Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Sr Cristina: giọng ca, ơn gọi và mùa chay

Ngày 19 tháng 3 năm 2014, trên kênh truyền hình Italia, đã diễn ra cuộc thi hát chung kết của “The Voice”. Một nữ tu người Italia dành giải nhất, với bài hát nhạc Pop “No One” của tác giả Alicia Keys ngày hôm đó. Mục đích chính của chị khi tham gia chương trình: Loan báo Phúc Âm cho mọi người bằng ca nhạc, “tất cả làm Vinh Danh Thiên Chúa”.

Trước Mùa Chay năm nay ít ngày, kênh truyền hình công giáo “Kto” của Pháp đã có dịp phát sóng về gặp gỡ và trò chuyện với nữ tu Cristina. Dưới đây là những điểm nổi bật nhất của cuộc phỏng vấn, giữa Emmanuel Querry và nữ tu Cristina.

[…]

Emmanuel Querry (EQ) – Chính Mẹ bề trên đã cho phép Sơ tham gia cuộc thi “The Voice”. Phải chăng, điều đó là mạo hiểm với Mẹ bề trên và cộng đoàn?

Nữ tu Cristina (Nt C) – Đúng vậy, đó là một một quyết định rất khó khăn với Mẹ bề trên. Nhưng Mẹ đã tin tưởng tôi, và đặc biệt, Mẹ tin vào lĩnh vực này, điều đã làm cho tôi có ơn gọi trở thành một nữ tu, đó chính là sự ca hát. Sau đó, Mẹ đã nghĩ rằng, sẽ tốt hơn, nếu tôi mang điều đó ra để phục vụ mọi người, và làm chứng cho niềm vui Phúc Âm.

EQ – Theo cách đó, Sơ có nhiều lần, làm lay động đến nhiều người, để họ quay lại với Giáo Hội?

Nt C – Vâng, tôi có thể làm như thế, và tôi đã nhận được rất nhiều những bức thư tay, rồi thư điện tử và kể từ khi họ nhìn thấy tôi trên chương trình “The Voice”, họ đã tạo ra một nhóm bạn trên Facebook, và những người này đã liên kết với nhau để cầu nguyện, và nhất là, họ đã nối lại mối dây mới với Thiên Chúa.

EQ – Mục đích chính của Sơ là chạm đến tâm hồn của những con người đã rời xa Chúa Giêsu?

Nt C – Đó là mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô. Chính Ngài mời gọi mỗi chúng ta đến với những người ngoài để truyền giáo. Chính lời mời gọi này đã thúc bách tôi. Chính Đức Giáo Hoàng là người đã mở đường. Tôi, tôi chỉ mang sự ca hát để phục vụ như lời Ngài mời gọi. Kể từ đó, có rất nhiều người đã trở lại và những người khác đến gần với Thiên Chúa.

EQ – Sơ, Sơ đã luôn không phải là người tin Chúa…

Nt C – Tôi lớn lên và sống trong một gia đình công giáo có những giá trị căn bản của người kitô hữu, những điều đó đã ảnh hưởng tốt đến tôi. Khi còn bé, tôi sùng đạo và tôi cũng đã từng giúp lễ. Nhưng đến khi là một thiếu nữ, dường như tôi chống lại mẹ tôi về việc, không muốn tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật. Tôi muốn biết tại sao phải tham dự Thánh Lễ. Và tôi đã làm tất cả mọi thứ chỉ vì muốn được hát. Tôi hát ở trong các quán rượu nơi có piano. Tôi đã học hát. Với tôi, tôi chỉ muốn dừng việc học kế toán ở trường đại học. Tôi đã làm được mọi thứ trừ việc tin vào Thiên Chúa. Tôi đã ít nhiều tức giận với Thiên Chúa. Chính Ngài đã đưa nhiều điều đến cho gia đình, những cái mà tôi không muốn Ngài làm.

EQ – Cái gì là nhân tố chính để Sơ xích gần lại với Thiên Chúa và trở thành một nữ tu?

Nt C – Một hôm, tôi được đề nghị vào vai diễn của Sơ Rosa, trong một bản nhạc kịch và tôi đã đồng ý. Nhưng ở thời điểm bắt đầu, tôi đã vào vai diễn với một thái độ dửng dưng. Tôi đã thực sự không thể kiêm được, bởi vai diễn đó nói về Sơ, về Linh mục, về Thiên Chúa; cái mà tôi không muốn nghe nói tới. Vai diễn này đúng là một thời cơ lớn với tôi. Tôi không hề biết rằng chính Thiên Chúa dùng nhân vật này, giọng ca và điệu múa, để tiếp sau đó đánh động tôi và mang đến cho tôi một thông điệp, đó là mời gọi tôi hiến dâng cuộc đời cho Ngài.

EQ – Giữa các sân khấu truyền hình, rồi những cuộc phỏng vấn và biểu diễn: Làm thế nào mà Sơ có thể giữ chu toàn luật sống của một nữ tu?

Nt C – Đầu tiên, phải nói rằng trong mọi lúc, đời sống thiêng liêng, đời sống thánh hiến của tôi luôn được ưu tiên và đồng hành bởi gia đình cộng đoàn và các chị em nữ tu khác. Nhờ vậy, đời sống của một nữ tu như tôi vượt qua được tất cả. Tất cả tôi làm cho Thiên Chúa, cho Danh Thánh Ngài. Tôi có thể đi đây đó, tôi có thể hát, tôi có thể đi khắp nơi trên thế giới […] để làm chứng về sự ủy thác của Thiên Chúa.

EQ – Ngày 18 tháng 2 sẽ là Lễ Tro, bắt đầu của Mùa Chay, điều đó mang lại điều gì cho Sơ?

Nt C – Mùa Chay là thời gian để sám hối, thời gian đặc biệt với Giáo Hội và trong thời gian này, Thiên Chúa và Giáo Hội giúp chúng ta có khả năng bước lại trên con đường, trên con đường theo Chúa. Mùa Chay là một thời gian quan trọng để sám hối, hơn nữa, chúng ta, những người công giáo chưa bao giờ đi đến cuối cùng của sự sám hối, bởi, mỗi ngày qua đi, chúng ta lại cần có thời gian để sám hối, điều đó, làm cho chúng ta chưa nhận biết ra Ngài.

