Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

7 Lời hằng sống: nhịp cầu từ Khổ nạn tới Phục sinh


Rất khó hiểu khi viên đại đội trưởng cùng những tên lính, vốn quá quen với việc hành hình các tử tội, vốn chai lỳ trước nỗi đau của con người, lại có thể thốt lên: “Quả thật người này là người công chính”, “Đây chính là Con Thiên Chúa” khi họ chứng kiến những giây phút cuối đời của Thầy Giêsu. Thầy Giêsu có sức mạnh tới mức độ nào ngay khi dường như Thầy yếu hèn nhất?
1. Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm (Lc 23,34).
Lời đầu tiên trên thập giá là lời tha thứ mà Thầy Giêsu dành cho kẻ thù. Giờ đây, Thầy sống rõ nét hơn bao giờ hết lời dạy của chính Thầy trong bài giảng trên núi: Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em. Trước kia, Thầy Giêsu đưa ra lý do để yêu thương kẻ thù, là vì chúng ta là con Thiên Chúa và Thiên Chúa vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác. Còn hôm nay, Thầy Giêsu đưa thêm lý do khác, là vì họ không biết việc họ làm. “Không biết” có thể là yếu tố làm giảm nhẹ tội lỗi. “Không biết” cũng có thể là sự chai lỳ của tâm hồn vốn từ chối sự thật. Dù thế nào, lời tha thứ của Thầy Giêsu đều đóng lại con đường hận thù, và mở ra con đường hối cải cho con người.
2. Ta bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với Ta trên Thiên Đàng (Lc 23,43).
Đối với kẻ tử tội, trong sự thú nhận tận đáy lòng “điều tôi chịu xứng với việc tôi làm”, trong lời cầu nguyện can đảm “khi Ngài về nước của Ngài, xin nhớ đến tôi”, Thầy Giêsu không chậm trễ chút nào trong lời hứa ban Nước Trời cho anh. Gặp gỡ Thầy Giêsu trong cảnh bi đát đen tối nhất cuộc đời, khi cả hai đều đang chết dần chết mòn trên thập giá, thế mà lúc này lại trở thành giây phút hạnh phúc nhất đời anh. Từ một tử tội độc ác, anh trở thành con người sám hối dễ thương, rồi trở thành một vị thánh mẫu mực về lòng thương xót của Thiên Chúa. Anh được con người mọi thời gọi bằng cái tên dễ mến là “anh trộm lành”.
3. Thưa Bà, đây là con của Bà – Đây là Mẹ của con (Ga 19,26-27).
Lời này Thầy Giêsu dành cho những người thân yêu nhất: Mẹ Maria và người môn đệ Gioan. Để từ đây, Mẹ Maria sẽ trở thành người Mẹ đích thực, trở thành “mẹ ruột” của tất cả những môn đệ Thầy Giêsu, và từng người môn đệ cũng là con đích thực, là “con ruột” của Mẹ Maria. Từ đây, Mẹ Maria là người Mẹ tuyệt vời của từng người con trong thân thể của Chúa Kitô là Hội Thánh.
4. Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Người bỏ rơi con? (Mt 27,46; Mc 15,34).
Lời Thầy Giêsu thốt lên với Thiên Chúa trong sự đen tối cực độ của phận làm người, trong sự cô đơn đến tận cùng. Tiếng than ấy chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể nghe thấu. Thầy Giêsu, Đấng là Ngôi Lời, là Thiên Chúa khi sống kiếp phàm nhân, đã trở nên nghèo hèn nên giống con người mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi.
5. Ta khát (Ga 19,28).
Sự đau khổ không chỉ là từ nội tâm với tình trạng dường như “bị bỏ rơi”, mà còn rất hiện thực với cái khát của cơ thể. Tiếng kêu “Ta khát” là sự thống khổ mà Đấng là Thiên Chúa nhận lấy cho chính Mình khi sống với con người và tha thứ cho con người. Vâng, tha thứ và thương xót là con đường đòi hỏi hy sinh “khủng khiếp” trong sự cô đơn của tâm hồn và sự cực khổ của thân thể.
6. Mọi sự đã hoàn tất (Ga 19,30).
Khi trao tặng tất cả, khi trao ban hoàn toàn, con người Giêsu ấy, vì Thiên Chúa ấy đã kiện toàn tất cả, đã hoàn tất vũ trụ, vạn vật và con người. Để rồi từ đây, những ai tin theo Giêsu, sẽ thấy một trời mới đất mới, sẽ thấy con người mới, ngay từ cuộc đời này, và sẽ tiếp mãi trong cuộc sống vĩnh cửu. Lời chứng tá sẽ được tiếp nối qua các môn đệ thuộc mọi thời mọi nơi.
7. Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha (Lc 23,46).
Khi đã hoàn tất mọi sự, con người Giêsu trở về tâm điểm của lịch sử, trở về vị thế đích thực của Ngài, đó là vị thế của người Con trong cung lòng người Cha là Thiên Chúa. Một tâm hồn phó thác hoàn toàn: Ta đến không phải để làm theo ý Ta, nhưng là làm theo ý của Cha Ta. Một sự hiệp nhất trọn vẹn: Ta và Cha là một. Cả vũ trụ và con người đều chuyển mình khi Chúa trút hơi thở. Kinh Thánh còn ghi lại và nhân chứng vẫn tiếp nối qua bao thế hệ.
he-is-risen-message-Lvl1
Lạy Thầy Giêsu! Để thông ban sự sống đời đời cho chúng con, Thầy đã vất vả và đau khổ quá nhiều, nhưng vì yêu thương, Thầy đã làm tất cả. Xin cho chúng con, ngay cả trong những giây phút đen tối nhất, vẫn nhận ra Thầy đang đồng hành cùng chúng con. Như thế là đủ! Chúng con sẽ tiếp tục tuyên xưng: Thầy Giêsu của chúng tôi đã chết và đã sống lại, mà nay Thầy vẫn đang sống! Amen.
Tứ Quyết, S

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

Chuyện tình dưới chân cây Thập Tự


Chắc có lẽ cũng chẳng cần phải học cao hiểu rộng hay phải tìm hiểu để hiểu được thập giá.
ThanhGia.jpg  
Với người bình thường, ai cũng có thể hiểu rằng thập giá chính là nơi mà người ta dùng để treo những người tử tội. Và như thế, những ai phải bước lên thập giá để chịu án tử thì đồng nghĩa đó là người tội lỗi. 
Thập giá là như vậy. Hẳn nhiên người Công Giáo thì quá rõ và có khi người ngoài Công Giáo cũng biết được rằng vào ngày thứ Sáu đẹp trời nọ, trên đỉnh đồi Canvê có 3 cây thập giá dựng sẵn trên đó để chờ đưa 3 tên phạm tội tày đình để treo lên đó. Nhưng, nực cười thay là có một cây thập giá ở giữa lại mang thân phận của một con người vô tội để rồi cây thập giá giá ở giữa đó không còn gọi là thập giá nữa mà là thánh giá.

