Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2024

Người Tôi Yêu


Các bạn trẻ thân mến,


Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi. Có người tự hào, người yêu tôi là đại gia, là diễn viên nổi tiếng, là chủ tịch, là giám đốc…Nhưng có ai đã từng tự hào với thiên hạ rằng, người yêu tôi là một chàng trai nghèo, không nhà, không cửa, không chốn tựa đầu, bị ghét bỏ, bị chống đối và bị giết chết cách nhục nhã? Thật khó để có thể tự hào về một con người như thế phải không? Đặc biệt, trong thế giới hiện đại hôm nay, người ta dễ bị cuốn hút bởi những giá trị ảo, những hưởng thụ vật chất bên ngoài, hơn là đi tìm giá trị thật bên trong.


Bạn đã có người yêu chưa? Người yêu bạn như thế nào? Bạn mong muốn điều gì nhất nơi người yêu của mình?


Tôi có một người yêu thật đặc biệt, chẳng giống ai trên thế gian này, bởi người yêu tôi mang hai bản tính, vừa là Thiên Chúa, vừa là con người. Thật khó tin phải không? Tại sao trong một con người lại có thể vừa là Thiên Chúa, vừa là con người? Nhưng đó là chân lý. Chân lý ấy được biểu lộ cách sống động nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng tôi yêu mến và tôn thờ. Ngài đã thực sự cuốn hút tôi.


Quả thật, làm sao trái tim tôi không thể rung nhịp bởi Tình Yêu của một Đấng là Thiên Chúa đã trao tặng chính cả mạng sống mình vì tôi, dù nơi tôi con nhiều bất xứng và giới hạn.


Dưới con mắt của nhiều người, Người Yêu Tôi xem ra cũng chỉ là một con người bình thường như bao người khác.


Vâng, Ngài cũng là một con người bình thường như chúng ta, Ngài cũng được sinh ra, được lớn lên, được làm người như chúng ta. Ngài cũng biết khát (x.Ga 4,7), biết mệt (x.Mc 5,38), biết khóc (x.Ga 11,35), biết lo sợ (x.Lc 22,44). Tất cả những gì nơi thân phận con người, Ngài mang lấy tất cả, chỉ trừ tội lỗi.


Nhưng chính trong cái bình thường và xem ra tầm thường đó đã thể hiện được sức mạnh và quyền năng của một vị Thiên Chúa trong bản tính Thần linh của Ngài.


Ngài được sinh ra làm người do bởi phép Chúa Thánh Thần (x.Mt 1, 20). Thật khó có thể hiểu và tin được mầu nhiệm đó, nhưng chúng ta có thể làm được khi cùng với Mẹ Maria tin rằng “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không làm được” (Lc1,37).


Khi chiêm ngắm hang đá Bêlem, tôi cảm phục và yêu mến Ngài hơn bởi Tình Yêu giáng thế nhiệm mầu và cao quý mà Ngài dành tặng cho nhân loại.


Có vị hoàng tử nào trên thế gian này tự nguyện từ bỏ ngai vàng cao sang, quyền quý của mình để làm một kẻ nô lệ? Chắc chắn, không một ai, và chỉ có một Đấng duy nhất đó là Người Yêu Tôi: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Phil 2,6-8).


Chính trong “kiếp nô lệ”, Ngài đã ôm trọn tất cả những gì là hèn mọn, là nghèo nàn, khổ cực, thiếu thốn, đau đớn và nhục nhã nhất trong thân phận làm người để thông chia với con người những khổ đau, và để thi hành thánh ý Chúa Cha đã trao phó cho Ngài là đem ơn cứu độ đến cho nhân loại. “Chính vì thế, Ngài đã được Thiên Chúa siêu tôn và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (x. Phil 2, 9-11)


Chính trong tương quan nhiệm mầu của Ngài với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa đã ban tặng cho nhân loại một món quà vô giá từ trời mang tên “Tình Yêu”. Qua Thánh Tử yêu dấu duy nhất là Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu của Ngài với nhân loại. Một tình yêu không phân biệt giàu nghèo, địa vị, sắc tộc, giai cấp (x.Ga 3,1), không phân biệt công chính hay tội lỗi (x.Ga 8,2-11), khỏe mạnh hay tàn tật, què quặt, đui mù (x.Lc 14,13). Một tình yêu tha thứ (x.Lc 22,6; Lc 23,34), phục vụ vô vị lợi (x.Ga 13,1-5). Và nhất là, Đức Giêsu thể hiện tình yêu qua sự hy sinh mạng sống của mình trên Thập giá vì nhân loại. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).


Bằng chính những trải nghiệm thiêng liêng cá vị trong đời sống đức tin, tôi đã được cảm nếm sự dịu ngọt của Tình Yêu nơi Đấng tôi yêu mến và tôn thờ.

Tình Yêu là món quà vô giá Ngài ban cho tôi. Ngài đã yêu tôi hơn gấp trăm ngàn lần tôi yêu Ngài.


Ngài mãi yêu tôi dù tình yêu tôi dành cho Ngài thật nhỏ bé, có khi nhạt nhẽo, vô vị.


Nghe có vẻ hão huyền như đang trong mơ; nhưng không, đó là sự thật, tôi đang rất thực tế để xác tín điều đó. Tôi không dám chắc tôi sẽ mãi yêu và trung thành với Ngài, nhưng tôi tin Ngài mãi mãi yêu tôi và trung tín với tôi.


Trên con thuyền cuộc đời đầy bấp bênh và mong manh, Ngài đã cùng tôi trải qua những sóng gió, bão tố của thân phận làm người. Đã có lúc tôi tưởng chừng như không thể nào đứng vững và sẽ gục ngã, nhưng Ngài đã ở bên tôi, Ngài là nguồn nâng đỡ và ủi an để tôi mạnh mẽ tiếp tục tiến bước. Dù tôi chẳng biết, phía trước tôi là gì, tương lai tôi sẽ ra sao nhưng tôi bình an khi tin Ngài chính là bến bờ mà tôi đang hướng tới.


Người Yêu Tôi là thế, dưới con mắt người đời, Ngài không giàu sang, vinh hoa, phú quý, chỉ là một chàng trai nghèo đến nỗi từ lúc sinh ra cho đến lúc trao hơi thở cuối cùng, không một chốn nương thân để tựa đầu (Mt 8, 20), một chàng trai bị chính những người thân cho là mất trí (Mc 3,20-21), bị những kẻ chống đối sỉ nhục và giết chết cách nhục nhã trên Thập giá. Nhưng chính trong cái nghèo, cái điên rồ ấy của Thập giá, sự khôn ngoan của Thiên Chúa được biểu lộ (x. 1Cr 1,17-25).


