Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Ngọt ngào tình mẹ


Người ta nói : “Tình yêu thương là một trái cây nở rộ và vừa tầm hái của mọi bàn tay”. Nhưng có lẽ tình yêu ngọt ngào, đằm thắm mà ai cũng có thể hái được đó chính là tình yêu thương của mẹ. Tình mẹ trong ca dao vẫn được ví von như chuối ba hương, như xôi nếp mật, như đường mía lau. Tình mẹ luôn mang lại niềm vui, hạnh phúc, bình an cho con. Tình mẹ cao quý đến nỗi có người nói rằng: “Chung quanh tôi, có ngàn vạn con người. Nhưng trong tôi, chỉ có một người thôi. Người ấy đã trao cho tôi cuộc sống này, và hơn thế, đã cho tôi hiểu vẻ đẹp của cuộc sống, ý nghĩa của cuộc sống.
Tôi gọi Người là Mẹ”.
Tình mẹ thật ngọt ngào như trong ca từ “Ngọt ngào tình mẹ” mà Phạm Lê Hoàng đã viết:
Mẹ như dòng suối ngọt ngàoNhư con sóng vỗ dạt dào dịu êmNhư là cánh võng đêm đêmÀ ơi mẹ hát êm đềm nhặt khoan.
Thật thú vị biết bao khi trẻ thơ được tắm gội bên dòng suối thanh bình. Và còn hạnh phúc nào hơn khi được đùa nghịch cùng con sóng nước dạt dào, hay khi được thả mình trên chiếc võng đung đưa theo tiếng à ơi của mẹ. Thế mà, tình mẹ đã làm nên những điều kỳ diệu như thế. Tình mẹ như dòng suối, như con sóng vỗ dạt dào, như cánh võng ru hời đưa con vào giấc ngủ say.
Mẹ là ngọn gió thênh thangRu con ngày tháng biết bao là tình
Lời kết của bài hát như muốn chúng ta hãy tắm gội trong biển bao la tình mẹ. Một tình mẹ như biển bao la không bao giờ vơi.
Lòng mẹ thương con như nước nguồn xuôi về Biển ĐôngLòng mẹ thương con như nước nguồn xuôi về Biển Đông.
Ngày đầu năm mới, Giáo hội tôn vinh một người Mẹ. Một người Mẹ đã cho Con Thiên Chúa tắm gội trong biển bao la tình mẹ. Một người Mẹ đã đi hết cuộc đời dương gian với biết bao nỗi đau của cuộc đời bể dâu đầy đắng cay thị phi. Mẹ đã chịu biết bao khổ đau khi phải sinh con trong cảnh cơ hàn. Mẹ đã phải bồng ẵm con rời bỏ quê hương chạy trốn sự truy sát của bạo chúa Hê-rô-đê. Mẹ đã dốc hết tình mẹ để che chở, bảo vệ Con Thiên Chúa làm người. Mẹ còn được vinh dự hiệp thông với con yêu quý của Mẹ cứu độ trần gian trong hiến tế đồi Calve.
Chính trong hiến tế đồi Calve, Mẹ Maria đã sinh ra nhân loại chúng ta. Hay đúng hơn Mẹ Maria đã đón nhận sự ủy thác của Chúa Giê-su để trờ thành Mẹ nhân loại, khi Chúa trao gởi Gioan cho Mẹ: “Thưa bà, đây là con bà”. Gioan đã đại diện cho cả nhân loại đón Mẹ về nhà mình. Từ nay từng mái nhà đều có Mẹ Maria hiện diện, đều có Mẹ Maria đồng hành nâng đỡ, chỡ che. Từ nay Mẹ Maria mãi mãi là mẹ của chúng sinh để tiếp tục thi thố tình thương của một người mẹ cho nhân loại chúng ta.
Đó là lý do mà trong suốt dọc dài lịch sử nhân loại luôn có bàn tay của Mẹ xoa dịu nỗi đau cho nhân loại, hay có khi cứu vớt nhân loại khỏi lầm than. Mẹ đã hiện ra ở nơi này nơi kia như nói lên tình Mẹ vẫn đong đầy với nhân loại chúng ta. Mẹ không thể ở xa khi thấy con Mẹ đang quẳn quại trong nỗi đau. Mẹ sẽ chẳng làm ngơ khi con cái Mẹ chìm đắm trong bể khổ trần gian. Mẹ sẽ làm điều gì đó để thể hiện tình từ mẫu mà Mẹ mãi mãi dành cho nhân loại chúng ta.
Với niềm vui mừng trong ngày đầu năm mới, chúng ta hãy dành cho Mẹ lời cám ơn chân thành vì biết bao ơn lành mà Mẹ đã chuyển cầu cho chúng ta. Cám ơn Mẹ đã nhận chúng ta làm con của Mẹ. Cám ơn Mẹ đã lấy tình mẫu tử để che chở, gìn gìữ cuộc đời chúng ta. Chúng ta cũng dâng lên Mẹ một năm mới với bao ước nguyện chân thành. Mong ước cho được bình an. Mong ước cho công việc được thuận buồm xuôi gió, cho gia đạo trên dước thuận hòa. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa chúc lành cho những ước nguyện đầu năm của chúng ta.Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Chúa Giêsu đã chọn sinh ra trong một gia đình để đến với thế gian