Thập giá thì mang thân phận người tử tội. Thánh giá lại mang thân phận của một kẻ chết vì yêu.
Cũng vì quá yêu nhân loại và đặc biệt là yêu con người tội lỗi để rồi “tên tử tội” mang tên Giêsu đã vâng phục, đã vui vẻ bước lên cây thập tự. Chính khi bị treo lên cây thập tự thì “tên tử tội” giương mọi người lên và để cứu con người như Môsê ngày xưa giương con rắn đồng trong sa mạc.

Chắc hẳn ta còn nhớ câu chuyện mạc khải ơn cứu độ trong sa mạc.

Trong sa mạc, người Do thái đã phạm tội thờ thần ngoại và đúc bò vàng để thờ lạy, họ hay phàn nàn kêu trách Chúa. Họ bị phạt nặng. Đức Chúa để cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Họ sợ hãi xin ông Môsê cứu chữa. Ông Môsê khẩn cầu cho dân. Đức Chúa nói với ông : "Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống". Ông Môsê “làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống" (Ds 21, 4b-9).

Ở sa mạc, con rắn cứu dân khỏi cái chết do rắn cắn nhưng trên đồi Canvê thánh giá mang ơn cứu độ cho con người.

Điều đáng tiếc hay phải nói là bi đát nhất của thân phận con người đó chính là không ai nhận ra thập giá ở đồi Canvê đã nở hoa cứu độ khi mang thân phận con người Giêsu. Thập giá của ngày thứ Sáu Thánh đã trở nên thánh giá của tình yêu.

Ở trên đỉnh đồi Canvê chiều thứ Sáu buồn đó, sau khi truy tố và hành xác “tử tội” Giêsu thì chẳng còn ai cả ngoại trừ người môn đệ Chúa yêu và Đức Trinh Nữ Maria. Dẫu rằng trước đó, trên hành trình thương khó cũng có kẻ này người nọ, có cả các môn đệ nữa nhưng đến lúc mà ân nhân của người ta bất lực trước quyền lực thế gian thì người ta buông xuôi tất cả. Trước tòa án, trên đường thương khó, chắc hẳn cũng có sự hiện diện của những người đã lãnh được ơn này ơn kia của “tên tử tội” nhưng rồi mắt họ khép lại và lòng họ chai cứng.

Cuối cùng, ta chỉ thấy Gioan và Mẹ Maria.

Có lẽ không ai xấu hổ và nhục cho bằng người mẹ có con mang án tử và phải chứng kiến cả cuộc khổ nạn của đứa con mà mẹ mang nặng đẻ đau cũng như 3 năm bú mớm và 30 năm trường chăm bẵm.

Trên đỉnh đồi Canvê, ta được nhìn thấy mối tình thập tự, mối tình yêu thương đặc biệt của Mẹ Maria.
Trong những ngày cận kề với cái chết của “tên tử tội” Giêsu, ta được mời gọi nhìn lại mối tình thập tự đó để rồi ta soi mình ta, ta soi cuộc đời của ta với mầu nhiệm thập giá.

Cô Ann Thomas có kể lại câu chuyện sau đây. Hôm đó, cô và Betty ghé một sạp bán đồ phê’ thải. Ann vừa lôi ra một khay đồ linh tinh, Betty bước tới hỏi:
- Có đồ gì đáng giá không?

Ann trả lời:
- Không, toàn là đồ năm vố thôi.

Đoạn cô bước sang bên cạnh nhường cho Betty vào xem. Betty chăm chú nhìn vào đống lặt vặt, nhặt lên một cây thánh giá cũ kỹ han rỉ và nói:
- Thật khó mà tin được. Tôi đã tìm được đồ quý: cây thánh giá này làm bằng chất bạc xưa.

Cô bạn của Ann bèn về nhà lau chùi và đánh bóng cây thánh giá. Đây quả là một vật quí. Về sau, đứa con trai bảy tuổi của Betty tên Bobby cầm cây thánh giá lên, cung kính ngắm nghía hồi lâu. Bỗng nhiên cậu bé oà lên khóc. Betty liền hỏi:
- Con sao vậy?

Bobby nói:
- Con không cầm lòng được khi thấy Chúa Giêsu bị treo trên thập giá.
***
Ba người nhìn vào cây thập giá, có ba thái độ khác nhau: một người dửng dưng cho là đồ ve chai, người khác thích thú vì khám phá ra vật quí, còn người khác nữa lại xúc động rơi lệ vì nhận ra Chúa Giêsu chịu đau đớn trên thập giá.

Người tín hữu Kitô mỗi ngày nhìn thấy thập giá, nghe nói về thập giá. Vậy thập giá là gì? Thập giá trên tháp chuông, thập giá trên bàn thờ, thập giá bày bán trong tiệm, thập giá treo trên tường, thập giá cắm trong nghĩa trang, thập giá trong nghệ thuật, thập giá trong thi ca.

Xin cho mỗi người chúng ta cũng biết nhìn lên gương Mẹ Maria để rồi ta can đảm như Mẹ vác thập giá như Mẹ trong đời sống hàng ngày. Và nhất là cho ta xin được ơn, đủ ơn để vác như Mẹ đã vác. Và, ta cũng xác ơn can đảm để xác tin như Thánh Phaolô xác tín trong tâm tình gửi thư cho tín hữu Galat : “Phần tôi, ước chi tôi đừng có tìm vinh quang nơi điều gì khác ngoài thập giá của Chúa Kitô, Chúa chúng ta” (Ga 4,16).


Huệ Minh

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Tôi Là Ai Trong Cuộc Khổ Nạn Chúa?


Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn và cái chết của Ðức Giêsu, ta thấy mình không phải là kẻ đứng ngoài cuộc. Ta thấy mình có nét của Giuđa: Một người được chọn, được yêu, được theo Thầy rất gần. Bao phép lạ đã chứng kiến, bao lời vàng ngọc đã được nghe… Tất cả đã vỡ tan khi Giuđa phản bội Thầy bằng nụ hôn giả dối.
Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn và cái chết của Ðức Giêsu, ta thấy mình có nét giống Phêrô: Ông tự hào về tình yêu của
mình đối với Thầy để rồi dễ dàng chối Thầy trước một cô đầy tớ. Tiếng gà nào khiến Phêrô chợt tỉnh? Ánh mắt tha thứ nào của Thầy khiến Phêrô òa khóc?…
Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn và cái chết của Ðức Giêsu, ta thấy mình có nét giống Philatô. Ông bị trói chặt bởi nỗi sợ: sợ dân nổi loạn, sợ mất chức. Ông bị mất tự do vì áp lực của đám đông gào thét. Ông không đủ bản lãnh để tha một người vô tội.
Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn và cái chết của Ðức Giêsu, ta cũng thấy mình có nét giống Hêrôđê: tò mò, háo hức, trông chờ Ðức Giêsu làm phép lạ… Nhưng mau chóng thất vọng khi thấy Ngài lặng thinh, khi không gặp được một Giêsu như lòng mong ước.
Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn và cái chết của Ðức Giêsu, ta nhìn thấy những điểm sáng ngời từ nơi Simon: ông vác đỡ thập giá Ðức Giêsu trên đường lên núi Sọ.
Điểm sáng khác nữa từ nơi các phụ nữ theo sau Thánh Giá Chúa Giêsu, họ vừa đi vừa thương khóc Người.
Và điểm sáng rực rỡ hơn cả là từ nơi người trộm lành: Một người bị đóng đinh lại tin vào một người bị đóng đinh khác. Anh tin Ðức Giêsu vô tội và anh xin Ngài nhớ đến anh. Lòng tin khiến anh trở nên người đầu tiên được hưởng nhờ Ơn Cứu Độ.“Hôm nay, anh sẽ ở với tôi trên thiên đàng”.
Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn và cái chết của Ðức Giêsu, ta sẽ bình an hơn với thập giá của chính mình, nhậy cảm hơn với thập giá của tha nhân, và nhận ra mình có trách nhiệm trước những cuộc khổ nạn vẫn đang diễn ra trên thế giới hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu,
Vì Chúa đã xao xuyến trong Vườn Cây Dầu, xin ban cho con sức mạnh để đối diện với những khó khăn vất vả trong cuộc sống.
Vì Chúa chịu sỉ nhục và bị nhạo báng, xin cho con luôn biết khiêm nhường và vâng phục.
Vì Chúa chịu vác thập giá nặng nề, xin cho con biết noi gương bắt chước Chúa, biết can đảm chấp nhận vác lấy thập giá của đời mình.
Vì Chúa bị lột áo, xin cho con biết cởi bỏ những đam mê yếu hèn của kiếp người, biết mặc lấy tâm tình thống hối và yêu thương.
Vì Chúa bị đóng đinh, xin cho con đóng đinh tính xác thịt của con vào thánh giá Chúa.
Vì Chúa đã giang tay chết trên thập giá, xin cho con biết quý trọng Ơn Cứu Độ, vì Chúa đã chết để cho con được sống, để con được hưởng nhờ Ơn Tái Sinh mà Chúa đã hứa ban Amen.
Trích từ R. veritas

