Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Lời bố dặn con trai trước khi lấy vợ

Bố bảo lúc giận có thể cãi nhau nhưng đừng thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Cãi nhau không có nghĩa con dùng những lời lẽ xúc phạm dành cho người mà con sẽ đầu gối tay ấp cả cuộc đời. Cãi nhau có nghĩa là nói hết những gì trong lòng để hai vợ chồng hiểu, thông cảm cho nhau, xóa đi hết mỏi hiểu lầm. Bản thân con còn chẳng hiểu được con, thế nên đừng mong người khác phải hiểu khi con cứ giữ trong lòng.
Bố bảo cãi nhau với phụ nữ thì đừng có nói nhiều, chỉ cần nói vừa đủ. Độ khuếch tán âm thanh của đàn ông chẳng bao giờ bằng phụ nữ. Một người vợ chân chính sẽ đủ tinh tế để biết khi nào cần nói, lúc nào nên im lặng ngay cả trong khi nóng giận nhất.
Bố bảo nhìn vào chiếc giường là biết cuộc sống vợ chồng có hạnh phúc hay không. Dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, đừng mang chăn gối ra sofa ngủ, cũng đừng quay lưng vào người vợ của con. Hãy ôm cô ấy vào bờ vai và khuôn ngực nóng hổi của con. Tất cả sẽ qua đi, chỉ tình yêu còn lại.
Bố bảo dù ở ngoài xã hội, con có là xe ôm, hay ông lớn, ông bé, thì về nhà con vẫn là trụ cột của gia đình. Vợ con có thể là người phụ nữrất đảm đang, cô ấy có thể đóng đinh, sửa ống nước hay tháo quạt trần, nhưng con hãy làm việc đó, trừ khi con quá bận. Nó vừa thể hiện sự công bằng, vừa thểhiện sự chia sẻ vợ chồng.
Bố bảo sau khi kết hôn sẽ hơn một lần con cảm thấy hối hận, thậm chí có mối quan hệ ngoài chồng ngoài vợ. Mỗi lần như vậy con hãy nhớ rằng: Người bồ hiện tại yêu con mười phần, người vợ hiện tại cũng từng yêu con mười phần như thế. Nhưng khi bước vào hôn nhân, vai trò của phụ nữ càng trở nên phức tạp, ngoài tình yêu họ còn có cả trách nhiệm.
Vì vậy khi đã kết hôn, người ta sẽ không thể yêu con mười phần được nữa. Họ phải dành một phần trong số đó để yêu bố mẹ chồng, rồi lại một phần để yêu bố mẹ họ, còn thêm một phần nữa cho con cái. Và như thế, mười phần tình yêu khi bước qua hôn nhân chỉ còn lại bảy phần. Bằng cách này hay cách khác, 3 phần con mất đi từ người vợ sẽ được nhận lại gấp đôi từ gia đình và con cái của con.
Và một lý do nữa, người bồ sẽ chỉ đem lại cho con hạnh phúc nhất thời, còn người vợ sẽ đem lại cho con hạnh phúc bền vững. Thật tuyệt vời phải không?
Bố bảo thời kỳ mang thai là khó khăn nhất đối với phụ nữ, là bởi vì muốn có được thiên thần thì phải qua thời gian khổ cực. Chính vợ con là người đã gánh vác sự khổ cực đó để đem lại niềm vui cho cả nhà. Thế nên đừng thở dài khi thấy vợ con chẳng còn được vẻ đẹp thời thiếu nữ, hay cũng đừng tức giận khi con nằm cạnh vợ mà chẳng thể làm gì. Hãy cùng cô ấy cảm nhận niềm vui của những ông bố bà mẹ, chắc sẽ thú vị lắm.
Bố bảo chuyện mẹ chồng nàng dâu là chuyện muôn thuở, giống như bệnh tiền mãn kinh vậy. Thế nên con hãy là sợi dây kết nối họ, hai người phụ nữ yêu con nhất trên đời. Đừng để mẹ cảm thấy bà đã mất con trai, và vợ con cảm thấy chồng mình là người nhu nhược. Như thế mới là đàn ông chân chính.
Bố bảo rằng đừng tưởng người mẹ mới dạy dỗ được con. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong thời gian người mẹ mang thai thì người cha mới là người ảnh hưởng lớn nhất đến tình cảm và sự phát triển của trẻ. Con có thể không là người bố tuyệt vời nhất thế giới, nhưng hãy là người bố tuyệt vời nhất trong lòng những đứa con.
Bố bảo “Phụ nữ là để yêu, không phải để hiểu”, nhưng nếu không hiểu, thì con chẳng thế yêu. Hãy hiểu họ bằng chính trái tim mộc mạc của con.
Bố bảo “quá khứ là thứ đã qua, hiện tại mới là cuộc sống”. Nếu quá khứ của vợ con có lỗi lầm, đừng chấp nhặt, cũng đừng đay nghiến vì đồng ý lấy vợ là con đã chấp nhận tất cả những gì thuộc về cô ấy. Hãy khoan dung và độ lượng. Dù không nói ra nhưng chắc chắn cô ấy sẽ yêu con đến suốt cuộc đời, một tình yêu bao gồm cả sự biết ơn và tôn trọng.
Và cuối cùng bố bảo, cuộc sống luôn thay đổi, hãy biết trân trọng từng ngày

Lời mẹ dặn con gái trước khi đi lấy chồng

Mẹ bảo, lúc giận đừng có cãi nhau, có thể không nói gì, không giặt quần áo của chồng, nhưng không được cãi nhau với chồng.
Mẹ bảo, cãi nhau với đàn ông thì đừng có chạy ra ngoài mà oang oang khắp nơi, anh ta tiến về phía con một bước thì con hãy bước về phía anh ta hai bước.
Mẹ bảo, ngôi nhà chính là chỗ đóng quân của người phụ nữ, cho dù có xảy ra chuyện gì thì cũng đừng có bỏ đi. Bởi vì, đường trở về rất khó khăn. 
Mẹ bảo, hai người trong nhà đừng có lúc nào cũng chỉ nghĩ đến sĩ diện, hai người sống với nhau, sĩ diện quan trọng lắm sao? Nếu thế thì ra ngoài sống thế nào được?
Mẹ bảo, bất kể một người đàn ông giàu có, nhiều tiền như thế nào thì anh ta vẫn hi vọng có thể nhìn thấy con sạch sẽ thơm tho ở trong một ngôi nhà sạch sẽ tươm tất và đợi anh ta.
Mẹ bảo, đàn ông tốt rất nhiều, anh ta sẽ không bao giờ đi ôm người phụ nữ khác. Nhưng trong cái xã hội như thế này, có rất nhiều phụ nữ xấu sẽ dang tay ra ôm lấy người đàn ông của con.
Mẹ bảo, phụ nữ nhất định phải ra ngoài làm việc, cho dù là kiếm được nhiều hay ít, làm việc chính là sự thể hiện giá trị cuộc sống của bản thân. Nếu con cứ ở nhà mãi, anh ta sẽ có cơ hội nói trước mặt con rằng: “Tôi đang nuôi cô đấy.” 
Mẹ bảo, con đi làm bên ngoài, dù có bận lắm là bận thì vẫn phải làm việc nhà, nếu không thì dùng tiền của mình mà tìm một người giúp việc theo giờ. Việc trong nhà nhất định phải lo liệu tốt, con cái cũng phải nuôi dạy cho tốt.
Mẹ bảo, anh ta vì con mà làm những việc mà con không bao giờ ngờ tới, con có thể cảm động, có thể khen ngợi, nhưng nhất quyết không được châm chọc kiểu “hôm nay mặt trời mọc đằng tây rồi hay sao”, vì nếu như vậy, sau này anh ta sẽ không bao giờ làm bất cứ việc gì vì con nữa.
Mẹ bảo, chẳng có ai là một nửa của ai cả, ý nghĩ của con mà không nói ra thì ai mà biết được? Cần cảm nhận cái gì, ghét việc gì, con phải nói ra thì người ta mới hiểu được.
Mẹ bảo, bố mẹ anh ta cũng là bố mẹ con, cho dù bố mẹ anh ta đối xử với con không được tốt cho lắm, thì con cũng phải đối tốt với họ. Bởi họ là bố mẹ của anh ta.
Mẹ bảo, một khi đã quyết định sống cùng người đó rồi, thì đừng có oán thán cuộc sống khó khổ, nếu như con đã chọn anh ta, thì đừng có oán trách anh ta. 
Mẹ bảo, nhiều tiền như thế thì có tác dụng gì, anh ta đâu? Anh ta đang ở đâu?
Mẹ bảo, cả đời này chúng ta có thể tiêu hết bao nhiêu tiền? Đừng mua những đồ xa xỉ mà làm gì, sống hạnh phúc là tốt rồi.
Mẹ bảo, đừng có dọa con cái là “mẹ không cần con”, lúc cáu giận đừng có đuổi con cái ra khỏi nhà, chẳng may không thấy nó thật, con sẽ rất đau khổ.
Mẹ bảo, đừng đánh con cái, lại càng không nên lôi ra ngoài mà đánh.
Mẹ bảo, tình yêu mà cứ đánh đấm đâm giết nhau đúng là mãnh liệt thật, cũng rất lãng mạn. Nhưng không thực tế. Cứ bình thường thôi là được.
Mẹ bảo, cái gì thì cũng đều là duyên phận cả.
Mẹ bảo, cuộc sống luôn thay đổi, phải biết trân trọng từng ngày.