472Trong buổi triều yết thứ Tư 17/12/2014, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng gia đình là “quà tặng tuyệt vời mà Chúa ban cho thế gian từ thuở ban đầu khi Ngài trao cho Adam và Eve sứ mạng sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất (x. St 1, 28); quà tặng mà Chúa Giêsu đã khẳng định và ghi dấu vào Tin Mừng của Ngài”.
Khi đi qua Quảng trường Thánh Phêrô như thường lệ, Đức Thánh Cha Phanxicô dừng lại trước một nhóm các chủng sinh Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, họ tặng ngài một chiếc bánh mừng sinh nhật 78 của ngài với đầy đủ nến đã được thắp sáng. Đức Thánh Cha cũng đã có cơ hội để uống một ngụm trà maté, một thức uống truyền thống của Argentina, do khách hành hương mời ngài. Ở Đại lộ Hoà giải dẫn đến quảng trường Thánh Phêrô, những người đam mê tango nhảy mừng trên đường phố để mừng sinh nhật Đức Thánh Cha. Tuy nhiên trong bài huấn từ, Đức Thánh Cha không nhắc đến sinh nhật của mình.
Đức Thánh Cha nói rằng Lễ Giáng Sinh đến gần chiếu rọi ánh sáng mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa, mở ra một chương mới trong lịch sử phổ quát của người nam và người nữ. “Sự khởi đầu mới này xảy ra trong một gia đình ở Nazareth. Ngài đã có thể đến thế gian một cách ngoạn mục, như là một binh lính, hoặc như một hoàng đế… Không – Ngài đã đến như là con của một gia đình, trong một gia đình”.
Thiên Chúa đã chọn để được sinh ra “trong một gia đình nhân loại, mà chính Ngài đã lập ra. Ngài đã tạo nên gia đình này trong một ngôi làng xa xôi hẻo lánh ở vùng ngoại biên của đế quốc Rôma. Không phải ở Rôma, thủ đô của đế quốc, không phải ở một thành phố lớn, nhưng ở vùng ngoại biên hầu như không thể trông thấy được, thậm chí còn mang tiếng xấu. Các sách Tin Mừng nhắc lại điều này, gần như là một cách để nói rằng: “Từ Nagiaret, làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1,46). Có lẽ, chúng ta vẫn nói như vậy trong nhiều miền đất của thế giới, khi chúng ta nghe thấy tên của một số vùng ngoại vi của một thành phố lớn. Nhưng chính từ đó, từ vùng ngoại biên của Đế quốc vĩ đại, ở đó bắt đầu câu chuyện thánh thiện và tốt lành nhất, câu chuyện của Chúa Giêsu ở giữa loài người. Và ở đó đã có gia đình”.
Đức Thánh Cha nói thêm: “Chúa Giêsu sinh sống ở vùng ngoại biên đó trong 30 năm, trong thời gian đó người ta không nhắc đến phép lạ, việc chữa lành, giảng dạy, hay đám đông chạy theo Ngài. Ở Nagiaret, mọi thứ dường như xảy ra ‘một cách bình thường’, theo truyền thống của một gia đình Do Thái đạo đức và cần cù làm việc… Các sách Tin Mừng, trong thái độ đúng mực, không nói gì về thời thanh niên của Chúa Giêsu và để nhiệm vụ này cho việc hình dung trìu mến của chúng ta. Nghệ thuật, văn học và âm nhạc đã đi theo con đường của trí tưởng tượng. Chắc chắn rằng không khó để hình dung biết bao bà mẹ có thể học hỏi từ sự chăm sóc dịu dàng của Đức Mẹ dành cho Người Con! Và biết bao người cha có thể rút tỉa kinh nghiệm từ mẫu gương của Thánh Giuse, một người công chính đã cống hiến cuộc đời mình để nâng đỡ và bảo vệ vợ con mình – gia đình mình – qua những thời khắc khó khăn. Chưa nói đến biết bao nhiêu người trẻ có thể được khích lệ bởi Người thanh niên Chúa Giêsu trong việc hiểu biết sự cần thiết và vẻ đẹp của việc vun trồng ơn gọi sâu xa của mình, và có những ước mơ lớn lao”.
Đức Thánh Cha tiếp tục bài huấn dụ rằng: “Như Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse đã làm, trước tiên mỗi gia đình Kitô giáo phải tiếp đón Chúa Giêsu, lắng nghe Ngài, trò chuyện với Ngài, che chở Ngài, bảo vệ Ngài, lớn lên với Ngài; và bằng cách này, làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Chúng ta hãy dành chỗ trong tim và dành những ngày sống cho Chúa. Mẹ Maria và Thánh Giuse cũng đã làm như vậy, và điều này không phải dễ dàng: họ đã phải vượt qua biết bao nhiêu khó khăn! Đó không phải là một gia đình giả tạo hay không thật. Gia đình Nagiaret mời gọi chúng ta tái khám phá ơn gọi và sứ mạng của gia đình, của mỗi gia đình. Vì vậy những gì đã xảy ra trong ba mươi năm ở Nagiaret cũng có thể xảy ra với chúng ta: làm cho tình yêu, chứ không phải ghen ghét, trở nên bình thường; việc giúp đỡ lẫn nhau trở thành điều phổ biến, thay vì sự thờ ơ và thù nghịch. Không phải ngẫu nhiên mà Nagiaret có nghĩa là ‘người gìn giữ’, như Tin Mừng cho chúng ta biết, Mẹ Maria ‘giữ gìn tất cả những điều ấy trong lòng’. Kể từ đó, mỗi khi có một gia đình giữ gìn mầu nhiện này, ngay cả khi gia đình đó ở vùng ngoại biên của thế giới, mầu nhiệm của Con Thiên Chúa, mầu nhiệm Chúa Giêsu đến để cứu độ chúng ta hoạt động. Và Ngài đến để cứu rỗi thế gian”.
Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài huấn từ bằng cách nói rằng: “Đây là sứ mạng cao cả của gia đình: dành chỗ cho Chúa Giêsu đến, đón nhận Chúa Giêsu trong gia đình, trong con người của con cái, của chồng, của vợ, của ông bà… Chúa Giêsu ở đó. Tiếp đón ngài ở đó, để Ngài lớn lên về mặt tinh thần trong gia đình. Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng này trong những ngày cuối cùng trước lễ Giáng sinh”.
Tạ Ân Phúc
Nguồn: UBMVGĐ

