Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Chương trình Cầu nguyện cho Hòa bình Thế giới bằng kinh Môi Côi

YouTube Preview Image
Các bạn thân mến,
      Chúng ta đang sống trong một thế giới thật đang rất bất an vì những xung đột diễn ra khắp nơi ở tất cả các khía cạnh của cuộc sống, từ chính trị, kinh tế, cho đến tôn giáo, từ xã hội đến gia đình và trong chính bản thân mỗi người chúng ta.
Hơn bao giờ hết, việc cầu nguyện cho Hòa bình Thế giới là điều hết mực khẩn thiết. Hưởng ứng lời mời gọi cầu nguyện cho Hòa bình Thế giới của Đức Thánh Cha Phanxicô và của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình, chúng tôi nguyện ước phát động chương trình cầu nguyện cho Hòa bình Thế giới bằng kinh Môi Côi.
Kinh Môi Côi là một trong những phương thế hiểu quả nhất trong việc cầu nguyện cho Hòa bình mà Đức Mẹ đã nhắc nhở cho nhân loại qua ba trẻ mục đồng tại Fatima năm 1917.
Tin tưởng nơi lòng quảng đại của các bạn,  chúng tôi mời gọi các bạn thực hiện một quyết tâm: 
     Lần một chuỗi Môi Côi mỗi ngày trong tháng 10 này với ý cầu nguyện cho Hòa bình Thế giới.
     Để tỏ một thiện chí tham gia chương trình này, chúng tôi mời bạn (nếu được) hãy viết một lời cầu nguyện cho Hòa bình Thế giới.  
      Lạy Mẹ Maria, với những lời kinh đơn sơ mọn hèn dâng lên Mẹ, chúng con nguyện xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa ban cho Thế giới chúng con sự Bình An đích thực.
        Lạy Chúa, chúng con nguyện dâng Thế giới đau thương và nhiều bất an trong bàn tay quan phòng yêu thương của Chúa. Xin ban cho chúng con sự Bình an mà Chúa đã ban cho các Tông đồ khi xưa. Amen.
YouTube Preview Image

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Lần chuỗi Mân Côi các bạn ơi...!

Bạn thân mến, chúng ta chuẩn bị bước vào tháng 10 – tháng Mân Côi. Kinh Mân Côi hay còn gọi là Kinh Hoa Hồng (bởi vì theo sự tích kể lại thì ngày xưa có một tu sĩ siêng năng lần chuỗi Mân Côi và Đức Mẹ đã cho một phép lạ cho những bông hoa hồng nở trên môi của thầy và kết thành một tràng hoa đội đầu). Kinh Mân Côi là bộ kinh nguyện kính Đức Mẹ gồm 200 kinh chia làm từng chục. Mỗi chục gồm một kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh. Đồng thời mỗi chục kinh này để tưởng nhớ mỗi mầu nhiệm liên hệ đến cuộc đời của Chúa Giêsu hay Đức Mẹ đó là: 5 Mầu Nhiệm Vui, 5 Mầu Nhiệm Sáng, 5 Mầu Nhiệm Thương và 5 Mầu Nhiệm Mừng.
Từ trước tới nay trong lịch sử Giáo Hội, đã có vô số người lãnh nhận được những ơn ích thiêng liêng về phần hồn cũng như phần xác nhờ việc đọc kinh Mân Côi. Việc đọc kinh Mân Côi là một việc đạo đức có từ lâu đời trong Giáo Hội Công Giáo. Các Giáo Hoàng, Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và giáo dân đều có thói quen lần chuỗi Mân Côi hàng ngày, và thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô cũng đã nhấn mạnh: “Tự bản chất, kinh Mân Côi là lời kinh cầu cho Hòa Bình.” Hòa bình ở đây mang nhiều nghĩa: Hòa bình trong tâm hồn mỗi người, hòa bình trong gia đình, hòa bình trong đất nước và hòa bình cho toàn thế giới. Và một điều chắc chắn mà tôi đã từng biết khi đọc tiểu sử các thánh trong Giáo Hội đó là hầu hết các vị thánh đều có lòng sùng kính Đức Mẹ qua việc đọc kinh Mân Côi.
Có rất nhiều lời hứa của Đức Mẹ dành cho những ai siêng năng đọc kinh Mân Côi, ở đây tôi chỉ xin được tóm lại 10 lời hứa chính mà tôi đã đọc và thu thập được từ khắp nơi. Xin mời chúng ta cùng click xem đoạn video sau để biết rõ:
chuoi man coi
Nguyện xin Mẹ Maria bầu cử cùng Chúa chúc lành cho tất cả mọi người. Xin cám ơn quý độc giả và chúng ta cùng cố gắng nhắc nhở nhau lần chuỗi Mân Côi hằng ngày, cách đặc biệt trong tháng 10 này để cầu nguyện cho nhau và cho Hòa Bình thế giới.
Lợi Nguyễn SJ.

Nguồn dongten.net

Viết cho em, một thiếu nữ

Em thân mến,
Câu chuyện về gia cảnh và tâm trạng của em làm tôi trăn trở rất nhiều. Tôi trân trọng và đồng cảm với em trong những nghịch cảnh mà cuộc đời của em phải đối diện. Đời là một dòng sông chuyên chở niềm vui hay nỗi buồn, phần lớn thuộc về thái độ của chúng ta, em à! Tôi viết cho em những dòng này để tôi và em có thể hiểu hơn về lòng yêu thương tha thứ vốn có thể cho cuộc sống của ta thêm bình an, hạnh phúc.
Em chào đời trong vòng tay yêu thương của cha mẹ và các chị. Với em, gia đình luôn là tổ ấm và là không gian tràn gập niềm vui tiếng cười cùng với những lời nguyện sớm tối ngân vang. Cha mẹ em sống hạnh phúc với những công chúa dễ thương ngoan hiền. Cha em là người chồng chung thủy và là người cha trách nhiệm; mẹ em là người vợ hiền lành và là người mẹ từ tâm.
Rồi bỗng một ngày căn bệnh ung thư đã cướp mất người cha tuyệt vời của em. Em buồn vì mất cha nhưng nỗi buồn ấy cũng nguôi ngoai đi phần nào khi em biết rằng mình còn mẹ và các chị. Lúc này, họ là chỗ dựa tinh thần cho em trong những năm tháng sắp tới. Điều này vô cùng cần thiết đối với một cô bé thời tiểu học như em. Nhưng ở lứa tuổi ấy, em chưa thể nào hiểu được những quyết định lạ thường đến phũ phàng của người mẹ – một người mẹ trẻ trung. Quả thế, mẹ em theo tiếng gọi của con tim để đến với một người đàn ông ngoại đạo; và dĩ nhiên, cuộc tình này danh không chính, ngôn không thuận. Mẹ em bị rối theo luật đạo, bị trách cứ theo miệng đời. Bên nội em phản đối kịch liệt, chống đối rồi đi đến căm phẫn và loại trừ. Em lớn lên trong bầu không khí giận hờn ấy của gia đình bên nội để giờ đây em cũng không thể tha thứ cho mẹ mình.
Từ đó, em không còn cha và cũng xa mẹ. Em và các chị được ông bà nội gửi vào trường nội trú của các Sơ. Em được dạy dỗ với nhiều giá trị làm người, với biết bao câu chuyện về lòng hiếu thảo và tha thứ. Thế nhưng với em dường như không thể tha thứ cho người mẹ đã “phụ tình” cha em trên Thiên Đàng. Em ngậm ngùi nói với tôi về người mẹ xấu xa, đáng trách đến nỗi em không thể xóa nhòa được những lầm lỗi của mẹ em.
Em thân mến, tôi thấy em đáng thương hơn đáng trách!
Em đã là cô gái đôi mươi chuẩn bị bước vào đời với nhiều hy vọng và thách đố đang đón chờ. Tôi lo lắng và trăn trở với em bởi khi bước vào đời với lòng thù hận, ách cuộc đời lại càng nặng nề cho em. Tôi tin là chẳng người mẹ nào lại không thương đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Mẹ em cũng thế! Sống bên người chồng thứ hai nhưng chắc hẳn lòng bà không nguôi nghĩ về những đứa con một thời bế bồng nuôi dưỡng của mình. Em hãy thử đặt mình vào vị trí của mẹ để lắng nghe tình mẫu tử nói gì? Em thử cho con tim mình một lần vượt lên những hận thù, căm phẫn để tha thứ, hòa giả và yêu thương xem sao? Hoặc em thử ngẫm nghĩ về tình yêu phi thường của thánh Gioan Phaolô II đã yêu thương, tha thứ cho kẻ ám sát mình. Vả lại với bất kỳ ai, “cuộc sống mà không có sự tha thứ thì chỉ là tù ngục”. Chẳng lẽ em lại giam mình trong vòng lao lý của ngục tù mãi sao?
Em thân mến,
Em có thể gào lên hay phớt lờ đi sự hoà giải ấy vì tâm trạng bức bối và hờn ghét người mẹ trong em. Em có lý do để phản kháng lại bài học tha thứ, về lòng yêu thương trắc ẩn vốn chỉ là nét vẽ lý tưởng xa vời nào đó. Vì thế, tôi viết cho em để cùng em thấy rõ: lý tưởng ấy cần thiết với em lúc này để em có thể vẽ lên những nét vẽ cụ thể về lòng tha thứ cho chính em. Hoặc ít ra tha thứ cho mẹ em có thể cho em một chân trời tươi sáng và một cuộc sống vơi đi gánh nặng hận thù.
Em thân mến,
Em được gì ngoài một tương lai mờ mịt khi mang trong mình lòng thù hận mà kẻ thù ấy lại chính là người mang nặng đẻ đau ra em. Em nói: “Em có thể tha thứ cho người bạn nhưng không thể tha thứ cho mẹ em được”. Em ơi, vết thương mà bạn gây cho em chỉ là ngoài da, vụt chốc là có thể lành lại; nhưng vết thương mà mẹ em khắc vào tâm trí em từ thuở nhỏ không chỉ cần thời gian mà còn cần cả một tình yêu phi thường và cả sự bỏ mình nữa để hàn gắn lại. Bởi lẽ Mahatma Gandhi xác nhận rằng:“Kẻ yếu không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của kẻ mạnh”. Nếu em không can đảm thì lòng thù hận của em sẽ vĩnh viễn cướp đi người mẹ đáng yêu của em.
Em thân mến,
Những lời này tôi viết cho em không gì khác hơn là để tôi và em có thể cảm nhận được thế nào là tha thứ yêu thương, thế nào là “đắng cay cũng thể ruột rà, ngọt ngào cho lắm cũng là người dưng”, và thế nào là món quà quý giá của hành vi tha thứ mang lại.
Cầu chúc em luôn bình an và can đảm, em nhé!
Phạm Đình Ngọc, S.J.
Nguồn dongten.net