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Học yêu thánh giá


Ước muốn nên thánh thôi thúc ta vác lấy thập giá, nhưng bản tính yếu đuối trong ta xui là lẩn tránh. Và thập giá trở thành một nỗi chênh chao. Một điều ta vừa từ khước lại vừa ước ao.
thap gia
Thập giá là biểu tượng của ơn cứu độ. Nói đến thập giá, ta nghĩ đến con đường thiêng liêng để nên thánh. Ta nghĩ đến thập giá của Chúa Giêsu, nghĩ đến cuộc khổ nạn đau thương của Người. Ta ước ao trở nên đồng hình đồng dạng với Người trong đau khổ để được thông phần với Người trong vinh quang (Rm 6,8; Lt 95). Có những lúc sốt mến nồng nàn, có khi ta không ngần ngại xin Chúa cho ta thêm thập giá, để chứng tỏ rằng ta yêu mến và để được chia sẻ đau khổ với Người ta yêu dấu. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, ấy là lúc ta đang cầu nguyện, ấy là lúc ta đang ở bên Chúa, ấy là lúc ta đang tĩnh tâm, ấy là lúc ta đang sốt mến dạt dào; còn thực tế, khi chân ta chạm vào mặt đất, tay ta vật lộn với cuộc sống mưu sinh, sống giữa đời thường, có lẽ ta phải cúi mình đấm ngực mà rằng thực tế ta không hề muốn thập giá.
Nếu thập giá nhẹ nhàng, ngọt ngào và dễ chịu, hẳn là nhân loại này thay thảy đều nên thánh cả; nhưng thập giá không như vậy. Thập giá lúc nào cũng trái ngược với bản tính con người trong ta. Có những tương quan khiến ta ngộp thở, bực bội và khó chịu, nhưng để sống tinh thần Tin Mừng, ta phải bỏ mình đón nhận. Có những lời mời gọi đầy hấp dẫn đê mê, nhưng để giữ cho mình trong sạch, ta phải chiến đấu với bản tính yếu đuối của mình. Có những điều trái ý, những nghịch cảnh, mất mát đau thương xảy đến trong đời, nhưng để sống như một người có niềm tin, ta phải học cách an lòng đón nhận.
Thập giá có đó như một nỗi giằng co giữa ước muốn thánh thiện với bản tính con người thấp hèn trong ta. Bởi lẽ, nếu không có ao ước hướng thượng, hẳn là ta có thể đã hành xử theo kiểu tự nhiên, theo thói đời lẽ tục, chẳng cần kiềm lòng, chẳng cần giữ kẽ, ‘mắt đền mắt, răng đền răng’. Nhưng vì ước ao nên hoàn thiện, thập giá trở nên như một thách đố. Ước muốn nên thánh thôi thúc ta vác lấy thập giá, nhưng bản tính yếu đuối trong ta xui là lẩn tránh. Và thập giá trở thành một nỗi chênh chao. Một điều ta vừa từ khước lại vừa ước ao.
Đọc Tin Mừng ta thấy Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của mình, “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Mt 16,24). Người môn đệ là người theo Chúa Giêsu, người mang danh Kitô hữu cũng phải là người theo Chúa Giêsu. Ta không thể nói mình theo Chúa mà lại khước từ thập giá, vì chính Chúa cũng vác thập giá mà. Tuy nhiên, trước khi vác thập giá, Chúa Giêsu thẳng thắn mời ta phải từ bỏ chính mình trước đã. Vì sao lại phải từ bỏ chính mình trước? Liệu ta có thể vác thập giá khi chưa từ bỏ chính mình được không?
Hẳn là ta có thể vác thập giá khi chưa từ bỏ chính mình, nhưng khi ấy, thập giá không còn là thập giá nữa, mà sẽ là khổ giá. Vì khi chưa từ bỏ chính mình, cái tôi của ta sẽ ‘xù ra’ phản ứng. Ta sẽ vác thập giá trong nhọc nhằn khổ sở, trong cay đắng học hằn, trong trách móc chua cay: “Lạy Chúa, tại sao chuyện ấy lại xảy ra cho con? Con đã làm gì mà phải chịu thế này?…”. …Và điều mà ta không nghĩ tới, đó là, khi ấy, không chỉ mình ta vác khổ giá mà cả những người xung quanh ta cũng đang phải vác lây, bởi suốt ngày họ phải nghe ta ta thán, than thân trách phận, hận trời oán đất. Bầu khí bình an bị ta làm cho ra ô uế nặng nề; và thế là, thập giá của ta thành ra người ta phải vác. Thật khổ thân họ!
Cho nên, thập giá sẽ không còn là khổ giá nữa nếu ta biết từ bỏ chính mình.
Tuy nhiên, khi ta từ bỏ chính mình, không có nghĩa là thập giá sẽ nhẹ nhàng hơn. Điều ấy chỉ có nghĩa là ta sẽ không còn cảm thấy bất bình chua chát, không còn những phản ứng tiêu cực khiến ta khổ sở. Ta sẽ bình an chấp nhận thập giá. Ta sẽ thôi không còn chất vấn Chúa: “Vì sao chuyện ấy lại xảy ra cho con?”, mà sẽ hiểu ra rằng “Sao chuyện ấy lại không thể xảy ra cho con, con có là gì đâu, lạy Chúa!”. Ta sẽ thôi không còn quay quắt với chính mình nữa, mà sẽ mở lòng ra cho Chúa hướng dẫn để Người dạy ta biết ý nghĩa nhiệm màu của thập giá – điều mà khi còn quay quắt với chính mình, ta không tài nào hiểu nổi. Ta sẽ hiểu được ý nghĩa của nhưng nỗi đau, hiểu được giá trị của sự từ bỏ. Ta sẽ nhìn những mất mát đau thương ở đời bằng một ánh mắt khác, bằng đôi mắt của Thiên Chúa. Ta sẽ như anh trộm lành thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con chịu như vậy là thích đáng, xứng với việc con làm.” Và trong cái nghèo nàn đến tột cùng của ta đó, lòng thương xót Chúa sẽ chảy tràn chan chứa trong ta niềm vui ơn cứu độ, “Ta bảo thật anh, ngay hôm nay anh sẽ ở trên Thiên Đàng với ta” (Lc 23,43).
Bạn thân mến, nếu một lúc nào đó bạn cảm thấy thập giá đời mình quá nặng nề, hãy nhớ rằng ta không vác thập giá một mình. Ta chỉ là người vác theo Chúa mà thôi. Có nhiều khi ta vác thập giá trong đời mà không theo Chúa, nên ta không cảm nhận được Chúa an ủi đỡ nâng. Bạn biết không, trên đồi Canve có đến ba cây gỗ thập, nhưng chỉ có một cây duy nhất là Thánh Giá, vì trên cây gỗ ấy, có Chúa Giêsu; còn hai cây kia, một cây là khổ giá, và một cây là thập giá. Phần bạn, bạn đang vác loại cây gỗ nào: khổ giá, thập giá hay thánh giá? Đừng quên Chúa Giêsu bạn ạ, có Người, thập giá sẽ trở thành Thánh Giá.
Dom. Vũ Chí Kiên, SJ.(http://gplongxuyen.org)

Truyền hình trực tiếp Thánh lễ Truyền Dầu Vatican 2016


Anh chị em thân mến,
Thứ năm Tuần Thánh, ngày 24.03.2016, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ Truyền Dầu tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Trong Thánh lễ, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự nghi thức nhắc lại lời hứa của các linh mục cũng như làm phép thánh hóa các Dầu thánh được sử dụng trong các cử hành Phụng Vụ và Bí Tích.
Đây sẽ là lần đầu tiên, Chương trình Việt ngữ thuộc Đài Phát thanh Vatican sẽ thực hiện việc truyền hình trực tiếp với thuyết minh Tiếng Việt sự kiện quan trọng này qua kênh Youtube của Radio Vatican – Tiếng Việt.
Giờ Thánh Lễ là: 15:30 ngày 24/03/2016 giờ Việt Nam
Mời anh chị em cùng hiệp thông tham dự qua kênh Youtube:
Jos. Nguyễn Huy Mai

