ra cho hết mọi người.
Tóm lại, ba lý do: vượt trên lẽ công bình, vượt trên nền giáo dục và vượt trên đời sống cá nhân khiến nụ hôn cha – con là nụ hôn của lòng thương xót. Dẫu có kinh nghiệm về nụ hôn như phần lớn cộng đoàn hay chưa có kinh nghiệm ấy như một số bạn nhỏ, thiết tưởng nụ hôn xót thương của Tin Mừng cũng đọng lại trong ta một thứ nôn nao lạ lạ quen quen.
Khi thấy quen quen, là khi ta đồng hóa mình với người con phung phá tìm về và được tha thứ, trong lời kinh, trong Thánh Lễ, nơi tòa Giải Tội. tất cả đều là những nụ hôn thương xót. Khi thấy là lạ, là khi ta chợt nhận ra vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong ta một anh con cả vùng vằng: Chúa đã đối xử với ta bằng tình thương xót còn ta chỉ đối xử với Chúa theo sự công bình, ta không đi hoang lang thang xa đạo, nhưng cách sống của ta biết đâu còn tệ hơn cả chối Chúa công khai.
Và khi thấy chen lẫn quen quen lạ lạ ấy chính là khởi đầu cho một quyết định: bởi tôi đã nhận được ơn tha thứ của Chúa, tới phiên tôi phải sống ơn tha thứ bằng cách bỏ qua lỗi lầm cho anh em; tôi đã nhận lòng xót thương của Chúa, tôi phải phát triển lòng thương xót ấy qua cách sống tốt lành của mình. Hãy quên đi những phần đời không đáng nhớ khi anh em có lỗi với mình, và hãy nhớ lấy những phần đời không thể quên khi mình đã được Thiên Chúa tha thứ xót thương.
Làm được như thế cũng là lúc ta có thể hát lên: “Thành phố ơi, hãy im lặng cho mọi người hôn nhau”
(Trích dẫn từ ‘Nút Vòng Xoay’ – ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống)

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Con mừng sinh nhật Mẹ.

Mẹ kính yêu ơi!

Con chẳng có món quà nào xứng đáng để dâng lên Mẹ, bởi vì cả vũ trụ này có chi là đẹp nhất so với vẻ đẹp mà Thiên Chúa đã trao ban cho Mẹ đâu, và tấm lòng của con thì thật bất xứng để có thể thốt lên lời chúc mừng Mẹ. Nhưng con tin rằng Mẹ rất thích lắng nghe tâm tình của con, và Mẹ chẳng phải chờ đợi con để nài xin Chúa thi ân giáng phúc.

Lòng con rối bời vì những lo toan trong cuộc sống! Sự quay quắt của công việc và cả những nỗi vất vả dường như nặng quá đôi vai đã làm cho con xa Mẹ. Cảm giác chia ly sao mà buồn quá! Những gì là quen thuộc nhất mà con thường dành cho Mẹ như những đóa hoa thiêng liêng, sao bỗng trở nên xa lạ! Và những gì mà Mẹ nhắn gởi với con và với toàn thể nhân loại này sao mà lạ lẫm thế! Thời giờ của con bây giờ quý báu lắm! Nó quý báu không phải vì con thấy được Chúa muốn con dùng nó thế nào, mà bởi vì con phải chạy đua với mọi người để bắt kịp trào lưu và sự phát triển của xã hội. Con cảm thấy thật phí thời gian nếu phải dừng lại một chút hay dành ít phút để nhìn ngắm Mẹ.

Càng chạy đua thì con lại càng bị quấn chặt trong vòng xoáy không lối thoát! Mới ngày nào đó con thưa thốt với Mẹ rằng: Con sẽ chẳng bao giờ quên Mẹ, vậy mà lời hứa ấy như vụt trôi theo năm tháng. Mẹ chẳng trách cũng chẳng buồn con, Mẹ cứ âm thầm nhìn con và kêu lên với Chúa. Con không được diễm phúc như đôi bạn trẻ tại tiệc cưới Cana, nhưng con thật hạnh phúc vì có Mẹ trong cả cuộc đời. Mẹ chẳng nói gì với con, nhưng Mẹ luôn giúp con cả những khi con chưa kịp thốt lên với Mẹ. Mẹ thấu lòng con với tất cả sự ngặt nghèo và khốn khó của một linh hồn khô khan, nguội lạnh.