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

CON ĐƯỜNG GIÊSU

Giữa cuộc đời trăm vạn nẻo đường, xin chọn con đường yêu thương.
Đường yêu thương cho ta gặp nhau, cùng chung hướng đến an vui.
Chấp nhận nhau dù khác biệt nhau để không còn xa lìa.
Sống gần nhau và sống vì nhau, giúp nhau qua khổ đau.
Đường mới, theo Giê-su ta đi về khắp đất trời.
Đời tươi, trong Giê-su bên nhau phục vụ vui sống.
Hạnh phúc, qua Giê-su ta yêu và được yêu mãi.
Lối yêu thương, vững đôi chân, ta bước đi mỗi ngày.
Nghe mp3:
00:00
00:00

Khi ta trong sáng

Khi đứng trên mảnh đất sắp trồng tỉa, tôi nhìn thấy những hạt giống người ta sẽ gieo và trồng tỉa sau những vụ mùa.
Còn các con của tôi, chúng nhìn thấy những bông hoa rực rỡ có cánh trắng muốt, mịn màng mà chúng sẽ hái để tặng mẹ.
Khi có một người say rượu cười với tôi trên đường, tôi thấy đó là một gã đàn ông bẩn thỉu, hôi hám có lẽ đang rất cần tiền và tôi vội nhìn đi chỗ khác.
Các con tôi lại thấy một người đang cười với chúng và chúng đáp lại bằng một nụ cười.
Khi nghe bản nhạc tôi hằng yêu thích, tôi ngồi lặng lẽ và hưởng thụ một mình.
Các con tôi rủ nhau nhảy theo điệu nhạc, chúng hát to thành lời và đôi khi còn tự đặt lời hát mới cho mình.
Khi gió đang thổi vào mặt tôi, tôi căng mặt về phía gió thổi và cảm thấy gió đang làm rối tóc và kéo tôi đi chậm lại.
Các con tôi thì nhắm mắt, giang rộng hai tay, mơ bay theo gió, ngã lăn ra đất và cười vang.
Khi tôi cầu nguyện Chúa ban cho tôi cái này cái nọ,
các con tôi lại thì thầm: “Cám ơn người đã ban cho chúng con những người bạn tốt. Xin giúp chúng con tránh xa những cơn ác mộng đêm nay. Cảm ơn người đã thương yêu và bảo vệ chúng con.”
Khi tôi bước qua vũng sình, tôi thấy đôi giày bê bết bùn và tấm thảm sẽ bị bôi bẩn.
Các con tôi lại thấy những cây cầu mà chúng sẽ xây bằng bùn, bắc qua những dòng sông nhỏ và chúng say mê chơi với những con giun dễ thương đang sống trong vũng sình bùn ấy.
Tôi thường băn khoăn về những điều mà tôi dạy các con – những điều mà chúng tôi ít làm theo – những điều mà tôi hầu như không còn tin tưởng nữa.
Nhiều lần soi bóng mình qua tấm gương, tôi thấy tâm hồn trong sáng cao thượng của các con; tôi thấy mình sao ích kỉ, nhỏ nhen và tầm thường.
Sao tôi, sao bạn không giữ cho mình cái nhìn trong sáng, trái tim hồn nhiên đầy mớ ước của thời thơ trẻ? Và có như thế, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nhiều phải không bạn?
Tiểu An sưu tầm

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Ngẫm nghĩ về hôn nhân

Có lẽ chưa bao giờ giao ước hôn nhân lại mong manh và thách đố như thời đại hôm nay. Phải chăng, càng đề cao tự do cá nhân, càng chạy theo lối sống ích kỷ, tình nghĩa vợ chồng càng nên dễ vỡ, tình yêu hôn nhân càng dễ bỏ qua.
Trong khi đó, hôn nhân là món quà mà Thượng Đế dành cho một giống loài mà Người muốn họ sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. “Con người nên tin vào hôn nhân như tin vào sự bất tử của linh hồn” (Balzac). 
Thử một lần để tâm suy nghĩ, trăn trở về ý nghĩa của hôn nhân cho mình và cho người…
YouTube Preview Image
Thực hiện: Ngọc Lương
Nguồn dongten.net