Ngài đã phá tan đêm tối của tội lỗi và sự chết để nhân loại được sống bằng một Tình Yêu vĩnh cửu; nhờ đó, nhân loại được ngập tràn ánh sáng vinh quang Tình Yêu Thiên Chúa.


Tôi tin rằng, Ngài yêu tôi và Ngài cũng rất yêu bạn.


Ước gì Tình Yêu Đức Kitô lôi cuốn và thôi thúc chúng ta đến gặp và bước theo Ngài để chúng ta được mãi hạnh phúc trong Tình Yêu của Ngài.


Sương Mai, SJP

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net )

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2023

Mùa Đông

Đông về. Trời lạnh! Cảnh sắc thiên nhiên thay đổi hoàn toàn. Cành cây trơ trụi. Mưa rơi, tuyết đổ. Dòng nước đóng băng. Đêm dài, ngày ngắn. Cái khắc nghiệt của mùa đông làm cho mọi sinh hoạt của đời sống con người cũng bị tê liệt. Nhìn trời thôi đã thấy một sự ảm đảm đến thê lương. Thế giới bị thu nhỏ lại chỉ bằng một khung cửa sổ lạnh tanh, vắng ngắt.


Mùa đông càng trở nên khủng khiếp hơn với những ai đang phải sống cảnh xa nhà, xa quê hương. Nỗi cô đơn chợt ùa đến xâm chiếm con tim. Ngồi một mình, người ta thường hay nghĩ ngợi. Nghĩ về quá khứ, về những người mình yêu thương. Một nỗi buồn nhẹ không tên hoà quyện với một khát khao gì đấy cứ lởn vởn trong tâm trí. Đông ngoài trời, đông cả trong lòng mình.


Người ta sợ mùa đông vì sự lạnh lùng và cái chết chóc nó mang lại cho thế giới tự nhiên và con người. Nhưng chẳng phải vì thế mà nó lại bị bỏ quên. Những ai có tâm hồn nghệ sĩ nhìn thấy trong nét tàn tạ đó của mùa đông một sự cuốn hút lạ thường. Biết bao nhiêu tình khúc về mùa đông ra đời. Bao nhiêu câu chuyện lứa đôi ươm mầm từ cái lạnh của nó. Rất nhiều kỷ niệm trở nên đẹp hơn nhờ gắn kết với mùa đông.


Nhưng đã từ rất lâu, mùa đông của người Kitô hữu đã không còn là một mùa đông cô đơn, buồn bã. Hơn hai ngàn năm trước, cái lạnh của mùa đông đã bị xua tan bằng sự ra đời của một em bé, một em bé rất đơn sơ, yếu đuối, được quấn trong khăn và được đặt trong một máng cỏ giữa trời khuya lạnh giá.


Buổi đêm hôm ấy là một khoảnh khắc định mệnh, là thời điểm mà con người và muôn loài thụ tạo đã mong ngóng bấy lâu nay. Giữa cái đêm đen của trần thế, ánh sáng từ trời đã dọi xuống, làm rạng rỡ cả một vùng hào quang. Bóng tối của tội lỗi, của khổ đau, của kiếp trầm luân bao nhiêu năm nay thống trị địa cầu, nay đã bị xua tan bởi sự giáng lâm của Đấng là ánh sáng chiếu soi muôn loài, Đấng là Ngôi Lời đã hiện diện và tham gia vào công trình tạo dựng trời đất.


Ánh sáng cứu độ ấy cùng với niềm vui hân hoan được ban trước hết cho những người chăn chiên nhỏ bé, một lớp người bị người khác lãng quên, bị đặt ở dưới cùng đáy của xã hội. Đấng ngự trên ngai cao nhất đã đi xuống nơi thấp hèn nhất. Đấng quyền năng nhất đã trở nên yếu đuối nhất. Đấng cao cả nhất đã trở nên nhỏ bé nhất. Thật huyền nhiệm làm sao!


Mùa đông ấy không còn tối vì đã có ánh sáng xuất hiện. Ánh sáng giúp xua tan đi bóng đêm, vốn là căn nguyên của bao nỗi sợ. Có ánh sáng rồi, người ta thấy mình được an toàn. Nhờ ánh sáng, người ta cũng nhìn thấy được mọi sự, thấy bản thân, thấy mọi loài, thấy người khác, thấy con đường đi. Ánh sáng giúp xua tan đi những u uất trong tâm trí mình. Ánh sáng làm cho người ta hiểu được điều bấy lâu nay bị bóng tối phủ vây. Ánh sáng làm đổi mới tất cả.


Ánh sáng đó cũng là tình yêu sưởi ấm tâm hồn, mang bình an đến đụng chạm từng ngõ ngách ở tầng đáy của tâm hồn. Ánh sáng đó làm người ta hân hoan, phấn khởi, thấy mình được trở nên quang minh hơn, giải thoát mình khỏi vũng lầy của những thăng trầm, những lòng luẩn quẩn của biết bao nỗi bận tâm không lối thoát.


Bởi thế, tiết trời dù lạnh nhưng lòng người thì ấm, vì người ta biết mình được yêu, được quý mến, mình không hề bơ vơ lạc lõng giữa cõi vô thường này. Người ta sẽ trở nên khô héo và chết đi khi bị xua trừ, khi không thấy mình được ai yêu. Ngược lại, người nào cảm thấy mình “được yêu” bởi người mình yêu, ấy là người hạnh phúc nhất thế gian này. Họ cảm thấy mình trào tràn sức sống và con tim rung lên những cung bậc xúc cảm khi chứng kiến người mình yêu vì mình mà hy sinh mọi thứ. Có ai đó vì mình mà vui, vì mình mà khóc, vì mình mà chấp nhận đánh đổi tất cả… ắt hẳn là điều tuyệt vời nhất mà mình có thể đợi trông. Tình yêu làm cho con người trở nên tươi mới, và chính nó cũng là sức sống và lửa hồng sưởi ấm giữa trời đông lạnh giá của kiếp người.