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Gói trọn nỗi niềm

“Con ra đời có mẹ cha là trời cao biển lớn bao la…”
Lời của một bài hát rất quen thuộc vẫn luôn vang vọng và gõ cửa lòng con mỗi khi con nghĩ về ba mẹ. Mỗi người có thể định nghĩa về ba mẹ của mình theo cách mà họ nghĩ và cảm nghiệm trong từng hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống. Với con, ba mẹ là trời, là biển, là chốn tựa nương an toàn và là quà tặng tuyệt vời nhất mà Thiên Chúa ban tặng cho con, để hôm nay con hân hoan hát lên khúc ca tri ân và cảm tạ. Tri ân Thiên Chúa đã ban cho con có ba, có mẹ và đã yêu thương chọn gọi con để nhờ được sống trong nhà Chúa để con cảm sâu hơn tình thương của ba mẹ.
Ngày bước chân đi tu con vẫn chưa cảm hết tình thương đong đầy của ba mẹ. Lúc ấy, con thật ngây ngô và khờ dại đến nỗi nghĩ rằng ba mẹ sinh ra mình thì phải có bổn phận chăm sóc, nuôi nấng và dạy dỗ mình nên dù con luôn cố gắng làm vui lòng ba mẹ bằng cách siêng năng làm việc, chăm chỉ học hành và sống ngoan thảo không chỉ là để đền đáp phần nào công ơn của ba mẹ mà còn để chứng tỏ mình là đứa con hoàn hảo trước mặt mọi người.
Ba mẹ ơi, thấm thoát mà đã chín năm con bước theo tiếng gọi tình yêu Giêsu để lại cho ba mẹ biết bao nhiêu nỗi vất vả, nhọc nhằn. Chín năm con đi tu là chín năm gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng trên đôi vai còm cỏi của ba mẹ. Là người con cả trong gia đình con chưa làm được gì để đỡ đần cho ba mẹ, chưa làm tốt bổn phận của một người con đối với ba mẹ và là người chị của các em. Ngày con đi tu, các em còn quá nhỏ, chưa đủ hiểu chuyện gì, một tay ba mẹ phải tần tảo sớm hôm, vừa lo cho các em đi học lại vừa lo cho con đi tu. Dù khó khăn thiếu thốn trăm bề nhưng chưa bao giờ con nghe ba mẹ than van, kể lể hay trách móc điều gì. Càng nghĩ con lại càng thấy thương ba mẹ nhiều hơn.
Con còn nhớ như in những buổi tối chị em con ngủ quên, ba đã nhẹ nhàng đến giăng mùng và đáp chăn cho chúng con. Những lúc đó con đã tỉnh giấc nhưng cũng cố nằm im mà nghe lòng nghẹn ngào thương ba nhiều lắm. Con cũng không sao quên được giòng nước mắt mẹ tuôn trào và vòng tay ấm áp ôm con vào lòng mỗi khi con đi về đến cổng. Mẹ đón con vào nhà và chăm sóc cho con từng li, từng tí. Tình thương bao la ấy, con xin nguyện khắc ghi trong trái tim mình. Dù ba mẹ không một lần nói ra nhưng con vẫn có thể cảm nhận được khi nhìn thấy những vết chân chim đã hằn sâu trên khóe mắt và mái tóc xanh ngày xưa nay đã lấm tấm bạc. Tất cả tình thương, sự hy sinh đó của ba mẹ cũng chỉ mong con an tâm sống đời tu và trung thành theo Chúa cho đến cùng.
Ba mẹ kính yêu của con, cám ơn ba mẹ thật nhiều bởi sự đồng hành, nâng đỡ, khuyên bảo và động viên tinh thần thật quí báu mà ba mẹ đã dành cho con. Nhất là trong những thăng trầm và thử thách của đời tu khi con cảm thấy mệt mỏi, chán chường, muốn buông xuôi bỏ cuộc. Qua những lần như thế, con nhận ra rằng chỉ có gia đình là trạm dừng bình an nhất, chỉ có tình thương của ba mẹ là hành trang tuyệt vời nhất giúp con luôn vững bước tiến lên.
Con cũng muốn mượn cơ hội này để nói lên lời xin lỗi chân  thành của con về những vụng dại, ương bướng đã nhiều lần làm cho ba mẹ phải phiền lòng và lo lắng. Xin lỗi ba mẹ vì con chưa sống đời tu ngoan hiền và thánh thiện như ba mẹ ước mong.
Hành trình phía trước của con vẫn còn đó những chông gai, sỏi đá đòi con phải mạnh mẽ, can trường hơn. Xin ba mẹ tiếp tục đồng hành cùng con và giúp con hoàn trọn hiến lễ đời mình. Con sẽ mãi mãi khắc ghi lời dặn của ba mẹ là “Đừng sợ gì cả”. Đừng sợ vì có Chúa con sẽ làm được mọi sự, đừng sợ vì có ba mẹ luôn ở bên con. Xin Thiên Chuá là người Cha hằng yêu thương và nhân ái ban cho gia đình mình luôn được bình an, mạnh khỏe và hạnh phúc. Xin thương giữ gìn ba mẹ của con trong tình yêu bao la của Ngài.
Con gái của ba mẹ
Maria Diệu Huyền

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Một Cõi Đi Về...