Đôi điều suy nghĩ

Chúa đem con vào đời, nhưng mục đích chính yếu của cuộc sống lại là chờ đợi một chuyến đi. Sân ga không phải là quê hương của con để con bám víu và xây đắp, nhưng chỉ là bến tạm để đợi chờ con tàu. Khi nào thì con tàu sẽ đến để đem con đi? Khi nào con từ giã cuộc sống? Con chẳng biết được thời giờ định mệnh này. Thưa Chúa, có điều con muốn nói là trong khi chờ đợi, trong lúc nhìn thời gian tiến về điểm mốc trọng đại ấy, con luôn luôn cần hạnh phúc.
Con đã cảm nghiệm được nhiều thứ hạnh phúc. Hạnh phúc khi nhận được tin vui. Hạnh phúc đến từ một tâm hồn biết thông cảm. Hạnh phúc đến từ sự thành công trong công ăn việc làm. Nhưng, những hạnh phúc ấy vẫn chẳng làm con an lòng. Con vẫn lo âu. Những hạnh phúc ấy vẫn là bấp bênh. Quá khứ minh chứng rằng nhiều lần con đã mất hạnh phúc ấy.
Vì những hạnh phúc ấy có thể mất nên cũng có những ngày tháng con sống không niềm vui, chung quanh con là sa mạc. Mà đời người thì chẳng thể sống không niềm vui. Nên con đi tìm niềm vui mới. Có khi con oán giận Chúa, bỏ đời sống đức tin để tìm bất cứ một an ủi nào đó. Trong những giây phút ấy con thường tìm hạnh phúc trong tội lỗi. Con không nhìn thấy những tàn phá của tội mà con chỉ thấy những hứa hẹn và bóng mát của tội mà thôi. Thật sự con chẳng muốn bỏ Chúa bằng con đường chủ tâm sống trong tội. Con vẫn biết con không thể sống thiếu Chúa, nhưng trong yếu đuối của đời mình, con đã thấy quyến rũ nơi tội mạnh hơn hạnh phúc do đời sống đức tin đem lại.
Hạnh phúc thật thì chỉ có một định nghĩa. Nếu con đi tìm bất cứ hạnh phúc nào ngoài thứ hạnh phúc thật đó, con sẽ hoang mang và hụt hẫng. Hạnh phúc thật đó chỉ có Chúa mới cho con được mà thôi. Chúa là nguyên ủy của tất cả, thì hạnh phúc cũng phải do Chúa là nguyên nhân. Bởi đấy, khi con đi tìm niềm vui ngoài nguyên nhân tối thượng là Chúa, con sẽ gặp thất vọng.
Khi con phạm tội, tội cũng cho con một chút “niềm vui”. Nhưng tội làm con xa Chúa. Niềm vui hay hạnh phúc là lúc trầm mình thưởng thức trong dòng nước chảy của dòng sông. Mức độ và sắc thái khác nhau của hạnh phúc tùy thuộc vào nguồn gốc của dòng sông ấy. Chúa là nguyên nhân của một thứ hạnh phúc. Tội cũng sinh ra một dòng hoan lạc. Nguyên nhân khác nhau thì hạnh phúc hay hoan lạc đến từ các nguyên nhân đó phải khác nhau. Từ sự khác nhau ấy, con chọn lựa cho mình một dòng sông. Dòng sông hạnh phúc của Chúa hay đôi bờ hoan lạc của tội.
Con là một tạo vật hữu hạn. Thứ hạnh phúc của tội cũng là một sản phẩm hữu hạn, bởi vì chính con tạo nên nó. Vì con tạo nên nó, do đấy, nó chẳng bao giờ thỏa mãn con được. Hạnh phúc của con hệ tại bám vào hạnh phúc tự thể là Chúa. Nên khi con mất cái tự hữu để ký sinh thì con chênh vênh và hao hụt ngay.
Tội làm con xa Chúa. Chúa xa con không phải vì Chúa bực mình, ghen tức. Dù con thánh thiện tới đâu đi nữa thì cũng chẳng vì thế mà sự trọn hảo của Chúa thêm trọn hảo hơn. Dù con có cầu nguyện thiết tha đến đâu đi nữa thì chẳng vì thế mà Chúa được cao cả hơn. Tự Chúa đã tràn đầy tất cả. Chúa chẳng cần gì. Nếu con cầu nguyện là con bám vào sự trọn hảo của Chúa để được thương ban mà thôi.
Tội là thái độ tự do để lựa chọn một đối tượng ngoài Chúa. Khi phạm tội là con nghe theo một tiếng gọi khác, chấp nhận một đối tượng khác. Khi con chấp nhận một đối tượng khác rồi thì lẽ dĩ nhiên là Chúa phải xa con. Chúa không áp bức con bằng sức mạnh, bằng quyền năng, nhưng Chúa kính nể sự tự do của con. Khi con phạm tội, khi con lựa chọn một đối tượng rồi thì Chúa muốn ở với con cũng không được vì con đã dành khoảng trống của lòng mình cho một chủ khác rồi.
Khi con kiếm tìm niềm vui nơi tội là con tạo nên cơn bão táp cho chính vườn rau của mình. Càng để tội lỗi làm chủ con tim mình thì Chúa càng phải ở xa. Mà Chúa càng xa thì hạnh phúc thật càng mù tăm, khuất bóng. Lý tưởng cuộc đời con là kiếm tìm và quy về nguồn cõi hạnh phúc thật đó. Do vậy, càng xa nguồn hạnh phúc thật thì con càng đánh mất ý nghĩa cuộc sống. Mà không còn ý nghĩa thì cuộc sống trở nên man dại, tính toán, lo âu, giành giật, hận thù và chán chường.
Khi con phạm tội là con phá hủy hết tất cả tự do của con. Cơn bão táp ấy xóa nhòa nhân phẩm của con. Tội là điều xấu. Con không muốn để người khác biết những điều xấu xa của con. Từ đó, con có hai khuôn mặt. Một khuôn mặt thật và một khuôn mặt để “show up”, trình diễn để tha nhân nhìn vào. Khi con giấu kín khuôn mặt thật tội lỗi để phô bày khuôn mặt giả cao thượng là con xây dựng giá trị của mình trên sự lầm lẫn của tha nhân. Con lừa dối kẻ đối diện. Nếu con còn may mắn để nhìn thấy rằng mình có hai khuôn mặt mỗi khi xét mình thì con còn lương tri để biết rằng mình chỉ lừa gạt người chứ không lừa dối mình. Nhưng ngày nào đó, con lẫn lộn giữa thực và hư. Ngày nào đó, con người để trình diễn kia rợp bóng đến nỗi con chỉ thấy nó là chính mình và con tin nó là khuôn mặt thật của mình, con không còn thấy bóng khuôn mặt thật của con đâu nữa thì ngày đó con chẳng còn gì. Con đã là nạn nhân của sự giả tạo. Gian dối với tha nhân đã nên lừa đảo chính mình.
Khi tha nhân tưởng con là gương mẫu của đời mà con không là gương mẫu thì con sẽ lo âu cho cái ngưỡng mộ kia bị đổ vỡ nếu tha nhân nhận ra con người thật tội lỗi của con, cho nên con lại càng phải cất giấu con người đó kỹ hơn. Bởi đấy, tội cướp mất tự do. Sống trong tội, con phải sống trong hồi hộp, gian dối, lo âu.
Chẳng có người cha nào không mủi lòng khi thấy đứa con mình sắp xuống tắm trong dòng sông ngầu vẩn rác đục. Vì kính trọng tự do Chúa đã ban cho con, nên Chúa biết con xa Chúa là đời con sẽ chán chường, Chúa cũng đau khổ, nhưng Chúa chẳng thể cưỡng bách con chọn Chúa được. Mà thật sự con cũng không muốn mất tự do. Hành vi chọn lựa là một thú vui chan chứa của tự do. Không có tự do sẽ là gỗ đá. Nếu con không phải là gỗ đá, nếu con có tự do, thì con phải biết lo âu biết bao về sự tự do của mình.
LM Nguyễn Tầm Thường

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Cầu nguyện thế nào mới được Chúa nhậm lời?

Một chàng thanh niên kia cứ thắc mắc:
Tại sao Chúa không ban những ơn cần thiết cho những kẻ tin vào Người.
Một hôm Chúa đã cho anh ta nằm mơ thấy mình được đi theo Chúa Giê-su khắp đó đây. Anh đã thuật lại câu chuyện xảy ra trong chuyến đi ấy như sau :
Hôm ấy khi được Đức Giê-su cho đi theo một đoạn đường đất đỏ dẫn đến một làng nghèo nàn kia, thì anh nhìn thấy một người đàn ông đang hì hục đẩy chiếc xe thồ chất đầy hàng đang bị ngã đổ nằm nghiêng một bên đường, vì bánh xe chẳng may bị sụt ổ voi trên đường.
Bấy giờ người chủ xe liền quỳ xuống giơ hai tay lên trời và lớn tiếng cầu nguyện rằng : “Lạy Chúa Giê-su, xưa Chúa hay thương giúp những kẻ gặp gian nan khốn khó. Xin thương cứu giúp con :Chiếc xe của con đang bị lật ở giữa nơi thanh vắng này. Con tin vào quyền năng mạnh mẽ của Chúa. Chúa chỉ cần phán một lời là chiếc xe của con sẽ lật lại được, để con có thể tiếp tục đến chợ bán hàng. Lạy chúa, xin hãy mau đến giúp con !”.
Cầu nguyện rồi, ông ta cứ quỳ mãi để chờ Chúa làm phép lạ theo ý ông xin.
Bấy giờ anh chàng đi theo Chúa Giê-su cảm thấy bức xúc, khi nghe lời cầu nguyện của người chủ xe.
Nhưng anh rất ngạc nhiên khi thấy Chúa Giê-su làm như không nghe thấy gì và cứ tiếp tục đi qua chỗ anh ta đang quỳ cầu nguyện.
Một lát sau, hai người đến gần một cái chợ, anh chàng đi theo Đức Giê-su lại nhìn thấy một cảnh đổ xe tương tự. Anh ta nghe thấy người chủ xe chỉ cầu nguyện vắn tắt như sau :
“Lạy Chúa Giê-su, con đang gặp tai nạn vượt quá sức con. Xin Chúa hãy soi sáng giúp cho con biết con phải làm gì để có thể vượt qua hoàn cảnh khó khăn này”.
Cầu nguyện rồi, ông ta tìm cách dựng chiếc xe đổ lên như cũ. Sau một lúc làm không được, ông ta chạy đến nhờ người đi đường đến giúp. Bấy giờ anh chàng theo Đức Giê-su thấy Người tỏ vẻ quan tâm tới người chủ xe này. Người bảo anh ta : “Con hãy mau đến hợp sức giúp anh ta một tay !”.
Khi chiếc xe đã được lật lên như cũ thì người chủ xe lại cầu nguyện rằng : “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã thương sai người đến giúp con”.
Sau đó, hai người lại tiếp tục lên đường. Bấy giờ anh ta mới hỏi Đức Giê-su rằng :
“Lạy Chúa, tại sao người chủ xe trước tha thiết cầu xin lâu giờ mà Chúa lại dửng dưng và không làm gì để giúp đỡ ông ta ? Đang khi người chủ xe sau chỉ xin Chúa một câu thôi, thì Chúa lại tận tình thúc giục nhiều người đến giúp ông ta như vậy ?”.
Bấy giờ Đức Giê-su mới ôn tồn giải thích cho anh ta hiểu như sau :
“Con không thấy lời cầu nguyện của hai người khác nhau hay sao ?
Người chủ xe trước đã cầu xin Ta làm phép lạ giúp cho xe ông ta được lật lên, còn chính ông ta chỉ biết chờ đợi phép lạ. Nhưng Ta không muốn người ta làm biếng làm việc và chỉ biết ỷ lại vào Ta, nên Ta đã để mặc ông ta tự xoay sở lấy.
Còn người chủ xe sau chỉ dám cầu xin ơn soi sáng, rồi cố gắng làm hết sức mình để khắc phục khó khăn. Chính vì thế mà Ta đã ra tay trợ giúp, bằng cách thúc giục nhiều người khác, trong đó có con, đến giúp đỡ cho ông ta”.
Như vậy, qua câu chuyện trên, tác giả muốn nói rằng :
Mỗi khi gặp một điều gì khó khăn, vượt quá sức lực tự nhiên, chúng ta hãy vừa cầu xin Chúa ban ơn soi sáng trợ giúp cho ta, nhưng đồng thời cũng phải cố gắng xử dụng những phương tiện tự nhiên Chúa ban để tự mình vượt qua sự gian nan ấy.
Tục ngữ có câu : “Hãy tự cứu mình, rồi Trời sẽ trợ giúp”.
Hoặc câu khác : “Hãy thắp lên một ngọn đèn, chứ đừng cứ ngồi yên mà nguyền rủa bóng tối”.
Còn ta, ta đã có thái độ nào khi gặp hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn?
Nguồn FB.