Mùa đông của người Kitô hữu là một mùa đông vô cùng rực rỡ và ấm áp, bởi đó được bao bọc bởi ân sủng và tình yêu. Nơi cái nghèo và đơn sơ của “một em bé bọc khăn, nằm trong máng cỏ”, một bầu trời bát ngát của ân sủng toả lan, len vào từng ngỏ ngách của cuộc sống, ngay cả trong kiếp mưu sinh của tầng lớp thấp hèn nhất của xã hội.


Người ta có thể tìm thấy Thiên Chúa ở đâu? Thưa, ngay chính nơi mà người ta tưởng là Ngài không thể/không hề ở đó: nơi cái nghèo, nơi bị bỏ rơi, nơi tâm điểm của màn đêm lạnh lẽo, nơi những góc khuất tăm tối gớm ghiếc của lòng tôi. Ngài đã sinh ra tại đó để biến những nơi tồi tệ ấy thành Thiên Đàng ngập tràn hào quang và tiếng hát Thiên Sứ, điều mà chỉ một mình Ngài mới có thể làm được, bởi Ngài là Đấng Cứu Độ của tôi.


Đông về, một mùa đông rất đẹp, đẹp từ trời cao toả xuống, đẹp từ trong tâm hồn lan ra!


Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Thứ Tư, 20 tháng 12, 2023

Lá thư Giáng Sinh của Chúa Giêsu 2023

Các con yêu dấu,


Ta gửi lá thư này tới các con với tất cả tình yêu và lòng xót thương vô bờ.

 

Mùa Giáng sinh đã tới. Mùa của an bình, niềm vui và hy vọng. Ta là hoàng tử hòa bình từ trời cao đến để mang hòa bình cho nhân loại; nhưng buồn thay, hơn hai ngàn năm qua con người chẳng có hòa bình. Họ dùng chiến tranh để giải quyết những bất đồng, tranh chấp gây tang tóc, đau thương cho nhau. Những đóm hỏa châu của bom đạn hận thù đã che khuất tinh tú và các vì sao trên trời. Nhân loại đang bước đi trong tăm tối không thấy Ánh Sáng.

 

Năm nay, tại Bét-la-hem nơi mà Ta sinh ra, mọi sinh hoạt Giáng sinh đều dừng hoạt động. Tại miền đất nơi Con Thiên Chúa giáng sinh năm xưa, người ta đã làm một hang đá giữa đống gạch vụn đổ nát của chiến tranh, và đặt Ta nằm trong máng cỏ ở đó. Ta cảm thông những đau khổ mà dân lành đang phải gánh chịu vì chiến tranh. 

 

Thế giới hôm nay đang cố gắng lấy tên và hình ảnh của Ta ra khỏi mùa lễ vì họ muốn thuộc về thế gian như lời Kinh Thánh đã viết: “Người đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”. Giáng sinh dần dần không còn là ngày thánh thiêng để mừng kính sinh nhật của Ta mà là ngày hội của mua sắm và thương mại. Con người đang mất niềm tin vào Vị cứu tinh mà năm xưa cha ông của họ đã mòn mỏi chờ mong. Họ mau quên, vô ơn bạc nghĩa chằng khác gì 10 người phong cùi được chữa khỏi mà chỉ có 1 người quay trở lại tạ ơn Thiên Chúa. Họ đến cầu cứu Ta khi xảy ra biến cố khủng bố khiến hai tòa nhà sụp đổ vào ngày 11 tháng 9. Họ than khóc ăn năn kêu cứu tới Ta khi đại dịch Covid lấy đi bao sinh mạng con người. Rồi những thiên tai kinh hoàng liên tục của sóng thần, cháy rừng, lụt lội, bão tố… là những dấu chỉ thời gian để họ tỉnh thức mà nhận ra ai có quyền trên sóng gió bão táp, ai có thể cứu họ, nhưng cũng chỉ hiệu lực trong thời gian ngắn ngủi, và đâu lại vào đó. 

 

Hỡi các con bé nhỏ, 

Mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời. Đừng để khi ông Noe vào tàu và trời trút cơn mưa mới sám hối ăn năn. Hãy vững tin vào Ta vì Ta là Thiên Chúa của lòng nhân từ thương xót. Nếu các con muốn tặng Ta một món quà để tưởng nhớ ngày sinh nhật của Ta thì đây là danh sách niềm mong ước mùa Giáng Sinh của Ta. Các con chọn một hành động nào đó như thể sẽ mang một cọng rơm đến máng cỏ sưởi ấm cho Ta giữa mùa đông giá rét nơi trái tim con người.

 

1- Hãy là sứ giả của hòa bình qua việc làm hòa với anh em của mình. Ba vị vua phương đông đi tìm kiếm Ta, họ có trái tim hiệp nhất và hiệp hành với nhau. Họ cùng chung một cái nhìn để nhận ra một ánh sao dẫn đường tới hang Bêlem.

2- Hãy tìm kiếm Ta ở nơi những người anh chị em nghèo khổ, cô đơn, bệnh tật vì Ta không sinh ra trong nhung lụa gấm vóc.

3- Hãy thăm viếng Ta nơi các nhà thương, viện dưỡng lão, viện mồ côi, nhà tù… vì tại đây những ánh mắt mỏi mòn đợi mong và tâm hồn héo hắt đang khát khao.

4- Hãy cho nhau món quà không mất tiền mua là thời gian và nụ cười. Đừng chọn Iphone là thế giới riêng của mình.

5- Hãy cho nhau tình thương vì nó sẽ được ghi nhớ mãi trong tim và là món quà ngàn năm không phai nhòa của người ở lại.

6- Hãy có lòng biết ơn vì các con nhận lành mọi sự nhưng không từ Thiên Chúa ban cho và là người quản lý trung tín.

7- Hãy cho đi vì cho đi thì có phúc hơn là nhận lãnh. Cho đi là các con đang đầu tư khôn ngoan nhất vào kho tàng không bao giờ mục nát và hư mất.


Đó là niềm mơ ước Giáng sinh của Ta và Ta đặt niềm mơ ước ấy trọn vẹn nơi trái tim và đôi bàn tay của các con. Ta cảm ơn các con và ân sủng cùng phúc lành Giáng sinh của Ta luôn ở cùng các con.


