Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Viết cho bạn, người giáo lý viên

Bạn mến!

Là giáo lý viên, chắc hẳn bạn rất quan tâm đời sống đức tin. Cùng bạn, tôi xin chia sẻ niềm thao thức về: mặc khải, đức tin và đời sống đạo. Ước gì, bạn và tôi tìm gặp Thầy Giêsu một cách thâm sâu hơn nơi cõi lòng mình và trong Hội Thánh.

Thực tại “mặc khải” thật sống động. Nó như món quà trong tương quan tình bạn. Bạn vừa tỏ lộ chính bạn cho tôi; vừa trao tặng tôi những lời nói, cử chỉ, những vật cụ thể. Món quà cho tôi vừa là bạn, vừa là những gì biểu lộ bạn. Vì yêu, Thiên Chúa trao ban chính Ngài, và trao ban tất cả để cứu độ con người. Trong lịch sử, Ngài đã tỏ mình cách tiệm tiến qua các tổ phụ, Môsê và các ngôn sứ. Sau cùng, Chúa Cha sai Người Con trở thành con người; để Thầy Giêsu sống với người, sống giữa đời, trong cung cách hành xử của Thiên Chúa. Nơi thập giá và phục sinh, mầu nhiệm Thiên Chúa được tỏ lộ trọn vẹn. Kinh nghiệm mầu nhiệm này, tôi nhận thấy tình bạn giữa chúng ta thật bất toàn! Nếu bạn trao tặng mà tôi không đón nhận? Trong kinh nghiệm nhân sinh, người ta thường bắt ép nhau; nhưng trong ánh sáng thiêng liêng, tôi ngày càng nhận thấy, Thiên Chúa tuyệt đối tôn trọng tự do mà Ngài đã ban cho con người.

Tự do này lớn đến nỗi tôi và bạn có thể chối từ Ngài, nhưng đón nhận Ngài lại là một ơn ban. Ân sủng luôn đi bước trước, không vi phạm tự do mà còn hoàn thiện tự do; và khi ấy, con người có thể đáp lại mặc khải của Thiên Chúa bằng đức tin. Khi nhận quà bạn trao, trước hết món quà đã là “ơn ban” của bạn cho tôi rồi, sau đó mới đến “tự do” của tôi. Đức tin mãi là một thực tại vừa vững bền vừa mong manh. Vững bền vì chính Thiên Chúa hứa và hành động. Mong manh vì con người có thể đánh mất đức tin; ngay cả khi đức tin được nuôi dưỡng, con đường đức tin vẫn đầy thách thức.

Phải chăng, đức tin không việc làm là đức tin chết, và đức tin hành động nhờ đức mến? Thật vậy, mọi ơn Chúa ban, tôi đều nhận được từ Hội Thánh. Bạn có thể hỏi rằng, những gì tôi nhận được nơi những người “ngoài Hội Thánh” như anh chị em không cùng niềm tin? Tôi tin rằng, Chúa đang hoạt động nơi mọi sự, trong mọi người, và nhất là giữa lòng Hội Thánh, trong sự thánh thiện đầy thương tích. Tôi thấy, Thầy Giêsu đang hiện diện cách vắng mặt bên tôi. Khi Thầy sống với những người cùng thời, vẫn có kẻ tin và không tin. Nhưng tôi ngạc nhiên, vì khi gặp Thầy, người ta dần rõ hơn những cái tốt xấu trong đời mình. Ơn biến đổi con người, biến đổi cuộc đời là dấu chỉ tuyệt vời về Thầy. Khi gắn bó với Thầy, cuộc đời người môn đệ vất vả hơn, nhưng đầy sức sống và niềm vui. Tôi từng đối diện với những cuộc chiến nội tâm. Nó phức tạp và khó khăn hơn tất cả những gì tôi có thể biết và kinh nghiệm. Khi ấy, Chúa đến với tôi cách âm thầm qua Thánh Lễ, Kinh Thánh, Mẹ Maria, các thánh, và những người bạn của Ngài quanh tôi. Để rồi, tôi không mất hy vọng, dám chiến đấu với chính mình trong khủng hoảng về đức tin, về ơn gọi, về cuộc đời. Từ tội lỗi và giới hạn của tôi, Thầy Giêsu cứu tôi, Thần Khí biến đổi tôi, Chúa Cha thực hiện cuộc sáng tạo mới nơi tôi. Mỗi lần như thế, con tim tôi rung lên nhịp đập của vũ trụ, của anh chị em, của bản thân, và của Thiên Chúa một cách thanh khiết hơn.

Có thể bạn sẽ chán ngán tôi, nếu tôi phản bội tình bạn. Còn Thầy Giêsu, Ngài yêu thương con người đến cùng, đến độ chịu treo trên thập giá với trái tim bị đâm thủng. Đã có lúc, tôi tưởng rằng, tình bạn thật cao thượng, nhưng thật lòng, tôi nhận thấy nó mờ tối và mong manh dễ vỡ. Chỉ từ kinh nghiệm tình bạn với Giêsu, tôi mới có đủ can đảm và lòng tin để kết bạn. Cầu chúc bạn trở thành bạn chí thiết của Giêsu, và bạn tốt với từng người trong cẩn trọng và đơn sơ.

Lễ các thánh tử đạo Việt Nam, 24-11-2014

Vũ Tứ Quyết, S.J.

17.000 giới trẻ tham dự ngày Đại hội giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XII

17.000 giới trẻ từ mười giáo phận trên 30 tỉnh thành Miền Bắc tham dự Đại hội giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XII, được tổ chức với chủ đề “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” trong hai ngày từ 27-28.11.2014, tại giáo xứ chính tòa Phát Diệm, thuộc Giáo phận Phát Diệm.
DHGT-9.jpg
 
Cha Giuse Vũ Văn Biển – Chánh xứ Giáo xứ Phát Vinh, thuộc giáo phận Phát Diệm – cha thuộc ban tổ chức cho biết ý nghĩa và thông điệp của ngày Đại hội giới trẻ lần này: “Ban tổ chức nhận được con số chính thức là 17000 người, từ 10 giáo phận, trên 30 tỉnh thành trên miền Bắc.nói lên ý nghĩa gia đình chính là cộng đoàn loan báo Tin Mừng, trong đó người trẻ đóng một vai trò rất quan trọng trong sự thăng tiến của các gia đình. Vì sau này họ [người trẻ] chính là người sẽ xây dựng gia đình, và nếu những gia đình ấy tốt, những gia đình sống Tin Mừng thì họ sẽ trở thành những gia đình sống đạo, gia đình loan báo Tin Mừng.

Đại hội giới trẻ năm nay quyết định chọn đề tài này vì là ‘Năm Phúc Âm hóa đời sống gia đình’. Đại hội giới trẻ là nơi các bạn trẻ trong giáo tỉnh [miền Bắc] có cơ hội gặp nhau, đào sâu Đức tin, nhất là học hỏi với nhau về đời sống đức tin, chia sẻ kinh nghiệm sống đức tin theo bản sắc riêng của từng nơi.”

Các hoạt động chính nhấn mạnh đến việc ‘giáo dục Đức tin cho người trẻ’. Cha Giuse cho hay: “Các hoạt động được [phân bổ] khá đều. Ví dụ có những bài thuyết trình, diễn nguyện văn nghệ, giờ chầu cung nghinh Thánh Thể, giao lưu văn nghệ với nhau v.v.. Cho nên rất phong phú. Tuy nhiên tất cả đều nhấn đến một điểm là ‘Giáo dục Đức tin cho người trẻ’ trong bối cảnh xã hội ngày hôm nay.”

Ban tổ chức đã phân bổ 20 ban -mỗi ban hơn 100 người- để phục vụ cho khoảng 17000 giới trẻ: “Trước khi Đại hội diễn ra, chúng tôi đã thực hiện nhiều buổi họp cho các ban của Giáo phận, để lên phương án lo cho chương trình hoạt động, cũng như chỗ ăn chỗ ở cho 17000 người. Chúng tôi cũng triển khai chương trình đến tất cả các giáo phận, cho nên họ [giới trẻ] đến đây rất nề nếp và có sự liên đới rất tốt. Không có gì rời rạc và khó khăn.

