Đâu có lòng từ bi là đấy có ân sủng Người.
Đâu có tình bác ái thì Chúa chúc lành không ngơi,
Đâu ý hợp tâm đầu ở đấy chứa chan niềm vui….”
Là người Kitô hữu, chúng ta được mời gọi trở nên muối men cho đời và ánh sáng cho trần gian. Và để trở thành ánh sáng và muối men cho đời, chúng ta phải là những chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa – phải thực hành đức ái với những người ta tiếp xúc.
Tuy nhiên, muốn trở thành chứng nhân của tình yêu, nên khí cụ đem ánh sáng cho đời, trước hết tâm hồn tôi phải tràn đầy tình yêu Thiên Chúa; tôi phải nỗ lực trở nên thánh thiện như Cha trên trời là Đấng Thánh. Vì có như thế, chúng ta mới có thể đem tình yêu Thiên Chúa đến những nơi mà chúng ta hiện diện, vì không ai có thể cho người khác cái mà mình không có. Điều cật vấn chúng ta là làm sao để Chúa thực sự hiện diện trong đời sống mỗi người, để Thiên Chúa tiếp tục yêu thương thế gian qua chúng ta.
Đức ái sống động và không khép kín trong một khuôn khổ hay một hình thức nào, nhưng nó luôn linh động trong mọi hoàn cảnh. Vì thế, để có được những hành động bác ái đối với nhau và đối với tha nhân, trước tiên chúng ta phải đốt cháy mình hoàn toàn ra không, dám ra khỏi những vướng bận trần gian như lợi lộc, của cải, danh vọng, như những tham sân si, để chỉ có thể kết hiệp mật thiết với thánh ý của Thiên Chúa. Có như thế, ngọn lửa tình yêu Chúa mới đốt cháy tâm hồn chúng ta. Và từ nguồn sung mãn đó, chúng ta mới có thể hân hoan ra đi đem tình yêu của Thiên Chúa đến cho môi trường chúng ta hiện diện hay trong những người chúng ta tiếp xúc. Và khi sống đức ái, ta phải có niềm vui. Nơi nào có niềm vui, lòng nhiệt thành đem Đức Kitô đến cho những người khác, nơi đó có ơn gọi chân chính.
Cách riêng, đời dâng hiến tự bản chất phải là biểu tượng của Tình Yêu, và là con đường dẫn vào Tình Yêu. Trước hết, tình yêu Thiên Chúa hoàn toàn chiếm đoạt và hoán cải con tim của ai đó, để họ luôn sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa và cảm nhận được ý muốn của Ngài trong hoàn cảnh sống cụ thể. Tiếp đến là tình yêu con người đối với Thiên Chúa, một tình yêu luôn tìm cách làm theo ý Chúa trong mọi sự và không từ chối Ngài bất cứ điều gì.
Như vậy, đặc tính của tình yêu là dâng trao, dâng mãi và dâng cách sáng tạo, nghĩa là bằng lòng hao mòn đi nơi bản thân để tình yêu Chúa được lớn lên trong chính mình và nơi người khác. Bởi nếu chỉ hao mòn mà không có cái gì để lớn lên thì cuộc sống sẽ tới lúc nghèo nàn và tâm hồn sẽ có ngày tù đọng.
Dâng hiến là bắc nhịp cầu thiêng liêng để dâng lên Chúa những hy lễ cụ thể của đời mình. Khi Thiên Chúa chọn ai thì người đó được Thiên Chúa biến đổi, hay nói đúng hơn, họ trở thành người của Chúa, người theo Chúa từng bước tiến lên tới đỉnh trọn lành. Nhưng muốn lên cao, lên tới đỉnh thì họ phải vất vả, cần sức chịu đựng dẻo dai, cần sự can đảm và nhất là cần có một tình yêu. Tình yêu ở đây không phải chỉ là một trái chín ngọt bùi nhưng nhiều lúc còn là một đòi hỏi gắt gao: Chấp nhận bỏ mình, và “Thiên Chúa yêu người vui vẻ cho đi” (2 Cr 9,7).
Người thánh hiến một khi đã bỏ mình thì không thuộc về mình nữa. Họ thuộc về Chúa, về một cộng đoàn và sống cho mọi người. Họ không phải là của riêng ai và cũng chẳng có ai là của riêng họ, vì Thiên Chúa đang cần trái tim của họ để yêu thương hết mọi người. Họ đã thực sự hiến thân, không phải để được coi trọng vì đã biết chọn lựa một sứ vụ cao đẹp, nhưng để sống hết mình với phận vụ được giao phó và sống tận tình với tha nhân.
Người thánh hiến không phải là người chỉ biết lấy kinh nguyện làm vui, tối ngày chăm lo việc rỗi linh hồn của riêng mình, nhưng là người sau khi đã đón nhận sức sống dồi dào nơi Chúa, họ có thêm sức mạnh và tình yêu để dấn thân phục vụ anh em. Đó là sức mạnh thắng lướt những quyến rũ của sự đời; sức mạnh vượt qua những điều nhỏ nhoi tầm thường trong cuộc sống; sức mạnh mang tình yêu gánh vác những con người khổ đau; sức mạnh kiên cường dám dâng hiến cuộc đời để làm cho mọi tâm hồn rộn lên niềm vui của ơn cứu độ. Tâm tình đó đã được diễn tả phần nào trong lời cầu nguyện sau đây:
Lạy Thượng Đế, đây lời tôi nguyện :
Xin tận diệt trong tôi mọi biển lận tầm thường,
Xin cho tôi sức mạnh tình yêu
Để gánh chịu mọi buồn vui cuộc sống.
Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang
Để đem tình yêu gánh vác việc đời.
Xin cho tôi sức mạnh kiên cường
Để chẳng bao giờ coi thường kẻ nghèo khó,
Hay cúi đầu khuất phục ngạo mạn quyền uy.
Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai
Để nâng tâm hồn lên khỏi ti tiện hằng ngày,
Và cho tôi sức mạnh tràn trề
Để âu yếm dâng hiến mình theo ý Ngài muốn.
(Tagore, Lời Dâng 36 )
Vâng, chúng ta cần có sức mạnh và tình yêu để can đảm sống cho tình yêu của Thiên Chúa. Cuộc đời này đang cần những con người như thế, những con người tiến bước bằng sức mạnh và tình yêu. Do đó, chúng ta cần tăng cường sức mạnh, giữ vững tình yêu trong trái tim để tiến bước, để hiến dâng mạng sống phục vụ cho ơn cứu độ. Không có những khao khát và ước muốn như thế, con người không thể tiến lên, không thể lao mình về phía trước như hình ảnh mà thánh Phaolô sử dụng để nói về cuộc hành trình theo Chúa Kitô của mình: “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Ngài kêu gọi trong Đức Giêsu Kitô” (Phl 3,13-14).
Mong Manh – HVDK