Thương yêu mãi mãi,

Giêsu

Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2023

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam


Kính lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam


Chúng con thật hãnh diện vì đức tin sáng ngời của các ngài trước biết bao cuộc bách hại bạo tàn. Gông cùm, đòn roi và án tử đã trở nên con đường để các ngài cùng Chúa Giêsu tiến lên đồi Canvê. Dòng máu tình yêu của các ngài đã tưới gội cho hạt mầm đức tin của lớp lớp con cháu được lớn mạnh trên quê hương Việt Nam con rồng cháu tiên. Chúng con lắng nghe bài ca tán dương Thiên Chúa mà các ngài đã cất lên bằng chính sự sống của mình; để rồi các ngài được phúc hiển vinh trong hàng ngũ các thánh. Chúng con xin viết lên đôi chút tâm tình để tỏ bày lòng ngưỡng mộ của hậu bối kính dâng lên các ngài.


Những trang sử hào hùng của các vị tử đạo được viết nên bằng giá máu đã giúp chúng con chiêm ngắm đức tin kiên vững và tình yêu mãnh liệt mà các ngài dành cho Thiên Chúa. Nhắc lại năm tháng bách đạo trên quê hương không phải để oán hờn hay gieo hận cho hậu thế, nhưng là cơ hội để chúng con nhìn đến ngọn lửa yêu mến Thiên Chúa rực cháy trên pháp trường năm xưa. Thuở ấy, người ta bài xích đạo Đức Chúa Trời vì cho đó là con đường sai lạc, đạo của người nước ngoài, của kẻ phản quốc.


Từ đó bao thế lực tra tay bách bớ, tiêu diệt các tín hữu một lòng tín trung với chính Đạo. Lời Chúa Giêsu đã khắc sâu trong trái tim các ngài: “vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em”. Vâng, Thầy Giêsu đã chọn các ngài. Vì các ngài đã đáp lại tiếng gọi của Thầy Chí Thánh nên thế gian đã oán ghét rồi loại trừ các ngài. Bản án cuối cùng dành cho những con người yêu mến Thiên Chúa là đầu rơi máu chảy. Nhưng phần thưởng sau cùng dành cho những ai trung kiên chọn Chúa là phần phúc hiển vinh.


Quả vậy, những giọt máu các ngài năm xưa thấm đẫm mảnh đất hình chữ S từ nam chí bắc. Chắc hẳn người ta không ngờ rằng: càng truy lùng, tra tấn và hành quyết các ngài, tình yêu và lòng nhiệt thành làm chứng cho Thiên Chúa lại càng bùng cháy nơi lớp lớp anh hùng tử đạo. Chính ngọn lửa ấy đã thắp sáng, đang sưởi ấm cho mọi thế hệ con cháu chúng con. Hôm nay đây, nhờ ánh sáng huy hoàng của lửa mến các ngài phản chiếu, Thiên Chúa đang cho cánh đồng lúa trên quê hương chúng con trổ bông dâng tràn sức sống.


Lật lại những trang sử một thời vang bóng của các ngài, chúng con kính phục và tri ân tất cả những bậc cha ông đã một lòng với Thiên Chúa và hết mực với quê hương. Chúng con lắng nghe lời vang vọng của các ngài bày tỏ: “Tôi kính Thiên Chúa như Thượng Phụ, kính vua như trung phụ, và kính song thân như hạ phụ. Không thể nghe cha ruột để hại vua, tôi cũng không thể vì vua mà phạm đến Thượng Phụ là Thiên Chúa được.”


Thiên Chúa không dạy ghét bỏ tha nhân, không xúi phản lại Đất Nước. Phải chăng định mệnh của thời cuộc đã đẩy đưa tới những cuộc bách hại khốc liệt để loại trừ những tín hữu vốn hiền hoà dễ mến. Nơi đó, người con Chúa lại lấy đức tin, lời cầu nguyện và đức bác ái để bày tỏ tình yêu của mình với Thiên Chúa và Quê Hương. Chúng con còn nhớ thánh Trần Văn Trung khẳng khái tuyên bố: “Là công dân Việt Nam, tôi sẵn sàng đi đánh giặc bảo vệ tổ quốc. Nhưng tôi không bao giờ đạp lên Thánh giá bỏ đạo chối Chúa, vì tôi là con dân của Chúa”.


Là công dân, chúng con quyết một lòng yêu thương giống nòi và gìn giữ non sông gấm vóc; là môn đệ Chúa, chúng con nhiệt thành tin yêu và phụng sự Chúa trót cuộc đời. Đó là hai mặt của tình yêu mà chúng con luôn bắt chước các ngài trong lúc gian nguy bách hại, bổn phận làm chứng cho Chúa phải được dặt lên hàng đầu. Xin các ngài chuyển cầu giúp chúng con tiếp tục thể hiện tấm lòng trung tín keo sơn với Thiên Chúa và tổ quốc thân yêu của mình.


Tin yêu Thiên Chúa trong lòng dân tộc, các ngài xả thân theo tiếng gọi của Thầy Giêsu: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” Nhìn lại ba thế kỷ năm xưa, chúng con xúc động vì dòng máu các Ngài gieo vào lòng đất; để từ đó, Lời đơm hoa kết trái trên quê hương Đất Việt. Đó là nguồn sức mạnh giúp các ngài phản chiếu một lòng hân hoan bước theo con đường hẹp của Thầy Chí Thánh. Con đường hẹp với tình yêu lớn đã giúp các ngài chịu được sức nặng của gông cùm, tra tấn và đã tử đạo trên pháp trường năm xưa. Ước gì chúng con cũng can đảm từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy Giêsu.


Là thế hệ con cháu của các bậc tiền nhân son sắt một lòng với Thiên Chúa, chúng con cũng nguyện một lòng cùng với Chúa Giêsu gieo mình vào Đất Việt. Chính tình yêu Thiên Chúa đã làm cho trái tim chúng con không bao giờ mục nát, cánh hoa cuộc đời chúng con chưa một lần úa tàn, những ánh sao không bao giờ lịm tắt, những người con Chúa sống mãi không thôi. Đó là những lời nhắn nhủ của Á Thánh tiên khởi Anrê Phú Yên dành cho hậu thế chúng con. Chắc hẳn các Ngài cũng muốn chúng con dệt tiếp trang sử mến Chúa yêu người, dấn bước dựng xây quê hương trong tinh thần hăng say của người Loan báo tin mừng cho con dân Đất Việt!


Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin giúp chúng con một lòng tin yêu Thiên Chúa, hết mực xây dựng Quê Hương – một Việt Nam công bình, tự do và nhân bản.  