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi liên đới trợ giúp và cầu nguyện cho các gia đình gặp khó khăn

timthumbÁnh sáng đến từ Thánh Gia khích lệ chúng ta cống hiến hơi ấm tình người cho các gia đình thiếu an bình, hòa hợp và tha thứ. Chúng ta cũng đừng thiếu tình liên đới cụ thể đối với các gia đình gặp khó khăn vì bệnh tật, thiếu công ăn việc làm, bị kỳ thị, phải di cư.
Kính thưa qúy vị thính giả, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tìn hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật lễ Thánh Gia hôm qua.
Mở đầu bài huấn dụ ngài nói: Trong ngày Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Giáng Sinh, trong khi chúng ta còn đang chìm ngập trong bầu khi tươi vui của ngày lễ, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Thánh Gia Nagiarét. Phúc Âm hôm nay giới thiệu với chúng ta Đức Mẹ và Thánh Giuse trong lúc các Ngài đến Đền Thờ Giêrusalem, bốn mươi ngày sau khi Chúa Giêsu sinh ra. Các Ngài làm điều này vì vâng lời Luật Môshê, dậy phải dâng con đầu lòng cho Chúa (x. Lc 2,22-24).
Chúng ta có thể tưởng tượng ra gia đình bé nhỏ ấy, giữa biết bao nhiêu người, trong các sân rộng lớn của đền thờ. Nó không hiện lên trước mắt, người ta không phân biệt được nó… Thế nhưng nó không đi qua mà không được quan sát! Có hai cụ già, ông Simeon và bà Anna, được Thánh Thần thúc đẩy, đến gần và bắt đầu chúc tụng Thiên Chúa vì Con Trẻ mà họ nhận ra là Đấng Messia, là ánh sáng muôn dân và là ơn cứu độ của Israel (x. Lc 2,22-38). Đó là một lúc đơn sơ nhưng giầu ý nghĩa ngôn sứ: cuộc gặp gỡ giữa hai vợ chồng trẻ tràn đầy niềm vui và đức tin vì các ơn của Chúa, và hai cụ già cũng tràn ngập niềm vui và đức tin vì hoạt động của Thần Khí. Ai đã làm cho họ gặp gỡ nhau? Và Đức Thánh Cha trả lời câu hỏi này:
Chúa Giêsu, Chúa Giêsu làm cho họ gặp nhau: các ngưởi trẻ và các người già. Đó là suối nguồn của tình yêu kết hiệp các gia đình và con người, bằng cách chiến thắng mọi nghi ngờ dè dặt, mọi cô lập, mọi xa cách. Điều này khiến chúng ta cũng nghĩ tới các bậc ông bà: sự hiện diện của các ngài, sự hiện diện của các ông bà quan trọng biết bao! Vai trò của các ngài trong gia đình và trong xã hội quý báu biết bao! Tương quan tốt giữa các người trẻ và các người già định đoạt đối với con đường của cộng đoàn dân sự và cộng đoàn giáo hội. Và khi nhìn hai cụ già này, hai ông bà nội ngoại – Simeon và Anna – này, từ quảng trường này chúng ta chào tất cả các ông bà nội ngoại trên thế giới với một tràng pháo tay. Mọi ngưòi hiện diện đã vỗ tay vang dội.
Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Sứ điệp đến từ Thánh Gia trước hết là một sứ điệp của đức tin. Trong cuộc sống gia đình của Mẹ Maria và thánh Giuse Thiên Chúa thực sự ở trung tâm, và Ngài ở đó trong Con Người của Đức Giêsu. Vì thế gia đình Nagiarét thánh thiện. Tại sao vậy? Bởi vì nó tập trung nơi Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha quảng diễn thêm điểm này như sau:
Khi cha mẹ và con cái cùng hít thở bầu khí đức tin, họ có một năng lực cho phép đương đầu với cả các thử thách khó khăn, như kinh nghiệm của Thánh Gia cho thấy, chẳng hạn trong biến cố thê thảm của cuộc trốn chạy sang Ai Cập: một thử thách cam go.
Con Trẻ Giêsu cùng với Mẹ Người là Maria và thánh Giuse là một hình ảnh gia đình đơn sơ nhưng ngời sáng biết bao. Ánh sáng mà nó dãi tỏa ra là ánh sáng của lòng thương xót và ơn cứu độ cho toàn thế giới, ánh sáng của chân lý cho mọi người, cho gia đình nhân loại và cho các gia đình riêng rẽ. Ánh sáng đến từ Thánh Gia đó khích lệ chúng ta cống hiến hơi ấm tình người trong các tình trạng gia đình, trong đó, vì các lý do khác nhau, thiếu bình an, thiếu hòa hợp, thiếu tha thứ. Ước chi tình liên đới cụ thể của chúng ta đừng suy giảm đối với các gia đình đang sống trong những tình cảnh khó khăn nhất, vì bệnh tật, thiếu công việc làm, vì các kỳ thị, vì nhu cầu phải di cư…Và ở đây chúng ta hãy dừng lại một chút và cầu nguyện trong thinh lặng cho tất cả các gia đình gặp khó khăn, khó khăn vì bệnh tật, thiếu việc làm, bị kỳ thị, cần di cư, khó khăn để hiểu nhau và cả chia rẽ nữa. Trong thinh lặng chúng ta cầu nguyện cho tất cả các gia đình này. Đức Thánh Cha và mọi người đã đọc một Kinh Kính Mừng cầu cho các gia đình gặp khó khăn. Rồi ngài kết thúc bài huấn từ như sau:
Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ Maria, Nữ Vương và là mẹ gia đình, tất cả các gia đình trên thế giới, để các gia đình có thể sống trong đức tin, trong sự hòa hợp, trợ giúp lẫn nhau, và vì thế tôi khẩn nài trên các gia đình sự bầu cử hiền mẫu của Đấng là mẹ và là nữ tử của Con Ngài.
Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban Phép lành Tòa Thánh cho mọi người. Xin qúy vị cùng hiệp ý cầu nguyện với Đức Thánh Cha.
Sau kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, trong lúc này đây tôi nghĩ tới các hành khách chuyến bay của hãng hàng không Malaysia bị mất tích trong khi bay từ Indonesia sang Singapore, cũng như các hành khách các con tầu trong các giờ qua di chuyển trên biển Adriatico bị tai nạn. Trong sự trìu mến và lời câu nguyện tôi gần gũi với gia đình các nạn nhân và những ai đau khổ vì các tình trạng khó khăn này, cũng như những người dấn thân trong công tác cứu trợ.
Hôm nay lời chào đầu tiên xin gửi tới tất cả các gia đình hiện diện. Xin Thánh Gia chúc lành cho anh chị em và hướng dẫn anh chị em trên con đường đời sống. Đức Thánh Cha đã đặc biệt chào nhiều bạn trẻ các giáo phận Bergamo và Vicenza đã hay đang chuẩn bị lãnh bí tích Thêm Sức, các hướng đạo sinh Villamassargia và các trẻ em giúp lễ Sambrusco Venezzia. Ngài cám ơn mọi ngưởi về các lòi chúc mừng lễ cũng như lời cầu nguyện cho ngài. Đức Thánh Cha xin tất cả mọi người tiếp tục cầu nguyện cho ngài, rồi ngài chúc tất cả một bữa trưa ngon miệng và một ngày Chúa Nhật an bình. 
Linh Tiến Khải (RV.)