EQ – Mùa Chay cũng muốn nói điều gì với những người sống xa Đức tin?

Nt C – Trong Mùa Chay, Thiên Chúa nói với những người đó rằng, Ngài đến ngõ cửa nhà họ và nói: “Cách cửa của Giáo Hội luôn mở”. Ngài ban cho họ những điều có thể, để họ đẩy cánh cửa đó ra và chính Ngài sẽ đón họ ở cửa. Sự chào đón đó, chính thật là luật của Thiên Chúa, luật của Tình Yêu và luật của đón mời.

[…]


Vui Mừng – Hy Vọng
(theo l1visible.com)
GP.Bùi Chu

Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

Xin gì dịp đầu năm?

Trong những ngày đầu năm, chắc hẳn mỗi người chúng ta đều có chung một ước muốn, đó là xin Chúa ban ơn cho mình trong năm mới. Phần Chúa thì chắc hẳn sẵn sàng ban ơn cho chúng ta. Vậy chúng ta nên xin gì?

Một người kia cứ xin Chúa ban ơn hoài. Chúa nghe mãi đến nỗi phải mệt. Vậy để giải quyết anh này, Chúa nói : “Bây giờ Ta quyết định ban cho con bất kỳ 3 điều nào mà con xin. Sau đó thì thôi Ta không ban ơn gì nữa cả”. Anh rất vui sướng và xin ngay: “Xin cho vợ con chết để con cưới một người vợ khác tốt hơn”. Chúa nhậm lời, vợ anh chết. Nhưng khi bà con và bạn bè đến lo chôn cất vợ anh, họ nhắc lại những phẩm chất tốt của chị, khi đó anh mới tiếc và biết rằng mình đã quá hấp tấp khi dùng lời xin thứ nhất. Anh đành phải dùng đến lời xin thứ hai: “Xin cho vợ con sống lại”. Chúa cũng nhậm lời. Thế là anh chỉ còn có một lời xin thôi. Đây là cơ hội cuối cùng nên anh suy nghĩ rất kỹ phải xin gì?

- Một người bạn góp ý hãy xin cho được bất tử. Nhưng người khác nói bất tử có ích lợi gì nếu không có sức khoẻ tốt. Vậy hãy xin sức khoẻ.

- Nhưng một người khác nói sức khoẻ thì làm gì được nếu không có tiền. Vậy hãy xin tiền.

- Người thứ ba phản đối: tiền bạc có nhiều cũng vô ích nếu không có bạn. Hãy xin có thật nhiều bạn. Ý kiến này cũng có người khác phản đối nữa.

Tóm lại, muốn xin gì thì thoạt đầu thấy cái đó là tốt nhưng suy nghĩ lại thì thấy nó cũng chưa phải là tốt nhất. Anh chàng bối rối quá, chạy tới nói với Chúa “Xin Chúa dạy con biết phải làm gì bây giờ?”. Chỉ vì bối rối quá nên anh mới nói với Chúa vậy thôi chứ anh nào ngờ đây lại là lời xin thứ ba và cũng là lời xin cuối cùng. Từ nay anh không còn được quyền xin gì nữa cả. Anh tiếc quá và tự trách mình. Nhưng khi đó xảy ra một điều bất ngờ, bất ngờ hơn cả sự bất ngờ của anh khi thốt lên lời xin thứ ba. Sự bất ngờ này đó là Chúa đã mỉm cười hài lòng. Chúa nói: “Con thật là khôn ngoan khi xin như vậy. Từ nay Ta sẽ chỉ cho con biết phải làm gì. Con chỉ việc nghe theo lời Ta chỉ dạy, và đời con sẽ được hạnh phúc, hạnh phúc muôn đời, hạnh phúc mãi mãi.”

Câu chuyện trên đủ trả lời cho câu hỏi chúng ta đặt ra lúc nãy: Chúng ta nên xin gì với Chúa ?

- Xin cho được nhiều tiền chăng? Nhưng phải chăng có nhiều tiền là hạnh phúc? Chúng ta đã thấy nhiều gia đình rất giàu nhưng vợ chồng con cái đối xử với nhau rất tệ.

- Xin cho được sống lâu chăng? Nhưng phải chăng sống lâu là hạnh phúc? Có nhiều người sống lâu quá đến nỗi con cháu phát chán.

Chúng ta đang rơi vào tình trạng bối rối của anh chàng kia rồi. Vậy hãy hỏi Chúa xem ta nên xin gì. Trong Tin Mừng, Chúa bảo: “Tiên vàn hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính. Rồi mọi thứ khác Cha trên trời sẽ lo cho chúng con”. Trong ngữ vựng của Tin Mừng, “tìm sự công chính” có nghĩa là tìm thánh ý Chúa. Như thế, câu trả lời này giống y câu Chúa đã trả lời cho anh chàng kia: xin cho mình được biết ý Chúa và làm theo ý Chúa, đó là lời xin khôn ngoan nhất, tốt đẹp nhất, quý giá nhất, vì xin điều này là sẽ được tất cả mọi điều khác.

Chắc là có người không tin. Vậy chúng ta hãy lý luận một chút. Những ai đã làm cha làm mẹ chắc hiểu rất rõ cha mẹ lo gì cho con cái và mong muốn gì nơi chúng. Có phải chăng chúng ta sẵn lòng lo cho con cái mình tất cả những gì cần thiết cho nó như cơm nước, quần áo, tiền bạc, vui chơi, sức khoẻ, học hành, tương lai v.v… Tóm lại là lo hết mọi thứ, dù cho mình thiều thốn nhưng mình cũng sẵn sàng lo cho con, miễn là nó hạnh phúc thôi. Và khi lo cho nó tất cả như vậy, chúng ta mong muốn gì nơi con cái mình? Phải chăng chỉ mong muốn một điều duy nhất là nó biết nghe theo lời dạy bảo của mình. Nếu chúng ta có một đứa con thông minh, làm được rất nhiều việc nhưng luôn cãi cha cãi mẹ, thì chắc chúng ta không vui vẻ gì. Trái lại một đứa con ít thông mình, ít tài nhưng ngoan ngoãn, chịu khó làm theo lời mình dạy bảo thì một mặt nó làm vui lòng mình và mặt khác đời nó cũng thành đạt, bởi vì thực ra tất cả những gì mình chỉ dạy nó đều là để cho nó được tốt mà thôi, nếu nó nghe thì nó tốt.