Đối với nơi nghỉ ngơi cho các linh mục, chúng tôi sắp xếp nhà ở trong Tòa Giám mục và bên tiểu chủng viện. Còn đối với các bạn trẻ, chúng tôi có dựng 20 lều trại có mái che, có ánh sáng, có chỗ trải bạt để các bạn có thể nghỉ đêm.
Ngoài nhà thờ đá Phát Diệm, còn có những nhà thờ lớn xung quanh, nên sức chứa cũng lớn để giúp các bạn nghỉ đêm rất thoải mái. Kể cả trời mưa, chúng tôi dự trù phương án hai là các bạn sẽ ở trong tất cả các nhà thờ và dãy hành lang.

Về ẩm thực, chúng tôi triển khai [công việc phục vụ] cơm về các giáo xứ trong 3 giáo hạt xung quanh Tòa Giám mục, các xứ sẽ làm cơm và cung cấp cho Đại hội.”

Hiện nay, bầu không khí trong ngày đại hội giới trẻ rất náo nhiệt, cha Giuse chia sẻ: “Tôi làm ở Ban trật tự, tôi đã có mặt ở đây từ 5 giờ rưỡi sáng. Trong những ngày qua, các ban ngành ở giáo phận Phát Diệm đã rất cố gắng để chuẩn bị khâu tổ chức được tốt. Cho đến bây giờ không khí rất nhộn nhịp, các đoàn giới trẻ từ các giáo phận đã đến khá đầy đủ. Bầu không khí rất là sôi động. Từ 5 giờ rưỡi sáng đến giờ tôi chỉ được uống cốc nước và chưa được nghỉ ăn cơm.”

Cựu TNLT Trần Hữu Đức, thuộc giáo xứ Vạn Lộc, giáo hạt Vạn Lộc, giáo Phận Vinh có mặt tại đây bày tỏ: “Tôi bị nhà cầm quyền cs bắt giam 4 năm qua, bị cách ly với môi trường gia đình, xã hội cũng như gò bó trong một môi trường căng thẳng và chèn ép. Với tinh thần là một người con – người trẻ của Giáo hội, tôi rất vui mừng được Cha xứ và giáo xứ đề cử đi tham dự chương trình này, để tôi hòa nhập với anh em, khơi lên tinh thần phục vụ trong tôi khi được làm con cái Chúa. Bầu không khí rất náo nhiệt, anh em rất hồ hởi chào nhau bằng tình yêu thương của Chúa và nụ cười luôn nở trên môi. Rất vui và nhộn nhịp vô cùng.”

Bạn Hoài Thu thuộc giáo xứ Tân Diên, giáo hạt Bảo Nham, giáo Phận Vinh bộc lộc: “Cuộc đời tôi sống nương tựa và bệnh viện, bởi vì tôi bị suy thận mãn tính được 5 năm, chạy thận ba lần một tuần. Trước đây, tôi hay có những suy nghĩ chán nản, nhưng từ khi tôi được lãnh nhận Bích tích Xức dầu bệnh nhân đã được Chúa biến đổi, lấy lại được niềm tin làm cho tôi năng động hơn, khỏe hơn rất nhiều. Cuộc đời của tôi rất là mong manh, cho nên tôi muốn tham gia để hòa nhập với các bạn trẻ, tạo niềm vui cho tôi và cho người khác. Trong ngày đại hội này, tôi muốn củng cố Đức tin của mình. Tôi cũng mong muốn các bạn trẻ sống tốt hơn, làm chứng về Chúa Giêsu và đem niềm vui đến cho mọi người. Bầu không khí hiện nay rất náo nhiệt. Ai cũng niềm nở nên tôi cảm thấy rất hạnh phúc.”

Theo trang web giáo phận Phát Diệm cho biết, vào ngày 28.11.2013, Giáo Phận Phát Diệm đã đón nhận Thánh Giá từ Đại Hội lần thứ XI tại giáo phận Thái Bình, để mở đầu cho các hoạt động hướng về Đại hội giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XII mà Giáo phận Phát Diệm tổ chức.

Thánh Giá đã đi suốt hành trình hàng trăm cây số, qua hai tỉnh Ninh Bình và Hòa Bình, lưu lại ở 78 giáo xứ thuộc 9 giáo hạt. Kết thúc 1 năm hành trình vòng quanh Giáo phận Phát Diệm, Thánh Giá đã trở về trong sự hân hoan đón rước của các bạn trẻ và giáo dân Nhà thờ Chính Tòa Phát Diệm. Thánh Giá sẽ được lưu lại tại đây cho tới khi diễn ra đại hội. Sau Đại hội, Thánh Giá sẽ được trao lại cho các bạn trẻ và cộng đoàn Tổng giáo phận Hà Nội.

Cha Giuse cho biết thêm: “Suốt một năm qua, Thánh giá Đại hội đã đi đến từng xứ, xứ lớn cũng như xứ nhỏ và các giáo xứ đấy đều có chương trình giáo lý lấy từ sách YouCath (sách Giáo lý cho người trẻ) của Giáo hội. Các bạn cũng được giao lưu, học hỏi, nghe thuyết trình, sinh hoạt. Thánh giá đến với mỗi giáo xứ trong vòng 3 ngày, sau đó giáo xứ lại giúp sinh hoạt cho các bạn trẻ theo các điểm nhấn của Đại hội năm nay. Cho nên hai ngày [Đại hội] này chỉ là hai ngày cao điểm thôi, nhưng trong thực tế giáo phận Phát Diệm đã làm một năm nay.

Thánh giá vừa rồi đã đi đến hết 78 xứ trong giáo phận.”

Cha Giuse chia sẻ nỗi lo lắng của Ban tổ chức: “Hai ngày đại hội diễn ra có nhiều điều làm cho chúng tôi lo lắng, ví dụ như vấn đề an ninh trật tự, khâu ẩm thực lo lắng bị ngộ độc thức ăn, thời tiết… Nhưng cho đến giờ này mọi chuyện khá tốt, chưa có chuyện gì xảy ra. Không có chuyện gì đang lo ngại cho ngày đại hội này.”

Cha Giuse mong muốn: “Giới trẻ là tương lai của giáo Hội và Thánh Gioan Phaolô II đã từng nói rằng, giới trẻ nắm vận mệnh của thế giới và giáo hội, nên tôi mong muốn trong ngày đại hội này các bạn sẽ được đào sâu Đức tin, sống Đức tin trong môi trường của các bạn – những môi trường khác nhau – muốn sống tốt, đòi hỏi các bạn được đào sâu và huấn luyện Đức tin. Đó là mục đích của ngày đại hội này.

Nguồn gốc Đại hội giới trẻ Thế giới bắt đầu với sự kiện năm 1984 (Năm Thánh Cứu Độ), khi Thánh Gioan Phaolô II mong muốn qui tụ các bạn trẻ trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá. Tiếp sau đó, Liên Hiệp quốc chọn năm 1985 làm Năm Quốc tế Giới trẻ, một lần nữa Thánh Gioan Phaolô II gửi lời mời các bạn trẻ cùng qui tụ về Roma trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá và đã có khoảng 300.000 người hưởng ứng lời mời gọi này. Cuối năm 1985, Thánh Gioan Phaolô II chính thức công bố ngày Giới trẻ Thế giới sẽ được tổ chức hàng năm tại mỗi Giáo Phận vào Chúa Nhật Lễ Lá, cũng là thời điểm bắt đầu trung tâm của mầu nhiệm của Chúa Kitô.
  