Những giây phút được ngồi bên Mẹ dường như bị biến thành một cuộc vật lộn giữa khối óc và trái tim. Khối óc của con luôn phân tích những điều tiện ích của việc sử dụng thời gian cách hợp lý và những thành quả mà con sẽ đạt được khi biết nắm bắt thời cơ, khối óc của con chẳng chịu ngơi nghỉ trong việc tìm kiếm những thứ mà nó có thể bị lấy mất bất cứ lúc nào, khối óc của con cũng chẳng chịu dừng lại với những suy nghĩ làm lợi cho mình. Còn trái tim con cứ đập liên hồi những thổn thức và những hối tiếc vì không dành thời gian cho Mẹ, trái tim con cứ thôi thúc một sự thay đổi cho lẽ sống của mình và không ngớt mời gọi con được nên như Mẹ.

Mẹ ơi! Mẹ có buồn không khi con dâng Mẹ món quà sinh nhật với cõi lòng tan nát như thế? Bên cạnh con còn có biết bao người khốn khó, gian nan đang chạy đến với Mẹ. Xin Mẹ hãy ôm tất cả chúng con vào lòng Mẹ nhé! Hơi ấm của Mẹ sẽ làm cho trái tim con thiêu đốt những hư mất của linh hồn; bàn tay của Mẹ sẽ dìu con bước trên con đường ngay chính dù rất gập ghềnh, chông gai; trái tim của Mẹ sẽ làm cho trái tim con được hòa chung nhịp đập của tiếng gọi yêu thương; và những lời khuyên lơn của Mẹ sẽ được trở nên lời xin vâng của con trong cuộc sống hằng ngày.

Mẹ ơi! Con mừng Sinh Nhật Mẹ với một lời hứa sửa đổi bản thân của con! Xin Mẹ hãy đón nhận và giúp con thực hiện lời hứa ấy nhé! Con ước gì đến năm sau, Mẹ thật vui trong ngày Sinh Nhật vì con đã được biến đổi! Con ước gì mọi người xung quanh con đều dâng cho Mẹ những món quà thật ý nghĩa, vì Mẹ rất xứng đáng được Chúa trao ban những gì là tốt đẹp nhất! Và con ước gì Mẹ luôn mỉm cười trước tất cả những việc chúng con làm, vì chúng con đã làm đẹp lòng Chúa!

Therese Trần Thị Kim Thoa

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2016

MỪNG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO CÓ THÊM MỘT VỊ HIỂN THÁNH.

Hôm nay Chúa nhật 4/9, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Thánh lễ phong hiển thánh cho Mẹ Têrêsa. Mẹ Têrêsa qua đời ngày 5/9/1997 và đã được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô phong chân phước vào ngày 19/10/2003.

Trong dịp này, nhiều buổi canh thức và cầu nguyện được tổ chức trong nhiều nhà thờ của Giáo phận Roma. Ngày phong thánh cho Mẹ cũng là ngày cử hành Năm thánh của các tình nguyện viên và các nhân viên của lòng thương xót. Thực ra, Mẹ Têrêsa là một biểu tường của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với các người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Trước đó, ngày 2/9 tại đền thờ thánh Anastasia khu vực  Palatino, sẽ có 3 Thánh lễ được cử hành vào lúc 9 giờ (tiếng Anh), 10 giờ (tiếng Tây ban nha) và 12 giờ (tiếng Ý). Từ 20.30 đến 22 giờ, tại đền thời thánh Gioan Laterano, có buổi canh thức cầu nguyện do Đức Hồng Y Giám quản Roma, Agostino Vallini chủ sự và buổi chầu Thánh Thể trọng thể.