Mừng lễ các Thánh Tử đạo Việt Nam


Giuse Phạm Đình Ngọc SJ


Thứ Năm, 2 tháng 11, 2023

Sự Sống Đời Sau


Hai chữ “đời sau” là có ý muốn nói đến “sau cái chết”. Người ta tin rằng sau khi chết đi, mình vẫn còn sống theo một cách thức nào đó, chỉ có điều, sự sống ấy như thế nào, giống và khác với sự sống mà ta đang thụ hưởng ra sao, thì chẳng ai biết được cả. Dù không biết chính xác, nhưng trong tận thâm tâm, người ta tin là nó sẽ tuyệt vời hơn bây giờ rất nhiều, rằng “người đã chết” ấy hiện diện trong một trạng thái thuần linh, “người đó” có thể nhìn thấy chúng ta, nghe biết và chứng kiến mọi chuyện đang diễn ra trong thế giới này. Thậm chí, người ta còn tin rằng, “người đã chết”, vì không còn bị kìm kẹp bởi vật chất nữa, nên “thần thông quảng đại” hơn, có thể làm được nhiều điều mà chúng ta không thể làm được. Đó là lý do vì sao chúng ta thường dành một sự cung kính cho người quá cố, chúng ta thắp cho họ nén hương, khấn vái, cầu khẩn… Nhiều người còn dâng cúng đồ ăn thức uống, trò chuyện với người đã khuất.


Ở đây, ta tạm thời không bàn đến những tranh luận và suy tư triết học cũng như thần học, nhưng hãy cùng tìm hiểu xem “ý niệm về sự sống đời sau” muốn nói với chúng ta điều gì.


Nhiều người chắp nối “đời sau” với “đời này” như một kiểu nhân quả. Đời này sống tốt thì đời sau sẽ được hưởng phúc; đời này làm nhiều điều gian ác thì đời sau sẽ chịu khổ gấp trăm ngàn lần. Ở “đời sau”, người ta sẽ hưởng hoặc gánh chịu cái mà người ta làm ở “đời này”. Lối suy nghĩ này cổ võ người ta cố gắng “làm lành lánh dữ”, tích nhiều phúc đức qua các việc bác ái, để có thể được “báo đáp” ở đời sau. Có thể có một kiểu hưởng phúc hay hình phạt nào đó mà ta không thể biết và tưởng tượng được. Những hình ảnh như linh hồn bơ vơ vất vưởng hay những ngục tù đầy rắn rết, tối tăm, lạnh lẽo, những ngọn lửa bạo tàn, hay một chốn bồng lai tiên cảnh, nơi người ta hưởng trạng thái tiêu diêu… có lẽ là những phóng chiếu của ta từ kinh nghiệm của cuộc sống này, dựa trên lối quan niệm nhân-quả ấy. Nhưng dẫu sao, khi nghĩ đến “đời sau”, ta cảm thấy được mời gọi không quá bám víu vào những vật chất ở đời này, thấy được mời gọi để mở lòng mình ra hơn, để trao ban bình thương, đón nhận tình mến. Ý thức về đời sau làm cho ta thấy sự ích kỷ, ghen ghét, mưu toan… thật nhỏ bé và tầm thường quá đỗi. Đời sau đích thực là một đời sống ở tầm cao, ở cái hướng thượng, cái siêu việt, với những giá trị trỗi vượt.


Cũng có người nhìn về “đời sau” trong sự đối lập với “đời này”. Họ cho rằng đời này đầy những khổ đau, còn đời sau là bến bờ hạnh phúc. Họ ráng gắng gượng sống cho qua kiếp này, mong chờ cái chết đến thật nhanh để kết thúc những mệt mỏi và để được hưởng sự an nhiên vô lo. Có lẽ do bị quá nhiều tai ương ập đến, những người ấy coi đời này như địa ngục, hay như một chốn đoạ đày. Không thấy được giá trị của sự sống nên họ cứ vật vờ như cọng cỏ chờ gió cuốn đi. Họ chỉ tồn tại đó thôi, chứ chẳng có gì gọi là sống cả. Có những người bi quan hơn, vội vàng tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Niềm tin Kitô giáo cảm thông với những ai đang rơi vào tình cảnh khó khăn tuyệt vọng, nhưng không bao giờ đồng tình với lối suy nghĩ này. Đã đành, sống trong kiếp người thì phải đối diện với những nhiều không mong muốn, nhưng đời này vẫn luôn có một giá trị của nó. Sẽ chẳng thể nào nếm được hạnh phúc đời sau, khi người ta không bắt đầu từ cuộc sống này. Có thể nói, đời này và đời sau không tách biệt nhau, nhưng hoà quyện và nối kết với nhau rất bền chặt. Mọi phần thưởng và hình phạt đã manh nha cách nào đó ngay trong đời sống này rồi. Ta không biết gì về đời sau, nhưng ta hoàn toàn chắc chắn rằng có một cuộc sống ở đời này và nếu không sống nó một cách đầy nhiệt huyết và năng lượng, ta đã hoang phí ơn trời và tự huỷ diệt sự sống mà ta đang thụ hưởng.


“Sự sống đời sau” gợi lên trong chúng ta cảm thức một sự linh thiêng nào đó hiện diện nơi đời sống của con người. Có một thực tại nào đó bao trùm tất cả mọi hiện hữu, mà cái thế giới hữu hình của chúng ta chỉ là một chấm nhỏ. Con người luôn thấy trước mặt mình những mầu nhiệm cao cả vô cùng, nơi đó, họ ý thức được rằng dù họ có giàu sang, quyền lực thế nào, họ cũng chỉ như hạt cát nơi sa mạc. Con người được huyền nhiệm ấy bao trùm lấy mình, để rồi, họ nhận thấy mình cũng là cái gì đó rất linh thiêng và cao cả, vượt trên những giới hạn của bản thân. Ý thức về cái chết giúp cho con người biết rằng ai trong chúng ta cũng đều phải mang một chữ “phận”, phải vâng lời tiếng gọi của Siêu nhiên. Và dù có kinh hãi trước cái chết, con người vẫn có thể khảng khái đối diện với nó vì tin rằng đằng sau nó, vẫn còn cái gì đó khác chào đón mình. Cái chết là bức tường ngăn cản giữa hữu hình và vô hình. Nói theo ngôn ngữ của thánh Phaolo, mọi sự xuất hiện trước mắt ta ở đời này chỉ mờ mờ ảo ảo như nhìn thấy cái gì đó trong tấm gương. Bước qua cái chết, người ta sẽ được chiêm ngưỡng mọi sự như thực tế nó là, với tất cả mọi nét hoàn mỹ và tuyệt đẹp. “Sự sống đời sau” mang đến cho chúng ta một sức mạnh và một niềm hy vọng về sự bất tử của chính mình, trọn vẹn con người mình, chứ không phải chỉ là một phần nào đó của mình.