Vụ án Giêsu

Trình thuật cuộc thương khó của Chúa Giêsu được thực hiện như một phóng sự tóm tắt, dẫn đưa khán thính giả từ phòng Tiệc ly đến chân đồi Canvê. Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu là một vụ án dân sự vô tiền khoáng hậu và bất bình thường: thời gian xét xử quá nhanh, diễn ra từ chiều thứ Năm đến chiều thứ Sáu, không có luật sư bào chữa, bị cáo không được thanh minh, mặc dù quan niệm và luật lệ thời bấy giờ cũng cho phép bị cáo tự bào chữa trước khi có tuyên án của toà (x. Ga 7,51). Chứng nhân trong vụ án là một đám đông hừng hực căm thù và a dua ùa theo dư luận quần chúng. Những lời tố cáo là những lời vu khống, xuất phát từ sự căm hờn. Công nghị Do Thái làm việc từ tảng sáng (x. Lc 22,66), dường như để xét xử chiếu lệ cho xong một cách vô trách nhiệm. Chúa Giêsu ở đó, một mình trước đám đông. Những người thân thiết đã lánh mặt, hoặc có hiện diện thì cũng từ xa âm thầm theo dõi.
Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu cũng được trình bày như một vở kịch. Vở kịch này có nhiều nhân vật. Có những người đại diện cho luật pháp dân sự như Hêrôđê và Philatô. Có những người lãnh đạo tôn giáo như vị Thượng tế và các kỳ mục. Có những người đại diện cho truyền thống Do Thái như các kinh sư và biệt phái. Bên cạnh họ là một đám đông mà lập trường của họ bất nhất, dễ đổi thay. Họ bị kích động trước nhóm người đang tìm cách tố cáo vu oan vị ngôn sứ thành Nagiarét. Họ cố tình xuyên tạc những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, để cắt nghĩa từ một giáo huấn thiêng liêng có ý nghĩa tượng trưng thành những âm mưu chính trị và hành động phá hoại.
Khi suy tư biến cố thập giá, người tín hữu được mời gọi nhận ra mình là một trong số những nhân vật của vụ án Giêsu. Có thể chúng ta là những người có chức quyền trong Đạo ngoài đời, mà hèn nhát nhu nhược hoặc thiên vị trong cách xử sự, để người vô tội bị oan ức và công lý không được thực thi. Có thể chúng ta là những người học hành hiểu biết uyên thâm như những kinh sư, biệt phái, nhưng không dùng sự hiểu biết ấy để bênh vực và góp phần thăng tiến con người, trái lại, còn lợi dụng kiến thức để đặt những gánh nặng lên vai người khác. Có thể chúng ta giống những dân dư thành Giêrusalem hôm đó, bàng quan dửng dưng trước vụ án Giêsu, như thể điều đó chẳng liên quan đến mình. Cũng có thể chúng ta như đám quần chúng ồn ào, ùa theo phong trào, lợi dụng cơ hội để thoả chí tò mò hoặc thoả lòng căm giận tư thù cá nhân.
Nếu ý thức mình là một trong những nhân vật của trình thuật Thương khó, mỗi chúng ta đều nghe thấy sứ điệp mà Thập giá đang nhắn nhủ. Vụ án Giêsu kêu gọi con người hãy ngưng bạo lực, hãy tôn trọng sự thật và phẩm giá của tha nhân. Vụ án Giêsu không chỉ là một câu chuyện xa xưa đã đi vào dĩ vãng, nhưng còn là câu chuyện của ngày hôm nay. Quả vậy, Đức Giêsu đang vác thập giá đi ngang qua cuộc đời này. Người đang hiện diện nơi khuôn mặt của những chị em đau khổ bất hạnh, nơi những người lang thang không cửa không nhà. Người đang vác thập giá qua những gia đình tan vỡ, những mối tương quan bằng hữu bị đổ vỡ và qua sự dửng dưng vô cảm của con người trước cái ác đang lộng hành. Người kêu mời chúng ta hãy nhận ra Người nơi những mảnh đời bất hạnh, bị dồn vào cùng đường, không tìm thấy lối thoát. Tất cả những hành động nhằm nâng đỡ những người đau khổ, là nâng đỡ ủi an dành cho chính Chúa.
Thập giá Chúa Giêsu cũng là nguồn nghị lực cho mỗi chúng ta. Chúa Giêsu đến trần gian không huỷ bỏ thập giá, nhưng chính Người đã vác thập giá của mình lên đồi Canvê. Và, trong cuộc sống hôm nay, chính Người đang vác thập giá với con người, để từ đây, nỗi vất vả nặng nhọc của con người có sự nâng đỡ của Chúa. “Tất cả hãy đến với ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng. Ta sẽ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách ta và hãy học cùng ta, vì ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ được bình an. Vì ách của ta êm ái, gánh của ta nhẹ nhàng” (Mt 11,30). Đến với Chúa Giêsu để được Người nâng đỡ bổ sức, gánh nặng đời ta sẽ trở nên nhẹ nhàng. Những vết thương tâm hồn thể xác sẽ được chữa lành, hận thù sẽ được thay thế bằng yêu thương, nước mắt sẽ biến đổi thành nụ cười và đau khổ sẽ thành niềm vui hạnh phúc.
Dù tin Chúa hay không, mỗi chúng ta đều có thập giá trong đời. Dù chấp nhận hay từ chối, thì thập giá vẫn hiện hữu. Vác thập giá là một điều kiện để trở thành môn đệ Đức Giêsu: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26). Nhiều người ảo tưởng khi nghĩ rằng họ có thể chọn Chúa Giêsu mà không chọn thập giá. Đó sẽ là chọn lựa của ích kỷ, giống như người muốn đạt phần thưởng trong cuộc chạy đua mà không muốn hy sinh khổ luyện. Không đón nhận thập giá, chúng ta sẽ giống như những người cổ võ, những “fan” ủng hộ các ngôi sao điện ảnh, ca nhạc hay bóng đá. Đó chỉ là sự cổ võ cho vui, nhằm giải trí. Giữa những ngôi sao ấy và đời sống chúng ta, chẳng có mối liên quan nào và không giúp cho đời ta nên hoàn thiện.
Nhiều nơi có truyền thống tổ chức lễ nghi Tuần Thánh rất ồn ào với những đội trống đội kèn sầm uất, mà quên đi khía cạnh nội tâm của các nghi lễ. Thánh Luca kể lại, khi Chúa Giêsu vừa tắt thở trên thập giá, “viên đại đội trưởng (là một người ngoại) cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa: ‘Người này đích thực là người công chính’. Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về” (Lc 23,47-48).
Cái chết của Chúa Giêsu hôm ấy đã đánh động viên sĩ quan ngoại giáo và những người đến xem vì tò mò, đến mức họ đấm ngực sám hối và cất tiếng tôn vinh Đức Giêsu là Đấng Cứu độ. Nghi thức Tuần Thánh mà chúng ta cử hành có đem lại tác động cụ thể nơi mỗi tín hữu và có để lại dư âm tốt lành nơi những người lương dân xung quanh chúng ta hay không? Câu trả lời thuộc về mỗi chúng ta, những tín hữu xác tín rằng ơn Cứu độ loài người khởi đi từ thập giá, từ vụ án Giêsu.
 Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Đức Giêsu là Ai?


Câu hỏi “Đức Giêsu là ai?” chắc hẳn đã quá quen thuộc với mỗi người Kitô hữu, với Giáo hội Công giáo và với rất rất nhiều người.
jesus.gif  
Câu hỏi này quen thuộc bởi thời đại nào người ta cũng muốn chất vấn hay truy tìm căn tính của Đức Giêsu thành Nazarét. Trên hành trình truy tìm ấy, có nhiều người mến tin trông cậy và không ít người chống đối kém tin.

Còn nhớ từ thuở giáng sinh, ba nhà đạo sĩ hỏi về vị vua dân Do thái mới sinh hiện ở đâu? Rồi khi Đức Giêsu lớn hơn một chút, người ta ngạc nhiên và không ngừng thắc mắc cậu ấy là ai mà ngồi giữa các bậc thầy người Do thái, vừa nghe họ vừa đặt câu hỏi! Ba năm trên đường sứ vụ, người ta vẫn không hiểu tại sao Giêsu chẳng phải là con bác thợ mộc và bà Maria đó sao, vậy bởi đâu mà ông ấy làm được những chuyện tốt lành như thế?!