CHÚA GIÊSU SINH RA VÀO NĂM NÀO?

Christmas-MassCó người quả quyết rằng Chúa Giêsu không phải sinh vào năm 1, nhưng là trước đó mấy năm. Chuyện thực hư như thế nào?
 Chúng ta vừa mới bắt đầu một năm mới, và bóc một quyển lịch mới. Thường các quyển lịch bày bán ở Việt Nam đều có ghi dương lịch và âm lịch. Chúng ta thường nghe giải thích rằng dương lịch là lịch dựa theo mặt trời, còn âm lịch thì dựa theo mặt trăng. Và không thiếu lần để cho giản tiện hơn, người ta gọi dương lịch là lịch tây, còn âm lịch là lịch ta. Tính theo dương lịch thì năm nay là 1996, còn âm lịch là Bính tý. Đối với âm lịch, chúng ta biết rằng cách tính dựa trên sự phối hợp giữa thập can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý) với thập nhị chi (Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi). Do sự phối hợp giữa các can với các chi ta sẽ có một chu kỳ 60 năm. Thí dụ năm Bính tý lần trước cách đây 60 năm, vào năm 1936. Còn năm dương lịch thì căn cứ vào đâu? Khởi đầu từ đâu mà chúng ta tính ra 1996 năm? Người Kitô hữu biết rằng tính từ năm Chúa Cứu thế giáng sinh, khởi đầu một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên Kitô, tuy rằng ở Việt Nam để tránh né mầu sắc tôn giáo người ta gọi là “công nguyên”.
Nhưng mà vừa khi Chúa Giêsu mới sinh ra thì thiên hạ bắt đầu thay đổi niên lịch ngay hay sao?
Làm gì có chuyện đó được! Chúa Giêsu không sinh ra như một hoàng tử trong cung điện! Người chỉ là một hài nhi con nhà nghèo ở Bêlem một thôn nhỏ bé chẳng có tiếng tăm gì. Phúc âm không cho biết là Chúa Giêsu sinh vào năm nào. Chỉ có vài dấu chỉ để từ đó suy đoán thôi, thí dụ như vào thời Vua Hêrôđê cai trị miền Giuđê (Luca 1,5), cuộc kiểm tra dân số dưới thời hoàng đế Augustô (Luca 2,1-2). Có người còn muốn đi xa hơn nữa khi họ muốn gắn liền ngôi sao xuất hiện cho các chiêm tinh bên Đông (Mt 2,1-2) với hiện tượng sao chổi xuất hiện. Tuy nhiên, xem ra các thánh sử không đặt nặng thời điểm của Chúa Giêsu sinh ra cho bằng thời điểm Ngài bắt đầu cuộc đời công khai. Thực vậy, ở đầu chương 3, thánh Luca cho biết rằng Chúa Giêsu bắt đầu thi hành sứ mạng “vào năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô”, và ở câu 23 Luca thêm rằng lúc đó Ngài trạc ba mươi tuổi.
Vậy là quá rõ rồi, còn muốn gì hơn nữa?
Dĩ nhiên rồi: chỉ cần biết hoàng đế Tibêriô lên ngôi năm nào, rồi đi ngược lại 15 năm là biết được năm sinh của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, trước khi đi vào chi tiết chúng ta nên ghi nhận cách tính niên lịch thời đó. Thánh Luca tính theo triều đại của một hoàng đế Rôma, một phương pháp khá thịnh hành kể cả tại Việt Nam trước đây, thí dụ cho đến thế kỷ XX này, các cụ còn tính niên lịch theo triều của nhà Vua; rồi sau khi chế độ quân chủ cáo chung, người ta lại tính niên hiệu từ ngày thành lập nền Cộng hoà (Việt Nam Cộng hoà năm thứ nhất, thứ hai vv). Trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, các tín hữu sinh sống trong lãnh thổ của Đế quốc Rôma nên cũng theo cách tính niên lịch của Rôma. Người Rôma có hai niên lịch. Một đàng là dựa theo năm thành lập thành phố Rôma (ab Urbe condita), tương đương với năm 753 trước công nguyên; cách thứ hai là dựa theo các quan Tổng tài (consul) và hoàng đế. Sang đến thế kỷ III lại nảy ra một cách tính thứ ba nữa, đó là tính từ năm hoàng đế Đioclêxianô lên ngôi. Thực ra thì lúc đầu lịch này chỉ phổ biến ở miền Cận đông, nhưng mà dần dần nó cũng lan sang các vùng khác nữa, và trở thành khá phổ thông kể cả trong Giáo hội. Tiếc rằng hoàng đế Đioclexianô là ông vua bắt đạo dữ nhất, cho nên nhiều người tín hữu không muốn nhắc tới tên của hoàng đế. Đó là lý do đưa tới việc nghĩ tới một niên lịch mới, nhất là kể từ khi Kitô giáo không còn bị bách hại nữa nhưng trở thành quốc giáo. Sáng kiến này thành hình vào thế kỷ VI (khoảng năm 533) ở Rôma, khi một tu sĩ tên là Điônixiô bắt đầu tính niên lịch theo kỷ nguyên Kitô, nghĩa là khởi đầu từ khi Chúa Giêsu sinh ra. Nhưng mà Chúa sinh ra năm nào? Lấy gì để làm mốc? Thực ra chúng ta không còn giữ được tài liệu làm việc của tu sĩ Điônixiô, nhưng đại khái có thể hình dung cách lập luận như thế này. Như đã nói trên đây, thánh Luca cho biết Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ vào năm thứ 15 của triều Tibêriô, và lúc ấy Chúa khoảng 30 tuổi. Như vậy là Chúa sinh ra vào năm thứ 15 trước khi Tibêriô lên ngôi. Do đó, có thể lấy mốc điểm là năm lên ngôi của hoàng đế Tibêriô.
Hoàng đế Tibêriô lên ngôi năm nào?