DHGT-1.jpg

DHGT-2.jpg

DHGT-3.jpg

DHGT-4.jpg

DHGT-5.jpg

DHGT-6.jpg

DHGT-7.jpg

DHGT-8.jpg

DHGT-10.jpg

DHGT-11.jpg

DHGT-12.jpg

DHGT-13.jpg

DHGT-14.jpg

(VRNs 28.11.2014)

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Văn hóa cám ơn” và “nhận lỗi”

camonTrước “Lễ Tạ Ơn” (Thanksgiving) tại Canada và ở Hoa Kỳ (nhằm Ngày Thứ Năm, 27.11.2014), tôi nhận được từ “thượng tuần Tháng Mười” điện thư (của một số Thân Hữu) có hình ảnh và Thánh Ca về Lễ ấy. Đáp lại tấm lòng của những người vừa nêu, tôi bèn viết “tặng họ” bài về ý nghĩa của các chữ DATE, ADIEU và một số từ khác mà thiên hạ dùng để tỏ lòng biết ơn và việc “xin người khác thứ lỗi” cho mình. Sau đó, tôi xin giới thiệu hai bài về VĂN HÓA “CÁM ƠN” và “XIN LỖI” do tôi sưu tầm. Cuối cùng là bài thơ của tôi: SỰ ĐỜI.
I- Chữ DATE
A- Ý nghĩa của chữ DATE
Chữ ấy được người Việt dịch thành: “ngày tháng” hay “ngày, tháng, năm”, chẳng hạn: Thư của anh ta đề ngày mồng 09, tháng 02, năm 2014. (Sa lettre porte la date du 9, février, 2014.)
B- Ngữ nguyên của chữ DATE
Tiếng Latinh có động từ “dare” (cho, tặng) được ghi như sau: do, das, dedi, datum, dare. Chữ DATUM là “phân từ” (participle), có nghĩa: “được tặng, đã tặng” như Lời Chúa trong Kinh Thánh: “Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một Con Trai được TẶNG cho chúng ta.” (“Puer natus nobis, et filius datus est nobis.) Xin mời nghe Thánh Ca:Puer natus est – YouTube.
Chữ “datum” biến thành “datus” vì “filius” là danh từ thuộc giống đực.
C- Cách biến âm của DATUM thành DATE
Người Pháp “thường bỏ” mẫu tự “m” cuối của chữ Latinh. Vì thế, “datum” thành: datu. Theo luật biến âm (évolution phonétique), “u” là “phụ âm cuối” (voyelle finale) “phải” yếu đi, trở thành “e” câm! (La voyelle finale s’affaiblit sous forme de “e”.)
D- Chữ DATUM trong tiếng Đức
Người Đức lấy nguyên chữ “datum” của Latinh để biến nó thành danh từ viết hoa, chẳng hạn: “Welches Datum haben wir heute?” (Hôm nay là ngày bao nhiêu?)
E- Thiên hạ “vô tình” với chữ DATA, DATE…
Theo thiển ý của tôi, chúng ta nên cám ơn người đã dùng các danh từ “data, Dateien, date line” trong kỹ thuật, “dative, datif, Dativ” trong văn phạm, “International Date Line” trong Văn Khố… bởi vì hầu như ít ai để ý tới ý nghĩa của các từ vừa nêu trong khi Khoa Học là CỦA TRỜI CHO, con người chỉ tìm tòi, khám phá và nghiên cứu NÓ, chứ KHÔNG làm nên NÓ được, chẳng hạn: Vũ Trụ và máu! Chính vì thế, các Nhà Bác Học mới khiêm nhượng thế này: “Niềm vui chiêm ngưỡng và hiểu biết, đó là ngôn ngữ mà Thiên Nhiên MANG ĐẾN cho tôi.” (La joie de contempler et de comprendre, voilà le langage que me porte La Nature.) Einstein phát biểu: “Chỉ có hai điều VÔ HẠN: Vũ Trụ và sự KHỜ KHẠO của con người. Nhưng, về Vũ Trụ, tôi KHÔNG có sự ĐÍCH XÁC tuyệt đối.” (Il n’existe que deux choses INFINIES: L’Univers et LA BÊTISE humaine. Mais, pour L’Univers, je n’ai PAS de CERTITUDE absolue.) Lòng khiêm nhượng về sự hiểu biết của “Thiên Tài Einstein” khiến mọi người kính trọng ông ta.
II- Chữ “edit, edition”
Người Việt mình dịch chữ ấy thành: xuất bản, ấn bản. Tiếp đầu ngữ “e” (ex) có nghĩa “ngoài” (out); ngữ căn “dit” là cách “viết rút ngắn” các chữ “dedi, datum” như đã ghi ở phần I-B.
Tóm lại, “edit” là “cho ra” để thiên hạ xem, thấy… mà biết và sử dụng. Người Anh-Pháp cũng dùng chữ “révéler, reveal”: tiết lộ, biểu lộ, tức là lấy đi cái MÀN, MÀNG ngăn cách vì, theo ngữ nguyên, tiếp đầu ngữ “re” là “back” và ngữ căn “véler” do chữ “velum” là “màn che, khăn phủ” cái hoặc điều gì đó.
Chữ “apocalypse” do “ἀποκάλυψις” (apokalypsis) trong Kinh Thánh cũng có nghĩa là “Révélation”: Khải Thị hay Mạc Khải. (“Mạc” là “màn” như trong cách viết, nói: khai mạc, bế mạc.)
III- Chữ ADIEU
Người Pháp, Anh, Đức dùng chữ “Adieu” để nói lời tạm biệt với ý mong người thân được an lành. Chữ ấy có nghĩa: “Tôi phó thác anh, chị… cho Chúa.” (Je vous confie à Dieu. To God, I commend you.) Tiếng Tâybannha cũng có chữ Adiós. Nghe quá quen chữ ấy, hầu như chẳng ai trả lời: “Xin cám ơn!”
IV- Giới thiệu bài viết
A- Ngày Tạ Ơn (do tôi sưu tầm và rút ngắn. Nếu có gì sai sót, xin lượng tình thông cảm.)
“Ngày Tạ Ơn” (Thanksgiving Day) là Lễ hằng năm tại Hoa Kỳ và Canada.
Lễ Tạ Ơn sớm nhất ở Mỹ là ngày 08, tháng 9, năm 1565, tại Saint Augustine, Florida khi Pedro Menéndez de Avilés thấy đất liền nên ông và người trên thuyền tổ chức buổi tiệc với người bản xứ. Nhưng Lễ Tạ Ơn đầu tiên theo Truyền Thống thì tại Plymouth, vào năm 1621.
Ngày nay, tại Hoa Kỳ, Lễ Tạ ơn được tổ chức vào Ngày Thứ Năm (lần thứ tư) của Tháng Mười Một. Còn tại Canada, do “mùa thu hoạch” sớm hơn, Lễ Tạ Ơn được tổ chức vào Ngày Thứ Hai (lần thứ hai) của Tháng Mười.
Tại Hoa Kỳ và Canada, Lễ Tạ Ơn là Cơ Hội Quan Trọng để gia đình sum họp. Tại Hoa Kỳ, “thiên hạ” được nghỉ “bốn ngày cuối tuần” vì Lễ ấy.
Từ cuối thập niên 1930, tại Hoa Kỳ, “mùa mua sắm để mừng Lễ Giáng Sinh” chính thức bắt đầu khi Ngày Lễ Tạ Ơn đã qua. Ở New York, tại Manhattan, Cuộc Diễn Hành Lễ Tạ Ơn (của Macy) được tổ chức hằng năm vào Ngày Lễ Tạ Ơn và kết thúc bằng Ông Già No-en.
Tại Hoa Kỳ, người ta cũng tưởng nhớ đến “bửa ăn” vào năm 1621 giữa người da đỏ Wampanoag và nhóm di cư tại Massachusetts.
Lễ Tạ Ơn bắt nguồn từ các Lễ Hội Ngày Mùa ở Châu Âu từ xa xưa. Lễ đầu tiên ở Bắc Mỹ, tại Newfoundland, vào năm 1578, do Martin Frobisher và nhóm Thám Hiểm Frobisher tổ chúc. Sau đó, vào ngày 04.12.1619, Lễ Tạ Ơn được ba mươi tám người “khai hoang” (từ Giáo Khu Berkeley) xuống thuyền tại Virginia và dâng lời Tạ Ơn Thượng Đế.
Có người cho rằng Lễ Tạ Ơn đầu tiên tại Bắc Mỹ là ngày 23.5.1541, tại Texas, do Francisco Vásquez de Coronado, cùng với nhóm người da đỏ Teya tổ chức để ăn mừng việc họ tìm ra lương thực.
B- Bàn Về Văn Hóa “Cảm Ơn” và “Xin Lỗi” của Người Việt
Có lẽ khỏi phải nói, ai cũng đều biết rằng khi người khác làm giúp mình điều gì đó, cần phải có lời “cảm ơn” và, khi mình sai, hãy nói lời “xin lỗi”. Đó đơn giản là văn hóa! Tuy nhiên, văn hóa “cảm ơn” và “xin lỗi” phổ biến của người Việt Nam chúng ta quả là có nhiều điều đáng phải ngẫm nghĩ.