Thiên Chúa cũng thế. Khác một điều vì chúng ta là người phàm nên có nhiều điều chúng ta muốn lo cho con cái nhưng lo không nổi, một số điều ta dạy bảo chúng cũng chưa hẳn là hay nhất, tốt nhất. Phần Chúa thì toàn năng quyền phép vô cùng Chúa muốn lo cho chúng ta điều gì là Ngài thừa sức lo được. Ngài thông minh vô cùng nên Ngài dạy ta điều gì thì chắc chắn đó là đều hay nhất và tốt nhất.

Bởi vậy Chúa có đầy đủ lý do để nói rằng: chúng ta chẳng cần lo gì cả ngoài lo tìm biết và làm theo ý Chúa.  Chúng ta cũng có đầy đủ lý do để tin một cách chắc chắn rằng xin cho được biết ý Chúa và làm theo ý Chúa, đó là điều xin khôn ngoan nhất, được điều này là được tất cả những điều khác.

Tóm lại, điều chúng ta cần xin nhất là xin Chúa cho ta biết Ngài muốn ta làm gì; điều chúng quyết tâm là trong năm nay ta sẽ lo tìm biết để thi hành ý Chúa, còn mọi sự khác chúng ta tin tưởng phó thác nơi Chúa xin Ngài lo liệu cho chúng ta.

Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

Điều mong ước nhất những ngày tết

1. Những ngày tết, tôi thường phải bận rộn với các thứ mong ước. Trong lúc rối bời, tôi đến bên Đức Mẹ Maria. Như một trẻ thơ, tôi hỏi Mẹ: “Mẹ ơi, con nên mong ước điều gì nhất?”. Tôi lắng nghe. Mẹ cho tôi nhớ lại giây phút Truyền tin. Mẹ được Tổng lãnh thiên thần Gabriel chào chúc: “Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,28). Rồi Mẹ bảo tôi: “Điều con nên mong ước nhất, chính là “được Chúa ở cùng con”.

2. Tin vào lời Mẹ, tôi lui vào nội tâm sâu thẳm, tôi cầu xin Chúa thương đến với tôi. Tôi đợi chờ và khao khát với tất cả tấm lòng nghèo khó khiêm cung. Trong giây phút không ngờ, Chúa đến với tôi. Tôi đã được gặp Chúa. Đúng là Chúa, Đấng hằng sống, Đấng uy quyền và giàu xót thương, Người đem tôi vào một sự sống mới. Sự sống mới đó chính là sự sống của Người.

3. Tôi nhận ra Chúa đã yêu thương tôi. Chúa đã cứu tôi. Chúa đã ban ơn cho tôi. Chúa đã gọi tôi. Chính Chúa là hy vọng của tôi. Chúa là cùng đích của tôi. Chúa là Cha tôi.

4.
Chúa gọi tôi hãy đến với Người để Người được vui trong tôi, và để tôi được vui trong Người. Ở trong Chúa, tôi được Người gắn vào bản tính tự nhiên của tôi một cảm quan thiêng liêng, để tôi có thể nghe được tiếng Chúa, và nhận ra được sự hiện diện của Chúa.

5. Việc đầu tiên tôi làm sau đó là cùng với Đức Mẹ, ca tụng và tạ ơn Chúa. Tôi nhận thấy mình bất xứng. Ơn Chúa ban là ơn nhưng không.

6. Bỗng chốc, tôi cảm thấy đời tôi có một chiều kích hướng thượng rất cao, tới Chúa là nguồn mọi sự sống, mọi hy vọng, mọi hạnh phúc.

7. Lúc đó, tôi tin Chúa, tức là tôi gắn bó với Chúa, tôi vâng phục Chúa, tôi đi về với Chúa. Chứ không phải chỉ là chấp nhận một hệ thống giáo lý.

8. Tôi đi về với Chúa, qua đời sống yêu thương phục vụ con người. Tôi yêu thương phục vụ, như Chúa đã dạy và đã yêu thương phục vụ. Do vậy, mọi tình yêu của tôi dành cho người khác đều khởi đi từ nguồn vô tận là tình yêu Chúa. Nếu làm được gì tốt cho ai, tôi sẽ qui chiếu về Chúa, như lời Chúa phán: “Thầy là Cây nho, anh em là cành, ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh được nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

9. Một thoáng chia sẻ trên đây cũng là những gì tôi vốn đã được cảm nhận ít nhiều suốt đời tôi, từ nhỏ đến giờ.
Vì thế, hôm nay khi được Đức Mẹ nhắn nhủ: Sự được Chúa ở cùng là điều nên mong ước nhất, tôi lại thêm xác tín tôi luôn cần được Đức Mẹ dạy dỗ, đào tạo vì tôi rất yếu đuối, dễ quên và ngại thực hiện.

10. Với hết lòng khiêm nhường, tôi xin Chúa và Đức Mẹ thương tha tội cho tội.
Cảm tạ và xin lỗi là những việc cần làm chung với nhau, nhất là dịp Tết.
Điều tôi xin lỗi cách riêng ở đây là không dùng ơn Chúa ở cùng, để làm tốt bổn phận của tôi.

11. Khi được Chúa ở cùng, đáng lẽ tôi phải phấn đấu hết sức để thi hành việc bổn phận một cách tốt nhất. Thí dụ bài giảng của tôi, dù với hình thức nào, cũng phải làm chứng là có Chúa ở cùng, được Chúa đóng dấu vào. Nhưng biết bao lần, thực tế đã không luôn được như vậy. Tôi xin sám hối, cầu xin Chúa thứ tha.

12. Khi được Chúa ở cùng, đáng lẽ tôi phải có ý thức về thời gian như Chúa. Thí dụ, khi làm mục vụ, đáng lẽ tôi phải khiêm tốn đợi chờ kết quả một cách kiên trì, như Chúa vẫn làm. Nhưng tôi thì nóng vội, cái gì cũng muốn phải có kết quả ngay. Đó là điều sai lầm của tôi. Tôi xin sám hối. Xin Chúa thương tha thứ cho tôi.