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Tâm Sự Cùng Giêsu

  Giê-su kính mến của con,
   Hôm nay, con có dịp viết thư để tâm sự với Chúa về “điểm tựa” đời con. Giê-su ơi, Ngài đã cho con nhận ra Ngài chính là điểm tựa đích thật của con. Ôi Giê-su, người bạn đồng hành thánh thiện của con.
   Với tính cách của con, con thích sống một mình, con ngại sống với và sống cho người khác. Chúa Giê-su à, Chúa biết rõ sở thích đó của con nhưng sao Chúa lại không chiều theo ý con vậy?
   Chúa thường làm ngược lại điều con muốn. Con còn nhớ, ngay từ khi còn nhỏ, Chúa dùng hoàn cảnh khó khăn, cùng những biến cố bệnh tật trong cuộc đời con để dạy con biết sống với tha nhân, biết đón nhận tình yêu Chúa qua tha nhân. Bàn tay Chúa thật là êm ái dường bao khiến con chẳng thể nào cưỡng lại được. Con thấy mình hồi đó chỉ có biết nhận. Con sống và sống vui thỏa, hạnh phúc như đứa con thơ ở trong lòng mẹ dịu hiền. Ngày qua ngày, con hăng say sống, sống sao cho có  ý nghĩa. Như một người Cha, Chúa dạy con sống ơn gọi làm người. Đứa trẻ nhận ra rằng, nó được sinh ra trong thế giới này là với mọi người và cho mọi người. Vâng, con không thể sống một mình vì đó là ý định sáng tạo của Chúa. Con sống hạnh phúc để cho mọi người sống xung quanh con, gặp gỡ con cũng cảm thấy hạnh phúc. Ôi thật là đơn sơ, bé mọn!
   Rồi con vào Đại học, con bắt đầu một cuộc sống xa gia đình. Con phải thuê phòng trọ. Con vẫn muốn ở một mình. Còn Chúa lại muốn con sống với những người anh em mà con chưa biết họ là ai và ở một khu trọ không thiếu những chuyện dở khóc, dở cười. Thế mà, một năm, rồi hai năm đời sinh viên qua mau trong bình an. Chưa một lần nào anh em chúng con cãi vã nhau. Mọi người tưởng chúng con là anh em trong nhà, hay là đã quen nhau từ trước. Họ tỏ ra ngạc nhiên khi biết sự thật. Vâng, Giê-su, con đã được học để nhận ra món quà mà Chúa gửi cho là những người anh em sống cùng. Qua họ, Chúa đồng hành với con. Phòng trọ đã biến thành gia đình nhỏ của con rồi.
   Đến năm thứ ba đời sinh viên, con được Ngài mời gọi đến ở trong cộng đoàn Ứng Sinh Dòng Tên. Con mau mắn đáp lại nhưng con không biết cộng đoàn là gì? Con tập sống cộng đoàn. Chúa thật là một nhà sư phạm giỏi. Chúa làm cho con nhận ra con người thật yếu đuối của mình mà không gây “sốc”. Đã qua ba mùa thu Hà Nội, con sống đời sống cộng đoàn. Từng chút, từng chút thôi, Chúa biến đổi con. Chúa giúp con sống mở ra với Người, với anh em, với tha nhân. Bất chợt, con nhận ra mình đang có những đổi thay cũng như sắc lá thay đổi theo mùa. Con đang được lớn lên trong tình yêu Chúa. Vâng Giê-su, nhiều lần con tự hỏi: nếu mình không đến và sống ở cộng đoàn thì thế nào nhỉ? Con chợt nhận ra rằng, sống với anh em trong cộng đoàn Ứng Sinh Dòng Tên là ý định đầy yêu thương của Chúa. Giê-su ơi, Ngài muốn con làm gì cho anh em trong cộng đoàn của con?
   Chúa Giê-su ơi, con xin dâng lên Chúa những dòng thư này. Con cảm tạ Chúa vì Chúa đã thương mời gọi con trở nên bạn đường với Chúa và sống với anh em trong cộng đoàn, nhờ đó mà con được lớn lên mỗi ngày. Tạ ơn Ngài!
Bé Mọn

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Chuyện tình buổi bình minh


 
Các bạn trẻ thân mến,
 
Sau một đêm vất vả nhưng không bắt được con cá nào, các tông đồ chèo thuyền vào bờ trong tâm trạng u buồn về tinh thần, đói lả về thân xác. Nghe theo lời khuyên của một người lạ, họ quyết định thử thả lưới lần cuối với chút hy vọng mong manh. Ai ngờ, chỉ một mẻ lưới tình cờ đã có thể bắt được rất nhiều cá. Nhạy cảm trước sự kiện lạ này, Gioan đã nhận ra Thầy chính là người lạ đã đưa ra lời chỉ dẫn kia. Thế rồi họ vào cũng vào bờ, mang ít cá mới bắt được đến bên bếp lửa đã được Thầy nhóm sẵn. Cùng với chút bánh Thầy mang tới, tất cả dùng chung với nhau bữa ăn sáng đạm bạc nhưng chan chứa niềm vui.
 
Trời lúc ấy mới hừng đông. Ánh mặt trời con non nớt, chiếu qua những hạt sương long lanh. Tiếng sóng vỗ rì rào theo chiều gió thổi. Có lẽ đã lâu lắm rồi, Thầy với trò mới có được một bữa ăn nhẹ nhàng và an bình như thế. Từ sau khi Thầy bị bắt, ngày nào họ cũng phải sống trong lo sợ và u ám. Cái chết kinh khiếp của Thầy như vẫn còn đâu đây. Tiếng la hét, tiếng khóc than, tiếng búa gõ vào đầu đinh sắt… những hình ảnh thê lương ấy sao dễ có thể phai nhạt được. Nhưng giờ đã qua hết rồi, những khoảnh khắc u sầu tăm tối. Phút yên bình bên bếp lửa đỏ, với miếng cá nồng vừa bắt được và chút bánh thơm phức hương men, Thầy và trò cùng chia sẻ với nhau sự ung dung tự tại, hệt như những ngày vừa gặp gỡ.
 
Ăn sáng vừa xong, mỗi người một việc. Chỉ còn lại Phêrô và Giêsu bên bếp lửa. Khoảng không gian thanh tịnh đến lạ kỳ. Phêrô hẳn là nghẹn ngào lắm. Vui vì được nhìn thấy Thầy, bình an vô sự; nhưng cũng buồn vì nhớ lại lầm lỗi của mình chỉ vài ngày trước đây thôi. Nhớ lại đêm cuối cùng trước khi Thầy chịu khổ nạn, Phêrô luôn mồm khẳng định yêu Thầy, yêu hơn hết mọi người, yêu đến nỗi sẵn sàng chết vì Thầy. Ấy vậy mà khi sự cố xảy đến, ông đã thề độc, chối bỏ mối tương quan gắn bó sâu sắc giữa mình với Thầy. Sợ mạng sống của mình bị đe dọa, ông đã gạt Giêsu ra khỏi cuộc đời mình. Cái nhìn của Giêsu đã thấu chạm đến tim ông, gợi nhớ lại trong ông những ân tình đã có. Bất chợt, bao cảm xúc ùa về, ông đã khóc như chưa từng được khóc, những ngọt nước mắt của hối lỗi, của ăn năn. Ông khóc cho thân phận kém cỏi của mình, khóc cho những lần kiêu ngạo của mình, khóc cho một cuộc tình vì bị ông chối từ vì sợ hãi.
 
Giờ đây, chỉ còn hai người – Thầy và ông – trên một bãi biển hồ vắng. Ông nghẹn ngào chẳng biết nói điều chi. Ông tự cảm thấy mình phải thu nhỏ người lại trước Thầy, không còn dám vỗ ngực xưng tên, không còn tự cho mình là người thánh đức nữa. Nhưng dẫu sao, ông vẫn thấy mình có lỗi với Giêsu, ông nợ Giêsu một lời xin lỗi. Là một người Thầy thấu cảm tâm tư của trò, Giêsu đã lên tiếng trước. Giêsu không muốn nghe từ ông lời xin lỗi, vì những giọt nước mắt kia đã nói lên tất cả rồi. Giêsu cũng không cần nghe từ ông lời cam kết sẽ không tái phạm, vì phận người yếu đuối, có ai biết được ngày sau. Giêsu chỉ muốn ông cho Giêsu biết, chỉ một điều duy nhất thôi: sau biết bao những biến cố ấy, ông có còn yêu mến Giêsu không? Ba lần hỏi của Giêsu là ba lần làm ông nghẹn ngào khó tả. Phêrô không còn dám nói là mình yêu Chúa hơn các anh em khác nữa. Phêrô thú thật với Thầy là Thầy biết con yêu mến Thầy; chỉ có điều tình yêu ấy còn mong manh quá, còn yếu đuối quá, nên đã bao lần khiến Thầy thất vọng và buồn phiền. Nhưng thật sự là có, có một tình yêu dành cho Thầy, có một sự lôi kéo trái tim hướng về Thầy. Tình yêu dành cho Thầy và sự yếu đuối đi song đôi trong trái tim của Phêrô, Phêrô nhận ra điều đó.
 