Câu hỏi ấy trở nên gay cấn trong những cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và giới Do Thái. Trong Tuần Thánh, khi Đức Giêsu vào thành Giêrusalem, họ càng thắc mắc về căn tính và nguồn gốc đích thực của Giêsu. Người Do thái chất vấn chính Đức Giêsu: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đức Kitô thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.” Thực ra, Đức Giêsu trước đó đã nói nhiều lần về căn tính của Ngài: “Tôi và Chúa Cha là một”, nhưng nhiều người bất tin và cũng chẳng thèm để tâm suy nghĩ. Vì họ cho lời ấy là phạm thượng, là xúc phạm đến Đức Chúa của họ nên họ phẫn nộ lấy đá ném Đức Giêsu. Đúng là khi không tin ai đó thì những việc tốt lành của người ấy thấm thía vào đâu, và căn tính của người ấy lại thành cớ cho người ta tấn công!

Có thể nói, người ta không phủ nhận nhân tính của Đức Giêsu. Vả lại, họ còn công nhận biết bao việc tốt lành Ngài đã thực thi; họ chỉ trách cứ là tại sao Giêsu lại làm những việc ấy trong ngày Sabbath! Cầm hòn đá trên tay, họ phản đối Đức Giêsu: “Chúng tôi ném đá ông vì một lời nói phạm Thượng. Ông là người phàm mà tự cho mình là Thiên Chúa.” Phải, Đức Giêsu là một con người giống như chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi. Triết gia Karl Jasper sau này xác nhận Đức Giêsu cùng với Socrates, Đức Phật, và Khổng Tử là một trong bốn cá nhân mẫu mực cho người đời noi theo. Nếu nói Đức Giêsu là vĩ nhân thì chưa đủ và không đúng! Bằng chứng là chính Đức Giêsu muốn cho người ta nhận ra Ngài chính là Đấng Cứu Thế.

Trong Tuần Thánh này, thiên tính nơi con người Giêsu khiến cho người ta ngờ vực hoang mang. Không hoang mang sao được khi ĐứcGiêsu khẳng định căn tính của mình: “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” Vì lời nói phạm thượng này mà họ tìm cách bắt Đức Giêsu và cũng quy tội chết cho Ngài vì “Giêsu tự xưng mình là Con Thiên Chúa.” Hóa ra vì không thể phủ nhận thiên tính trong Ngôi Lời Nhập Thể mà Đức Giêsu chấp nhận bị người đời bắt bớ thủ tiêu. Nói đúng hơn, những ai không tin vào Đức Giêsu, không chấp nhận căn tính của Ngài là Con Thiên Chúa, nên họ không tin và chống đối Ngài.

Hạnh phúc thay cho những ai tin rằng: “Đức Giêsu là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa Hằng sống.” Là Kitô hữu, mỗi người đã, đang và sẽ tiếp tục tin yêu nơi Đức Giêsu vì chúng ta biết Đức Giêsu là Ai. Mỗi môn đệ Chúa đều trải nghiệm được tại sao ta lại bước theo một Thầy Giêsu vừa là Con Người, vừa là Thiên Chúa. Xin Thầy Giêsu kể với từng người về căn tính và lòng thương xót của Ngài trong hành trình chúng ta cùng bước với Ngài lên đỉnh đồi Canvê…!


(Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J., dongten.net 21.03.2016)

Huyền Nhiệm Đường Tình Yêu


Đường vào thành, lời tung hô vang dội,
nô nức lòng dân, đầy hồ hởi hân hoan.
Cành lá trên tay, trải áo, dọn dẹp đàng,
đón chào “Đức Chúa” ngày vinh quang hiển trị.

Mỉa mai thay, lòng người sao phi lý,
mau đổi thay, đầy nộ khí, hung tàn.
Lòng hận thù giận dữ lại tỏa lan,
liệt hàng tội phạm, quyết nghiền tan người vô tội.

Chịu nhục hình, gánh trên vai tội lỗi,
Đức Vua hiền hòa, đang mở lối yêu thương.
Chịu cô đơn, tê tái cảnh đoạn trường,
Trái Tim nhân ái, không vương sầu than trách.

Nụ hôn phản bội, vội vàng lên khuôn mặt,
lời dịu dàng, không hờn trách kẻ vong ân.
Đối xử nhẹ nhàng, mong đánh thức lương tâm,
chiên lạc bước, biết hồi tâm sám hối.

Bị đấu tố, giữa cả bầy lang sói,
vẫn lặng thinh không đối chọi một lời.
Ánh mắt dịu hiền, nguồn ánh sáng tinh khôi,
nhìn môn đệ thương trao lời tha thứ.

Con Thiên Chúa, loài người lên án tử,
vác thập hình, chịu hành xử thương đau.
Vẫn dừng chân, lời an ủi thâm sâu,
những phụ nữ đang gục đầu thương khóc.

Trên thập giá, thở hơi tàn khó nhọc,
vẫn lắng nghe, lời dốc cạn tâm tư.
Người trộm lành nhận ra Đấng nhân từ,
ban hồng phúc được an cư Nước Chúa.

Bầu nhiệt huyết trong tim còn rực lửa,
lòng khoan dung, kẻ chất chứa mơ hồ.
Bởi mê lầm hùa theo đợt sóng xô,
xin Cha dung thứ những tội đồ gian díu.

Hiến tế đồi cao đau thương Ngài gánh chịu,
hy lễ giao hòa để giải cứu nhân gian.
Mầu nhiệm Tình Yêu – Lòng Thương Xót tuôn tràn,
đường tình thập giá, đường trao ban sự sống.

Ngắm nhìn thập giá, con dâng niềm ước vọng,
tin yêu Chúa trọn đời, dẫu biến động trần gian.