Cám ơn và xin lỗi đôi khi trở thành một đề tài xã hội. Khoảng hai năm trước đây, viết trên báo Tuổi Trẻ, một người Hàn Quốc, đang làm việc tại Việt Nam, “phàn nàn” rằng người Việt Nam ít nói xin lỗi. Tiếp theo đó là một thư khác của bạn đọc người Việt chỉ ra rằng chẳng những ít nói xin lỗi, mà người Việt còn ít nói cám ơn. Điều này có vẻ mâu thuẫn với truyền thống đạo lí của người Việt, vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo, ghi ơn tiền nhân. Nhưng có lẽ trong cuộc sống bề bộn của thời thực dụng kinh tế, không ít người Việt, trong đó có cả những quan chức, quên nói lời cám ơn. Và sự thiếu sót này có thể ảnh hưởng đến quốc thể và gây ấn tượng không đẹp ở người nước ngoài về người Việt.
Câu chuyện mà tôi sắp kể sau đây còn cho thấy hình như trong một số quan chức, thể hiện sự tri ân vẫn còn khá khó khăn. Anh là kĩ sư người Đức, do cơ duyên nào đó, lấy vợ Việt Nam và quê vợ ở một làng nghèo thuộc vùng Đồng Bằng sông Cửu Long. Có lẽ để làm một nghĩa cử đẹp cho quê vợ, anh về Đức quyên tiền, và đem số tiền đó về quê vợ, xây một bệnh xá cho người dân nghèo. Người dân trong làng ai cũng nhớ anh ta trực tiếp chỉ huy việc xây dựng, rất quan tâm tới chất lượng đến nổi cẩn thận gõ từng viên gạch để đánh giá xem thật hay dỏm. Kết quả là một bệnh xá khang trang và có chất lượng cao. Đến ngày khai mạc, các quan chức trong làng đua nhau cám ơn Đảng và Nhà nước, nhưng không có đến một lời cám ơn chàng rể người Đức dù anh có mặt trong buổi lễ khánh thành bệnh xá.
Một câu chuyện “quên” cám ơn khác có liên quan đến Giáo sư Bùi Trọng Liễu, người vừa mới qua đời ở Paris. Gs Liễu là người rất tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, đóng góp hàng trăm bài viết để cải tiến giáo dục và chuẩn mực giáo sư. Gs Liễu cũng là một trong những người sáng lập ra Đại Học dân lập Thăng Long, nay là Đại Học Thăng Long. Sau một tuần Gs Liễu qua đời, tôi tò mò vào trang web của Đại Học Thăng Long xem ban giám hiệu có lời nào về sự ra đi của Gs Liễu. Hoàn toàn không. Tôi rất ngạc nhiên. Nhưng nay thì tôi không còn ngạc nhiên nữa.
Câu chuyện bên Úc mà tôi thuật ở đây cho thấy người phương Tây có cách thể hiện sự tri ân một cách thiết thực. Viện nghiên cứu y khoa Garvan của chúng tôi có nhu cầu thành lập một phòng thí nghiệm mới chuyên về phân tích di truyền và, may mắn thay, chúng tôi được một “đại gia” trong ngành bảo hiểm tài trợ để trang bị phòng óc và các thiết bị quan trọng. Hội động quản lí của Viện quyết định lấy tên của nhà tài trợ đặt cho phòng thí nghiệm. Ngày khai mạc, chúng tôi mời nhà tài trợ, phu nhân và con của ông đến tham dự, phát biểu ý kiến, và cắt băng khánh thành. Tôi để ý thấy chẳng những phòng thí nghiệm mang tên ông, mà ngay cả trước phòng thí nghiệm còn có một bảng đồng khắc một đoạn văn ghi ơn ông đã hỗ trợ tài chính cho việc thành lập phòng thí nghiệm. Đó là một cách ghi ơn của người phương Tây.
Thật ra, trong xã hội Âu Mỹ, việc ghi nhận đóng góp của các nhà từ thiện được xem là một đặc điểm của văn minh. Ở các đại học, thỉnh thoảng các thương gia tài trợ cho một ghế giáo sư hay ghế chủ nhiệm một bộ môn khoa học, trường đại học thường lấy tên nhà tài trợ đặt cho chức danh giáo sư. Do đó, thỉnh thoảng, chúng ta thấy một số giáo sư Âu Mỹ, chẳng hạn như ông bạn tôi kí tên là “Rebecca Cooper Professor of Medicine” để cho thấy người giữ chức danh giáo sư y khoa đó là do bà Rebecca Cooper tài trợ.
Ngay cả trong các hội nghị khoa học có sự tài trợ của các công ty dược, ban tổ chức còn gửi thư nhắc nhở các nghiên cứu sinh hay các nhà nghiên cứu trẻ đến quầy của các công ty dược để nói một tiếng cám ơn. Nếu không có tài trợ của các công ty đó, chắc gì các nghiên cứu sinh được đi dự hội nghị. Lời cám ơn ở đây rất quan trọng, vì đó không chỉ là một cách tri ân người hỗ trợ, mà còn là một cử chỉ bày tỏ rằng ở trên đời mọi người đều phải tùy thuộc nhau mà sống.
Có thời người Việt chúng ta có cảm nhận không đúng với người phương Tây. Hồi còn nhỏ, tôi thỉnh thoảng nghe người ta nói người phương Tây tuy bề ngoài tỏ ra lịch sự, nhưng tâm thì họ vô đạo đức lắm, vô ơn lắm. Nhưng, khi có dịp sống và làm việc chung với người Mỹ, Anh, Úc và Âu châu nói chung, tôi thấy quan điểm đó quá sai. Tôi thấy cám ơn và xin lỗi gần như là một nét văn hóa của người phương Tây. Ngày mới sang Úc, tôi thấy hai chữ “thank you” (cám ơn) và “sorry” (xin lỗi) giống như là những chữ nằm lòng. Thật ra, ngay từ ngày mới vào học tiếng Anh, người ta dạy khi được hỏi “How are you today?” (Hôm nay anh khỏe không?), thì câu trả lời lúc nào cũng kèm theo hai chữ cám ơn – thank you. Phải có chữ cám ơn đằng sau. Đi chợ mua hàng, sau khi trả tiền, người bán hàng cũng “cám ơn”, và mình (người mua hàng) cũng “cám ơn” lại. Bên Mỹ, họ còn lịch sự hơn nữa: cám ơn, và chúc ông/bà một ngày tốt đẹp.
Ở xã hội Âu Mỹ, trẻ em ngay từ lúc còn rất nhỏ đã được dạy phải có trách nhiệm xã hội, phải biết nói “cám ơn” và “xin lỗi”, và nói thật lòng, chứ không nói qua quít. Khi lớn lên, họ chẳng những trở thành những người rất lịch sự, mà còn rất có đạo đức, có trách nhiệm với cộng đồng. Họ không bao giờ quay mặt với một tai nạn để cho nạn nhân nằm chết trên đường lộ như ở Việt Nam ta.
Ngược lại với Âu Mỹ, ở Việt Nam, tôi thấy hình như tần số của hai chữ “cám ơn” còn khá thấp. Dự nhiều hội nghị trong nước, tôi ít thấy khi nào diễn giả cám ơn cộng sự hay nghiên cứu sinh, làm như tất cả slides và dữ liệu là tự họ sáng tạo ra vậy (một điều không thể)! Vào quán, ăn uống xong và được nhân viên phục vụ, khách hàng chỉ việc tính tiền (hay cho thêm tiền “tip”), nhưng không hay ít nói lời cám ơn. Viết đến đây, tôi nhớ đến câu chuyện của Mahatma Gandhi rằng khi ông ăn trưa trong một quán ăn bình dân, sau khi trả tiền, ông nói với người phục vụ lời nói cám ơn, và người phục vụ tâm sự: “Thưa ông, tôi sẽ nhớ ông mãi vì, hơn 25 năm phục vụ ở đây, tôi chưa bao giờ nghe ai nói cám ơn.”
Trong thời buổi hội nhập quốc tế, tôi thiết nghĩ chúng ta nên thực hành văn hóa cám ơn. Thật ra, văn hóa này chẳng xa lạ gì với người Việt Nam. Như nói trên, người Việt có câu “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây.” để ghi ơn những người đi trước đã tạo nên nền móng cho ngày nay…
Đaminh Phan Văn Phước và Gs. Nguyễn Văn Tuấn