Thứ 7, 3/9, Đức Thánh Cha sẽ có buổi tiếp kiến chung đặc biệt trong Năm Thánh. Ban chiều lúc 17 giờ, tại đền thờ Thánh Andrea della Valle có giờ cầu nguyện và suy niệm với nghệ thuật và âm nhạc. Sau đó là tôn kính thánh tích của Mẹ Têrêsa, và Thánh lễ được cử hành lúc 19 giờ.

Thứ 2, 5/9, vào lúc 10 giờ, Đức Hồng Y Pietro Parolin sẽ chủ tế Thánh lễ tạ ơn cũng là Thánh lễ đầu tiên kính nhớ MẹTêrêsa.

Sau Thánh lễ tôn phong hiển thánh, thánh tích của Mẹ Têrêsa sẽ được đưa đến đền thờ Gioan Laterano và được trưng bày cho tín hữu kính viếng các ngày 5-7/9, và ngày 7-8 sẽ được kính viếng tại nhà thờ thánh Gregorio Cả, và cùng ngày này tín hữu có thể viếng căn phòng của Mẹ tại tu viện thánh Gregorio.

Đài truyền hình TV2000 trong các ngày từ 3-5/9 cũng trình chiếu các cuốn phim trình bày về cuộc đời và hoạt động của Mẹ Têrêsa.

Sáng ngày 2/9 tại đại học Giáo hoàng Urbaniana đã diễn ra cuộc họp báo với sự tham dự của khoảng 200 ký giả. Chủ tọa cuộc họp báo là ông Greg Burke, Giám đốc phòng Báo chí Tòa thánh. Có sự tham dự của nữ tu Mary Prema, bề trên Tổng quyền dòng Thừa sai Bác ái, cha Brian Kolodiejchuk, bề trên ngành nam của dòng và cũng là thình nguyện viên án phong thánh cho Mẹ Têrêsa và sự hiện diện của đôi vợ chồng nhận được phép lạ qua việc cầu nguyện với Mẹ Têrêsa.

- Số người tham gia: Con số người tham dự Thánh lễ không thể dự đoán trước đươc, nhưng đã có 100 ngàn vé tham dự Thánh lễ được phân phát cho các tín hữu, 13 quan chức đứng đầu các quốc gia và chính phủ, trong đó có thủ tướng Ấn độ. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Thánh lễ cùng với nhiều Hồng y, Giám mục và Linh mục đồng tế.

- Truyền thông: sẽ có 9 telecamera có thể thu chiếu hình ảnh đặc biệt từ trên cao để thu hình các chiều kích của đám đông tập trung tại quảng trường thánh Phêrô. Thánh lễ phong thánh có thể theo dõi trên internet qua các mạng Youtube, Vaticanplayer của Radio Vatican và trang mạng Ctv.Thánh lễ sẽ được truyền đi trên toàn thế giới qua nối kết với 120 toàn thế giới. Đặc biệt các công nghệ tiên tiến sẽ được sử dụng như dự án "Io c'ero" giúp thu toàn cảnh với dung lượng lớn. Có hơn 200 ký giả đăng ký sự kiện quan trọng này.

- Về an ninh: 3000 nhân viên các lực lượng an ninh của Italia được huy động cho một sự kiện quan trọng nhất của Năm Thánh.

Từ chiều hôm qua, 1/9, đã có các cuộc kiểm tra các khu vực cũng như các hố ga. Các biện pháp an ninh cũng được đặt ra cho các buổi cầu nguyện tại các nhà thờ ở Roma. Sở cảnh sát nghiên cứu để bảo đảm an ninh tuyệt đối. Đồng thời cũng cần sự tham dự trôi chảy và an tĩnh của các tín hữu.

Từ 19 giờ ngày thứ 7, 3/9, khu vực đền thờ Thánh Phaolô sẽ được chia thành 3 phần, mỗi phần sẽ kiểm soát người và hành lý để bảo đảm an ninh tối đa nơi tập trung các tín hữu cũng như sự hiện diện của Đức Thánh Cha.