Các bạn trẻ thân mến,
 
Tâm trạng của Phêrô cũng là tâm trạng của mỗi người chúng ta mỗi khi chúng ta phạm tội. Ta thấy hổ thẹn với bản thân, vì dù đã nhiều lần ta đã nỗ lực không muốn phụ tình yêu Giêsu dành cho mình, nhưng sao ta vẫn chứng nào tật ấy, không sao chừa được. Sự yếu đuối và tội lỗi cứ đeo bám ta, khiến ta thấy mình như bất lực trong cuộc chiến chống lại chúng. Nhưng Thầy Giêsu của chúng ta là một người thầy rất tuyệt vời. Ngài không bao giờ hạch họe ta, không bao giờ khoét sâu trong trái tim ta những nỗi đau vốn đã sẵn có. Ngài biết ta yếu đuối, Ngài biết ta mỏng dòn, Ngài biết là sẽ có ngày ta bội phản Ngài, bội phản lại tình yêu Ngài dành cho chúng ta. Nhưng không bao giờ Ngài đối xử với ta một cách tồi tệ. Điều duy nhất là Ngài muốn ta trả lời khi đến với Ngài là “con có còn yêu mến Thầy không?” Chỉ một câu hỏi ấy thôi. Ngài muốn biết trong ta có còn tình yêu dành cho Ngài hay không, muốn biết trái tim ta có còn chỗ cho Ngài không. Chỉ cần ta trả lời có, bấy nhiêu cũng đủ rồi.
 
Vâng, tình yêu của Chúa vượt trên những tội lỗi của ta. Mỗi khi ta vì yếu đuối và vấp ngã, ta đừng tra tấn mình bằng những cảm xúc tiêu cực, hãy tự vấn mình: ta có còn yêu mến Giêsu không, ta có còn vì Ngài mà cố gắng sống tốt hơn không. Giêsu chỉ cần ta yêu mến Ngài. Mọi sự khác, Ngài chẳng quan tâm, vì Ngài biết, tình yêu của Ngài sẽ giúp ta chiến thắng.
 
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Khoa học tình yêu

Một trong những đoạn trong cuốn “Một Tâm Hồn” của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu khiến tôi ấn tượng nhất chính là lúc Chị kể lại lời Chúa Giêsu từ trên Thánh Giá nói với Thánh Margaret Maria Alacoque: “Ta muốn con đọc cuốn sách cuộc đời, trong đó có KHOA HỌC TÌNH YÊU”. Thánh Têrêsa còn được mệnh danh là Bông Hồng Nhỏ và Tiến sĩ Tình yêu Kitô giáo.
Điều này ảnh hưởng Thánh Teresa khá nhiều: “Khoa học Tình yêu, vâng, từ ngữ này âm vang ngọt ngào trong linh hồn tôi, và tôi chỉ muốn loại khoa học này”. Ơn gọi yêu thương của Chị được kết tinh.
Khoa học và tình yêu có vẻ không hợp nhau. Chúng ta muốn kết hợp tình yêu bằng cảm xúc, sự thu hút, và niềm đam mê – không hẳn là “chất” khoa học, nó hợp với lý lẽ, kinh nghiệm và sự phát triển. Nhưng tình yêu giống như khoa học không là phép ẩn dụ thần bí vô căn cứ hoặc lập dị.
Tôi tình cờ gặp được đoạn văn của Thánh Teresa ngay sau khi đọc cuốn “Anh Em Nhà Karamazov” (Brothers Karamazov), và Dostoevsky – viết vào khoảng thời gian như Thánh Teresa (cuối thập niên 1800) – cũng sử dụng công thức này. Trong phần đối thoại đầu cuốn sách, Lm Zossima cố gắng an ủi “người phụ nữ của niềm tin bé nhỏ”, đầu tiên là khuyên phụ nữ này đừng sợ vì tính nhút nhát khi đạt được tình yêu, rồi chỉ ra rằng tình yêu trong hành động khó so sánh với tình yêu trong mơ ước: “Tình yêu tích cực là làm việc và chịu đựng, đối với một số người, có thể đó cũng là một khoa học hoàn hảo”.
Dorothy Day, người sáng lập Phong trào Công nhân Công giáo, cũng viết: “Tình yêu là một dạng khoa học, một dạng kiến thức mà chúng ta thiếu”. Đây là lý do chúng ta luôn cần cầu xin Chúa Thánh Thần: “Accende lumen sensibus, infunde amorem cordibus” – xin hãy thắp sáng các giác quan, xin hãy đổ đầy tình yêu vào trong tâm hồn chúng con. Lời nguyện ca thật đẹp đó trong bài thánh ca cổ “Veni Creator Spiritus” (Lạy Chúa Thánh Thần, Xin Ngự Đến). Chính Chúa Thánh Thần làm cho tâm hồn chúng ta đầy tràn tình yêu.
Không lâu trước thời Thánh Teresa, khái niệm của chủ nghĩa thực chứng (positivism) cho rằng không có khoa học hiện hữu trừ những gì nghiên cứu hiện tượng của thế giới tự nhiên, đã bắt đầu được chú ý. Trong cuốn sách viết năm 1874, cuốn “The Crisis of Western Philosophy: Against the Positivists” (Khủng hoảng của Triết học Tây phương: ), triết gia lỗi lạc Vladimir Soloviev (người Nga) đã bác bỏ khái niệm của triết gia Auguste Comte (người Pháp) cho rằng nhân loại bước vào một kỷ nguyên nhận thức khoa học là cách phù hợp để thay thế mọi dạng hiểu biết khác, chẳng hạn như kiến thức thần học hoặc triết học “thô sơ”. Comte cảm thấy những điều đó đã lỗi thời đối với lịch sử của sự tiến bộ “khoa học”. Phương châm của Comte là “Order and Progress” (Trật tự và Tiến bộ) được ghi trên quốc kỳ Brazil. Châm ngôn này dễ dàng làm theo.
Lịch sử không ghi lại điều đó. Nhưng Thánh Teresa, lúc 14 tuổi, đã hiểu những điều mà dân trí thức không thể hiểu, mặc dù họ dành cả đời để nghiên cứu, đó chính là KHOA HỌC TÌNH YÊU.
Soloviev cảm thấy rằng sự khủng hoảng triết học Tây phương là do sai lầm khi đề cao kiến thức (lý lẽ) hơn thứ khác (đức tin). Ông cho rằng điều này bắt đầu nổi lên trước thời kỳ Khai Sáng (thế kỷ 18, đề cao lý trí). Thời kỳ này cũng củng cố tư tưởng cho rằng khoa học nên thay thế cho luân lý truyền thống hệ thống đạo đức. Cuối cùng, nó bị coi là “phi khoa học”.
Toàn bộ luân lý truyền thống dựa trên những gì Chúa Giêsu xác định là hai giới răn quan trọng nhất: Mến Chúa và yêu người. Chúng ta có thể nói rằng Chúa Giêsu nói “rất khoa học” – đưa ra kiến thức đích thực – chứng thực tính ưu việt của tình yêu. Loại bỏ luân lý truyền thống không giải phóng con người khỏi quy luật, mà lại bao hàm mối nguy có thật là mất tình yêu.
Khoa học phong phú hóa thế giới bằng nhiều cách, nhưng đó không là nền tảng để người Công giáo hiểu rằng khoa học là phương cách tự bào chữa về “cuộc tranh luận sinh học đạo đức đương đại” (contemporary bioethical debates). Soloviev đã nhận thấy điều nguy hiểm khi loại bỏ kiến thức tôn giáo và triết học. Ông không cho phép thông báo các tiến bộ khoa học. Ông nhận xét: “Để có kết thúc hợp lý, nguyên nhân chính của thuyết vị lợi tương đương với sự phủ nhận hoàn toàn đối với luân thường đạo lý”. ĐGH Benedict XVI nói điều này vẫn như trước đây.
ĐGH Benedict XVI nói rằng chỉ có “khoa học tình yêu” mới là “dạng khoa học cao cấp nhất”. Theo Thánh giáo hội Gioan Phaolô II, “khoa học tình yêu” có thể bảo vệ nhân loại khỏi các hệ lụy xói mòn do thói vị lợi ngày nay, và “chỉ có tình yêu mới có thể ngăn ngừa người này lợi dụng người kia” [cuốn “Tình yêu và Trách nhiệm” của ĐGM Karol Wojtyla (sau là ĐGH Gioan Phaolô II), năm 1960]. Chỉ có tình yêu mới có thể kéo chúng ta ra khỏi sự vô nghĩa mà chủ nghĩa duy vật truyền bá.
Không lâu trước khi qua đời tại Auschwitz, Edith Stein đã viết bài nghiên cứu chi tiết về triết học của tư tưởng theo Thánh Gioan Thánh Giá, với tựa đề là “Khoa học Thánh Giá” (Science of Cross). Tài liệu này là đỉnh cao của sự khôn ngoan. Trong đó, bà cho biết rằng bà gọi là “khoa học của các thánh” với “sự thật của các niềm tin” (không bao giờ trái ngược với khoa học hoặc lý lẽ).
Tôi nghĩ rằng thuật ngữ này có sức mạnh lôi cuốn cả người tin lẫn người không tin, nó mời gọi chúng ta xem lại những gì chúng ta ngụ ý bằng khoa học – và bằng tình yêu, điều mà Thánh Gioan Phaolô II gọi là “ơn gọi nền tảng và bẩm sinh của mọi người”.
Các thánh theo đuổi các ơn gọi khác nhau của tình yêu bằng cách theo “phương pháp khoa học” mà Chúa Giêsu khuyên: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11:29). Chúng ta còn tìm kiếm gì xứng đáng hơn Thánh Tâm Chúa – “Lò Lửa Tình Yêu”?
Thánh Tiến sĩ Têrêsa Hài Đồng Giêsu nhắc chúng ta nhớ tới “Con Đường Bé Nhỏ” mà không khoa học gia nào có thể hiểu nổi. Con đường đó chỉ có thể hiểu được nhờ tình yêu, một thực tế sâu sắc nhất của cuộc sống.
Tác giả: MATTHEW HANLEYTrầm Thiên Thu chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org