Bâng Khuâng Chiều Tím

Tha thứ: tặng phẩm tuyệt vời từ lòng thương xót


Mùa Chay là thời gian thuận tiện cho chúng ta cảm nghiệm và đón nhận Tình Yêu – Lòng Thương Xót của Chúa bằng cách trở về “nhà Cha”, khiêm tốn nhìn nhận mình “đã xúc phạm đến trời và đến Cha” và xin Cha tha thứ. Thực hành sám hối mùa Chay không dừng lại ở tâm trạng hối lỗi, nhưng còn dẫn tới việc giao hòa với Chúa và với nhau qua bí tích Giao hoà.
Không có sám hối không nhận được Lòng thương xót
Đức Thánh Cha Phanxicô khi được hỏi liệu có thể có Lòng Thương Xót mà không cần nhìn nhận tội lỗi mình hay không, ngài trả lời: “Lòng Thương Xót có đó, nhưng nếu bạn không nhận biết mình là người có tội, thì điều này có nghĩa là bạn không muốn nhận Lòng Thương Xót, bạn không cảm thấy cần Lòng Thương Xót”.[1] Nếu chúng ta không trở về với mình và mở lòng ra (cor) để nhận ra nỗi khốn cùng của mình (miser), thì chúng ta không bao giờ nhận được lòng thương xót (misericordia). Mở lòng ra để nhận thấy tình trạng khốn cùng của mình, cũng đồng thời ta hướng ngay về Thiên Chúa vốn giàu tình thương và thành tín.
Trong câu chuyện Người con hoang đàng (Lc 15, 11-32), người con ấy chỉ nhận ra tình cảnh khốn cùng tội lỗi của mình khi lâm cảnh bĩ cực và tê tái nhất. Khi anh ta tiêu phí hết sạch tài sản, rơi vào tình cảnh đói khổ cùng cực đến nỗi phải đi chăn heo, và đói muốn ăn thực phẩm của heo mà cũng không được. Chúng ta nhớ rằng người Do thái coi heo là con vật ô uế (biểu tượng cho cái xấu xa và sự tha hoá) và ăn cùng với ai có nghĩa là cùng chia sẻ (hiệp thông) sự sống với họ. Như vậy, tình cảnh của anh được diễn tả là ngay cả anh muốn “chia sẻ” cuộc sống với con vật được cho là nhơ bẩn nhất mà cũng không được. Quả là một sự mô tả rất ấn tượng cái khốn cùng của bi kịch của tội lỗi. Tự giành lấy quản lý đời mình không cần đến Chúa có nghĩa là không còn sống nữa, là lạc mất ý nghĩa, vẻ đẹp, sức mạnh, điều cốt yếu nhất của cuộc sống. Thế rồi, đứa con hoang đàng bấy giờ mới ý thức tất cả sự cùng khốn của mình và nó hồi tâm rồi quyết định trở về.
Lòng Thương Xót là “căn tính”, là “Danh” Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn thành tín tha thứ cho dân bất trung bất tín (x.Êdêkiel 16). Ngài ban mình cho chúng ta, cúi xuống tha thứ cho chúng ta, những kẻ đớn hèn sống trong tội lụy. Thiên Chúa luôn tìm cách đi vào tâm hồn con người tội nhân, luôn cố tìm ra một khe hở nhỏ để ngài ban ơn, Ngài không muốn bất kỳ một ai hư mất. Lòng Thương Xót của Ngài lớn vô cùng.
Bruce Marshall kể trong tiểu thuyết“Một xu cho tất cả mọi người” (To Every Man a Penny) cha Gaston, đan viện phụ, giải tội cho một người lính Đức trẻ bị các du kích Pháp kết án tử hình. Người lính thú nhận đã lao vào vô số cuộc phiêu lưu tình ái với các phụ nữ. Vị linh mục giải thích anh phải sám hối để được tha thứ và xá giải. Anh lính trẻ trả lời “làm sao tôi sám hối được, vì đây là những chuyện tôi thích thú, và nếu có cơ hội tôi sẽ lại làm thế, ngay cả trong lúc này? Với ước muốn xá giải cho người sắp chết, cha Gaston được linh hứng và hỏi: “Nhưng anh có lấy làm tiếc vì mình đã không hối tiếc hay không?” Anh lính trẻ trả lời ngay: “Vâng. Tôi lấy làm tiếc vì đã không biết hối hận về những gì mình đã làm”. Nói cách khác, anh hối lỗi vì đã không sám hối. Cánh cửa tâm hồn chỉ cần hé mở cho ơn Hoà giải đi vào.
Lòng Thương Xót ăn mừng vì một người tội lỗi sám hối
Thiên Chúa khiêm hạ bày tỏ qua hình ảnh người cha tự trở nên bé nhỏ, hèn hạ để nhường không gian cho con được tồn tại. Sự khiêm hạ của Thiên Chúa thể hiện qua sự kiện Ngài tự ý lui ra đàng sau cho chúng ta được hiện hữu, Ngài tạo không gian cho phẩm giá của thụ tạo. Có thể nói Thiên Chúa tự giới hạn mình để chúng ta có thể hiện hữu với tự do. Thiên Chúa toàn năng nhưng Ngài không muốn cứu độ chúng ta trái với ý muốn của ta. “Nhân đức ẩn tàng trong sâu thẳm của Thiên Chúa là sự khiêm hạ” (Tauler), vì chỉ Thiên Chúa là cội rễ từ đó tác tạo không gian cho tha nhân với một thái độ tôn trọng sâu xa của tình yêu tác tạo.
Thiên Chúa biết hi vọng. Ngài không chỉ nhường không gian cho chúng ta sống mà còn mong muốn ta được hiện hữu đáp lại tình yêu trong tự do và vô cầu. Ngài biết chờ đợi trong khát khao và mừng rỡ mở tiệc ăn mừng vì người con hoán cải trở về.
Lí do của nỗi khổ và niềm vui ấy bộc lộ trong câu nói từ miệng Người: “Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (c. 24.32). Người con ấy “đã chết”, tức tự hủy diệt sự sống mình, “đã mất”, tức người con đã rời xa Người. Điều rất đẹp ở đây là: Thiên Chúa đau khổ trước hết là vì thụ tạo của Người đau khổ! Đối với Chúa, quan trọng hàng đầu không phải là nỗi đau trong lòng Người, mà là nỗi đau khổ của tha nhân. Thiên Chúa đau nỗi đau của tình yêu.
Thiên Chúa khiêm hạ và hi vọng đi bước trước, Ngài tiên liệu chúng ta cần Lòng Thương Xót của Ngài. Thiên Chúa chờ đợi chúng ta trong nhẫn nại “chừa cho Ngài dù chỉ là một khe hở nhỏ nhất để Ngài có thể tha thứ và thể hiện lòng nhân từ”.[2]