Khi trực giác về một sự sống bất tử ở đời sau, ta đồng thời cũng được mặc khải cho biết về phẩm giá tuyệt hảo của chính mình. Ta được mời gọi để sống thanh cao, sống những giá trị vượt trên những tầm thường nhỏ nhen. Thật ra, ta đã có thể bắt đầu sự sống đời sau với nhiều hạnh phúc qua từng cái chết nho nhỏ nơi cuộc sống này: chết đi cho cái tôi ích kỷ, chết đi cho những kiêu ngạo, chết đi qua những hy sinh… Thật lạ kỳ: giá trị của cuộc sống hệ tại ở những cái chết như thế; càng chết đi, ta lại càng cảm thấy mình sống cách sung mãn hơn, và sự sống đời sau bắt đầu hình thành từ giây phút ấy.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

Ý nghĩa của ngày mừng lễ các thánh


 Chỉ có Thiên Chúa là Đấng Thánh. Chỉ một mình Thiên Chúa xứng đáng với danh hiệu “Thánh-Thánh-Chí Thánh”. Sự thánh thiện xuất phát từ Thiên Chúa, nguồn mạch của mọi sự tốt lành và thiện hảo. Nhưng vì lòng thương xót bao la, Ngài đã rộng rãi thông ban sự thánh thiện của mình cho con người, để những ai, sau khi đã trải qua một thời gian dài thanh luyện với đủ những thử thách cũng có thể thông phần vào sự thánh thiện đó và được gọi là “thánh”.

 

Trong hành trình cuộc sống, chúng ta gặp không ít các hạng người khác nhau. Có những người mang đến cho chúng ta biết bao rắc rối khiến chúng ta mệt mỏi; có những người xuất hiện trong cuộc hiện hữu của chúng ta mà chẳng để lại một chút ký ức gì; nhưng cũng có những người thật sự đã in đậm trong trái tim của chúng ta một ấn tượng không phai bởi cung cách sống tốt đẹp và lối hành xử phi thường. Nơi họ toát lên một nét siêu thoát đến lạ lùng. Họ an nhiên, tự tại, thảnh thơi. Vẫn mang trên mình thân xác đầy yếu đuối và mỏng dòn, nhưng họ làm ta có cảm giác như thể họ đang sống giữa Thiên Đàng đầy hạnh phúc. Không một khó khăn nào làm họ nản chí. Không một đau khổ nào có thể lấy đi khỏi họ sự thanh tao, lạc quan và yêu đời. Những người như thế, chúng ta gọi là “thánh”. Họ đích thực đã sống sự sống của Thiên Chúa, họ được Ngài cho thông dự vào sự thánh thiện của Ngài.

 

Trong suốt năm phụng vụ, hầu như ngày nào chúng ta cũng mừng một vị thánh nào đó. Có những vị thánh rất nổi tiếng. Cũng có những vị thánh xa lạ hơn với chúng ta. Ấy vậy mà cũng không thể mừng hết số lượng đông đảo các ngài. Đó là chưa kể đến những vị mà nhân đức anh hùng của họ chưa được Giáo Hội biết đến và tôn vinh. Vì thế, Giáo Hội đã dành ngày 1.11 hàng năm để kính nhớ toàn thể các thánh trên trời, chúc mừng họ, vì họ đã khải hoàn chiến thắng một cách oanh liệt trong cuộc chiến với ma quỷ, đã chà đạp chúng bằng niềm tin vào Đức Kitô. Trong số đó, biết đâu có cả ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè, người thân của chúng ta mà chúng ta không hề biết.

 

Sách Khải Huyền cho chúng ta biết rằng, họ là “đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế” (Kh 7,9). Quả vậy, không sao có thể kể hết sự phong phú trong cộng đoàn các thánh. Sự phong phú này về giới tính, trình độ học vấn, quốc gia, nghề nghiệp, vai trò trong xã hội, bậc sống… cho chúng ta một ấn tượng rằng lời mời gọi nên thánh là dành cho tất cả mọi người (như công đồng Vaticano II khẳng định). Thiên Chúa thông ban sự thánh thiện của mình cho tất cả mọi người và bất cứ ai cũng có thể được tham dự vào sự thánh thiện đó bằng những nỗ lực và dấn thân của mình.

 

Chúng ta biết đến các thánh được gọi là tiến sĩ Hội Thánh, họ có những tư tưởng thần học xuất sắc, giúp bảo vệ, khai sáng và truyền bá đức tin tinh tuyền. Cũng có những vị thánh được gọi là tử đạo, những người đã dùng mạng sống của mình để chứng minh tình yêu của mình dành cho Chúa Kitô. Có các thánh là những giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, những người đã hiến thân cuộc đời mình như của lễ tinh tuyền dâng lên Chúa, được diễn tả qua việc sống đời chiêm niệm hoặc dấn thân phục vụ cộng đoàn dân Chúa như dấu chỉ của Nước Trời. Có các thánh đã cao niên và cũng có các thánh vẫn còn rất trẻ. Có những vị thánh xuất thân thấp hèn, thuộc giới nô lệ hay lao động chân tay, cũng có những vị vốn là dòng dõi vua chúa, có trong tay mọi của cải và quyền lực nhưng sẵn sàng coi chúng như là “rác so với mối lợi tuyệt vời là biết Đức Kitô” (x.Pl 3,8). Có những vị thánh suốt ngày bôn ba trên khắp các nẻo đường gian khổ để rao giảng Tin Mừng, và cũng có những người là bố, là mẹ trong gia đình với mối bận tâm là giáo dục con cái và biến gia đình nhỏ bé của mình thành một tổ ấm yêu thương…

 