Đường thiêng liêng thơ ấu và thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu

1. Đường thiêng liêng thơ ấu
Thánh trinh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu là người đã khởi xướng lên đường thiêng liêng thơ ấu, nguồn gốc cho nhiều cuộc mạo hiểm thiêng liêng trong thế kỷ XX, bắt đầu ở nước Pháp và sau ở nhiều nước trên thế giới. Các sách đạo ở Việt Nam thường nói đến “đường thơ ấu thiêng liêng” (dịch từ tiếng Pháp Voie spirituelle d’enfance hay voie d’enfance) hoặc nói đến “đường nhỏ” (petite voie). Thật ra đường thơ ấu thiêng liêng cũng chỉ là một đường thiêng liêng như nhiều đường thiêng liêng từ thời đầu của Hội Thánh, chỉ khác là có thêm từ “thơ ấu“.
Đường thiêng liêng là lối sống đạo của Kitô hữu tùy theo mỗi người thuộc nền văn hóa và hoàn cảnh xã hội khác nhau, ở mỗi thời mỗi nơi khác nhau mà thần học gọi là linh đạo, nghĩa là đường lối sống đạo theo Chúa Thánh Linh hướng dẫn. Ngày nay trong Hội Thánh, thường nhắc đến linh đạo của Thánh Augustinô, của Thánh Bênêđictô, của Thánh Phanxicô, của Thánh Đôminicô, của Thánh Inhaxiô, của Thánh Boscô, của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, nhưng riêng đường thiêng liêng của Thánh Têrêxa có tên là thơ ấu để phân biệt với các đường thiêng liêng khác đã kể trên.
Thơ ấu ở đây không thể hiểu theo giải nghĩa của từ điển là: rất ít tuổi, còn bé dại; cũng không thể hiểu là đường thiêng liêng cho con nít, mà phải hiểu theo Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, người đã được Phúc âm của Chúa Giêsu và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn soi sáng, để suy niệm, sống theo, và dạy cho các tập sinh trong Dòng Kín ở Li-xi-ơ sống theo.
Như vậy đường thiêng liêng thơ ấu có nghĩa là linh đạo, là lối sống theo Chúa Thánh Thần “thổi hơi và gợi hứng” cho mỗi người, và mỗi người đón nhận hơi thổi và gợi hứng của Người để sống theo Phúc âm Chúa Kitô. Linh đạo này bao gồm ba việc chính là: lắng nghe Lời Chúacách kết thân với Chúa, vàsống theo Hội Thánh Chúa Kitô. Tuy nhiên mỗi Kitô hữu còn thuộc về một dân tộc có nền văn hóa riêng, còn sống trong những hoàn cảnh khác nhau tùy thời tùy nơi, nên cần phải biết hội nhập và thích ứng cho phù hợp. Còn “thơ ấu”, như đã nói ở trên, không có nghĩa là con nít, còn ít tuổi, còn bé dại mà phải hiểu đường thơ ấu của chị như chính chị đã gọi là “con đường nhỏ” hoặc “giáo thuyết bé nhỏ”. Thực ra trong các thủ bản chị không dùng “đời thiêng liêng thơ ấu”. Vì thế vào hai năm cuối đời, chị đã vâng lời Bề trên Dòng để viết ba tập thủ bản A, B, C, sau được đúc kết thành Truyện Một Tâm Hồn (TMTH), trong đó chị đã trình bày những yếu tố chính: trước hết là lòng nhân từ thương xót của Cha trên trời; sau là chính bản thân và gia cảnh của chị, bối cảnh của tu viện, hoàn cảnh xã hội đương thời, tất cả đã góp phần giúp chị hình thành đường thiêng liêng thơ ấu của chị. Ta sẽ cùng nhau khám phá đời sống và giáo thuyết nhỏ của chị.
2. “Em chỉ là một cô gái không đủ sức làm việc và yếu đuối” (xem TMTH trang 388) .
Để khám phá đời sống và đường thiêng liêng thơ ấu của chị, chúng ta rất may mắn có những tài liệu do chính tay chị viết để lưu lại cho nhà dòng, theo lệnh các Bề trên Dòng là chị ruột của chị. Đầu tiên Bề trên bảo chị tóm tắt cuộc đời thơ ấu (Thủ bản A), sau đó xin chị viết thêm về đời tu trong dòng (Thủ bản C), cuối cùng chị viết bổ túc để trình bày “giáo thuyết nhỏ” tức là đường thiêng liêng thơ ấu (Thủ bản B). Chị viết vào hai năm cuối cùng, khi bệnh tật, trước khi qua đời vào năm 24 tuổi. Chị viết vì vâng lời Bề trên chứ không để phổ biến cho mọi người nên chị trình bày rất chân thành, hồn nhiên. Cũng nên nhớ chị còn là một nhà thơ đã có hơn 50 bài thơ đạo.
Cuộc đời chị. Têrêxa là con gái út của gia đình ông bà Lu-y Mac-ti-nô, sinh ngày 2-1-1873 tại A-lăng-xông thuộc nước Pháp. Gia đình có 9 người con, hai trai bảy gái. Hai con trai dã theo hai chị về trời lúc còn non yếu. Còn lại là năm chị em gái lần lượt đều dâng mình cho Chúa trong các dòng. Chưa đầy 4 tuổi chị đã mồ côi mẹ. 8 tuổi phải đi học nội trú ở trường Li-xi-ơ. 10 tuổi bị bệnh nặng suýt chết. 11 tuổi được rước lễ lần đầu và thêm sức. 13 tuổi mắc bệnh bối rối về vấn đề đức khiết tịnh. 14 tuổi trải nghiệm đầu tiên về tội nhân cứng lòng không hối cải. 14 tuổi quyết định xin được đặc ân vào tu Dòng Kín sớm hơn luật định (đáng lẽ là 21 tuổi). 15 tuổi được nhận vào dòng kín Li-xi-ơ với tên Têrêxa Hài đồng Giêsu và Thánh Nhan. 17 tuổi tuyên khấn và đội lúp. 21 tuổi, ba của chị qua đời. 23 tuổi được làm tập sư coi tập sinh và được lệnh bề trên viết tự thuật, cuối năm 23 tuổi gặp thử thách rất nặng là bị thổ huyết vào thứ 6 Tuần Thánh tháng 3-1896. Rồi chị có ý thức là mình được ngồi bàn của những người tội lỗi với Chúa Giêsu, cũng ý thức mình có ơn gọi truyền giáo và ước ao truyền giáo. 24 tuổi sống những ngày cuối đời trong bệnh tật gây đau đớn hơn cũng như trong các cám dỗ về đức tin mạnh mẽ hơn. Cuối cùng sau cơn hấp hối kéo dài, chị qua đời ngày 8-7-1879.
Qua tự thuật của chị, ta thấy từ chỗ là con gái út trong gia đình đông con, vóc dáng thấp nhưng xinh đẹp, sức khỏe mong manh, tính tình tế nhị, bốn tuổi đã mồ côi mẹ, lớn lên đi học nội trú, gặp bệnh nặng suýt chết, bối rối kéo dài khi dậy thì, biết có những người tội lỗi cứng lòng không trở lại, muốn vào Dòng Kín mà chưa đủ tuổi, làm tập sư (coi tập sinh) chưa có nhiều kinh nghiệm vì quá trẻ, mắc bệnh ho lao thổ huyết phải liệt giường và trải qua cơn hấp hối lâu dài… tất cả không thể không làm chị phải mặc cảm tự ti như chính chị đã thú nhận: “em chỉ là cô gái không đủ sức làm việc và yếu đuối” . Tuy nhiên, chị không hề nản chí thất vọng nhưng ý thức “tất cả là hồng ân” của lòng Chúa là Cha nhân từ hay thương xót, và suy nghĩ cố gắng đáp lại tình yêu Chúa bằng đường thiêng liêng thơ ấu của chị.
3. Để lên trời chị đã chọn con đường bé nhỏ là tin cậy phó thác cho Chúa như trẻ thơ (xem TMTH trang 413,365,369,71).
Ý thức mình chỉ là cô gái không đủ sức làm việc và yếu đuối, phải trải qua bệnh tật và cám dỗ nặng nề, đáng lẽ chị phải mặc cảm tự ti, nản chí thất vọng. Nhưng trong suốt cuộc đời, chị lại cảm nghiệm được tình yêu nhân từ và thương xót của Chúa và Đức Maria, chị cũng nhờ ảnh hưởng lòng đạo đức của gia đình, chị đón nhận tất cả với trái tim tràn ngập biết ơn và yêu mến, bởi vì “ tất cả là hồng ân” (TMTH trang 366), nên chị quyết tâm nên thánh.