Chúa tha thứ cho ta để ta biết tha thứ cho nhau
Bị tổn thương ít nhiều là điều dường như không tránh khỏi trong hầu hết đời sống các đôi vợ chồng và gia đình. Dù những tổn thương có được bộc lộ ra qua những lời lẽ tức giận và phê phán đi nữa hoặc được giấu kín trong âm thầm và lặng lẽ rút lui, chúng cũng gây hậu quả là xói mòn tình cảm và sự tin tưởng. Thường, đó không là những vấn đề lớn, nhưng chỉ là những chuyện nhỏ nhặt hằng ngày tích tụ lại như những viên gạch đá dần xây nên bức tường, cho tới khi những người phối ngẫu cảm thấy mình bị vong thân đến mức không còn có thể ở gần bên nhau được nữa.
Tha thứ trong hôn nhân phục hồi lại sự hợp nhất ở đâu có chia rẽ. Tạo lại một cặp đôi từ hai con người phối ngẫu đang tức giận hay bị thương tổn. Phải trưởng thành ở một mức nào đó người ta mới có thể tha thứ sau khi bị xúc phạm, bởi lẽ điều đó có nghĩa rằng là một người phối ngẫu chọn đặt người bạn đời trước mặt mình. Việc ấy cho thấy người đó coi việc phục hồi lại mối quan hệ vợ chồng quan trọng hơn là minh giải ai đúng ai sai hay trả thù. Tha thứ quả là khó khăn. Vì vợ chồng xúc phạm nhau hằng ngày trong chuyện nhỏ chuyện to nên họ phải thực hành sự tha thứ thường xuyên hầu giữ các vết thương tổn không nghiêm trọng thêm. Ngôn ngữ bộc lộ cũng quan trọng: không chỉ nói “anh rất tiếc” nhưng là “em tha lỗi cho anh nhé!”, không chỉ là “không có gì” nhưng là “em tha thứ cho anh”. Khi thương tổn nghiêm trọng tới mức gây ra sự ly thân, cách ly, thì sự tha thứ cần thiết cho cả hai phía; nó giải phóng đôi bạn khỏi nỗi căm giận để mà làm lành yêu thương trở lại.
Thế nhưng, tha thứ còn là gì hơn nữa chứ không chỉ nói lên lời tha thứ. Gần gũi nhau về thể xác có thể làm dịu và chữa lành thương đau. Một chút hài hước có thể làm dịu bớt tình hình căng thẳng. Một chút lãng mạn cũng có thể làm mềm lòng con tin cứng cỏi nhất.
Hoà giải cũng tốt cho sức khỏe thể lý và tâm lý của mỗi người. Người ta viết nhiều về tác hại của tâm trạng giận dữ đối với sức khỏe. Nhiều người kể họ ngủ được sâu hơn, bớt căng thẳng, bớt đau bao tử, ít nhức đầu hơn khi để cho cơn giận dữ ra đi và chấp nhận tha thứ. Tha thứ làm giảm nguy cơ bị viêm loét, bị đau tim, và cao máu.
Tha thứ rất quan trọng trong gia đình. Trẻ nhỏ mà biết trong gia đình có căng thẳng, xung đột giữa cha mẹ, bị tác động nặng nề. Khi vợ chồng tha thứ cho nhau, bầu khí gia đình được cải thiện và con cái học gương thứ tha của cha mẹ.
Tha thứ cũng quan trọng trong cộng đoàn. Khi một nạn nhân tha thứ cho người tội phạm hại mình, sự kiện lan truyền ra nhanh chóng vì thái độ đáp trả thông thường là trả thù. Nhưng thách đố tha thứ công khai nhắc chúng ta nhớ đến lời mời gọi và gương của Chúa Giêsu hãy tha thứ cho kẻ xúc phạm đến ta.
Tha thứ đòi hỏi chấp nhận nguy cơ và can đảm. Tha thứ đòi hỏi ta phải có một đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa, và tin vào lòng tốt của người kia. Tha thứ đòi hỏi từ bỏ mình, và nhìn nhận rằng một cuộc hôn nhân được gầy dựng bởi tình yêu, với một lịch sử và một sự cam kết dấn thân, thì quan trọng hơn những dị biệt nhỏ (hoặc to). Điều đó không nhất thiết có nghĩa là chấp nhận hành động xúc phạm hay quên đi thương tổn. Tha thứ là nói rằng “Chúng ta quan trọng hơntôi”.
Trong đức tin Công giáo, tha thứ và chữa lành là ân sủng của bí tích hôn nhân. Nhiều cặp chỉ có thể tha thứ sau khi cầu nguyện xin Chúa ban ơn cho biết chấm dứt oán hận, xa lìa nhau. Tha thứ mang lại tự do, sự sống mới cho đôi bạn và cho mối quan hệ của họ.
Tiến trình của sự tha thứ có thể đi qua các bước sau đây:
  1. Nhìn nhận mình bị xúc phạm và đau đớn.
  2. Chấp nhận (quyết định) tha thứ.
  3. Nhớ rằng tha thứ cần thời gian (là một tiến trình).
  4. Nhớ rằng tha thứ là ta ‘chết đi một ít’, không dễ dàng cũng không vui thích gì.
  5. Nếu thấy khó tha thứ cứ bước tới và nghĩ về gương tha thứ của các bậc thánh đức như Chúa Giêsu, Oscar Romero, Gioan Phaolô II, … để lấy thêm tinh thần.
  6. Hãy biết tha thứ cho bản thân.
  7. Tưởng nghĩ đến những điều bạn yêu nơi người bạn đời của bạn, và nhận ra mình còn cảm thấy yêu và cảm thương nàng/chàng.
  8. Nhớ lại có lúc nào ai đó đã từng tha thứ cho bạn, và đã biết ơn biết bao vì người ấy đã ân cần với bạn, tha thứ cho bạn.
  9. Xét đến những hậu quả ngắn và dài hạn của sự việc chưa chấp nhận tha thứ.
  10. Cầu nguyện xin Chúa ban cho sự can đảm và tình yêu đủ để tha thứ.
  11. Ăn mừng việc hoà giải, và nhận biết ơn sủng ban cho mối quan hệ của bạn.
  12. Khi bạn có nhớ đến nỗi đau của vết thương cũ, hãy nhắc đi nhắc lại sự giao hoà, tha thứ đã làm, tình yêu đã đổi mới.
––––––––––––––––––––––
[1] ĐGH PHANXICÔ, Danh Ngài là Thương Xót, bản dịch Việt ngữ của Thái Hoà, NXB Hồng Đức 2016, tr.72.
[2] Ibid. 52.

Luy Nguyễn Anh Tuấn

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...