Một buổi chiều, tôi lang thang nơi nghĩa trang làng quê đang nghi ngút khói hương mùa tảo mộ. Rảo quanh vùng đất của “cõi chết”, nhìn những ngôi mộ trắng nhạt, chợt vọng về trong tôi giọng hát Khánh Ly: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy…” (Cát Bụi). Bài hát gợi lên một cảm giác buồn man mác. Ngồi dưới gốc cây ở nghĩa trang, nhìn những chiếc lá vàng rơi rụng tả tơi, tôi suy tư về con người và cuộc đời.

Mỗi chiếc lá chọn cho mình một cách “chia tay” khỏi nguồn của nó. Có những chiếc lá ra đi trong sự quằn quại khổ đau, dùng dằng bịn rịn như thể không muốn lìa cành; có những chiếc lá “hấp hối” loạng choạng buông mình cách nặng nề nghiêng ngã trên mặt đất. Lại có những chiếc lá ra đi cách nhẹ nhàng trong dáng điệu thướt tha buông mình theo gió. Những chiếc lá khác không bàng hoàng hối hả mà chậm rãi, thanh thản, an nhiên rơi mình trên thảm cỏ xanh như thể một bông hoa say trong giấc ngủ yên lành. Một đời lá mong manh, chóng tàn phai rụng. Mới đó, lá còn xanh tươi, mà nay đã úa vàng lìa cành.

Như một định luật vô thường, cuộc đời không khác gì chiếc lá mong manh, nay còn mai rụng. Có những người ra đi trong bấn loạn, hối tiếc, khổ đau, nặng nhọc. Có người ra đi về với cội nguồn một cách thanh thản nhẹ nhàng. Mỗi ngày qua đi, thân xác con người thay đổi, rồi đến mùa thu cuộc đời, họ trở nên héo úa tàn tạ.

Nhìn lá vàng rơi tôi nghĩ đến phận người. Con người được ném vào trần gian, loay hoay vật lộn với trần gian để tìm ý nghĩa cuộc đời. Nơi sinh sống vốn đã mang nhiều bấp bênh, chẳng an toàn vững chắc, và khi giã từ trần gian ấy, bàn tay con người chẳng nắm được gì. Con người đến trần gian với hai bàn tay trắng, trở về với cát bụi cũng chỉ là tay không. Giàu nghèo sang hèn, trí thức hay bình dân, văn minh hay lạc hậu… ai cũng phải chết. Đứng trước cái chết, mọi người đều bình đẳng. Thật bất hạnh cho những ai coi tiền bạc của cải như những chiếc “phao cứu hộ” vào lúc cuối đời. 
 
Đời con là một kiếp phù du,
Loài người Chúa dựng nên thật mỏng manh quá đỗi.
Sống làm người ai không phải chết,
Ai cứu nổi mình thoát quyền lực âm ty?
(Tv 88,48-49)
 
Đời người cũng không khác chi hành trình của cát bụi. Hạt bụi hoá kiếp thành người để mang lấy một sự sống; hoá thân để rồi lăn lóc, bám víu vào cái trần gian tạm bợ, để bị cuộc đời nhào nắn, vùi dập để được tắm mình trong dòng sông cuộc đời, và nói với đời về nỗi đau khổ của kiếp nhân sinh. Bao nhiêu năm làm kiếp con người là bấy nhiêu năm hạt bụi vươn tới hình hài tuyệt vời của chính nó. Khi hạt bụi mang lấy kiếp sống thì cũng là lúc nó đối diện với cái chấm tận của hành trình trần gian. Nó bay vút lên cao, rồi nó lặng chìm trong cái ngàn năm thiên thu. Và như thế, hạt bụi có khuynh hướng trở về với chính nó trên hành trình riêng tư của mình.

Đời người mong manh, ngắn ngũi là thế, một chuỗi rong chơi nhưng cũng là “một cõi đi về”. Trịnh Công Sơn đã nhân cách hóa hạt bụi một cách đáo đáo, từ việc hoá kiếp, vui chơi hội hoa đăng, mệt nhoài và chết đi ở một ngày theo quy luật “bất tất” của vật chất, tức hư nát và tan rã. Như thế, con người được sinh ra và lớn lên trong một xã hội, được đặt trong một thế giới để sống và hoàn tất cuộc hiện sinh của mình, trong cuộc hiện sinh ấy luôn có mọi người đồng hành. “Một cõi đi về” là một triết lý nhân sinh, mời gọi con người lần theo dấu vết của đời mình, điểm lại những thăng trầm trên đoạn đường đã đi qua, và chiêm niệm về cõi đi về ấy.

Một trăm năm, một kiếp người có là mấy! “Chợt một chiều tóc trắng như vôi”, người đời cho thế là hết, với những kẻ tin vào Thiên Chúa thì khác, họ xác tín rằng, nhờ Thiên Chúa, hạt bụi sẽ thành thiên thu vĩnh cửu. Cái ngày chấm tận của đời mình ai cũng phải trãi qua, để có được sự ra đi trong nhẹ nhàng và đong đầy niềm hy vọng, ta hãy định nghĩa cuộc đời mình bằng sự “hiện hữu”, đừng bao giờ là sự “sở hữu”. Vẫn biết mình tự thân chỉ là cát bụi, nhưng là “cát bụi tuyệt vời”. Hạt bụi ấy vốn mang theo cái mong manh giới hạn, nhưng nó vẫn tuyệt vời. Nó tuyệt vời ngay khi trở về với chính nó trong một chiều “lá úa trên cao rụng đầy”, chứ không phải chỉ tuyệt vời khi “vươn hình hài lớn dậy” mà thôi. Thấu cảm được ý nghĩa về cuộc đời thì ta mới nhẹ nhàng, thanh thản ra đi mà không vướng bận, không ưu phiền.

Jos. Sỹ Thảo, OP.

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Chút Tâm Tư Gửi Người Trẻ !

[IMG]


Các bạn trẻ thân mến!

" Tôi muốn gửi đến các bạn một tâm tình đơn sơ và nhỏ bé, xuất phát từ trái tim của tôi. Những gì đến từ con tim thì bao giờ cũng chân thành và chứa chan tình cảm. Tôi muốn nói với các bạn về một món quà mà các bạn – chỉ duy các bạn thôi – đang được thụ hưởng cách tròn đầy và viên mãn nhất. Món quà ấy chỉ được ban cho mỗi con người một lần trong đời, trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi, nhưng lại quyết định tất cả cho tương lai và cho cuộc sống của người ấy mãi đến về sau. Khi thời gian qua đi, khi những giăng mắc của cuộc đời kéo đến, nếu các bạn chợt nhận ra bấy lâu nay mình đã không biết tận dụng tất cả những cơ hội cho thỏa đáng, thì các bạn đã thật sự uổng phí nguồn năng lượng vô giá mà món quà kia mạng lại rồi: một sự nuối tiếc sẽ trồi lên, một cảm giác hối hận sẽ tràn đến… Tất cả chỉ còn là những bứt rứt ngập ứ con tim.