Hoàng đế Tibêriô kế vị hoàng đế Augustô vào ngày 19 tháng 8 năm 767 theo lịch của Rôma (nghĩa là tính từ khi thành lập thành phố Rôma). Năm thứ nhất của hoàng đế tính từ tháng giêng năm 768; trừ đi 15 năm thì ra năm 753. Như vậy Chúa Giêsu sinh ra vào ngày 25 tháng chạp năm 753 theo lịch Rôma. Kỷ nguyên Kitô (hay công nguyên) bắt đầu vào ngày 1 tháng giêng năm 754 của lịch Rôma.
Vì đâu mà người ta lại đưa ra giả thuyết là Chúa Giêsu sinh ra vài năm trước công nguyên?
Lịch Rôma không đơn giản như ta nghĩ, vì thế mà có nhiều vấn nạn đặt ra cho cách tính của tu sĩ Điônixiô, ngay từ thế kỷ VIII (do tu sĩ Bêđa bên Anh) và vào thế kỷ IX (do tu sĩ Reginô Prum bên Đức). Vấn nạn quan trọng nhất là vua Hêrôđê qua đời vào năm 750 của lịch Rôma, tương đương với năm thứ 4 trước công nguyên. Như vậy là tính sai rồi: Chúa Giêsu phải sinh ra trước khi vua Herôt qua đời chứ, bởi vì vua đã truyền sát hại các hài nhi ở Bêlem từ 2 tuổi trở xuống mà! Do đó, tối thiểu thì Chúa Giêsu phải sinh ra trước năm thứ 4 trước công nguyên. Nói cách khác, tu sĩ Điônixiô tính sai khoảng 4 hay 6 năm gì đó. Sự sai lệch đó có thể giải thích được, ở chỗ tu sĩ Điônixiô có lẽ không lưu ý tới cách tính lịch của Rôma và lối hành văn của thánh Luca.
1/ Xét về cách tính lịch của Rôma, thì nên biết rằng có hai lối để tính khởi điểm của triều hoàng đế Tibêriô. Lối tính thông thường hơn cả là bắt đầu kể từ khi vua Augustô băng hà và Tibêriô lên kế vị, vào năm 767 như đã nói trên. Nhưng mà có nơi khác thì niên hiệu khởi đầu từ khi ông Tibêriô được đặt làm phụ quyền nhiếp chính, nghĩa là 2 năm trước đó. Như vậy là đã có thể sai lệch 2 năm rồi.
2/ Một lý do khác đưa tới sự sai lệch là thánh Luca nói rằng Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ vào trạc 30 tuổi. Ta nên lưu ý là thánh sử không quả quyết rằng lúc ấy Chúa vừa tròn 30 tuổi, mà chỉ trạc 30: như vậy thì có thể là chưa tới 30 (27-28) mà cũng có thể là hơn một tí (32-33 gì đó). Một số nhà chú giải nhận xét rằng số 30 chỉ có tính cách tượng trưng mà thôi. Theo họ, Cựu ước nói tới việc ông Đavit được phong vương vào lúc 30 tuổi (2 Sam 5,4); ông Edêkiel nhân được ơn gọi ngôn sứ vào lúc 30 tuổi (Ed 1,1); ngoài ra sách Dân số chương 4 đòi hỏi tối thiểu phải được 30 tuổi thì mới có thể được tấn phong tư tế. Do đó, rất có thể thánh Luca không có ý kể lại tuổi thật của Chúa Giêsu cho bằng nêu bật sứ vụ công khai của ngài mang tính cách của một vua, ngôn sứ và tư tế.
Như vậy, nếu muốn sát với lịch sử thì phải mừng 2000 năm Chúa giáng sinh vào năm 1995-1996, chứ đâu cần phải chờ tới năm 2000?
Dưới khía cạnh toán học, thì quả đúng như vậy, bởi vì tu sĩ Điônixiô đã tính trật đi mất 5-6 năm. Tuy nhiên, chúng ta không mừng một hiện tượng thiên văn (tựa như 2 ngàn năm sao chổi xuất hiện) nhưng mà chúng ta cử hành một biến cố lịch sử. Biến cố Chúa giáng sinh đã khai mạc một kỷ nguyên mới trong lịch sử của loài người. Biến cố ấy đã trở thành trung tâm điểm của lịch sử nhân loại: tất cả các biến cố khác đều quy chiếu vào đó, nghĩa là dựa vào đó mà tính, hoặc là trước khi đức Giêsu sinh ra hay là sau khi đức Giêsu sinh ra. Sở dĩ các Kitô hữu đặt biến cố đức Giêsu sinh ra làm trung tâm điểm của lịch sử là bởi vì họ tin rằng đức Giêsu không phải chỉ là một vĩ nhân xuất chúng, nhưng là Thiên Chúa đã làm người, đi vào lịch sử của con người, chia sẻ kiếp sống của con người, để rồi dẫn đưa con người về với Thiên Chúa.
Nhưng đó là quan điểm của các Kitô hữu; còn các tín đồ của các tôn giáo khác thì sao?
Ở Việt Nam, chúng ta biết là các Phật tử sử dụng một niên lịch riêng (gọi là Phật lịch) tính từ Phật đản. Nếu tôi không lầm thì năm nay là 2540 PL. Các tín đồ Hồi giáo cũng có niên lịch riêng, khởi hành từ việc ông Mohamed phải bỏ Mecca để đi Medina, năm 622. Dù sao, thì ngày nay hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sử dụng niên lịch theo kỷ nguyên Kitô. Như đã nói ở đầu, để khỏi đụng chạm, người ta gọi là “công nguyên”. Trên thực tế, việc áp dụng đã được tiến hành tuần tự: vào cuối thế kỷ VI tại Italia, vào thế kỷ VII tại Anh, Tây-ban-nha, Pháp. Phải chờ đến thế kỷ X thì mới phổ cập khắp Âu châu. Luôn tiện cũng nên biết là vì muốn gắn liền biến cố Chúa giáng sinh với thời gian, cho nên vào thời Trung cổ có vài nơi bắt đầu năm mới vào ngày 25 tháng chạp hay là 25 tháng 3. Từ thế kỷ XVI trở đi, tục lệ khởi sự đầu năm vào ngày 1/1 mới thành phổ quát.
LM PHAN TẤN THÀNH, OP
Nguồn: daminhvn.net

Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Máng Cỏ Tâm Hồn

Mỗi mùa Noel về, ai ai cũng nao nức chuẩn bị cho gia đình mình một máng cỏ thật xinh. Máng cỏ ấy được trang bị rất chu đáo, nào là điện nhấp nháy đủ màu, những chiếc đèn sao sáng chói, cây thông điểm tuyết trắng cùng những dải trang kim rực rỡ được đặt bên hang đá và có cả ông già Noel ôm những gói quà đứng đón mọi người đến viếng thăm… Tâm tình đón Chúa được đánh giá theo kiểu dáng, và thời giá của mọi vật dụng trang trí trong hang đá, số tiền bỏ ra càng nhiều chứng tỏ việc đón Noel càng lớn.
Lặng lẽ nhìn mọi người tất bật, lăng xăng qua lại để mua sắm, tôi tự nhủ: còn tôi, hang đá để Chúa ngự vào trong đêm Giáng Sinh được đặt ở đâu và trang bị như thế nào? Chắc chắn Thiên Chúa không còn giáng sinh lại nơi máng cỏ đơn hèn năm xưa hay những lâu đài cách điệu như hôm nay, mà phải là một nơi nào khác.
Thiên Chúa Ngài muốn đi sâu vào cuộc sống con người để sẻ chia thân phận kiếp người. Ngài cảm thông với nỗi đau của con người, thao thức với niềm thao thức của con người và cùng với con người đẩy lui mọi bóng đêm tội lỗi, hận thù. Thiên Chúa luôn khao khát cho con người sống hạnh phúc và bình an “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Thiên Chúa đã đặt để trong tâm hồn con người khát vọng chính Thiên Chúa. Con người luôn luôn khắc khoải tìm kiếm Ngài. Nhưng Thiên Chúa biết rõ nỗi bất lực của con người, Ngài đã mở ra một cách thế mới để con người có thể gặp được Ngài, đó là Ngài đích thân đến với con người và sống như con người, để con người có thể đến với Ngài cách dễ dàng. Thiên Chúa luôn đi bước trước, tình yêu của Ngài thật bao la còn sự đáp trả của con người thật mong manh và bé nhỏ. Thiên Chúa luôn trung tín ngay cả trong sự bất trung của con người.
Tôi luôn luôn khát vọng sống hạnh phúc, và tôi luôn thâm tín rằng hạnh phúc đích thực không đâu ngoài Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới khỏa lấp được sự trống vắng trong tâm hồn tôi, chỉ có Ngài xoa dịu được nỗi đau và xóa đi những khắc khoải trong tôi. Và muốn đạt được điều đó, tôi phải luôn có thái độ khao khát đích thực, sẵn sàng lắng nghe lời mời gọi của ngài, cộng tác đắc lực với ơn thánh để cuộc đời tôi thực sự được chữa lành.
Tôi quyết định sẽ biến tâm hồn mình trở thành hang đá để Chúa ngự vào, để từ nơi thẳm sâu ấy tôi thực sự cảm nhận được Thiên Chúa đang Giáng Sinh cho tôi. Thiên Chúa muốn sinh lại tôi trong chính ân nghĩa của Ngài, để tôi cũng được hưởng hạnh phúc và ngụp lặn trong tình yêu của Ngài.
Tôi phải chuẩn bị máng cỏ tâm hồn tôi như thế nào? Đó vẫn là một câu tự vấn lặp đi lặp lại trong tâm trí mỗi ngày. Chúa muốn gì nơi con người tôi ? Nhưng tôi có đủ can đảm mở ra để Ngài có thể đi vào căn phòng riêng ấy? Hay tôi lại sợ Ngài thấy tâm hồn tôi còn quá bề bộn và chật hẹp. Và cũng có khi tôi không muốn tiếp đón Ngài vì sự hiện diện của Ngài là sự tố cáo thái độ sống ích kỉ, ti tiện và tội lỗi của tôi. Những lúc như thế sự hiện diện của Ngài dường như làm cho tôi thêm lúng túng, có những khi tôi muốn xin Ngài hãy tránh xa để tôi được yên. Đó là lúc tôi đang thỏa hiệp với cái chết, tôi ru ngủ chính mình bằng liều thuốc độc hại, và như thế nó sẽ dần dần phá hủy sức sống trong tôi.
Thiên Chúa dường như muốn nói với tôi, Ngài chỉ có thể ngự vào lòng tôi khi tôi tự do mời Ngài đến. Ngài không bao giờ tự phá tung cánh cửa tâm hồn tôi để xâm nhập cách miễn cưỡng. Ngài luôn tôn trọng tự do của tôi, ngay cả khi tôi khước từ Ngài. Thiên Chúa luôn cần sự cộng tác của tôi, để Ngài có thể đến trong đời tôi và hoàn tất nơi tôi dự phóng của Ngài: “Khi dựng nên con, Chúa không cần có con, nhưng để cứu con Ngài cần có con cộng tác.” (Augustino)
Tôi muốn tâm hồn mình trở nên máng cỏ ấm êm cho Chúa Giêsu ngự vào trong đêm Giáng Sinh. Tôi quyết tâm góp nhặt những hy sinh bé nhỏ hằng ngày như những cọng rơm năm xưa để Chúa có thể gối đầu ngủ yên. Thiên Chúa thích cư ngụ ở những nơi tràn đầy niềm hoan lạc và tình yêu thương. Tôi ước mong sống yêu thương với hết mọi người, sẵn sàng đón nhận mọi người như họ là, sống quảng đại tha thứ cho những ai làm tổn thương mình, và cố gắng hơn để tránh gây tổn thương cho người khác. Sống cảm thông chia sẻ cách cụ thể cách khiêm tốn và hòa nhã qua nhữngviệc giúp đỡ thường ngày trong công việc.
Ước vọng của tôi thật lớn lao nhưng con người tôi lại đầy những bất toàn và yếu đuối, có những lúc tôi muốn thốt lên như Thánh Phaolô : “điều tôi muốn tôi lại không làm. Điều tôi không muốn thì tôi lại làm”. Tôi thâm tín rằng tôi sẽ chẳng làm được gì nếu không có ơn Chúa trợ giúp. Cuộc sống luôn là một lời mời gọi bắt đầu lại, khởi đi từ một tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Noel về – đó là lời nhắc nhở tôi chuẩn bị máng cỏ tâm hồn mình thật xứng đáng để đón Chúa mỗi ngày trong đời tôi. Đồng thời, tôi còn có trách nhiệm giúp cho những người khác chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa. Thiên Chúa thực sự muốn cư ngụ vào tâm hồn mỗi người, để ở đó Ngài trao ban chính Ngài cho chúng ta. Bao mùa Giáng Sinh qua, khi nhìn lại tôi cảm thấy mình chưa thực sự chuẩn bị chu đáo. Tôi ước mong mỗi lần Noel về giúp tôi lớn lên trong tình yêu và cảm nhận sâu xa hơn tình yêu của Thiên Chúa trong đời mình. Tôi sẽ nỗ lực cố gắng bỏ đi mọi rào cản để Thiên Chúa có thể đến với tôi bất cứ lúc nào và Ngài tự do thực hiện ý định của Ngài trên đời tôi.
Sr. Tiểu Muội

Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

Quà Tặng Giáng Sinh

“Đức Giêsu là Quà Tặng quý giá nhất
Thiên Chúa trao gởi cho con người” (Ga 3, 16)
Mùa Giáng sinh còn gọi là Mùa tặng quà. Vì thế nào bạn cũng được tặng một món quà nào đó từ những người thân yêu, cha mẹ hoặc bạn bè. Hay ít nhất bạn cũng nhận được một cánh thiệp Noel, một lời cầu chúc trên điện thoại, trong email hoặc trên các trang mạng xã hội. Vậy tặng quà có ý nghĩa gì? Nó mang lại cho bạn niềm vui nào?
Sự trao tặng nào cũng là một sự mất mát và tiêu hao: mất mát thời giờ và công lao, tiêu hao tiền của và sức lực. Sự mất mát và tiêu hao càng lớn thì quà tặng càng có giá trị. Giá trị vật chất, giá trị tinh thần, nhưng nhất là giá trị của tình thương trao ban.
Người tặng quà khi gởi đi một món quà quý giá, thậm chí một món quà bé nhỏ nào đó, cũng đều gói ghém tất cả tình cảm mến thương; sự trân trọng, lòng biết ơn, có khi cả sự ngưỡng mộ của mình dành cho người đón nhận. Một cách nào đó, khi tặng quà, chúng ta muốn trao ban chính bản thân mình, trao ban không tính toán, trao ban trọn vẹn. Mẹ Têrêxa Calcutta đã nói: “Kitô hữu là người trao ban chính bản thân mình”. Đó là tất cả ý nghĩa đích thực của sự tặng quà.
Nhưng có một nghịch lý hết sức thú vị, là càng trao ban, chúng ta càng được nhận lãnh; càng mất mát, chúng ta lại càng dư đầy. Đó chính là niềm vui của trao ban, của dâng hiến. Vì niềm vui của người chính là niềm vui của ta. Léibnitz đã nói rằng: “Yêu là tìm chính hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của kẻ khác”. Thánh Phaolô cũng cảm nghiệm được niềm vui của trao ban khi ngài ghi lại lời Chúa Giêsu: “Cho thì có phúc hơn nhận lãnh” (Cv 20,35).
Nếu có một bài học nào đó có thể rút ra từ việc tặng quà chính là: “Khi trao ban cho người khác người ta lại tìm được chính bản thân và những gì cao quý nhất”. Đó là sứ điệp chạy xuyên suốt trong Tin Mừng, đặc biệt trong Mầu Nhiệm Giáng Sinh: Đức Giêsu chính là quà tặng quý giá nhất Thiên Chúa trao ban cho con người (x. Ga 3,16). Người không chỉ mặc khải cho chúng ta tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, mà còn tỏ bày cho chúng ta chân lý về chính con người: Đó là con người chỉ tìm lại được chính bản thân, nghĩa là đạt được nhân cách sung mãn bằng sự trao ban vô vị lợi mà thôi.
***
Lạy Chúa, giá trị đích thực của con người hệ tại ở lòng quảng đại trao ban. Xin cho con không đi tìm niềm vui nào khác ngoài niềm vui trao ban và tiêu hao cho anh em con mỗi ngày. Như Chúa đã trao tặng Người Con Chí Ái của Chúa cho chúng con, xin cho con cũng biết trao tặng những gì quý giá nhất cho anh chị em con khi họ cần đến. Amen!
Thiên Phúc

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các nhân viên Tòa Thánh và Vatican

nvVATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi các nhân viên Tòa Thánh và Vatican chăm sóc đời sống thiêng liêng, gia đình, tương quan với tha nhân, công việc làm và các anh chị em yếu đuối.
Đây là những lời nhắn nhủ ngài đưa ra trong buổi tiếp kiến khoảng 2 ngàn nhân viên cấp thừa hành của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican trưa ngày 22-12-2014, sau buổi tiếp kiến các vị lãnh đạo của các cơ quan trung ương Tòa Thánh.
Hiện diện tại Đại thính đường Phaolo 6 trong buổi cũng có con cái và gia đình của các nhân viên. ĐTC nói: ”Trước tiên anh chị em cần chăm sóc đời sống thiêng liêng, quan hệ với Thiên Chúa, vì ”đây là cột sống của tất cả những gì chúng ta làm, và toàn thể cuộc sống của chúng ta. Một Kitô hữu không nuôi dưỡng mình bằng kinh nguyện, các bí tích và Lời Chúa, thì chắc chắn sẽ suy nhược và khô cằn”.
Tiếp đến cần chăm sóc đời sống gia đình, không phải chỉ dành tiền bạc cho con cái và những người thân yêu, nhưng nhất là dành thời gian, sự quan tâm và tình yêu thương. ĐTC nhấn mạnh rằng ”gia đình là một kho tàng quí giá, con cái là kho tàng. Một câu hỏi mà các cha mẹ trẻ có thể đặt ra cho mình: ”Tôi có thời giờ để chơi với con cái tôi hay không, hay là tôi luôn bận rộn, không có giờ cho con cái của tôi?”.
Thứ ba là chăm sóc quan hệ với người khác, ”biến đức tin trong cuộc sống và lời nói thành những việc lành, nhất là đối với những người túng thiếu nhất”. Cần chăm sóc lời nói, ”thanh tẩy miệng lưỡi mình khỏi những lời xúc phạm, những lời phàm tục, sa đọa”. ”Chữa trị những vết thương tâm hồn bằng dầu tha thứ, tha thứ cho những người đã xúc phạm đến chúng ta và chữa lành những vết thương chúng ta đã gây ra cho người khác”.
Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC nhắn nhủ các nhân viên Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican hãy chăm sóc công việc làm, chu toàn với tất cả sự hăng say, lòng khiêm và khả năng chuyên môn, với tâm hồn biết ơn Thiên Chúa. Tiếp đến cần chữa trị tính ghen tương, tham lam, ghen ghét, những tâm tình tiêu cực hủy hoại an bình nội tâm khiến chúng ta thành những người bị hủy hoại và tạo nên sự hủy hoại cho người khác”.
ĐTC kêu gọi các nhân viên hãy chữa trị sự oán hận đưa chúng ta đến sự trả thù, sự lười biếng khiến chúng ta làm cho cuộc sống tàn lụi, thái độ chỉ tay chỉ trích đưa chúng ta đến sự kiêu hãnh, thái lộ luôn than phiền đưa chúng ta đến tuyệt vọng. ĐTC nói:
”Tôi biết nhiều khi để bảo vệ công ăn việc làm, người ta nói xấu người khác, để tự vệ. Tôi hiểu những tình trạng ấy, nhưng con đường này không đưa tới điều tốt lành, rốt cuộc tất cả chúng ta đều bị tổn hại”.
ĐTC nhắn nhủ mọi người hãy chăm sóc những anh chị em yếu đui. Ngài nói: ”Tôi đã thấy bao nhiêu gương tốt lành nơi anh chị em. Tôi khen ngợi và cám ơn anh chị em. Nghĩa là chăm sóc ngừơi già, người bệnh, người đói, những người vô gia cư và những người ngoại kiều, vì vào cuối đời chúng ta sẽ bị xét xử về đức bác ái”.
Sau cùng, ĐTC nhắn nhủ các nhân viên Tòa Thánh chăm sóc l Giáng Sinh, để lễ này không bao giờ trở thành dịp để tiêu thụ thương mại, chỉ có vẻ bề ngoài, hoặc là dịp mua sắm những món quà vô ích, dịp để phung phí, nhưng là lễ an vui, đón nhận Chúa trong máng cỏ và trong tâm hồn” (RG 22-12-2014)
G. Trần Đức Anh OP (RV.)

Thư Đức Thánh Cha gửi các tín hữu Kitô Trung Đông

jesusVATICAN. ĐTC Phanxicô tái bày tỏ sự gần gũi, tình liên đới và khích lệ các tín hữu Kitô tại Trung Đông, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.
Trong thư công bố hôm 23-12-2014, gửi các tín hữu Kitô Trung Đông, nhân dịp lễ Giáng Sinh, ĐTC nhắc đến những đau khổ các tín hữu Kitô ở miền này phải chịu trong quá khứ gần đây, đặc biệt là những nạn nhân của tổ chức khủng bố ở mức độ không thể tưởng tượng được, với những lạm dụng đủ loại và những hành động không xứng đáng với con người. ĐTC không quên nhiều nhóm tôn giáo và chủng tộc thiểu số khác cũng chịu bách hại và những hậu quả tương tự của các cuộc xung đột. Ngài viết:
”Đau khổ này kêu thấu tới Thiên Chúa và kêu gọi mọi người hãy dấn thân, trong kinh nguyện và mọi sáng kiến khác.. Anh chị em thân mến, tôi khuyến khích anh chị em hãy tiếp tục gắn bó với Chúa Giêsu, như ngành gắn liền với thân cây nho, với xác tín mạnh mẽ rằng dù sầu muộn, lo âu hay bách hại cũng không thể tách rời anh chị em ra khỏi Chúa” (Xc Rm 8,35). Ước gì thử thách anh chị em đang trải qua củng cố niềm tin và lòng trung thành của tất cả anh chị em!”.
ĐTC cũng cầu xin Chúa cho các tín hữu Kitô Trung Đông có thể sống tình hiệp thông huynh đệ theo gương cộng động Kitô đầu tiên ở Jerusalem. ”Sự hiệp nhất như Chúa chúng ta mong muốn là điều cần thiết hơn bao giờ hết trong những lúc khó khăn này; đó là một hồng ân của Thiên Chúa, đang gọi hỏi tự do và chờ đợi câu trả lời của chúng ta. Ước gì Lời Chúa, các bí tích, kinh nguyện, tình huynh đệ, nuôi dưỡng và liên tục đổi mới các cộng đoàn của anh chị em”.
ĐTC cũng nhận định rằng ”Tình trạng anh chị em đang sống là một lời kêu gọi mạnh mẽ hãy sống thánh thiện, như các thánh và các vị tử đạo thuộc mọi hệ phái Giáo Hội làm chứng”. Trong bối cảnh này, ĐTC nhắc đến một số GM Chính Thống và LM thuộc các nghi lễ khác nhau đã bị bắt cóc và cầu mong các vị sớm được trở về nhà và cộng đoàn của mình bình an vô sự”.
Trong thư, ĐTC tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế cứu giúp và đáp ứng nhu cầu của các tín hữu Kitô và các cộng đồng thiểu số khác đang chịu đau khổ. Ngài viết: ”Trước tiên cần cổ võ hòa bình nhờ thương thuyết và hoạt động ngoại giao, tìm cách ngăn chặn bạo lực càng sớm càng tốt đang gây ra quá nhiều thiệt hại. Tôi tái lên án nạn buôn bán võ khí. Đúng hơn, chúng ta đang cần những dự án và sáng kiến hòa bình để thăng tiến một giải pháp toàn diện cho các vấn đề của vùng Trung Đông. Cho đến bao giờ Trung Đông còn phải chịu đau khổ vì thiếu hòa bình? Chúng ta không thể cam chịu những cuộc xung đột như thể đó là điều không thể thay đổi được!.. Ước gì việc cứu trợ nhân đạo được gia tăng, đặt thiện ích của con người và mỗi quốc gia ở vị thế trung tâm, trong niềm tôn trọng căn tính của họ, không đặt những lợi lộc khác lên trên. Ước gì toàn thể Giáo Hội và Cộng đồng quốc trể ngày càng ý thức về tầm quan trọng của anh chị em Kitô ở vùng Trung Đông!” (SD 23-12-2014)
G. Trần Đức Anh OP (RV.)

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...