Từ 8-19 giờ ngày Chúa nhật 4/9, các chuyến bay sẽ bị cấm trong vùng rộng lớn cạnh đền thờ thánh Phêrô và tạo nên một vùng an toàn được kiểm soát bởi hệ thống ''Slow Mover Interceptor', hệ thống phát hiện các máy bay không được quyền bay trong vùng cấm.

Có khoảng 1000 người làm việc 24/24 để tăng cường các kế hoạch phòng ngừa cảnh giác và quy định phòng ngừa cho Năm Thánh ở vùng trung tâm. (Tổng hợp)

Hồng Thủy

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

Sáu bài học từ Mẹ Têrêsa

Sáu bài học từ Mẹ Têrêsa mà bạn có thể áp dụng trong cuộc sống
1- Khiêm tốn
Chúng ta có thể thực hành bài học này bằng cách: Nói về mình ít nhất có thể. Lo công việc của mình. Tránh tò mò. Chấp nhận các nghịch lý và vui vẻ sửa đổi. Bỏ lơ các sai lầm của người khác. Chấp nhận bị tổn thương, bị chế giễu. Chấp nhận bị khinh, bị ghét, bị quên. Hiền lành và dễ thương dù bị khiêu khích. Không làm hại nhân cách của ai. Luôn chọn làm điều khó nhất.
Nếu bạn khiêm tốn thì không có gì có thể đụng đến bạn được, khen cũng như chê, vì bạn biết bạn là ai.
2 – Làm ngang sức của mình
Sống đơn giản để người khác cũng có thể sống đơn giản.
Chúng ta có cảm nhận những gì mình làm chỉ là một giọt nước trong lòng đại dương. Nhưng đại dương sẽ khác đi vì có giọt nước này.
Tôi làm những chuyện mà bạn không thể làm, bạn làm những chuyện mà tôi không thể làm, cùng nhau, chúng ta có thể làm những chuyện cao lớn
3 – Đừng xem tất cả là nghiêm trọng
Con người thường phi lý, mất lý trí, ích kỷ chỉ nghĩ về mình. Dù vậy cứ thương họ!
4 – Đừng nhấn mạnh đến lỗi lầm của người khác
Tình yêu mãnh liệt không đo đếm. Là nhưng không.
Tôi khám phá một nghịch lý. Nếu bạn yêu cho đến đau đớn thì không còn đau đớn, chỉ còn tình yêu.
Đôi khi chúng ta nghĩ nghèo là không có ăn, không có mặc, không nhà ở. Cái nghèo lớn nhất là bị bỏ rơi, không được yêu, không được chăm sóc. Chúng ta phải bắt đầu sửa loại nghèo này trong chính nhà mình.
5- Luôn lịch sự dù ở trong tình trạng nào
Khi gặp nhau luôn có nụ cười, nụ cười là khởi đầu của tình yêu.
Cho vợ chồng, cho con cái mình, cho người láng giềng tình yêu… Đừng bao giờ để ai đến với mình mà khi họ ra họ không tốt hơn, không hạnh phúc hơn.
Nếu bạn phán xét người khác, bạn không có thì giờ để thương họ.
Một đời sống không sống vì người khác không phải là một đời sống.
6 – Chọn con đường khó nhất
Đừng hài lòng chỉ đơn giản cho tiền. Tiền không đủ, tiền là của cải mình có thể làm ra, nhưng tình yêu phải được nhận như một món quà. Hãy tỏa lan tình yêu nơi nào bạn đi qua.
Đừng chờ ở các người điều khiển, cứ làm một mình, từ người này qua người kia.
Trung tín trong từng việc nhỏ, vì sức mạnh của bạn ở trong chính những việc nhỏ này.
Đụng đến người gần chết, người nghèo, những người ở một mình, những người không ai mong muốn tùy theo ơn mình nhận, đừng bao giờ ngần ngại hoặc chậm chạp khi làm công việc khiêm tốn này.
(Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico.vn 01.09.2016)

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...