Các bạn đang sở hữu trong tay mình cái mà người ta vẫn gọi là TUỔI TRẺ. Một từ “trẻ” không thôi cũng đủ để khơi gợi lên những gì là năng động và tràn trề sức sống nhất. Ở lứa tuổi này, các bạn không còn là những đứa bé vô tư cười đùa ca hát, buồn thì oa oa khóc, đói thì đòi mẹ cho ăn. Sự ngây thơ và trong sáng của trẻ con là điều ai trong chúng ta cũng ao ước, nhưng dòng đời cay đắng chẳng bao giờ cho ta thỏa đáp niềm ao ước này. Ngày qua ngày tới, ta phải lớn lên. Chiếc áo nhỏ nhắn ngày xưa giờ đây không còn vừa vặn nữa. Món cháo hay viên kẹo ngọt ngày xưa không còn thích hợp nữa. Những đồ chơi chất chứa bao kỷ niệm cùng đành phải xếp vào ngăn nhỏ của ký ức xa xưa. Giờ đây, các bạn đã lớn lên rồi, lớn về thể lý lẫn tâm hồn và cảm xúc. Các bạn đang đứng trước ngưỡng cửa của cuộc đời. Các bạn đang chuẩn bị tham gia lộ trình giao thông của một chạy đua đi tìm hạnh phúc. Các bạn đang đứng ở đoạn đường cuối của tuổi thơ, phía bên kia là bắt đầu của một giai đoạn mới. Các bạn đã và đang làm gì để thực hiện một bước nhảy định mệnh cho cuộc đời mình chưa?

Hẳn là các bạn cũng có chút cảm nghiệm nào đó về sự sôi sục mà tuổi trẻ mang đến. Các bạn thấy mình không còn nhỏ nữa, thấy mình đã lớn lên, thấy nhãn quan của mình về cuộc sống được mở rộng, thấy mọi thứ chung quanh là cả một thế giới rộng lớn chứa đầy bao bí ẩn đang chờ mình khai mở, đúng không? Các bạn muốn chinh phục, muốn khẳng định mình, muốn thực thi nhiều dự án. Sự tò mò sẽ lôi cuốn và đưa đẩy các bạn đến chỗ muốn khám phá nhiều điều. Những trải nghiệm đầu đời đóng vai trò như những bước đệm giúp các bạn vừa thêm yêu cái “tuổi trẻ” này, vừa biết thêm về những hương vị mà bàn tiệc cuộc sống bày biện ra trước mắt. Sự rung động của con tim – cái mà đôi khi được gọi là tình yêu – cũng là một trải nghiệm mới mẻ mà các bạn thụ hưởng. Cảm giác yêu ai và được ai yêu, bao giờ cũng đong đầy tâm hồn và khối óc ta những mật ngọt thơm ngon và cảm giác êm đềm ấm áp nhất.

Có rất nhiều bạn trẻ đã tận dụng rất tốt thời gian này để trau dồi bản thân, tích lũy kiến thức, khuôn đúc đức hạnh làm hành trang cho mình khi chính thức vào đời. Những đêm khuya thức trắng vì bài vở chưa xong. Những bữa cơm đạm bạc vì phải dành tiền đóng học phí. Những mệt mỏi vì phải đạp chiếc xe cũ kỹ đến trường… Tất cả những khó khăn đó dường như không đủ để đánh bật ý chí kiên cường của người trẻ. Vất vả là thế, họ vẫn hăng hái tham gia các hoạt động nhân văn hữu ích. Họ chia sẻ những gì họ có cho những ai khốn khó hơn. Họ giúp đỡ những bạn bè cùng chung cảnh ngộ. Họ hy sinh những cuối tuần hay mùa hè nghỉ ngơi để đến những vùng xa xôi, kết thân với bao mảnh đời khổ ải, mang đến cho họ tiếng cười và niềm vui. Họ trải nghiệm tình yêu của mình cách chân thành và trong sáng. Khi đã yêu, họ yêu cách trọn vẹn rồi cố gắng đắp xây tình yêu ấy đi đến sự thành toàn… Với những điều tuyệt vời như vậy, họ làm cho sự hiện hữu của mình trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Họ không những giúp hoàn thiện chính mình mà còn làm cho cuộc sống của mọi người chung quanh được tràn trề hương hoa hạnh phúc.

Nhưng tiếc thay, cũng có rất nhiều bạn trẻ đã đánh mất cuộc đời mình chỉ vì những phút bốc đồng nông nỗi, những lúc ham chơi, chẳng chịu phấn đấu. Chẳng phải vất vả dãi nắng dầm sương, trái lại còn được bố mẹ trang bị cho mọi thứ đầy đủ, ấy vậy mà suốt ngày họ cứ lêu lổng chốn ăn chơi này, chỗ đồi trụy nọ để buông thả bản thân, chiều theo những lời gọi mời đầy quyến rũ. Học hành không lo, nhân đức không luyện. Họ chẳng có gì trong đầu, mà cứ luôn nghĩ mình là người giỏi nhất. Họ chẳng có gì trong tay, mà cứ luôn cho mình là người giàu nhất. Họ tự hào cách ngông cuồng rằng mình vừa tham gia vào một trận ẩu đả. Họ hạnh phúc vì mình chẳng cần học mà cũng được điểm cao. Họ hăng say trong những chuyện dối trá. Họ vui mừng vì thấy mình giống những anh hùng “bất cần đời” mà họ thấy trên phim. Rồi họ cũng yêu, nhưng tình yêu của họ hệt như một con nước, nhạt nhẽo và chẳng đi tới đâu. Trái tim của họ có thể yêu đến năm bảy người. Các bạn nam thì trổ tài chinh phục. Càng chinh phục nhiều người đẹp thì càng tự hào về chính bản thân. Các bạn nữ thì dễ tin người, buông thả bản thân, để rồi sẵn sàng giết chết chính đứa con đang dần dần thành hình trong bụng mình không thương tiếc… Không hoài bão, không dự tính, chẳng tầm nhìn. Họ vô ơn với cha mẹ, phụ nghĩa với thầy cô, bất tín với bè bạn. Họ tưởng rằng mình đang hạnh phúc, nhưng họ đâu ngờ rằng với lối sống như vậy, họ đang hăng hái tự đào cho mình một hố huyệt sâu, chôn sống chính bản thân mình vào nơi ấy!

Các bạn trẻ thân mến,

Chúng ta chỉ được Tạo Hóa ban cho một cuộc đời tại thế này để làm người thôi. Mất đi rồi, sẽ chẳng bao giờ có lại được nó. Đã đành môi trường chung quanh vốn đầy dẫy những cám dỗ, khiến ta có thể bị sa ngã. Nhưng khi phát hiện, ta hãy dừng lại ngay để làm lại cuộc đời. Nguồn sức lực dồi dào của tuổi trẻ đang nằm trong tay các bạn, đừng lãng phí nó, đừng đánh mất nó, đừng lạm dụng nó, nhưng hãy biết tận dụng nó để xây đắp cuộc sống cho chính mình. Được gì đâu khi ta cứ lao đầu vào những cuộc tìm kiếm hư danh mờ ảo? Chuyện học hành và trau dồi đạo đức quan trọng đấy, sao các bạn không biết đầu tư thật nghiêm túc vào? Sự hiện hữu của các bạn không chỉ dành riêng cho một mình các bạn đâu. Nếu các bạn sống có ích, các bạn sẽ mang lại niềm vinh hạnh cho cả gia đình, bạn bè và người thân của mình nữa. Còn ngược lại, các bạn không những đánh mất mình mà còn gây ra đau đớn cho những người khác – một tên tội đồ!

Tương lai của thế giới chúng ta, Giáo Hội chúng ta, đất nước chúng ta, xã hội chúng ta, gia đình chúng ta đang nằm trong tay của các bạn. Tôi muốn kết thúc những tâm tình của tôi bằng một lời nhắn nhủ như thế. Hãy là một người trẻ năng động, hăng say, nhiệt thành, phục vụ những giá trị chân, thiện, mỹ, vì chính các bạn, và vì chính những người các bạn yêu thương, những người đang mong chờ các bạn “làm được điều cao cả”, cũng như vì tất cả mọi người, các bạn nhé!”


Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Làm và dạy (Facere et Docere)

Khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su Ki-tô truyền: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 19-20). Có một điểm rất đáng lưu ý là Người nhấn mạnh đến vấn đề “làm” trước (“làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ”), sau đó mới “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”. Có lẽ cũng vì thế nên trong Giáo Hội mới phổ biến câu “facere et docere” (hãy “làm và dạy”) để nhắc nhở những giảng viên, giáo lý viên và nói chung là toàn thể Giáo Hội (giáo sĩ + giáo dân): Khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng hãy “làm” (thực hành) trước, “dạy” (rao giảng) sau.
Nói đến vấn đề giảng huấn thì điều kiện tiên quyết vẫn luôn luôn và mãi mãi phải là học hỏi. Học nơi trường lớp (học thầy), học nơi tha nhân (“học thầy không tày học bạn“ – tục ngữ VN), học trong sách vở, trong cuộc sống… để tự đào tạo mình trước. Sau đó đem những kiến thức học hỏi, thu thập được áp dụng vào đời sống bản thân bằng cách thực hành (biến lý thuyết thành hành động) rút đúc kinh nghiệm. Có như thế thì việc huấn luyện, truyền thụ cho người khác mới đạt hiệu quả cao. Không cứ phải đứng trên bục giảng mới là giảng viên, giáo lý viên truyền đạt Lời Chúa, rao giảng Tin Mừng; nhiều khi chính đời sống chứng nhân lại là cách truyền bá đức tin, truyền giáo hiệu quả nhất. Thật vậy, “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (Thông điệp Loan báo Tin Mừng “Evangelii Nuntiandi”, số 41).
Không những thế, khi chịu phép Thánh Tẩy, người Ki-tô hữu còn được trực tiếp “tham gia vào trách vụ rao giảng của Đức Ki-tô là “Đấng lấy cả cuộc sông mình cũng như lấy sức mạnh của lời nói để tuyên bố vương quốc Chúa Cha”, sự tham gianày làm cho người giáo dân có đủ năng-cách và dấn thân để nhận lãnh Phúc Âm trong Đức Tin, để rao giảng bằng lời nói và hành động, và để tố cáo một cách bạo dạn không do dự những gì là điều ác. Người tín hữu giáo dân hợp nhất với Đức Ki-tô “vị Đại Tiên Tri” (Lk. 7.16) và được đặt làm “chứng nhân” của Đức Ki-tô Phục Sinh trong Chúa Thánh Thần, họ trở thành những người tham dự vào ý thức Đức Tin siêu nhiên của Giáo Hội “không thể sai lầm trong Đức Tin” cũng như tham gia vào ân sủng của lời nói (Acts. 2:17-18, Ap. 19:10). Hơn nữa, họ được gọi để chiếu sáng sự mới lạ và sức mạnh của Phúc Âm trong đời sống thường ngày, trong đời sống gia đình và xã hội của họ, cũng như để diễn tả niềm hy vọng vinh quang “ngay cả trong những cơ cấu của cuộc sống trần thế” (L.G. 35) với một tâm hồn nhẫn nại và can đảm giữa những khó khăn của thời hiện đại.” (Tông huấn “Christi Fideles Laici”, số 14).
Muốn được là thầy dạy, thì hãy làm học trò trước đã. Nói cách khác, hãy đến với Thầy Chí Thánh, học nơi Thầy, bởi chính Thầy là Lời Thiên Chúa, là Ngôi Lời nhập thể. Thầy vẫn hằng nhắc nhở các môn đệ: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.” (Mt 23, 8); “Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa.” (Ga 13, 13). Hãy học Thầy, làm theo Thầy, nhiên hậu mới truyền đạt cho anh em, cũng bởi vì“Đây là công tác tuyệt vời và bận rộn đang chờ đón mọi tín hữu giáo dân, những người Ki-tô hữu không nghỉ ngơi: luôn ý thức hơn nữa những kho tàng phong phú của Đức Tin và bí tích Rửa Tội và sống những ơn huệ đó một cách hoàn hảo, như Thánh Phê-rô Tông Đồ, khi nói về sự sinh ra và lớn lên như là hai giai đoạn của đời sống Ki-tô hữu, đã khuyên bảo chúng ta: “Anh em hãy giông như những trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát Lời Chúa, như một giòng sữa trinh trong làm cho anh em được lớn lên để đi đến sự cứu độ (1Pr. 2.2).” (T/H Ki-tô hữu Giáo dân “Christi Fideles Laici”, số 58).
Học nơi Thầy Chí Thánh thì cách tốt nhất là làm sao để được “ở lại trong Thầy”. Mà muốn được như vậy, thì cần phải làm theo Lời Thầy dạy: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.” (Ga 15, 9-10). Các điều răn của Thầy thì nhiều lắm, nhưng chung quy chỉ có một “điều răn trọng nhất”: Mến Chúa yêu người. Nói cách cụ thể thì đó là điều răn yêu thương: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12). Muốn yêu thương nhau như Thầy yêu thương mình thì phải tìm hiểu cho thật thấu đáo xem Thầy đã yêu thương mình như thế nào? Mấu chốt vấn đề chính ở điểm này, bởi khi tìm hiểu thật kỹ tình yêu Thầy đã dành cho loài người, sẽ thấy Thầy không chỉ yêu thương loài người như yêu chính bản thân Thầy, mà còn “yêu thương đến độ hy sinh cả tính mạng cho người mình yêu” (Ga 15, 13). Rõ ràng Đức Ki-tô không chỉ khuyên bảo hãy yêu thương nhau một cách chung chung, mà Người còn lấy chính bản thân Người làm tấm gương để các môn đệ nhận thức được Tình Yêu Thiên Chúa cao cả đến mức độ nào.
Với bản tính con người mà muốn yêu thương tha nhân như yêu thương chính mình (“ái nhân như ái thân”) đã thấy khó khăn, chớ đừng nói là yêu thương người khác hơn cả yêu thương bản thân. Thậm chí yêu thương đồng loại đến mức hy sinh cả tính mạng mình thì đúng là thiên nan vạn nan. Nói đến yêu thương thì không thể không nghĩ tới 2 hạng người: Có rất nhiều người yêu thương đồng loại bằng tất cả con người của mình trong hoạt động và cuộc sống (điển hình như các vị đã được “đóng ấn trên trán” trong bài đọc 1 Lễ Các Thánh hôm nay – Kh 7, 2-4), nhưng cũng không thiếu cảnh yêu thương trên môi miệng (“Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm”. – 1Ga 3, 18; “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.” – Mt 23, 2-3).