13. Khi được Chúa ở cùng, đáng lẽ tôi phải quên đi cái tôi của tôi, nhưng bao lần cái tôi của tôi vẫn hiện diện trong các việc tôi làm, kể cả các việc đạo đức. Đó là điều yếu đuối của tôi. Tôi xin sám hối. Xin Chúa thương tha thứ cho tôi.
Khi được Chúa ở cùng, đáng lẽ tôi phải tỉnh thức chiến đấu với quỉ satan, nó luôn tìm cách phá vỡ bất cứ chương trình nào có tính cách cứu độ của Chúa. Nhưng nhiều khi tôi đã chủ quan, không nghĩ tới kẻ thù vô hình đó. Tôi xin sám hối. Xin Chúa thương tha thứ cho tôi.

14. Khi được Chúa ở cùng, đáng lẽ tôi phải coi đau khổ là điều kiện cần vốn đi liền với thánh giá cứu chuộc. Nhưng bao lần tôi đã tránh xa và có khi phản bội thánh giá. Tôi xin sám hối. Xin Chúa thương tha thứ cho tôi.

15. Khi được Chúa ở cùng, đáng lẽ tôi phải rao giảng sự hòa giải, sự tha thứ. Nhưng bao lần, tôi đã không làm đủ, làm đúng. Tôi xin sám hối. Xin Chúa thương tha thứ cho tôi.

16. Để kết, tôi xin phép nói thêm điều này: Với ơn được Chúa ở cùng, tôi thường nhìn mọi người đến với tôi, như một bức thư Chúa gửi cho tôi. Dù là ai, họ đều là một bức thư Chúa gửi cho tôi. Tôi đọc thư đó được viết trong tâm hồn họ, trên trái tim họ. Chúa viết. Và tôi đã hiểu tình Chúa mênh mông, giàu xót thương và nhân ái.

Đó là cái Tết thánh hóa đời tu của tôi. Xin thân ái kính chúc anh chị em “được Chúa ở cùng anh chị em”.

Tết Ất Mùi, Long Xuyên 09.02.2015
ĐGM GB Bùi Tuần

LỜI CHÚC ĐẦU NĂM

 Tết đến, lời chúc đầu năm mang nhiều ý nghĩa, và là biểu trưng thiêng liêng cho tình cảm giữa con người với nhau. Tết mang đến những gì mới mẻ, trẻ trung, sức sống, cho nên ai cũng muốn chúc Tết và được chúc Tết.

Ngày thường gặp nhau “tiếng chào cao hơn mâm cỗ”. Người Việt lấy ứng xử nhân nghĩa ở đời làm thước đo văn hóa nên chào hỏi trở thành nghi lễ trong xã giao, và nó trở thành nét đẹp văn hóa đời thường. Lời chúc đầu năm thiêng liêng là lời hay ý đẹp dành tặng cho nhau.

Thi sĩ Bùi Nghiệp có bài thơ “Chúc Tết” ngũ phúc lâm môn.

Chẳng có món gì mừng tuổi nhau
Gọi là năm mới tết thêm màu
Thôi thì mượn chữ người xưa cũ
Mến chúc xuân này ngũ phúc sâu

Phước ngập gia đình lẫn tổ gia
Niềm vui trên dưới sống chan hòa
Ân tình nghĩa thiết luôn đằm thắm
Vắng mặt gần lòng chẳng có xa

Lộc nảy mầm tươi kết tựu thành
Xum xuê cành lá trổ vươn xanh
Đơm hoa kết trái mau thông đạt
Phấn khởi tiền tài lợi tức nhanh

Thọ với đất trời tựa núi sông
Tuổi già dù đến cứ ung dung
Bên đàn con cháu đông vui đủ
Ríu rít xum xuê cội bách tùng

Khang an tráng kiện tháng ngày vui
Gân cốt bền dai dạo chợ đời
Thời tiết bốn mùa xem nhẹ hẫng
Nắng mưa nóng lạnh chuyện thường thôi

Ninh tĩnh bình yên dưới mái nhà
Khó khăn trắc trở đẩy lùi xa
An cư lạc nghiệp thuyền xuôi mái
Gia tộc luôn vui sống thuận hòa

Ngũ phúc lâm môn đón quý thần
Cận kề gia tộc suốt hằng năm
Đầu xuân mến chúc chư bằng hữu
Vạn sự hanh thông phúc đức tràn…

 

Những ngày đầu năm, lời chúc trước tiên là dành cho người thân ruột thịt trong gia đình dòng tộc. Đêm 30 Tết, tham dự thánh lễ tất niên, gia đình đoàn viên, cả nhà quây quần nói chuyện tâm tình, ôn lại buồn vui được mất của năm qua đón chờ giao thừa. Thắp nến sáng lung linh trên bàn thờ, đốt nén nhang thơm tỏa ngát. Chuông nhà thờ ngân vang đúng lúc giao thừa. Mọi người dâng lời kinh hạt đầu năm mới, sau đó vui vẻ chúc mừng nhau. Con cháu chúc ông bà cha mẹ, anh chị chúc mừng em, ba mẹ chúc con cái, ông bà chúc con cháu. Lòng ai cũng nao nao thời khắc giao thừa vui vầy trang trọng, gần gũi thiêng liêng ấm áp tình thân.