Niềm xác tín của con

Con xin mượn câu hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên: “Con luôn tin rằng tình Ngài thương con không bờ không bến. Con luôn tin rằng Ngài chọn tên con khi chưa có sao trời” để nói lên niềm xác tín của con.
Từ khi trở thành một nữ sinh trong trang phục áo dài của thời học sinh, biết ăn diện, thích làm đẹp… như bao bạn gái cùng trang lứa, thì con lại bắt đầu có cái nhìn khác với các bạn. Con nhận ra một nét đặc biệt nơi các nữ tu của Chúa, mà dường như nữ tu nào cũng đẹp. Con thích nét đẹp ấy, một nét đẹp đơn sơ, thanh thoát, thánh thiện, hiền hòa. Con như được dấy lên trong lòng một thao thức, băn khoăn không thể hiểu nổi: lý do nào đã khiến nhiều cô gái trẻ đẹp, giỏi giang đang độ tuổi thanh xuân dám từ bỏ tất cả tuổi xuân, tương lai, gia đình bạn bè để bước theo lý tưởng tu trì ?
Để trả lời cho câu hỏi ấy, nhiều lần con tò mò, mon men đến trước cổng nhiều nhà Dòng, tu viện chỉ để ngó ngôi Nhà nguyện, nhìn các nữ tu. Cho đến khi bước vào thời sinh viên, con đến và vào chầu Thánh Thể trong nhà Nguyện Dòng Đa Minh Tam Hiệp nhiều lần vào những buổi chiều. Con đã trả lời được thắc mắc của mình: tất cả chỉ vì Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn các nữ tu để họ yêu mến và phụng sự Chúa hơn.
Thỏa mãn với lòng mình, thì con lại băn khoăn không biết Chúa có gọi con không? Trong suy nghĩ, cầu nguyện con nhận ra tiếng Chúa đang gọi mời. Lúc này con cũng sẵn sàng từ bỏ tất cả để bước theo Chúa.
Với bảy năm sống trong ơn gọi, đặc biệt chìm sâu trong cầu nguyện của năm Tập ngặt, cho con càng tin tưởng vào tình yêu thương vô hạn của Chúa đã dành cho cuộc đời con. Chúa chọn con không vì con đẹp, nhưng vì Chúa quá yêu con. Đặc biệt với một năm tập tành sứ vụ con mới thấy bản thân mình yếu đuối, bất tài. Nhưng Chúa đã yêu Thiên Chúa thương sử dụng sự bất tài, yếu kém của con để sức mạnh của Chúa được thể hiện.
Cảm nghiệm được tình yêu sâu xa của Chúa, con có thể mạnh dạn nói một lời ngắn gọn: không phải con chọn Chúa để con hiến dâng tuổi xuân, dâng cuộc đời nhưng chính Chúa yêu thương chọn con để con được chìm đắm trong biển tình yêu của Chúa, để qua con mọi người nhìn thấy tình yêu Chúa vô biên.
Maria Bích Nhi (Tập Sinh)

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Chuyện kể về những nhân chứng đức tin


Tôi là một làn gió nhè nhẹ. Tôi không phải là Thần Khí của Thiên Chúa nhưng tôi mang thần khí của Ngài. Tôi đang đi tìm những chứng nhân của đức tin. Đó là những con người dám yêu Thiên Chúa. Tôi lướt qua biết bao vị anh hùng đức tin trong lịch sử và tôi dừng lại nơi những con người sống đời thánh hiến.
Nép mình vào vách tường Nhà nguyện, tôi hỏi bức Vách:
– Ai vậy bạn? Họ là những ai?
Vách Nhà nguyện suỵt tôi, nói khẽ:
– Nhè nhẹ chứ! Đó là những người được thánh hiến. Họ “bén rễ sâu trong gương sống và giáo huấn của Chúa Kitô”[1]. Họ đang cầu nguyện. Họ đang chuyện vãn với Thiên Chúa, Đấng mà họ yêu mến và tôn thờ. Các vị ấy ngày ngày, giờ giờ vẫn luôn trầm lắng bên Thánh Thể.
– Họ nói gì với Thánh Thể?
– Tôi thấy họ cứ âm thầm, im lặng, đăm chiêu chiêm ngắm. Có lúc tôi thấy họ hát vang, nét mặt bình an và rất sốt sắng khiến tôi muốn vỡ tan ra với những lời kinh ngợi khen Thiên Chúa. Họ ngợi khen Chúa bằng chính Lời của Chúa với sự âm thầm nhỏ bé của thân phận. “Họ cùng tiến lên và giúp nhau bước đi trong đời sống tâm linh”[2].
– Bạn có nghe Chúa nói gì với họ không?
– Tôi không biết Thiên Chúa nói gì với họ, nhưng tôi thấy Ngài ngỏ với họ như với bạn hữu[3] và họ sẵn sàng hiến dâng cùng ký thác trọn vẹn cho Ngài “qua một sự thánh thiện đặc biệt”[4].
***
Những con người ấy rời khỏi nguyện đường. Bước chân của họ thênh thang nhưng trang nghiêm và xác tín. Tôi ngửi thấy hương thơm của sự thánh thiện toát ra trên nét mặt và cung cách của họ. Thiên Chúa của họ khiến họ trở nên như thế. Tôi cuốn theo bước chân họ đến khu sinh hoạt. Tôi hỏi Quạt Máy:
– Họ sẽ làm gì?
– Họ kể cho nhau những câu chuyện sứ vụ, những cảm nghiệm đời tu, những nỗi khó khăn vất vả của nhân loại, những sự chỉ dẫn cho nhau trong đời thánh hiến và cả giúp nhau khắc phục những lỗi lầm. Nhiều lắm!
– Anh thật hạnh phúc khi sống nơi đây và được phục vụ những con người tuyệt vời này!
– Tôi cho họ cảm giác mát nhưng vẫn thua những làn gió mát do chính họ tạo ra.
– ??!!
– Bởi họ biết xoa dịu những lao nhọc trong công tác của nhau. Họ làm vui lòng nhau và mang lại cho nhau những làn gió mát trong tâm hồn, nơi tôi không thổi vào được. Đó là những làn gió của sự cảm thông, vui vẻ và sẻ chia. Những con người ấy biết thông truyền cho nhau tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa, thứ tình yêu làm cho người ta phấn chấn, mạnh mẽ và có khả năng làm được tất cả vì có Chúa ở cùng họ. Đây cũng là một sự thể hiện và làm chứng cho việc “phụng sự Đức Kitô cách hoàn hảo hơn, là nguồn lực quí giá trong đời sống hằng ngày”[5]. Anh cứ rảo khắp khu nhà sẽ thấy.
Tôi mon men đi dạo vài nơi. Họ không là những con người tầm thường nhưng kỳ thực họ là người. Họ sống bởi một Thần Khí từ nơi cao. Họ thân ái chan hòa. Họ đơn sơ sâu lắng. Họ được hướng dẫn bởi Tình Yêu rất phi thường và tuyệt hảo nên đời sống họ mới như thế. Quả thực, chính nơi đời sống đức ái huynh đệ của họ là dấu chỉ cho mọi người nhận biết họ là môn đệ của Đức Giêsu[6]. Tôi thực sự không biết diễn tả thế nào, do đó tôi im lặng ngắm nhìn. Thiên nhiên và vũ trụ cũng lặng im để chiêm ngưỡng họ.
***
Tiếng cọc cạch của xe đạp làm tôi choàng tỉnh. Tiếng chim hót trong trẻo gọi với lại đằng sau:
– Họ đi giảng dạy Lời của Thiên Chúa mà họ đã nghe, đã cảm nghiệm, và đã sống cho những người khác. Họ nâng đỡ những người yếu kém và tội lỗi, trao cho họ tình thương mà họ đã lãnh nhận từ chính Nguồn Tình Yêu. “Đời sống chứng tá của họ biểu dương trước mắt mọi người địa vị thượng đẳng của tình yêu Thiên Chúa”[7]. Đi nào! Tôi sẽ chỉ cho anh thấy.
– Bạn đang gọi tôi à?
– Anh nhìn đi! Thực sự đời sống của họ không bằng phẳng, trơn tru, không đi trên nhung lụa. Thế nhưng càng trong gian khổ lớn lao, họ càng làm sáng lên tình yêu họ dành cho Đức Kitô: “Trong những vất vả khổ sở ấy, nhỏ hay lớn, lòng sốt sắng nội tâm làm cho họ nhận ra tình yêu của Đức Kitô và giúp họ đón nhận với đức tin và lòng yêu mến”[8],
***
Tôi bị cuốn hút bởi đời sống của những con người được Thiên Chúa thánh hiến. Tôi đã thấy nơi họ “dấu chỉ trung thực về Đức Kitô trong thế giới. Đời sống của họ phản ánh lý tưởng họ tuyên xưng, khi xuất hiện như là những dấu chỉ sống động của Thiên Chúa”[9]. Những con người ấy cách nào đó “đã gieo vào lòng ta và vào lòng Giáo hội một niềm hy vọng lớn lao”[10] một sự thúc đẩy quý hóa trong công cuộc tìm kiếm thánh thiện.
Tôi là Gió. Tôi muốn mang hình ảnh của họ đến muôn nơi.
 Têrêsa Mai Hường