Và vì thế, muốn “yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” thì điều kiện cần có và đủ phải là sống và làm được như Thầy Chí Thánh trong sứ vụ của Người. Khó thật đấy, nhưng không phải là không làm được nếu có đầy đủ ý chí và quyết tâm, vì “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông” (Nguyễn Bá Học). Có ý chí, có quyết tâm, đồng thời phải biết cậy nhờ Thần Khí Chúa soi sáng và gia tăng lòng can đảm để làm được như Thầy. Hãy nhìn vào gương sống và hoạt động của các thánh (nói chung) và nhất là các thánh Tử vì Đạo, rồi tự đặt câu hỏi: “Các ngài cũng người trần mắt thịt như mọi người trên thế gian này, vậy mà tại sao các ngài lại gặt hái được vinh quang tột đỉnh như thế?” Hỏi tức là trả lời rồi vậy, bởi vì hơn ai hết, các ngài đã thấu triệt được vấn đề “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta” (Rm 5, 6-8; Ep 5, 2); “Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3, 16); “Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4, 11); “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4, 19).
Nhìn vào gương các thánh Tử vì Đạo sẽ rút ra được bài học: Muốn rao giảng tốt thì phải biết dạy tốt, muốn dạy tốt thì phải biết học và làm tốt. Mà nói đến làm và dạy cũng chính là nói đến công việc đào tạo, huấn luyện. Vấn đề này đã được Thánh GH Gioan-Phaolô II phân tích rất tỉ mỉ trong Tông huấn Ki-tô hữu Giáo dân “Christi Fideles Laici”, và ngài đã chốt lại ở Chương cuối (Ch. V): “Trong công trình đào tạo, một vài điều xác tín đặc biệt được xem là cần thiết và hữu ích. Trước hết cần xác tín rằng không thể có việc đào tạo thật sự và hữu hiệu nếu mỗi người không tự đảm trách và khai triển trách nhiệm đào tạo chính mình. Vì tất cả các công trình đào tạo thiết yêú phải là “tự đào tạo lầý mình”. Sau đó, xác tín rằng mỗi người trong chúng ta là kết qủa và là nguyên tắc của việc đào tạo: Chúng ta càng được đào tạo hoàn hảo bao nhiêu, thì chúng ta lại càng có khả năng đào tạo kẻ khác bấy nhiêu.” (Tông huấn “Christi Fideles Laici”, số 63).
Như vậy thì châm ngôn sống của mọi Ki-tô hữu phải là: hãy “Làm và Dạy”. Một cách cụ thể là hãy tự đào tạo chính mình (làm trước, thực hành trước những điều mình đã học hỏi, thâu lượm được), nhiên hậu sẽ truyền đạt cho người khác. Vâng, “Hãy sống một cuộc sống mãnh liệt, dựa trên tình yêu đối với Chúa Giê-su và chú ý tới nhu cầu của những người bị thiệt thòi nhất. Nơi nào có niềm vui, nhiệt tình, ước mong đem Đức Ki-tô đến cho những người khác, nơi đó có ơn gọi chân chính. Trong số này chúng ta đừng quên ơn gọi giáo dân truyền giáo. Hiện nay ý ‎thức về căn tính và sứ vụ của tín hữu giáo dân trong Hội Thánh càng ngày càng gia tăng, cũng như việc nhìn nhận rằng họ được mời gọi để đóng một vai trò càng ngày càng quan trọng trong việc quảng bá Tin Mừng. Vì lý do đó, điều quan trọng là họ được đào luyện cách đầy đủ, nhắm đến một hoạt động tông đồ có hiệu quả.” (Sứ Điệp Ngày Khánh Nhật Thế Giới Truyền Giáo 2014, số 4).
Tóm lại, tất cả mọi Ki-tô hữu kể từ khi được đón nhận phép Thánh Tẩy thì đã được tham dự vào 3 chức vụ của Thầy Chí Thánh (Tư tế, Ngôn sứ, Vương giả). Với 3 chức vụ ấy, mỗi Ki-tô hữu đều có nhiệm vụ “Phúc Âm hoá” đời sống bản thân, gia đình và xã hội. Một cách cụ thể là làm chứng nhân sống cho Đức Ki-tô Phục Sinh, đem Tin Mừng Cứu Độ đến cho mọi người. Để sống xứng đáng với phẩm giá cao quí ấy, không gì bằng thực hiện chính bản tính Thiên Chúa mà Người đã chia sẻ cho tất cả và cho từng mỗi Ki-tô hữu được thông phần (“Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, là cho anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa” – 2Pr 1,4). Mà điều cốt yếu trong bản tính Thiên Chúa chính là tình yêu: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4, 8.16). Sống yêu thương – yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân – là sống xứng đáng với phẩm giá của con người bằng cách thể hiện cụ thể mình chính là hình ảnh và là con cái Thiên Chúa. Đó cũng chính là điều mà con người cần thiết phải làm để được cứu rỗi.
Trong diễn văn bế mạc Đại hội chung ngoại thường lần thứ 3 của Thượng Hội Đồng Giám Mục, ĐTC Phan-xị-cô phát biểu: “Tôi đã cảm thấy rằng thiện ích của Giáo Hội, của các gia đình và quy luật tối hậu là phần rỗi các linh hồn (Xc GL 1752) được đặt trước mắt mình. Và điều này – như chúng ta đã nói ở Hội trường này – không bao giờ đặt lại vấn đề các chân lý nền tảng của bí tích Hôn phối là tính chất bất khả phân ly, một vợ một chồng, chung thủy, sinh sản con cái hay là cởi mở đối với sự sống (Xc GL 1055, 1056 và GS 48). ”Giáo Hội là như thế, là vườn nho của Chúa, là Mẹ đông đảo con cái và là Thày dạy ân cần, không sợ phải xắn tay áo lên để đổ dầu và rượu vào vết thương của con người (xc Lc 10, 25-37)”.
Chỉ một câu văn ngắn gọn (”Giáo Hội là như thế, là vườn nho của Chúa, là Mẹ đông đảo con cái và là Thày dạy ân cần, không sợ phải xắn tay áo lên để đổ dầu và rượu vào vết thương của con người.”), ĐTC đã nhấn mạnh đến “Điều răn quan trọng nhất” (Lc 10, 25-28) và vai trò “Thầy Dạy” của Giáo Hội “không sợ phải xắn tay áo lên để đổ dầu và rượu vào vết thương của con người” (dụ ngôn “Người Sa-ma-ri tốt lành” – Lc 10, 29-37). Là Thầy dạy mà lại sẵn sàng “xắn tay áo lên”, thì đó chẳng phải là LÀM VÀ DẠY (“FACERE ET DOCERE”) đó sao? Để “Làm và Dạy” đạt hiệu quả tối ưu, người Ki-tô hữu hãy hiệp ý với ĐTC: “Xin Chúa tháp tùng, hướng dẫn chúng ta trong hành trình này để làm vinh danh Chúa nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse! Xin anh chị em vui lòng cầu nguyện cho tôi!” (Diễn văn -nt-).
Ôi! Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết nhận ra gương mặt của Chúa nơi tha nhân, để chúng con yêu thương họ như Chúa đã yêu thương chúng con. Cúi xin Chúa thương ban Thần Khí cho con, để con biết sống và làm trước những điều con đã học được nơi Chúa cũng như nơi anh em của con, nhiên hậu con mới đem tất cả kiến thức và kinh nghịêm tích luỹ được mà chia sẻ cho anh em, bây giờ và mãi mãi. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Vui sống