Sáng Mồng Một, thánh lễ Minh niên, đến nhà thờ gặp nhau ai cũng rôm rã lời chúc mừng năm mới. Cha xứ chúc cộng đoàn, mọi người chúc mừng nhau những lời tốt đẹp. Những ngày tết đến thăm nhau, gia chủ mời ly trà ly rượu thân tình và cầu chúc những lời hay nhất: ơn thánh dồi dào, sức khỏe bình an, hạnh phúc thành đạt, làm ăn tấn tới. Hàng xóm thân quen, người này đến thăm người kia, rộn ràng vui vẻ, nén nhang thắp trên bàn thờ gia tiên, ly rượu đầu xuân mời nhau thân thiết, nói chuyện đầu năm nụ cười tươi nở. Đơn sơ mà ấm áp, thăm nhau chúc nhau mấy ngày xuân được xem như nghiã cử ở đời thật đáng quý đáng trân trọng. Tiếng Việt vốn phong phú nên lời chúc Tết cũng muôn hình vạn trạng, không cứng nhắc và không sáo ngữ. Ai cũng chọn lọc câu chữ tinh tế để người nghe cảm thấy vui lòng tin tưởng. Lời chúc làm cho tâm hồn cảm thấy thăng hoa hạnh phúc, niềm vui dâng tràn. Gặp nhau đầu năm mới, lời chúc Tết bao hàm nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Ngày thường giận nhau ghét nhau thế nào đi nữa, nhưng Tết đến Xuân về mọi lời chúc đều trở nên chan hòa trân trọng tràn ngập yêu thương gắn bó mọi người gia đình trong giáo xứ. Lời chúc đầu năm trở thành văn hóa thẩm mỹ mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

Đối với người Kitô hữu, lời chúc Tết hay nhất, mang đến hạnh phúc và niềm vui trọn vẹn chính là Lời Chúa trong sách Dân Số:“Đức Chúa phán với ông Môsê: Hãy nói với Aharon và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ítraen, anh em hãy nói thế này :Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em!

Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em!
Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!
Chúc như thế là đặt con cái Ítraen dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Ds 6, 22-27).

Chúa Giêsu không chúc theo kiểu thế gian. Khi Chúa Giáng Sinh, các thiên thần đã chúc bình an cho người thiện tâm. Khi Phục Sinh, Chúa cũng chúc bình an cho các môn đệ trung thành. Bài giảng trên núi “Tám mối phúc thật” là Hiến Chương Nước Trời, Chúa Giêsu chúc phúc cho những thân phận nhỏ bé, bị thua thiệt hay bị áp bức đáng thương, cùng những tâm hồn biết hướng về Chúa, về tha nhân.
  
Chúa Giêsu không chúc “phú quý thọ khang ninh” mà chúc phúc Nước Trời cho những ai có tâm hồn nghèo khó, không nô lệ tiền bạc vật chất hay tiện nghi, những người bé mọn, yếu đuối, oan ức, đau buồn, khóc lóc. Khi có tấm lòng thanh thoát, sẵn sàng đón nhận Lời Chúa gieo vào, bén rễ và sinh hoa kết trái, là phúc trường sinh sau này.

Năm Ất Mùi, Mùa Xuân vừa về thì Mùa Chay vừa đến. Mừng Xuân và vui Tết nhưng phải luôn ghi nhớ “mình là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19). Vì thế người tín hữu luôn ghi nhớ lời Chúa dặn dò: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia (nghĩa là của cải vật chất), Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33). Sống theo ưu tiên của Nước Thiên Chúa, người Kitô hữu sẽ giữ được sự tự do thanh thoát và bình an ngay giữa những nhiệm vụ nặng nề nhất, vì họ biết có Chúa là Cha yêu thương cùng lo cho họ và với họ, và chỉ có Người mới đem lại cho họ niềm hạnh phúc đích thực mà họ hằng mong ước.

Sẽ không mong là an khang thịnh vượng, là công thành danh toại, là buôn may bán đắt, là vạn sự như ý, là… là… Nhưng chỉ cần tâm nguyện là một năm mới trong tình thương của Chúa, một năm mới bình an, một năm mới theo thánh ý Chúa, một năm mới thuộc về Chúa. Niềm hạnh phúc của một tâm hồn trong sạch và có Chúa ở cùng, cũng chính là niềm hạnh phúc mà chúng ta cầu chúc cho nhau trong năm mới Ất Mùi này.

Lạy Chúa, mỗi lần Tết đến, chúng con dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất và ước ao cho tất cả cầu chúc ấy trở nên hiện thực trong năm mới. Giờ đây, dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng con biết rằng Chúa là khởi nguyên và cùng đích của mọi phúc lành. Chúng con xin đặt đất nước chúng con, gia đình, bạn bè thân hữu, và tất cả anh chị em chúng con dưới sự bảo trợ của danh Chúa trong năm mới này. Xin Chúa chúc lành cho chúng con.

Lạy Chúa, khi chúng con chúc lành cho nhau, xin hướng lòng chúng con về Chúa và thưa lên: Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh chị em!

Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh chị em và dủ lòng thương anh chị em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh chị em!


Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

Giao thừa

Năm, bốn, ba, hai, một… Trong suốt 365 ngày của năm vừa qua, có biết bao nhiêu khoảnh khắc trôi đi, nhưng ít khi nào ta lại để ý đến nó cho bằng lúc này. Khi ta có thật nhiều cái gì đó, ta thường không mấy trân trọng nó cho bằng lúc nó chỉ còn sót lại chút ít ỏi và sắp mất đi. Chẳng hiểu sao, vào lúc năm cũ và năm mới chuyển giao, lúc hội tụ của bao tinh khôi đất trời, ta lại quý thời gian đến thế. Ta đếm từng giây trôi qua với một tâm tình pha chút bâng khuâng, chút nôn nao như thể mình sắp mất đi cái gì đó vĩnh viễn. Đã một năm trôi qua rồi ư? Ta cứ ngỡ như chỉ mới trong thoáng chốc vậy. Cái mới mà một năm trước ta đang háo hức đợi chờ, giờ đây chỉ còn lại những giọt cuối cùng. Một chút gì đấy tiếc nuối trỗi dậy trong tim. Ký ức ta lôi về những gì của quá khứ. Một chặng đường sắp khép lại và một hành trình nữa sắp mở ra!
Đêm giao thừa! Cái khoảnh khắc này rất lạ kỳ, vì đã trở thành cái cũ nhưng không là cái cũ, nó chưa là cái mới nhưng đã có nét mới trong mình. Nó là điểm giao nhau giữa hai thời khắc trọng đại của dòng thời gian, hệt như một sự hội tụ rồi vỡ tung. Nhờ đó mà nó trở nên vừa thiêng liêng vừa quý báu. Xét cho cùng, nó cũng chỉ là một điểm trên hành trình chuyển dời của vạn vật, nhưng hương vị và bản chất của nó khác xa và vượt trội hơn hẳn.
Đêm giao thừa! Ta nhìn đâu cũng thấy có dòng cảm xúc bồi hồi đưa lối. Những hình ảnh thân quen cũng khơi gợi lên bao kỷ niệm dấu yêu. Nào là hạt dưa, nào là cành mai cành đào, nào là phong bao lì xì đỏ thắm. Những món ăn ngon đã bày biện sẵn. Mọi người trong gia đình quy tụ lại bên nhau, nâng chén rượu tỏ bày niềm hạnh phúc. Đây là lúc mà bao tâm tình thiêng liêng nhất, sâu thẳm nhất như lan tỏa khắp mọi nơi. Những mối tương quan ấm nồng như sống lại, mang đến cho ta nguồn hơi ấm thật lạ kỳ, một hơi ấm không thể mua được bằng tiền hay vàng bạc châu báu. Ta gửi đến nhau những lời chúc ngọt ngào, mong muốn cho nhau được bình an, hạnh phúc. Ta nhớ đến công lao sinh thành dưỡng dục của ông bà mẹ cha, nhớ đến tình thân ái chan hòa giữa anh chị em trong nhà, nhớ đến những người ta thương mến, dù đang ở kề cận hay đang ở mãi xa.
Đêm giao thừa nhắc ta nhớ rằng không gì trên thế giới này quý giá cho bằng những tương quan gắn kết. Chỉ còn một vài khoảnh khắc ngắn ngủi nữa thôi, hãy dành cho nhau những gì quý giá nhất. Đừng vì ngại ngùng mà không dám nói lời yêu thương. Đừng vì xấu hổ mà không dám mở miệng nói câu xin lỗi. Hãy bộc hạch hết tất cả những điều bí ẩn của trái tim. Hãy nói với Tạo Hóa lời cảm ơn chân thành nhất vì sự bao bọc chở che mà Người dành cho ta và cho gia đình. Hãy nói cho ông bà tổ tiên biết là ta đội ơn họ vì nhờ có họ mà mới có ta hôm nay. Hãy nói cho bố mẹ biết là ta yêu thương họ thế nào, ghi ơn họ vào tận cốt tủy ra sao. Hãy nói với anh chị em lời cảm ơn vì bao kỷ niệm và tình cảm ngọt ngào mà chúng ta đã có với nhau. Hãy tỏ bày với họ hàng thân thuộc ước mong tốt đẹp mà ta dành cho họ.
Ai là người thật sự quan trọng với ta, hãy cố gắng níu giữ họ lại, vì đêm nay là cơ hội tuyệt vời nhất để bạn làm điều ấy. Mất đi một người có ý nghĩa với bạn, bạn sẽ mất đi cả cuộc sống. Vào khoảnh khắc linh thiêng này, lòng người cũng mở ra rộng hơn, con tim họ cũng trở nên mềm hơn. Họ sẽ dễ đón nhận lời xin lỗi của bạn, họ cũng đã chờ thật lâu để nghe con tim bạn thốt lên lời dấu yêu tha thiết. Đêm nay, thời gian trôi chậm lại, không gian như đứng yên, chính là để bạn có thể tận dụng khoảnh khắc cuối này, thực thi điều mà trong suốt năm qua, bạn đã không để ý đến. Hãy gạt đi hết tất cả những giận dỗi, hờn ghen, trách cứ. Hãy lấy hết can đảm nói với người đó rằng ta yêu thương họ, ta trân quý họ, ta cần họ biết bao trong cuộc đời này. Nếu giọt nước mắt có tuôn rơi lúc ấy, thì đó sẽ là giọt nước mắt của hạnh phúc, của hân hoan.
Còn những gì là của quá khứ, hãy trả nó về cho quá khứ. Những thất bại, những đổ vỡ, những buồn phiền, những nặng nề kéo ghì ta xuống… hãy để cho thời gian cuốn đi tất cả. Quên những gì cần quên thì đầu óc ta mới được thanh thản đón nhận những gì sắp tới. Bỏ đi những gì không cần thiết thì ta mới có thể dồn sức dựng xây một tương lai mới đang chờ. Hoài niệm và nuối tiếc những gì đã qua với một thái độ buồn phiền và tự ti là thái độ cản bước chân ta trong hành trình tiến về phía trước. Kim đồng hồ có quay ngược cũng chẳng thể đưa ta trở về quá khứ để thay đổi những gì đã xảy ra. Nếu ta muốn bắt đầu lại thì lúc này đây chính là khoảnh khắc thích hợp nhất. Đêm giao thừa mời gọi ta hướng đến ánh ban mai tinh khôi và nguyên tuyền sẽ bừng lên trong phút chốc nữa. Thà có một cái kết đau, còn hơn cứ đau hoài mà chẳng bao giờ kết.
Đêm giao thừa! Chiếc kim thời gian đưa ta về điểm xuất phát mới. Dòng thời gian đã mang đi tất cả, nhưng cũng mang đến một chân trời mới đầy mộng mơ. Cái gì sẽ đợi ta phía trước, cuộc sống của ta trong năm mới sẽ ra sao, khoảng thời gian 365 tới đây có giống như năm này không, hạnh phúc sẽ mỉm cười với ta hay sẽ quay lưng lại với ta? Chẳng ai có thể cho ta câu trả lời chính xác. Nhưng điều duy nhất ta biết là nó sẽ tùy thuộc vào thái độ sống của ta hôm nay. Thiên Đường và Hỏa Ngục không phải do Tạo Hóa làm ra rồi đẩy ta vào, nhưng là do chính ta tự làm nên cho mình. Đêm nay, đêm linh thiêng này, trong vào ba giây ít ỏi còn sót lại, ta được mời gọi để gẫm suy về tất cả những điều ấy, để hướng lòng lên cao, rồi trải lòng ra với mọi loài thụ tạo. Hít một luồng hơi nhẹ vào người rồi từ từ thở ra, ta mỉm cười, hân hoan đón chào một năm mới.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

Valentine – Ngày Tình Yêu Thánh

Ngày 14 tháng Hai hằng năm là Valentine’s Day – Ngày Tình Yêu hoặc Ngày Tình Nhân. Ngày này dành cho những người hẹn hò yêu đương với nhau. Nhưng ngày này nhắc nhở bạn về tình yêu tâm linh, tình yêu bạn dành cho Chúa Giêsu. Như vậy, Valentine’s Day phải là Ngày Tình Yêu Thánh đối với các Kitô hữu chúng ta.