Từ 3 tuổi chị đã nhất định không từ chối Chúa điều gì – khi so sánh mình với các thánh chị thấy các ngài như núi mà chị như hạt cát – Chị biết Chúa nhân lành không bao giờ gợi lên trong chị những gì chị không thể làm được, và Người có thể dùng sự bé nhỏ yếu đuối để làm chị trở nên một vị thánh. Vì thế chị vui vẻ chấp nhận thân phận hạt cát và suy nghĩ: “tìm kiếm một con đường thẳng và ngắn nhất, cũng như hoàn hảo nhất để nên thánh (TMTH trang 413). Chị mở Kinh Thánh và thấy trong Phúc âm thánh Mát-thêu Chúa Giêsu nói với các tông đồ: “Nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ em thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18, 3). Lời Chúa nói đây là nói cho tất cả mọi người lớn nhỏ. Nên chị nghĩ rằng việc của chị là phải làm sao cứ mãi mãi như trẻ nhỏ , dù lúc này chị đã là nữ tu 23 tuổi. Chị tưởng tượng ra cảnh một em bé chưa biết đi muốn lên với mẹ đang ở trên đầu thang. Em cố gắng nhấc chân lên bậc thang thứ nhất nhưng lần nào cũng té xuống không lên được. Thấy vậy cuối cùng mẹ em bước xuống bồng em lên với mẹ trên tay… Chị giải thích rằng Chúa như người cha nhân từ toàn năng và hay thương xót , Người mời gọi và thúc đẩy ta nên thánh, dù biết ta yếu đuối. Nếu ta có thiện chí cố gắng tin cậy và phó thác hoàn toàn cho Người để cứ leo lên, thế nào Người cũng sẽ mau mắn cứu giúp (TMTH – trang 414).
Như trong Phúc âm, sau khi làm phép lạ cho ai, Chúa thường bảo họ: “lòng tin của con đã chữa con” (Mt 9,22) “anh tin thế nào thì được như vậy“ (Mt 10,29), “lòng tin của bà mạnh thật, bà muốn sao thì sẽ được như vậy “ (Mt 15,28) … dường như Chúa muốn thi hành quyền năng của Người tùy lòng tin cậy phó thác của ta đối với Người ( TMTH 369,371,372). Và chị đã khám phá ra “cách trở nên trẻ em” là cách sống bé nhỏ như trẻ thơ, đó là luôn có lòng tin cậy phó thác hoàn toàn cho Chúa. Chị coi đó là cái thang máy đem chị lên với Chúa mà “thang máy đó chính là cánh tay của Chúa Giêsu” (TMTH trang 414).
Tại sao như vậy? Chị thấy rằng tin cậy và phó thác hoàn toàn cho Chúa là dấu hiệu cốt yếu nhất của t́nh yêu đích thực. Nếu hai người yêu nhau mà còn nghi ngờ, sợ hãi nhau thì chưa phải là yêu. Chúa đã yêu con người hết mình và vô điều kiện thì con người phải yêu Chúa với tình yêu cũng hết mình và vô điều kiện. “Lấy tình yêu đáp lại tình yêu” (TMTH trang 372). Chị đã tìm thấy trong thư 1.Cor.13,31 thánh Phaolô nói đến con đường trổi vượt hơn cả đó là đức ái, hiểu theo nghĩa là tình yêu đối với Chúa. Chị suy nghĩ thêm rằng: Tình yêu đối với Chúa bao gồm mọi ơn gọi, không có tình yêu ấy thì các tông đồ chẳng còn rao giảng Phúc âm nữa, các vị tử đạo sẽ từ chối đổ máu mình ra (TMTH trang 386). Tình yêu đòi lòng tin cậy phó thác hoàn toàn cho Chúa cả xác hồn chứ không phải cách trừu tượng và phải được biểu lộ cụ thể trong cách kết thân với Chúa là cầu nguyện mà chị coi là “vũ khí có sức mạnh vô địch” Chúa ban cho chị (TMTH trang 476). Đồng thời tình yêu cũng đòi hỏi phải thể hiện trong hành động (TMTH trang 455). Cho nên chị cố gắng chu toàn những việc nhỏ mọn trong bổn phận hằng ngày bằng một tình yêu hết mình. Trong tu viện chị chỉ có những việc như may giặt, quét nhà, làm cỏ, dọn bàn ăn, múc nước, dọn phòng thánh, dạy các tập sinh, viết tự thuật, chịu đau khổ vì bệnh tật, cám dỗ về đức tin… Do đó khi chị may giặt, quét nhà, làm cỏ, dọn bàn ăn …chịu bệnh tật, cám dỗ… chị sẽ yêu bằng một tình yêu phi thường, vì chỉ có tình yêu mới quan trọng, chỉ có tình yêu mới cứu rỗi “Chị yêu đến chết vì yêu” ( TMTH trang 429) .
4. Ba ham mê của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu
Ý thức mình chỉ là cô bé không đủ sức làm việc và yếu đuối, và cũng ý thức mình được Chúa mời gọi để về trời bằng con đường nhỏ bé, đó là sống hoàn toàn tin cậy và phó thác cho Chúa như trẻ thơ. Tuy chỉ là một nữ tu ẩn mình trong những bức tường của Dòng Kín, thế mà chị luôn hướng cuộc đời tới Chúa, tới cánh đồng truyền giáo trên thế giới, trong đó có các linh mục, có biết bao người chưa biết Chúa, biết bao người tội lỗi. Vì thế chị đã không chỉ lo về trời một mình, nhưng chọn thể hiện con đường nhỏ bé của chị trong ba ham mê lớn: đó là cầu nguyện cho các linh mục, cầu nguyện cho các người tội lỗi, và làm việc truyền giáo.
4.1 “Em say mê cầu nguyện cho các linh mục lẽ ra phải trong sáng như pha lê” (TMTH trang 240).
Chị đã có dịp gặp nhiều linh mục thánh thiện và chị nghĩ rằng “Nếu phẩm chức cao vời của các ngài nâng cao các ngài lên trên các thiên thần thì các ngài cũng còn là những con người yếu đuối mỏng manh… Nếu các linh mục thánh thiện mà trong Phúc Âm Chúa Giêsu đã gọi là “muối của trần gian” chứng tỏ bằng hành vi của các ngài còn hết sức cần đến những lời cầu nguyện, thì phải nói gì về những linh mục nguội lạnh? Chúa Giêsu đã chẳng nói thêm “Nếu muối đã ra lạt thì lấy gì ướp cho nó mặn lại được” (Mt 5,13) . Chị ý thức rằng: “mục đích duy nhất của các kinh nguyện và hy sinh của ơn gọi Cát Minh là làm tông đồ cho các tông đồ” (TMTH trang 241). Và trong thư gởi Mẹ Bề trên, chị viết: “Chúng ta đặc biệt phải cứu rỗi các linh hồn của các linh mục, các linh mục này lẽ ra phải trong sáng hơn pha lê”. Vì thế chị đã nhận “một em trai đầu lòng” là linh mục Maurice Barthélémy Bellière đi truyền giáo bên Alger, Phi Châu (TMTH trang 495), và em trai thứ 2 là cha Adolphe Roulland đi truyền giáo bên Trung Hoa (TMTH trang 500).
4.2 Em cháy bỏng niềm ao ước muốn giải thoát các linh hồn trong tội (TMTH trang 200)
Ngay từ khi được 14 tuổi. chưa đi tu, khi chị hay tin có anh Henri Pranzini 31 tuổi đã giết 2 phụ nữ và một bé gái để cướp của, anh bị kết án tử hình, nhưng anh nhất định không xưng tội và tỏ dấu hối cải nào. Chị biết mình chẳng làm gì được, nhưng cậy nhờ ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu và công phúc của Hội Thánh, chị còn xin lễ cho anh. Thế rồi vào giờ chót trước khi lên máy chém, khi linh mục đưa thánh giá cho anh, anh đã cầm lấy và hôn ba lần (THTM trang 201 -202). Sau khi vào dòng, chị có thêm nỗi lo là số phận của bao người tội lỗi, vô thần, duy vật… Chị phải tham dự vào công cuộc cứu rỗi của Chúa Giêsu và Hội Thánh, chị say mê cầu nguyện rằng: “Xin Chúa cho con được nghiền nát vì cảm thương các tội nhân, vì các linh hồn chung quanh con”. Chị gọi những người tội lỗi là “anh chị em tội lỗi của Giêsu”, và chị cũng gọi họ là” anh chị em của chị” và xin Chúa “tha thứ cho các anh chị em của chị”. Chị chấp nhận “ăn bánh đau khổ và hoàn toàn không muốn rời khỏi bàn ăn cay đắng nơi những người tội lỗi đáng thương ngồi ăn” (TMTH trang 422- 423) , như Chúa Giêsu xưa đã ngồi cùng bàn với người thu thuế và tội lỗi (Mt 9,10). Đến cuối đời khi đang hấp hối, chị nhìn sang Mẹ Bề trên và nói “chén đắng đã đầy miệng rồi. Không bao giờ con dám tưởng mình có thể chịu đau khổ tới mức này… con chỉ có thể hiểu rằng con chịu được là bởi lòng con rất thiết tha với phần rỗi các linh hồn”.