Dù đông đảo và phong phú như thế, nhưng tất cả các thánh đều có một điểm chung: họ đã sống các mối phúc mà Chúa Giêsu đã dạy một cách phi thường. Một tài liệu cổ xưa gọi họ là những người “sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian; chân còn chạm đất, nhưng lòng luôn hướng về trời”. Họ là những người “sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng (Tv 14), “những cô trinh nữ khôn ngoan” (Mt 25,1-13), là những người đã luôn làm lời những nén bạc Chúa trao (x.Mt 25,14-30), những người đứng bên phải Nhà Vua trong ngày phán xét vì đã thực thi lòng bác ái với những người đói rách, bệnh tật, bị bỏ rơi (x.Mt 25,31-46)… Họ là những người luôn tín thác vào Chúa, dành cho Chúa chỗ nhất trong trái tim, đi theo Chúa trên chặng đường thập giá đến phút cuối cùng. Trong số các vị thánh, có rất nhiều vị đã từng chối Chúa, theo lạc giáo, phạm nhiều tội nặng, nhưng nhờ tin vào lòng thương xót của Chúa, họ quay lại, đứng lên và làm lại cuộc đời. Những vị này thật đáng cho chúng ta kính ngưỡng.

 

Nhiều người cho rằng một vị thánh nhân thường có lối sống lạ đời, rằng họ chẳng có trải nghiệm gì về những điều trần thế, họ phải bỏ đi hết mọi thú vui và cuộc sống của họ thật nhàm chán; cung cách sống của họ, do khác với người khác, nên biến họ trở thành những người lạc lõng giữa thế gian. Nghĩ đến một sự buông bỏ triệt để, người ta sợ và không muốn làm thánh; họ hài lòng với một cuộc sống “lưng chừng”, không làm hại ai để mang tiếng xấu, nhưng cũng không cần phải quá tốt để làm thiệt hại cho bản thân. Đối với họ, cuộc sống cứ trôi qua nhẹ nhàng, không tai ương, không bệnh tật… vậy là đủ rồi. Cái danh hiệu “thánh nhân”, họ không dám mơ tới và cũng không phải là mục tiêu của cuộc đời họ.

 

Có lẽ, ở một phương diện nào đó, các thánh cũng có một sự “lẻ loi” trong cuộc sống khi họ không sống và hành xử theo thói đời. Họ thậm chí có thể bị người khác dè bĩu vì sự “quá tốt bụng” của mình. Tại sao phải “dành phần hơn cho người khác” (Pl 2,3)? Tại sao phải tha thứ, chứ không phải trả thù? Tại sao không dùng “miếng trả miếng” cho hả cơn giận và trút bỏ những ấm ức, mà lại chọn nhẫn nhịn và bỏ qua? Tại sao không tranh giành để thủ đắc thật nhiều của cải cho bản thân mà lại sẵn sàng cho đi? Tại sao phải lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của mình? Tại sao phải cảm thấy nhói lòng và thấy mình phải làm cái gì đó khi người khác không có cái ăn, cái mặc, chịu những giá lạnh trời đông?…

 

Các thánh khác chúng ta vì họ nhìn thực tại sâu hơn và xa hơn, với lòng trắc ẩn và bác ái chứ không phải vì thước đo lợi ích. Họ đụng chạm được đến chiều kích thần thánh nằm ngay tận cốt lõi của ơn gọi làm người, đó là lòng thương xót, tình yêu thương. Họ nghiệm được giá trị cao quý của nó và họ hiện thực hoá nó trong cuộc sống của mình. Họ không chê bỏ những niềm vui chính đáng của đời này, nhưng họ chọn và tìm kiếm niềm vui mang tính vĩnh hằng hơn. Hành trình tiến đến sự vĩnh hằng đó, là hành trình đi vào trong sự thánh thiện của Chúa và hệ quả tất yếu của nó chính là sự lạc quan, niềm hạnh phúc, sự bình an sâu thẳm. Chúng thấm vào trong các vị thánh và toả ra bên ngoài như cành hoa thơm. Một vị thánh chính là một con người đúng nghĩa, loài được dựng nên “theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa” (St 1,26).

 

Các vị thánh đã thật sự gạt bỏ được mọi dính bén hồng trần, nên chẳng quan tâm đến chuyện mình được tôn vinh hay không. Chẳng một vị thánh đích thực nào lại đi tìm kiếm sự thừa nhận từ người khác. Việc Giáo hội tôn vinh một vị thánh hay mời gọi chúng ta kính nhớ các ngài trong suốt năm phụng vụ, hay trong thánh lễ ngày 1.11, một mặt, để chúng ta cùng với các ngài tạ ơn Chúa vì Ngài đã cho phép và tạo điều kiện để con người chúng ta được thông dự vào sự thánh thiện của ngài; mặt khác, để chúng ta biết rằng việc nên thánh là điều có thể (mà các thánh là những chứng nhân rõ ràng nhất), đồng thời, để nhắc nhớ chúng ta rằng giữa trăm ngàn thử thách của cuộc sống và những cạm bẫy mà kẻ thù gây ra, chúng ta có hằng hà sa số các thánh thường xuyên và sẵn sàng chuyển cầu cho chúng ta. Chúng ta như thể được bao bọc bởi ân sủng của Chúa nhờ các ngài. Mỗi một người chúng ta, tuỳ theo bối cảnh gia đình, xã hội, tính cách… đều có thể tìm thấy cho mình một mẫu gương để noi theo nơi một hay một vài vị thánh nào đó mà Chúa ban cho Giáo hội.

 

Như một truyền thống tốt đẹp của Giáo Hội, mỗi chúng ta đều có một vị thánh bổn mạng, người mà chúng ta nhận là đấng bảo trợ trong suốt hành trình dương gian của mình. Vị thánh ấy hằng theo bước chúng ta, nâng đỡ chúng ta, chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta và đang chờ đợi chúng ta cùng gia nhập cộng đoàn của những người chiến thắng trên Thiên Đàng. Hãy nhớ đến vị thánh ấy, cầu nguyện với ngài và cố gắng noi gương nhân đức của ngài. Như thế, việc mừng lễ các thánh hôm nay, như lời thánh Bernardo nói, không phải vì các ngài mà là vì chúng ta, vì khi nhớ đến các ngài, chúng ta như được thêm sức mạnh và hy vọng để tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hầu mai sau cũng sẽ được dự phần Thiên Quốc như các ngài.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Thứ Ba, 15 tháng 8, 2023

Thư Gửi Mẹ Lên Trời

Mẹ Maria kính yêu, 


Việc Mẹ được đặc ân lên trời cả hồn và xác là biến cố trọng đại và ý nghĩa cho toàn thể nhân loại. Trọng đại vì đó là phần thưởng tuyệt hảo mà Thiên Chúa đã dành riêng cho Mẹ; ý nghĩa vì Mẹ là người khởi đầu của Hội Thánh viên mãn, là niềm vui và hy vọng lớn lao cho dân thánh trong cuộc lữ thứ trần gian. Trên quê trời, Mẹ tiếp tục mời gọi chúng con bước theo Thầy Giêsu để mai này chúng con cũng được cùng Mẹ hưởng niềm vui Thiên quốc. Hôm nay (15/08) cả Giáo Hội chung chia niềm vui này với Mẹ để tán dương Thiên Chúa!