Thánh nữ “bông hoa nhỏ” Têrêsa đã gọi Chúa Giêsu là Đức Tình Quân. Mỗi chúng ta đều có cuộc “hôn nhân mầu nhiệm” với Chúa Giêsu. Tại sao chúng ta phải yêu mến Ngài? Đây là 10 lý do xác định Chúa Giêsu là người yêu của bạn:

1/ NGÀI TRỢ GIÚP BẠN

“Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (Ga 14:16-18). Chúa Giêsu không bỏ mặc bạn một mình, Ngài giúp đỡ bạn qua Chúa Thánh Thần, Đấng giữ bạn đi trên đường ngay nẻo chính.

2/ NGÀI BAN SỨC MẠNH

“Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4:13). Thánh Phaolô biết rằng ngài có sức mạnh nhờ Chúa Giêsu hoàn tất công việc của thánh nhân. Ơn Chúa đủ cho chúng ta, chỉ cần chúng ta mở lòng ra đón nhận!

3/ NGÀI THEO ĐUỔI BẠN

“Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1:12). Chúa Giêsu theo đuổi chúng ta mọi nơi, muốn chúng ta là con cái Thiên Chúa và được trường sinh trong Vương Quốc của Thiên Chúa.

4/ NGÀI CHIẾN THẮNG TỬ THẦN CHO BẠN

“Chính Đức Kitô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử” (2 Tm 1:10). Chúa Giêsu chết trên Thập Giá để ban sự sống dồi dào cho bạn. Ngài ghét tội lỗi, bệnh tật và bất công, ghét đến nỗi làm cho ách của chúng ta trở nên thoải mái và gánh nặng của chúng ta trở nên nhẹ nhàng.

5/ NGÀI CẦU NGUYỆN CHO BẠN

“Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17:20-21). Bạn là phần lớn trong đời sống cầu nguyện của Chúa Giêsu. Ngài luôn luôn là Đấng trung gian biện hộ cho chúng ta trước mặt Chúa Cha.

6/ NGÀI CỨU ĐỘ BẠN

“Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện” (Ep 2:8-9). Chúa Giêsu cứu bạn thoát khỏi thung lũng tử thần và sự hủy diệt. Ngài đưa bạn vào Vương Quốc của Thiên Chúa bằng lòng thương xót của Ngài.

7/ NGÀI TUYỂN CHỌN BẠN

“Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2:9). Chúng ta được tuyển chọn để làm vinh danh Thiên Chúa. Chúa Giêsu giáo dưỡng chúng ta suốt hành trình tâm linh và đưa chúng ta càng ngày càng lên cao.

8/ NGÀI BÊNH VỰC BẠN

“Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính?34 Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?” (Rm 8:33-34). Chúa Giêsu là Đấng bảo vệ và biện hộ cho chúng ta trước mặt Chúa Cha.

9/ NGÀI CHUẨN BỊ CHỖ Ở CHO BẠN

“Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (Ga 14:2). Chúa Giêsu không để chúng ta mồ côi, Ngài về trời chuẩn bị chỗ ở cho chúng ta, rồi Ngài sẽ trở lại để đón chúng ta về với Chúa Cha.

10/ NGÀI YÊU THƯƠNG BẠN

“Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5:8). Đời đời Chúa Giêsu yêu thương bạn vô hạn, không chỉ trong ngày Valentine, mà Ngài làm cho bạn vui sống suốt 365 ngày.