[1] ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Vita Consecrata, s.1
[2] ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II, Sđd, s.94
[3] x. Xh 33, 1; Ga 15, 14-15
[4] ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II, Sđd, s.1
[5] ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI, Tông ThưEvangelica Testificatio, s.1
[6] ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II, Tông Thư Redemptionis Donum, s.15
Ga 13,35
[7] ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI, Tông ThưEvangelica Testificatio, s.1
[8] ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI, Tông ThưEvangelica Testificatio, s. 30
[9] ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II, Sđd, s.25
[10] ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI, Tông ThưEvangelica Testificatio, s.1

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

“Vào buổi xế chiều của cuộc sống, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu”

WHĐ (24.11.2014) – Sáng Chúa nhật 23-11 vừa qua tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ trọng thể mừng Chúa Kitô Vua Vũ trụ, kết thúc năm phụng vụ,. Trong phần đầu Thánh lễ, trước khoảng 50.000 giáo dân, Đức Thánh Cha đã tuyên thánh cho sáu Chân phước người Ấn Độ và người Ý.
Nguyên tắc sống: gần gũi và dịu dàng
Trong bài giảng lễ, Đức Thánh Cha nêu ra nguyên tắc sống của người Kitô hữu: “Cũng như Chúa Giêsu thiết lập Triều đại của Người bằng ‘sự gần gũi và sự dịu dàng’, thì đó cũng phải là ‘nguyên tắc sống’ của các Kitô hữu. Ơn cứu độ không bắt đầu bằng việc tuyên xưng vương quyền của Chúa Kitô, mà bằng hành động noi theo lòng thương xót của Người”.
“Vào cuối đời, chúng ta sẽ chịu xét xử về tình yêu thương, sự gần gũi và dịu dàng đối với người anh em của chúng ta. Chúng ta được vào Nước Trời hay không tùy thuộc vào những điểm này”. Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên nhủ: “Đừng để những quyến rũ trần thế và chóng qua làm phân tâm chúng ta”.
Trên con đường này, người Kitô hữu đã may mắn có sẵn chiếc la bàn hướng dẫn trong dụ ngôn ở chương 25 của Thánh Mathêu mời gọi chúng ta “trở nên gần gũi với người anh em một cách cụ thể, khi họ cần bánh ăn, cần áo mặc, cần được tiếp đón, cần tình liên đới”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Chúa Giêsu đã mở ra Vương quốc của Người, nhưng để được vào Vương quốc ấy, chúng ta phải bắt đầu ngay từ cuộc sống này, bằng cách thực thi những công việc trên. Và tình yêu thương dành cho người anh em thúc đẩy chúng ta chia sẻ với họ những gì quý giá nhất, nghĩa là chính Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người”.
Tình yêu có sức sáng tạo vô song
Đức Thánh Cha cũng nhắc đến 6 vị thánh mới được tôn phong vào đầu Thánh lễ:
2 vị người Ấn Độ: Cha Kuriakose Elias Chavara Thánh gia (1805-1871), linh mục Dòng Cát Minh, sáng lập Dòng Cát Minh Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội và Chân phước Euphrasie Eluvathingal Thánh Tâm Chúa Giêsu (1877-1952), Dòng Chị em Đức Bà Cát Minh; và 4 vị người Ý: Đức giám mục Giovanni Antonio Farina (1803-1888), giám mục giáo phận Vicenza (Italia), sáng lập Dòng Chị em “Thánh Đôrôthêa Hai Thánh Tâm”; cha Ludovico de Casoria (1814-1885), Dòng Phanxicô, sáng lập Dòng Nữ tu Phanxicô Êlisabeth; thầy Nicola de Longobardi (1650-1709), Dòng Anh em hèn mọn thánh Phanxicô  Paola; Amato Ronconi (1226-1292), Dòng ba Phanxicô, thành lập Dưỡng đường dành cho Người hành hương nghèo ở Saludecio (Rimini).
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng 6 vị thánh mới của chúng ta “đã thực thi điều răn mến Chúa yêu người một cách hết sức sáng tạo. Các ngài đã hiến dâng cả đời mình chẳng so đo tính toán cho những người rốt hết, khi giúp đỡ người nghèo khổ, người đau ốm, người già cả, người lữ hành. Các ngài đã chọn lựa sống phục vụ người bé mọn và người nghèo túng, và đó chính là phản ánh và là thước đo tình yêu của các ngài dành cho Thiên Chúa”.

An Phú Sĩ
Nguồn: WHĐ
Video lễ tuyên phong thánh:

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Đức Thánh Cha Phanxicô tôn phong 6 vị tân hiển thánh