4.3 Em có ơn gọi làm tông đồ. Em muốn làm nhà truyền giáo.
Cầu nguyện cho các linh mục, cho người tội lỗi, chị còn rất thiết tha với việc làm tông đồ: “Em cảm thấy muốn làm chiến binh, linh mục, tông đồ, tiến sĩ, tử đạo… muốn thực hiện mọi công trình anh hùng nhất (TMTH trang 381)… “Em muốn đi khắp mặt đất, rao giảng danh Chúa Giêsu và trồng cây thập giá vinh hiển của Người trên mãnh đất vô đạo, đồng thời em muốn loan báo Phúc âm trên khắp Năm Châu cho tới tận những hải đảo xa xôi nhất… Em muốn là nhà truyền giáo không phải chỉ trong vài năm, nhưng em muốn là như vậy từ khi có vũ trụ này cho đến tận thế… Em muốn đổ cho tới giọt máu cuối cùng vì Người” (TMTH trang 382). Về cuối đời chị phải vâng lời nữ tu coi sóc chị đi bộ mỗi ngày 15 phút. Thấy chị đi lại quá mệt nhọc, có một chị khuyên: chị nên về nằm nghỉ thì hơn. Chị đáp lại: đúng thế. Nhưng chị có biết em lấy sức mạnh ở đâu mà đi được như vậy không?. Em đi để cầu nguyện cho một xứ truyền giáo, với ý nghĩ rằng ở nơi xa xăm đó có vị truyền giáo có lẽ đang kiệt sức vì miệt mài lo mở mang Nước Chúa, em muốn dâng lên Chúa những bước đi mệt nhọc này để cho vị tông đồ ấy đỡ mệt mỏi”…
5. ĐỂ KẾT
Trước tiên là trình bày ý kiến của các vị chủ chăn trong Hội Thánh về Thánh nữ Têrêsa và đường thiêng liêng thơ ấu của chị. Sau sẽ bàn về đường thiêng liêng thơ ấu và và việc Tân Phúc Âm hóa.
5.1. ý kiến của các vị chủ chăn trong Hội Thánh.
- Đức giáo hoàng Piô XI. Khi phong thánh cho thánh nữ Têrêxa năm 1925 đã nói: “Vị Thánh Têrêxa mới đã thấm nhuần đạo lý Phúc Âm và đã thực hành đạo lý ấy trong đời sống hằng ngày của chị. Hơn nữa, bằng lời nói và gương sáng chị đã dạy con đường thiêng liêng thơ ấu cho các tập sinh trong tu viện, và đã trình bày cho mọi người bằng các tập viết được phổ biến trên khắp thế giới… theo lời chứng của vị tiền nhiệm của chúng tội là đức thánh cha Bênêdictô XV, chị đã học được một khoa học tuyệt vời về những điều siêu nhiệm khiến chị có thể vạch ra cho người khác một con đường cứu rỗi chắc chắn”. Hai năm sau, chị được ngài tôn làm Bổn mạng các xứ truyền giáo (1927).
Đức thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã tấn phong Thánh Têrêsa làm Tiến sĩ Hội Thánh trẻ nhất, mới 24 tuổi, trong số 33 thánh Tiến sĩ Hội Thánh. Khi tuyên phong năm 1997 ngài đã nói “lý do trước tiên thánh nữ là một phụ nữ, rồi là một vị thánh rất trẻ đã sống hầu như cùng thời với chúng ta, và có một ảnh hưởng đối với quần chúng hôm nay”. Thánh nữ không hề cắp sách đến Đại học, không hề dự khóa thần học quy củ nào cũng chẳng có bằng cấp gì.
-Đức giáo hoàng Bênêdictô XVI, khi còn làm hồng y đứng đầu Bộ Giáo lỹ Đức tin, nhân dịp phong Tiến sĩ cho thánh Têrêxa có nói:”Đối với danh hiệu tiến sĩ Hội Thánh tôi nghĩ cần hai tiêu chuẩn cơ bản: sự tỏa sáng thiêng liêng trên khắp thế giới, và chiều sâu giáo thuyết. Chắc chắn thánh nữ Têrêxa đáp ứng đủ hai tiêu chuẩn này”.
Cũng nên nhớ đức đương kim giáo hoàng Phanxicô đã phong chân phước cho ông bà Lu-y Mac-ti-nô, cha mẹ của thánh nữ, vào ngày 19-8-2008 tại Li-xi-ơ.
5.2 Đường thiêng liêng thơ ấu với Tân phúc âm hóa.
Toàn Hội thánh đang tiến hành công cuộc Tân phúc âm hóa nghĩa là lấy nhiệt tình mới để vận dụng Phúc âm một cách mới mẻ, phù hợp hơn với con người và xã hội thời nay, những con người đang bị lôi cuốn theo dòng chảy của tục hóa, của vô thần, duy vật, của hưởng thụ, vô cảm… muốn gạt bỏ Thiên Chúa và tình yêu thương của Người; đang gây ra nhiều hậu quả tang thương cho cả thế giới loài người. Thiên Chúa là tình yêu đã tạo dựng con người giống hình ảnh Người để họ biết yêu Chúa, yêu nhau, sống hạnh phúc với nhau như trong địa đàng. Nhưng ông A-dong và bà E-và, nguyên tổ loài người, đã không muốn vâng phục Chúa, không muốn kết thân với Chúa, khiến cả thế giới loài người trở thành địa ngục trần gian.Tuy nhiên,vì Thiên Chúa luôn yêu thương đã cử Chúa Giêsu xuống trần gian để cứu rỗi loài người bằng con đường vâng phục, hạ mình xuống vác khổ giá và chịu chết, để chứng tỏ tình yêu vô biên và trung tín. Đó chính là Phúc âm của Chúa Giêsu, Phúc âm đã kêu gọi mọi người muốn được hạnh phúc trong Nước Chúa thì phải trở nên như trẻ thơ. Trẻ thơ cốt tại lòng tin cậy và phó thác hết mình cho Chúa.
Như vậy đường thiêng liêng thơ ấu của thánh nữ Têrêxa là con đường nhỏ, là một cách hữu hiệu và phù hợp nhất để Phúc âm hóa con người và xã hội ngày nay, chắc chắn giúp họ thoát khỏi cảnh một thế giới hỗn loạn vô chủ, và sống với nhau theo luật rừng vì không có Chúa… Thánh nữ Têrêxa đã nghe Lời Chúa, chọn con đường thiêng liêng thơ ấu, để ham mê sống kết thân với Chúa bằng tin cậy, yêu mến, phó thác hoàn toàn cho Chúa, để cầu nguyện cho các linh mục, cầu nguyện cho mọi người tội lỗi, cầu nguyện cho việc Phúc âm hóa. Chị đã hứa: “khi về trời sẽ làm mưa hoa hồng xuống trần gian”. Hoa hồng đây là những ân sủng Chúa ban cho những ai thực hành con đường thiêng liêng thơ ấu với lòng yêu mến và hy sinh. Còn Kitô hữu chúng ta đang đi theo con đường thiêng liêng nào? Có ham mê trở thành đèn sáng, nên muối mặn để phục vụ nhân loại không (Mt 20, 28), hay chỉ ham mê trở thành “ông vua nhỏ” trong giáo phận, trong giáo xứ, trong gia đình, trong xã hội để cai trị (Mt 20, 25).
Xin mượn một đoạn thơ bốn câu trong bài thơ “Bài ca hôm nay của em” của Thánh Têrêxa để kết thúc bài này:
Đời em như gió thoảng
Đời em tựa mây bay
Có chi mà lo lắng,
Yêu Chúa trọn hôm nay.
(Bản dịch sang thơ Việt của nhà thơ Sảng Đình, cha J.M.Thích).
Lạy thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu, xin mưa hoa hồng xuống trần gian, xin cầu cho chúng con. Amen.
Linh mục Antôn Nguyễn mạnh Đồng
Nhà Hưu Dưỡng linh mục Cần Thơ
Lễ Thánh Têrêxa 2014

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...