Còn nhớ ngày sứ thần truyền tin, Mẹ đã thưa tiếng “xin vâng” để trở thành Mẹ Thiên Chúa. Mẹ chấp nhận thánh ý để cùng với Con của Mẹ lao tác trong chương trình cứu độ. Chiêm ngắm hành trình Mẹ theo chân Thầy Giêsu, Con Mẹ, ai ai cũng nhận ra tình yêu và lòng tín thác tuyệt đối mà Mẹ dành cho Thiên Chúa. Đúng như lời hát du dương của Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi!” Không vui mừng hớn hở sao được bởi Mẹ thật diễm phúc vì hoa trái trong lòng Mẹ là Đấng cứu độ trần gian. Cả cuộc đời, Mẹ luôn ngân nga tiếng hát ấy với niềm vui thiêng liêng và lòng xác tín thẳm sâu!

Trên dương thế, Mẹ chẳng xa rời Đức Giêsu. Mẹ và Thầy Giêsu như hình với bóng. Lúc nào Mẹ cũng quảng đại cộng tác trong công cuộc cứu độ của Thiên Chúa. Có thể nói Mẹ là đóa hoa hướng dương luôn hướng về ánh Mặt Trời. Đóa hoa ấy luôn đầy tràn ân phúc vì Đức Chúa ở cùng Mẹ. Nhờ đó, Thiên Chúa ban cho Mẹ vô nhiễm khi hoài thai, đồng trinh vẹn sạch khi làm mẹ và ơn thăng thiên cả xác lẫn hồn. Mẹ cũng được gìn giữ khỏi bị hư nát trong mồ giống như Con của Mẹ. Chúng con hãnh diện lắm, mừng vui lắm khi Mẹ được đưa lên trời cả hồn và xác! Giờ đây Mẹ biết không, chúng con sung sướng chạy đến với Mẹ để nhờ Mẹ chuyển cầu cho chúng con trước nhan thánh Chúa.


Mẹ ơi! Đã từ lâu Giáo Hội có những thánh lễ nói về giây phút chấm dứt cuộc đời dương thế của Mẹ đấy. Mừng với Mẹ vì ai cũng tin rằng lần ra đi của Mẹ phải tốt đẹp, không chút đớn đau. Rồi dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, ngày 1/11/1950, Đức Piô XII long trọng tuyên bố: “Đức Maria, Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa trọn đời đồng trinh, sau cuộc sống trần gian này, đã được phúc vinh quang Thiên đàng cả hồn và xác.” Mẹ ơi, Ngài còn nói với chúng con rằng: “Chúng ta hãy nài xin Mẹ rất thánh của mọi phần tử của Chúa Kitô mà Ta đã tín thác hiến dâng loài người cho Trái Tim Mẹ. Ngày nay ở trên trời, thân xác và linh hồn Mẹ toả sáng trong vinh quang, hiển trị cùng với Con của Mẹ.” (“Corporis Mystici”, 29-6-1943).


Trái tim hiền mẫu của Mẹ luôn ước mong từng người con hãy tin yêu Chúa Giêsu. Mẹ cầu mong chúng con cũng được hưởng niềm vui Thiên Quốc như Mẹ. Ước gì chúng con luôn được ở trong Trái Tim nhân hiền của Mẹ. Mẹ ơi! Chúng con tin rằng thân xác sẽ sống lại trong ngày sau hết. Nếu tin yêu Chúa Giêsu Kitô, chúng con chắc chắn sẽ được sự sống đời đời, Mẹ nhỉ! Khi ấy, Mẹ-con mình sẽ trùng phùng vui sướng, hạnh phúc vô bờ! Hơn nữa, khi chiêm ngắm Mẹ lên trời cả hồn và xác, chúng con còn xác tín rằng: thân xác sẽ được cứu độ. Cho dẫu cuộc sống gian trần còn nhiều khổ đau thân xác và tâm hồn, nhưng nhờ Mẹ, chúng con sẽ được Thiên Chúa nhận lời đưa vào cuộc sống vĩnh hằng, thưa Mẹ!


Sau cùng, chúng con muốn cùng với Mẹ dâng lời “Ngợi khen” Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa, … Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!” Chính Người đã ban cho Mẹ nên Hiền mẫu tuyệt vời trên dương thế, nên Đức Mẹ rạng ngời trên Thiên quốc. Hôm nay và ở đây, Mẹ vẫn đang hát vang bài ca ấy để cầu mong từng người con dù sống dưới trần gian, nhưng hãy hướng tâm trí về Quê Trời. Nơi ấy Mẹ đang vẫy gọi và cầu nguyện cho mỗi người chúng con!


Lạy Mẹ Maria, trên Thiên quốc, xin Mẹ đoái nhìn đến cuộc sống lữ hành của chúng con. Xin Mẹ nhắc nhớ chúng con đừng quá mê man với cuộc sống chóng qua mà quên mất thực tại Nước Trời. Bên ngai tòa Thiên Chúa, xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng con có sức mạnh thần linh để chúng con một lòng tin yêu Thiên Chúa. Được như thế, chắc chắn chúng con sẽ gặp được Mẹ, để Mẹ dẫn chúng con đến hưởng nhan thánh Chúa. Amen.


Chúc mừng đặc ân Mẹ được Thiên Chúa đưa lên trời cả hồn và xác!


Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.

Người Tôi Yêu

Các bạn trẻ thân mến, Là phận nữ nhi, theo lẽ thường tình, lớn lên đến tuổi lấy chồng, ai cũng mong mình có được người bạn trai lý tưởng: Đẹ...