Kha Đông Anh chuyển ngữ từ Beliefnet.com

Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

Đức Thánh Cha đọc kinh Truyền Tin và loan báo thăm Sarajevo

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 1-2-2015, ĐTC Phanxicô loan báo ngài sẽ viếng thăm Sarajevo, thủ đô Cộng hòa Bosnie Erzegovine vào thứ bẩy, 6-2-2015.
Lúc 12 giờ ĐTC xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của căn hộ giáo hoàng ở dinh Tông Tòa để bắt đầu buổi đọc kinh với hàng chục ngàn tín hữu. Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC đã giải thích bài Tin Mừng chúa nhật thứ 4 thường niên năm B về tầm quan trọng và sức mạnh của Lời Chúa, cũng như sự kiện Chúa Giêsu giảng dạy như người có uy quyền.
Bài huấn dụ của ĐTC
Anh chị em thân mến, chào anh chị em
”Đoạn sách Tin Mừng chúa nhật hôm nay (Xc Mc 1,21-28) trình bày Chúa Giêsu với cộng đoàn nhỏ bé các môn đệ của Ngài đi vào Carpharnaum, là thành nơi Phêrô sinh sống và hồi đó là thành lớn nhất ở miền Galilea.
Thánh sử Marco kể lại rằng vì hôm đó là ngày thứ bẩy nên Chúa Giêsu đi ngay tới Hội đường và bắt đầu giảng dạy (Xc v.21). Điều này làm ta nghĩ đến vị trí tối thượng của Lời Chúa, Lời cần được lắng nghe, đón nhận và loan báo. Khi đến Carphanaum, Chúa Giêsu không hoãn lại việc loan báo Tin Mừng, Ngài không nghĩ đến việc thu xếp chỗ ăn ở cho cộng đoàn bé nhỏ của Ngài, tuy là cần thiết, Chúa không nghĩ đến việc tổ chức trước tiên. Mối quan tâm chính của Ngài là thông truyền lời Chúa với sức mạnh của Chúa Thánh Linh. Và dân chúng trong Hội đường có ấn tượng mạnh, vì Chúa Giêsu ”giảng dạy họ như một người có uy quyền, chứ không phải như các nhà thông luật” (v.22).
Nhưng ”giảng dạy với uy quyền có nghĩa là gì?” Thưa có nghĩa là trong lời nói nhân trần của Chúa Giêsu, người ta cảm thấy sức mạnh của Lời Chúa, cảm thấy chính thế giá của Thiên Chúa, là Đấng Linh hứng các Sách Thánh. Và một trong những đặc tính của Lời Chúa là thực hiện điều Chúa nói. Vì Lời Chúa tương ứng với ý Chúa. Trái lại, nhiều khi chúng ta nói những lời trống rộng, không có căn cội, hoặc nói những lời thừa thãi, những lời không tương ứng với sự thật. Lời Chúa tương ứng với sự thật, đồng nhất với ý chí và thực hiện điều Ngài nói. Thực vậy, Chúa Giêsu, sau khi rao giảng, đã chứng tỏ ngay uy quyền của Ngài bằng cách giải thoát cho một người bị quỷ ám đang có mặt trong Hội đường lúc ấy (Xc Mc 1,23-26). Chính uy quyền của Chúa Kitô đã khơi dậy phản ứng của Satan, ẩn nấp trong người ấy; và Chúa Giêsu nhận ra ngay tiếng nói của ma quỷ, nên Ngài ”nghiêm nghị truyền lệnh: ”Hãy im đi! Hãy ra khỏi người này!” (v.25). Với nguyên sức mạnh của lời Ngài, Chúa Giêsu giải thoát người ấy khỏi ma quỷ. Và một lần nữa những người hiện diện kinh ngạc nói: ”Ông này truyền lệnh cho cả những thần ô uế và chúng vâng phục Ông!” (v.27).
”Tin Mừng là lời sự sống: không đè nén con người, trái lại giải thoát những người nô lệ khỏi bao nhiêu thần dữ của thế gian này: sự ham ố danh vọng, quyến luyến tiền bạc, kiêu ngạo, mê dâm dục.. Tin Mừng thay đổi con tim, thay đổi cuộc sống, biến đổi những xu hướng xấu xa thành quyết tâm làm điều thiện.. Vì thế, nghĩa vụ của các tín hữu Kitô là phổ biến khắp nơi sức mạnh cứu độ, trở thành thừa sai và sứ giả của Lời Chúa. Đó cũng là điều mà đoạn Tin Mừng hôm nay gợi ý, khi kết thúc bằng cách mở ra một viễn tượng truyền giáo: ”Tiếng tăm của Ngài – danh tiếng của Chúa Giêsu – được phổ biến ngay ở các nơi thuộc miền Galilea” (v.28). Đạo lý mới mẻ mà Chúa Giêsu giảng dạy với uy quyền chính là đạo lý mà Giáo Hội mang tới thế giới, cũng với những dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Chúa: giáo huấn với uy quyền và hoạt động cứu độ của Con Thiên Chúa trở thành những lời cứu độ và những cử chỉ yêu thương của Giáo Hội truyền giáo.
Anh chị em hãy luôn nhờ rằng Tin Mừng có sức thay đổi cuộc sống, Tin Mừng chỉ biến đổi chúng ta khi chúng ta để cho mình được Tin Mừng biến đổi. Chính vì thế, tôi xin anh chị em hãy tiếp xúc hằng ngày với Tin Mừng, mang sách Tin Mừng trong túi, trong sắc.. đễ mỗi ngày để đọc một câu, một đoạn Tin Mừng.. Đó là sức mạnh biến đổi chúng ta, thay đổi cuộc sống, thay đổi con tim”.
Và ĐTC kết luận rằng: ”chúng tay hãy cầu xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã đón nhận Ngôi Lời và sinh Người cho thế giới, cho tất cả mọi người. Xin Mẹ dạy chúng ta trở thành những người chăm chỉ lắng nghe và loan báo một cách có uy tín Tin Mừng của Chúa Giêsu.
Sau khi ban phép lành cho mọi người, ĐTC thông báo cuộc viếng thăm sắp tới của Ngài và nói:
”Anh chị em thân mến, tôi muốn loan báo: thứ bẩy 6 tháng 2 tới đậy, nếu Chúa muốn, tôi sẽ đến thành Sarajevo, thủ đô nước Bosni Erzegovine. Ngay từ bây giờ tôi xin anh chị em cầu nguyện để cuộc viếng thăm của tôi nơi các dân tộc yêu quí này là một sự khích lệ cho các tín hữu Công Giáo, khơi dậy những men thiện hảo và góp phần củng cố tình huynh đệ và hòa bình, đối thoại liên tôn và thân hữu”
ĐTC cũng chào thăm các tham dự viên Hội nghị thế giới lần thứ 4 do tổ chức ”Scholas Occurentes” tổ chức tại Vatican từ ngày 2 đến 5-2 với chủ đề ”Trách nhiệm của mọi người trong việc giáo dục một nền văn hóa gặp gỡ”. Ngài cũng chào thăm các giáo xứ, các hội đoàn và tất cả những người đến từ Italia và nhiều nơi khác trên thế giới, đặc biệt là các tín hữu hành hương đến từ Liban và Ai Cập, các sinh viên từ Zafra và Badajoz bên Tây Ban Nha, và nhiều nơi khác ở Italia.
Ngài cũng nhắc nhở rằng: ”Hôm nay tại Italia có cử hành Ngày Sự Sống, với chủ đề là ”Liên đới bênh vực sự sống”. Tôi khích lệ các hiệp hội, các phong trào và tất cả những người đang bảo vệ sự sống con người. Tôi hiệp ý với các GM Italia kêu gọi ”tái nhìn nhận nhân vị và chăm sóc sự sống một cách thích hợp hơn, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên” (Sứ điệp ngày Toàn quốc Italia lần thứ 37 bênh vực sự sống”. Khi cởi mở đối với sự sống và phục vụ sự sống, thì chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh cách mạng của tình yêu và sự dịu dàng (Xc Tông huấn ‘Niềm vui Phúc Âm’, 288), khai mạc một trào lưu nhân bản mới, nhân bản liên đới. Tôi chào thăm ĐHY Giám quản, các giáo sư đại học Roma và những người dấn thân thăng tiến nền văn hóa sự sống”.
Sarajevo chỉ cách Roma một giờ bay và là thủ đô của nước Bosni Erzegovine rộng hơn 51 ngàn cây số vuông với 3 triệu 700 ngàn dân cư, đông nhất là người Hồi giáo 43%, tiếp đến là các tín hữu Chính Thống Serbi gần 30% và sau cùng là các tín hữu Công Giáo 18%, gốc người Croát. Chiến tranh giữa 3 nhóm dân này đã diễn ra trong 4 năm từ năm 1991 đến 1995.
G. Trần Đức Anh OP (RV.)

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...