ttin2311VATICAN. Từ ngày 23-11-2014, Giáo Hội Công Giáo có thêm 6 vị tân hiển thánh. Các vị được ĐTC ghi vào sổ bộ các thánh trong buổi lễ ngài chủ sự lúc 10 giờ 25 sáng chúa nhật, Lễ Chúa Kitô Vua, tại Quảng trường Thánh Phêrô, trước sự hiện diện của hơn 50 ngàn tín hữu.
Các tân thánh gồm 4 vị người Italia và 2 vị người Ấn độ, 3 vị đã sáng lập dòng tu, một nữ tu và một giáo dân.
Đứng đầu danh sách là chân phước Giovanni Antonio Farina, GM giáo phận Vicenza, bắc Italia, sáng lập dòng các nữ tu giáo viên thánh Dorotea Nữ Tử Thánh Tâm. Tiếp đến là chân phước LM Kuriakose Elias Chavara, đồng sáng lập và là Bề trên Tổng quyền đầu tiên dòng Camêlô Đức Mẹ Vô nhiễm, sinh tại bang Kerala nam Ấn độ năm 1805 và qua đời năm 1871 và được Đức Gioan Phaolô 2 phong chân phước ngày 8-2-1986 tại thành phố Kottayam, Ấn độ, trong cuộc viếng thăm của ngài tại nước này. Thứ ba là Chân phước Ludovico Casoria, LM thuộc dòng Phanxicô, sáng lập dòng các nữ tu Phan Sinh Elizabeth. Thứ tư là chân phước Nicola da Longobardi, tu sĩ dòng Hèn Mọn (Minimi) Thứ năm là nữ chân phước Eufrasia Eluvathingal Thánh Tâm, người Ấn độ, thuộc dòng các nữ tu Đức Mẹ Camêlô. Sau cùng là chân phước Amato Ronconi, thuộc dòng Ba Phanxicô, sáng lập bệnh viện hành hương nghèo ở Saludecio, nay là Dưỡng Đường Hội Chân Phước Amato Ronconi. Hình của các vị được treo trên mặt tiền Đền thờ Thánh Phêrô.
Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ có 60 HY, GM và khoảng 300 linh mục, nhiều vị trong phẩm phục của Giáo Hội nghi lễ Đông phương Syro Malabar bên Ấn. Trong số các tín hữu hiện diện ó khoảng 5 ngàn tín hữu người Ấn.
Sau kinh cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, tiến lên trước ĐTC và xin ngài ghi tên 6 vị chân phước vào sổ bộ các thánh theo lời thỉnh nguyện của toàn thể các tín hữu Kitô. Rồi ĐHY trình bày vắn tắt tiểu sử 6 vị chân phước.
ợc sử 6 vị thánh mới
1. Chân phước GM Giovanni Antonio Farina là vị chủ chăn nhiệt thành của giáo phận Treviso, rồi giáo phận Vicenza, bắc Italia, sinh cách đây 211 năm (11-1-1803) tại giáo phận Vicenza, phụ phong LM năm lên 24 tuổi và 9 năm sau đó, khi được 33 tuổi, ngài thành lập dòng các nữ tu thánh Dorotea Nữ Tử hai Thánh Tâm, chuyên giáo dục các thiếu nữ nghèo, và giúp đỡ tất cả những người sầu muộn và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Năm 1850, ngài được bổ nhiệm làm GM giáo phận Treviso và 10 năm sau đó, được chuyển về giáo phận Vicenza và ở đây cho đến khi qua đời năm 1888, thọ 83 tuổi.
Đức Cha Farina hăng say làm việc mục vụ, dù bầu không khí không luôn luôn thuận lợi: tại Treviso có những hiểu lầm và xung khắc với các kinh sĩ Nhà thờ chính tòa; tại Vicenza ngài bị vu khống. Đối lại những điều đó, ngài vẫn bình tĩnh và những công việc quá khứ cũng như gần đó đã trả lời thay cho ngài. Đức Cha canh tân trường học và phục vụ tại nhà thương, giữ vai chính trong việc mục vụ dựa trên sự giáo dục tâm hồn. Vài năm sau khi qua đời, người ta bắt đầu nói về những ân lạ nhờ lời chuyện cầu của ngài. Đức Cha Giovanni Antonio Farina được Đức Gioan Phaolô 2 phong chân phước ngày 4-11 năm 2001.
2. Vị chân phước thứ hai là Cha Kuriakose Elias Chavara Thánh Gia, sinh tại bang Kerala Ấn độ cách đây 209 năm (1805), thụ phong LM năm 24 tuổi (1829) và thành lập dòng và là Bề trên Tổng quyền đầu tiên của dòng Camêlô Đức Mẹ Vô nhiễm.
Trong việc điều khiển dòng, Cha Kuriakose tỏ ra có những năng khiếu đặc biệt của một nhà đào tạo đầy tinh thần đạo đức, xác tín, có linh đạo sâu xa dựa trên lòng tôn sùng Thánh Thể, kính mến Thánh Mẫu và hoàn toàn trung thành với Giáo Hội Công Giáo, cùng với tinh thần cầu nguyện và khổ chế, thực hành các phương pháp mới trong việc tông đồ.
Cha cũng cộng tác vào việc lập dòng Ba Cát Minh Nhặt Phép. Cha tận tụy phục vụ Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Siro Malabar và qua đời năm 1871 thọ 66 tuổi. Cha được phong chân phước năm 1986.
3. Vị Chân phước thứ ba là Cha Ludovico da Casoria sinh năm 1814 tức là cách đây đúng 200 năm, gia nhập dòng Anh em Hèn Mọn Phanxicô khi được 18 tuổi, và thụ phong linh mục 5 năm sau đó. Thoạt đầu cha được Bề trên giao phó nhiệm vụ dạy triết học và toán học, và 10 năm sau đó, cha hoàn toàn dấn thân phục vụ những người nghèo khổ, rốt cùng. Tình bác ái đối với tha nhân ngày càng bừng cháy trong tâm hồn cha Ludovico. Cha mời gọi các giáo dân nam nữ dòng Ba Phanxicô tham gia vào công trình bác ái này.
Sau một thời gian ngắn phục vụ tại Phi châu, Cha Ludovico trở về Italia và thành lập nhiều tổ chức ác ái. Cha qua đời tại Napoli năm 1885, thọ 71 tuổi và được Phong chân phước năm 1993.
4. Vị chân phước thứ tư là Thầy Nicola da Longobardi người Italia sinh cách đây 364 năm (1650), gia nhập dòng Anh Em Hèn Mọn thánh Phanxicô da Paola. Thầy sống trong nhiều cộng đoàn, thi hành những công tác khiêm hạ nhất: từ việc coi phòng thánh, làm vườn, phụ trách nhà bệnh, làm bếp cho đến việc khất thực và coi cổng nhà dòng. Thầy Nicola đặc biệt yêu thương những người nghèo và người bệnh. Thầy qua đời năm 1709 thọ 59 tuổi và được phong chân phước năm 1786.
5. Vị chân phước thứ 5 là nữ tu Eufrasia Thánh Tâm Chúa Giêsu người Ấn độ, sinh cách đây 137 năm (1877) cũng thuộc bang Kerala và gia nhập dòng các nữ tu Đức Mẹ Camêlô.
Chị là một nhà đại thần bí, sống kết hiệp hoàn toàn với Chúa Giêsu như với vị hôn phu, và được Chúa cho tham dự vào những đau khổ trong cuộc khổ nạn, và cả niềm vui phục sinh của Chúa, đến độ chị thông truyền một vẻ an bình, nụ cười đầy hấp lực thiêng liêng. Hầu hết những giờ rảnh rỗi, chị Eufrasia dành để chầu Mình Thánh Chúa. Các tín hữu bên ngoài thấy chị là một nữ tu luôn cầu nguyện với Kinh Mân Côi và chầu Mình Thánh, đến độ họ gọi chị là ”Nhà tạm lưu động” hay là ”Mẹ cầu nguyện”. Vì thế, rất nhiều tín hữu đã đến xin chị Eufrasia cầu nguyện cho các nhu cầu của họ.
Chị qua đời năm 1952, thọ 75 tuổi và được phong chân phước năm 2006.
6. Vị chân phước thứ 6 là Amato Ronconi, giáo dân người Italia, sinh cách đây 788 năm. Ngay từ nhỏ người đã quyết định sống Tin Mừng theo gương thánh Phanxicô, nhất là về đời sống thống hối và bác ái. Anh gia nhập dòng Ba Phanxicô, tận tụy tiếp đón người nghèo và các tín hữu hành hương, thiết lập cho họ một nhà trọ. Về sau anh lui vào đời sống thống hối và đã thực hiện 4 lần cuộc hành hương tới Đền thánh Giacôbê Tông Đồ, Santiago de Compostela bên Tây Ban Nha. Anh qua đời năm 1292 thọ 66 tuổi và được phong chân phước năm 1776.
Phong thánh
Sau lời thỉnh nguyện và giới thiệu của ĐHY Amato, ĐTC đã mời gọi mọi người dâng lên Thiên Chúa lời khẩn nguyện qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria và các thánh, với kinh cầu các thánh. Tiếp đến ĐTC đã long trọng đọc công thức phong thánh:
Để tôn vinh Chúa Ba Ngôi cực thánh, để tuyên dương đức tin Công Giáo và tăng tiến đời sống Kitô, với quyền bính của Chúa Giêsu Kitô, của các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và của Chúng Tôi, sau khi suy nghĩ chín chắn, nhiều lần khẩn cầu ơn phù trợ của Chúa và lắng nghe ý kiến của nhiều anh em chúng tôi trong hàng Giám Mục, chúng tôi tuyên bố và xác định Chân Phước Giovanni Antonio Farina, Kuriakose Elias Chavara, Ludovico Casoria, Nicola da Longobardi, Eufrasia Eluvathingal Thánh Tâm và Amato Ronconi, là Hiển Thánh, và ghi tên các vị vào sổ bộ các Thánh và qui định rằng trong toàn thể Giáo Hội, các Ngài được được tôn kính với lòng sùng mộ nơi Các Thánh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