Trong cuộc sống bạn và tôi đang đi tìm hạnh phúc cho chính mình và cho người khác. Bạn khởi sự cho cuộc hành trình của mình từ chỗ nào nhỉ? Còn tôi, tôi bắt đầu đi tìm hạnh phúc từ ngay chỗ đứng của mình. Chỗ đứng ấy thật ra rất quen thuộc với mỗi người chúng ta.
Tôi bắt đầu xóa khỏi tâm trí của tôi ngày hôm qua và ngày mai, chỉ còn lại ngày hôm nay và ngay trong giây phút này đây. Điều này giúp tôi những gì? Nhiều lắm bạn ạ! Vì ngày hôm qua chỉ là quá khứ, nếu tôi cứ đứng ở vị trí ngày hôm qua mà tiếc nuối, buồn chán, than thân trách phận thì chẳng phải là tôi đã lùi lại đằng sau quá xa ư? Tôi đứng đó để làm gì, tôi không quan tâm đến điều đó là tôi đã vượt qua chính mình, vượt qua những tư tưởng thiên lệch, bi quan để vươn tới nguồn ánh sáng chân thật của hiện tại là ngày hôm nay. Còn ngày mai là việc của tương lai. Kết quả của tương lai lại được bắt nguồn từ ngày hôm nay. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu chẳng khuyến khích chúng ta sống giây phút hiện tại hay sao? Giây phút hiện tại là “thi hành ý muốn của Cha” (Ga 4,34). Chỉ có giây phút này, tôi mới “làm cho nó tràn đầy tình yêu”, về điều này, Đức Phaolo VI cũng có nói: “Không nhìn lại đằng sau nữa, nhưng con vui vẻ làm việc bổn phận trong lúc này đây như là ý Chúa, một cách đơn sơ, khiêm tốn và mạnh mẽ. Làm nhanh, làm tất cả, làm tốt. Làm một cách vui tươi: Điều mà Chúa muốn con trong lúc này đây, cả khi nó vượt quá sức lực của con và cả khi nó đòi hỏi mạng sốngcủa con đi nữa. Sau cùng, trong giờ phút này”[1].
Thật vậy, chỉ có giây phút hiện tại mới làm cho cuộc sống của bạn và tôi có ý nghĩa. Vì thế, còn chần chừ gì nữa, chúng ta bắt đầu ngay, dành hết tâm huyết của mình vào từng phút một để biến ngày hôm nay thành một ngày đặc biệt trong đời. Không ngừng nở nụ cười yêu thương, bác ái, cảm thông với người đang sống chung quanh mình. Dành thời gian để vui sống, chia sẻ và quan tâm đến mọi người,… và cùng nhau tha thứ tất cả cho những người đang làm cho mình đau khổ. Chúa cũng đang mời gọi bạn và tôi “hãy yêu kể thù và cầu nguyện cho k ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,44-45a).Bạn và tôi, chúng ta cứ yêu đi và làm cho từng giây phút ngày sống của chúng ta đầy tràn tình yêu. Cứ yêu và phó thác “như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui” (Tư 130, 2b). Một sự hoan lạc an vui tự đáy lòng, nơi “mối mọt không làm hư nát, nơi kể trộm không thkhoét vách lấy đi được (Mt 6,20). Vì “nơi đây ân huệ Chúa ban, chính là sự sống chứa chan muôn đời” (Tv 133,3b).
Bạn và tôi, chúng ta cùng cười lên, cùng vui lên nào, cùng cầm lấy khí giới của sự sáng mà lên đường. Sống vui, sống thật và sống tốt giây phút hiện tại. Điều này không mới mẻ gì, nhưng cần chúng ta thật kiên trì và khiêm tốn thi hành là chúng ta có thể chiếm trọn niềm hạnh phúc không những cho riêng mình mà còn được dàn trải trên những người đang sống chung quanh chúng ta.
Sr. Têrêsa Xuân Mai

[1] Chứng nhân hy vọng, ĐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, trang 83.

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Đức Maria – Mẹ của chúng ta

Ngày kia, thánh Gioan Bosco rao giảng về vinh quang của Đức Mẹ Maria tại nhà thờ chính tòa Tôrinô. Đang giảng, ngài bỗng dừng lại thinh lặng một hồi lâu rồi đặt câu hỏi với bổn đạo: “Ai trong anh chị em có thể nói cho tôi biết Đức Mẹ là ai?”
Có người thưa ngay: “Thưa Cha, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa”. Thánh Gioan Bosco gật đầu, nói tiếp: “Đúng thế, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng nói thế vẫn chưa đủ. Tôi muốn anh chị em kể hết những tước hiệu của Đức Mẹ Maria.”
Liền sau đó, bổn đạo thi nhau kể ra tất cả những tất cả những tước hiệu của Đức Mẹ: Đức Mẹ là cửa Thiên Đàng, Đức Mẹ là Đấng an ủi những kẻ có tội, Đức Mẹ là Đấng phù trợ các tín hữu, Đức Mẹ là Đấng cứu chữa kẻ bệnh tật, v.v… Sau khi nghe kể hết những tước hiệu mà người ta dâng kính lên Đức Mẹ Maria, thánh Gioan Bosco mỉm cười nói tiếp: “Đức Mẹ Maria có tất cả những tước hiệu mà anh chị em vừa kể ra, nhưng vẫn chưa hết. Tôi muốn anh chị em nói thêm về Đức Maria.”
Chờ mãi vẫn không thấy có câu trả lời nào, thánh nhân liền nói: “Tôi xin được nói với anh chị em về Đức Mẹ Maria là ai: Ngài là Mẹ chúng ta. Phải, Đức Maria là Mẹ chúng ta. Đó là điều đáng nói nhất về Mẹ Maria. Trên trần gian này, không ai có thể gần gũi thiết thân với chúng ta cho bằng mẹ chúng ta, không ai yêu thương chúng ta hơn mẹ chúng ta. Cũng thế, trên Thiên Đàng, không có vị thánh nào yêu thương chúng ta và sẵn sàng lắng nghe chúng ta cho bằng Đức Mẹ Maria là Mẹ chúng ta.[[1]]
Đức Maria là Mẹ của tôi.  Đó là lời của linh mục Macero Palazuelos nói với vị chỉ huy nghịch đạo khi cha bị bắt dẫn đi đến trại giam.
Khi đang bị dẫn đi giữa đường, cha xin được phép ghé thăm Mẹ mình một chút. Viên chỉ huy nghịch đạo tưởng thật, liền cho phép. Nhưng khi thấy cha Macero Palazuelos xăm xăm đi vào một Đền Thờ Đức Mẹ gần đó, ông chận ngài lại, sừng sộ hỏi: “Ngươi xin đi thăm mẹ ngươi, sao ngươi lại đi vào Nhà Thờ nầy làm chi?”
Và khi nghe cha Macero Palazuelos trả lời một cách thản nhiên: “Ông không biết Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của tôi sao?”, viên chỉ huy nghịch đạo tức đến điên người, bắn cha chết ngay tại chỗ không chút xót thương, và Giáo Hội Tây Ban Nha có thêm một vị linh mục tử đạo – tử đạo vì Mẹ của Chúa, vì Mẹ của mình – trong thế kỷ thứ hai mươi nầy.[[2]]
Qua hai câu chuyện trên, chúng ta thấy các thánh yêu mến và thân thiết với Đức Maria trong tâm tình của người con thảo với Mẹ hiền. Nhưng Đức Maria là Mẹ chúng ta không phải chỉ là cảm hứng và tâm tình của các thánh, nhưng là ý muốn của Thiên Chúa. Đây là một hồng ân cao quí chính Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng ta :
-  Thưa Bà, đây là con Bà. (Ga 19,26)
-  Đây là Mẹ của anh. (Ga 19,27)
Như vậy, chính các thánh đã tin vào Lời Chúa và niềm tin đã hướng dẫn các vị luôn cảm nhận được sự hiện diện, chở che, giúp đỡ của Mẹ Maria trong đời sống cá nhân cũng như trong sứ vụ phục vụ Giáo hội và các linh hồn. Phải chăng, nhờ xác tín vào Lời Chúa mà Cha thánh Đa Minh đã được ơn thị kiến đức tin nhìn thấy con cái mình trong áo choàng của Đức Mẹ ?
Vâng, là Mẹ của chúng ta, Đức Maria luôn lắng nghe, can thiệp và « làm phép lạ » trong đời sống của các tín hữu. Tiểu sử của các thánh như Cha thánh Đa Minh, thánh Gia Thịnh đã cho chúng ta thấy rõ điều đó. Những văn kiện của các Đức Giáo Hoàng đều hướng dẫn chúng ta đặt niềm hy vọng nơi Đức Mẹ. Đức thánh GH. Gioan Phaolô II đã chọn khẩu hiệu : Totus tuus – Tất cả cho Mẹ. Ngài cũng được tôn phong là vị Giáo Hoàng Kinh Mân Côi.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã phổ biến một lời nguyện với “Đức Mẹ Gỡ Nút” vào tháng 11.2013. Chân dung Mẹ gần đây mới trở nên nổi tiếng, nhưng gốc tích câu chuyện đã có từ hơn 300 năm trước đây. Vào tháng 9 năm 1615, khi Wolfgang Langemantel, một chàng quí tộc người Đức, và  Sophie vợ của anh đang gặp những bế tắc nghiêm trọng trong hôn nhân. Với nhiều nỗ lực tháo gỡ nhưng vẫn thất bại. Cuối cùng trước khi ra tòa li dị, Wolfgang đã tìm đến tham vấn với Cha Jarkob Rem, một linh mục dòng Tên, người chuyên giúp cầu nguyện với Đức Maria. Cha Rem đã khuyên Wolfgang tỏ bày với Đức Mẹ tất cả những bế tắc trong gia đình của anh. Hai người đã cầu nguyện với nhau 4 lần trong 28 ngày. Lần gặp cuối cùng, Wolfgang đã đưa cho cha Rem dây ri-băng ngày lễ cưới của anh (theo phong tục thời đó, trong lễ cưới, một sợi ri- băng buộc cô dâu và chàng rể lại với nhau như biểu tưởng sự hiệp nhất của một cặp vợ chồng). Trong khi họ cầu nguyện, Cha Rem cầm dây ri-băng dâng lên bức ảnh Đức Mẹ Tuyết, cha trao cho Mẹ “dây buộc hôn nhân” đó và xin Mẹ “tháo gỡ tất cả các nút thắt” trong mối tương quan của dòng họ Langenmantels. Sau đó khi cha vuốt sợi ri-băng, nó trở nên trắng như tuyết. Wolfgang trở về với niềm hy vọng mới. Anh được ơn biến đổi đời sống và hôn nhân của anh với Sophie được chữa lành.
Theo thời gian, câu chuyện hôn nhân được Đức Mẹ cứu thoát đó đã được truyền lại cho con cháu. Vào khoảng năm 1700, Cha Hieronymus Langenmantel, người cháu đích tôn, đã đặt vẽ một bức tranh về tích chuyện ông bà nội của Cha. Họa sĩ  đã nảy ra hình ảnh diễn tả Đức Mẹ đang tháo gỡ các nút trong ri-băng hôn nhân của ông bà Sophie và Wolfgang – biểu tượng cho những vấn đề đã dẫn họ tới bờ vực của li dị. Một thiên thần trao cho Đức Mẹ dây ri-băng thắt nút, và vị khác nhận dây ri-băng trơn phẳng từ đôi tay Đức Mẹ.
Bức tranh được cất giữ ở Augsburg, nước Đức – lần đầu tiên được tôn kính ở nhà thờ thánh Phêrô Perlach, rồi trong tu viện Cát Minh của thánh phố. Vào thập niên1980 bức tranh được mang lại nhà thờ, nơi mà Đức Phanxicô hồi còn sinh viên lần đầu tiên đã nhìn thấy, ngài đã mua một tấm hình Đức Mẹ và mang về quê hương Argentina của ngài. Khi làm Giáo Hoàng, ngài đã nhớ tới bức tranh đầy ý nghĩa đó và dâng lời cầu nguyện cho các gia đình. Nhờ ĐTC Phanxicô gợi ý và xúc tiến, lời cầu nguyện với Đức Mẹ “Gỡ Nút” đã được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới.
ĐTC Phanxicô đã nhắc lại lời thánh Irênê rằng: “Nút thắt không vâng lời của Bà Evà đã được tháo gỡ nhờ sự vâng lời của Đức Maria. Điều mà Bà Evà đã buộc lại vì không tin, Đức Trinh Nữ Maria đã tháo gỡ nhờ lòng tin của Mẹ.” Chúng ta cũng có thể bị ràng buộc vì tội không vâng lời. Khi chúng ta không vâng theo ý Chúa, “một loại nút được thắt chặt trong chúng ta.” Những nút thắt này lấy đi sự bình an và thanh thản của chúng ta. Chúng thật đáng sợ, vì nhiều nút thắt có thể hình thành một sự rối ren và rất khó để tháo gỡ. Nhưng chúng ta xác tín rằng: không gì là không có thể đối với lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngay cả những nút thắt rối ren nhất đều được tháo gỡ nhờ ân sủng. Vì thế, khi đến với Đức Maria, chúng ta hy vọng rằng: Mẹ luôn kiên nhẫn dẫn chúng ta tới Chúa để Người có thể gỡ những nút thắt rối ren trong tâm hồn chúng ta với tình hiền phụ của Người. [[3]]
“Lạy Mẹ Maria chí thánh, Chúa luôn hiện diện bên Mẹ, Mẹ đón nhận ý Chúa Cha với lòng khiêm tốn thẳm sâu, và quỉ dữ không bao giờ có thể điều kiển Mẹ theo ý nó. Xin Mẹ chuyển cầu cho tất cả những khó khăn của chúng con, như Mẹ đã làm ở tiệc cưới Cana. Với lòng nhân hậu và kiên nhẫn, Mẹ chỉ cho chúng con cách để tháo gỡ những nút thắt trong đời sống. Xin Mẹ xếp đặt và nối kết chúng con với Chúa vì Mẹ luôn là Mẹ của chúng con.
Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời và là Mẹ của tất cả chúngconxin Mẹ tháo gỡ tất cảnhững rối ren trong đời sống của chúng con. Xin Mẹ đặt những ý nguyện của chúng con trong tay Mẹ (kể ra lời thỉnh cầu của Mẹ), và xin giải gỡ mọi bế tắc khó khăn của chúng con.
Nhờ ơn chuyển cầu và gương lành của Mẹ, xin bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ, tháo gỡ những nút thắt ngăn cản chúng con kết hiệp với Chúa. Xin giải thoát chúng con khỏi mọi lầm lỗi, nguyện cho chúng con tìm thấy Chúa trong tất cả mọi sự. Xin giữ lòng chúng con ở trong Chúa và luôn phục vụ Chúa trong các anh chị em của chúng con Amen.”[[4]]
Nt. Têrêsa Phạm Thị Oanh, OP


[1] Sưu tầm – Truyện ngắn kỳ I
[2] Sưu tầm -Truyện ngắn kỳ I
[3] X. The Word among us, September 2014, Our Lady Undoer of Knots
[4] Adapted from a prayer attributed to Fr. Jorge Mario Bergoglio (Pope Francis). Source: www.desatadora.com.ar

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...