ĐTC vừa dứt lời, cộng đoàn vỗ tay nồng nhiệt và ca đoàn cùng cộng đoàn ca bài Jubilate Deo, Hãy tung hô Chúa, hãy hát mừng Chúa.. Trong khi đó, thánh tích của 6 vị tân hiển thánh được rước lên cho ĐTC hôn kính trước khi đặt trên một giá nhỏ phía trước bàn thờ.
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Trong bài giảng sau bài Phúc Âm, ĐTC diễn giải ý nghĩa lễ Chúa Kitô và áp dụng vào trường hợp 6 vị tân hiển thánh, những người đã noi gương bác ái của Chúa Giêsu Kitô. Ngài nói:
”Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta hướng nhìn lên Chúa Giêsu là Vua Vũ Trụ. Kinh tiền tụng thật đẹp nhắc nhở chúng ta rằng Vương quốc của Chúa là ”Vương quốc sự thật và sự sống, Vương quốc thánh thiện và ân sủng, Vương quốc công lý, tình thương và hòa bình”. Các bài đọc chúng ta đã nghe tỏ cho chúng ta thấy cách thức Chúa Giêsu thực hiện vương quốc của Ngài; cách Ngài thực hiện trong diễn tiến lịch sử và Ngài yêu cầu chúng ta điều gì.
Trước tiên, cách thức Chúa Giêsu đã thực hiện Vương quốc của Ngài: Ngài thực thi nước ấy trong sự gần gũi và dịu dàng đối với chúng ta. Chúa là vị Mục Tử mà ngôn sứ Ezechiele đã nói trong bài đọc thứ I (Xc 34,11-12.15-17). Trọn đoạn văn này được dệt bằng những động từ cho thấy sự ân cần và yêu thương của vị Mục Tử đối với đoàn chiên: tìm kiếm, kiểm điểm, tập hợp từ các nơi phân tán, dẫn tới đồng cỏ, cho nghỉ ngơi, tìm kiếm con chiên bị lạc, dẫn chiên lạc trở về, băng bó vết thương, chăm sóc chiên đau yếu, chăm nom, chăn dắt. Tất cả những thái độ ấy trở thành thực tại trong Chúa Giêsu Kitô: Ngài thực sự là ”Vị Mục Tử cao cả của đoàn chiên và là người chăn dắt các linh hồn” (Xc Dt 13,20; a Pr 2,25).
Và trong tư cách là những người được kêu gọi trở thành mục tử trong Giáo Hội, chúng ta không thể xa rời mẫu gương ấy, chẳng vậy chúng ta sẽ trở thành những người chăn thuê. Về điểm này, dân Chúa có khả năng đánh hơi không thể sai lầm trong việc nhận ra các mục tử tốt lành, và phân biệt họ với những người chăn thuê.
Sau khi chiến thắng, tức là sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã tiến hành nước Ngài như thế nào? Thánh Phaolô Tông Đồ, trong thư thứ I gửi tín hữu Corintô, nói rằng: ”Điều cần thiết là Chúa hiển trị cho đến khi tất cả mọi kẻ thù bị đặt dưới chân Ngài” (15,25). Chính Chúa Cha dần dần đặt mọi sự tùng phục Chúa Con, và đồng thời chính Chúa Con đặt mọi sự tùng phục Chúa Cha. Chúa Giêsu không phải là vua theo kiểu thế gian này: đối với Ngài, cai trị không phải là truyền lệnh, nhưng là vâng phục Chúa Cha, và tùng phục Chúa Cha, để ý định yêu thương và cứu độ của Chúa Cha được hoàn thành. Vì thế có một sự hỗ tương hoàn toàn giữa Chúa Cha và Chúa Con. Vậy thời kỳ cai trị của Chúa Kitô là thời gian dài đặt mọi sự tùng phục Chúa Con và giao nạp mọi sự cho Chúa Cha. ”Kẻ thù cuối cùng bị tiêu diệt chính là sự chết” (1 Cr 15,26). Sau cùng, khi mọi sự được đặt dưới vương quyền của Chúa Giêsu, và tất cả, kể cả Chúa Giêsu, tùng phục Chúa Cha, thì Thiên Chúa sẽ là mọi sự trong tất cả” (Xc 1 Cr 15,28).
Tin Mừng cho chúng ta thấy Nước Chúa Giêsu đòi chúng ta điều gì: Tin Mừng nhắc nhở chúng ta rằng sự gần gũi và dịu dàng cũng là qui luật sống cho chúng ta, và chúng ta sẽ bị phán xét theo qui luật ấy. Đó là đại dụ ngôn về sự phán xét chung trong đoạn 25 của Tin Mừng theo thánh Mathêu. Vua nói: ”Hãy đến đây, hỡi những người được Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh nhận gia sản là Nước được chuẩn bị cho các con từ khi tạo dựng thế giới, vì Ta đói, các con đã cho Ta ăn, Ta khát các con đã cho ta uống, Ta là khách ngụ cư, các con đã đón tiếp Ta, Ta trần trụi, các con đã cho ta mặc, Ta bệnh tật và các con đã viếng thăm Ta, Ta ở trong tù, và các con đã đến gặp Ta” (25,34-36). Những người công chính sẽ hỏi: có bao giờ chúng con làm tất cả những điều ấy đâu? Và Vua đáp: ”Thực, Ta bảo thực các con: tất cả những gì các con đã làm cho một trong những người anh em bé mọn nhất của Ta đây, chính là các con làm cho Ta” (Mt 25,40).
ĐTC giải thích rằng: ”Ơn cứu độ không bắt đầu bằng sự tuyên xưng vương quyền của Chúa Kitô, nhưng từ sự noi gương các công việc từ bi qua đó Chúa thực thi Vương quốc của Ngài. Ai thực thi những công việc ấy thì chứng tỏ mình đã đón nhận Vương quyền của Chúa Giêsu, vì họ dành chỗ trong tâm hồn cho tình yêu mến Thiên Chúa. Vào cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu, về sự gần gũi và dịu dàng đối với anh chị em chúng ta. Chúng ta có được vào Nước Thiên Chúa hay không, được ở bên tả hay bên hữu Chúa, điều ấy tùy thuộc lòng bác ái của chúng ta đối với tha nhân. Chúa Giêsu, qua chiến thắng của Ngài, đã mở Nước Ngài cho chúng ta, nhưng tùy theo chúng ta có vào đó hay không, ngay từ đời này, chúng ta có trở nên người thân cận của người anh chị em hay không, người anh chị em đang xin cơm bánh, quần áo, sự đón tiếp, tình liên đới. Và nếu chúng ta thực sự yêu thương người anh chị em của chúng ta, thì chúng ta sẽ được thúc đẩy chia sẻ với họ điều quí giá nhất đối với chúng ta, đó là chính Chúa Giêsu và Tin Mừng của Chúa!
Áp dụng những điều trên đây vào các vị thánh mới, ĐTC nói:
”Ngày hôm nay, Giáo Hội đặt trước chúng ta những vị thánh mới như gương mẫu, chính qua những công việc quảng đại hiến thân cho Thiên Chúa và anh chị em, các vị đã phục vụ Nước Thiên Chúa, mỗi người trong môi trường của mình, và trở nên người thừa kế Nước Chúa. Mỗi vị Thánh đáp lại giới răn mến Chúa yêu người với tinh thần sáng tạo ngoại thường. Các vị đã tận tụy phục vụ những người rốt cùng không chút dè dặt, giúp đỡ những người túng thiếu, các bệnh nhân, người già, người lữ hành. Sự yêu thương ưu tiên mà các vị dành cho những người bé nhỏ và nghèo hèn chính là phản ánh và là mẫu mực tình yêu vô điều kiện đối với Thiên Chúa. Thực vậy, các thánh đã tìm kiếm và khám phá tình bác ái trong quan hệ mạnh mẽ và bản thân đối với Thiên Chúa, từ đó đã nảy sinh tình yêu chân thực đối với tha nhân. Vì thế, trong giờ phán xét, các vị đã nghe lời mời gọi ngọt ngào này: ”Hỡi những người được Cha Ta chúc phúc, hãy đến nhận gia sản là Vương quốc đã được chuẩn bị cho các con từ khi sáng tạo thế giới này” (Mt 25,34).
Và ĐTC kết luận rằng:
”Qua nghi thức phong thánh, một lần nữa chúng ta đã tuyên xưng mầu nhiệm Nước Thiên Chúa và tôn vinh Chúa Kitô Vua, là vị Mục Tử đầy tình thương yêu đối với đoàn chiên. Nguyện xin các thánh mới, qua tấm gương và lời chuyển cầu của các vị, làm tăng trưởng trong chúng ta niềm vui được tiến bước trong con đường Tin Mừng, quyết định đón nhận Tin Mừng như địa bàn hướng dẫn cuộc sống chúng ta. Chúng ta hãy bước theo, bắt chước niềm tin yêu của các thánh, để niềm hy vọng của chúng ta cũng được đặc tính bất diệt. Chúng ta đừng để mình bị xao nhãng vì những lợi lộc trần thế chóng qua. Xin Mẹ Maria, Nữ Vương tất cả các thánh, hướng dẫn chúng ta trong hành trình tiến về Nước Trời. Amen
Thánh lễ tiến hành như thường lệ. Đứng cạnh ĐTC trên bàn thờ có 6 HY và GM của các giáo phận xuất xứ của 6 vị thánh, đứng đầu là ĐHY Crescenzio Sepe, TGM giáo phận Napoli, 2 vị TGM Ấn độ, và các GM giáo phận Cosenza, Rimini và Vicenza.
Sau thánh lễ, ĐTC đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin. Số tín hữu tham dự tăng thêm hàng chục ngàn người. Trong dịp này ngài đã chào thăm các phái đoàn chính thức từ quốc gia, thành phố và giáo phận nguyên quán của các vị tân Hiển Thánh.
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: RV.

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...